Thứ ba, 11/04/2023, 14:29 PM

Lần đầu tiên Bệnh viện Đà Nẵng ghép thành công tế bào gốc tự thân

(CL&CS) - Bệnh viện Đà Nẵng vừa thực hiện thành công ca ghép tế bào gốc tự thân đầu tiên cho bệnh nhân đa u tủy xương, mở ra cơ hội điều trị cho bệnh nhân ở miền Trung mắc các bệnh ác tính.

Bệnh nhân được chăm sóc đặc biệt sau khi ca mổ thành công (Ảnh: BVCC)

Bệnh nhân được chăm sóc đặc biệt sau khi ca mổ thành công (Ảnh: BVCC)

Ngày 11/4, bác sĩ Lê Đức Nhân, Giám đốc Bệnh viên Đà Nẵng cho biết, đơn vị vừa phối hợp chuyển giao kỹ thuật từ viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, thực hiện thành công ca ghép tế bào gốc tự thân đầu tiên cho bệnh nhân đau tủy xương.

Trước đó, Bệnh viện Đà Nẵng tiếp nhận bệnh nhân Lê Thị C (57 tuổi, trú huyện Quế Sơn, Quảng Nam) trong tình trạng thiếu máu kéo dài, đau xương nhiều. Bệnh nhân được cắt bỏ khối u vùng lưng, qua xét nghiệm sinh thiết khối u có chẩn đoán đa u tủy xương giai đoạn 3 nên chuyển khoa Nội thần kinh - Cơ xương khớp - Huyết học lâm sàng, được chỉ định điều trị hóa chất và ghép tủy bằng phương pháp ghép tế bào gốc tự thân cho người bệnh.

Ngay sau đó, bệnh viện Đà Nẵng đã thực hiện hội chẩn liên chuyên khoa và hội chẩn ngoại viện với Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương; đánh giá, lên kế hoạch ghép tủy bằng phương pháp ghép tế bào gốc tự thân cho người bệnh. Bệnh nhân được điều trị 4-5 đợt hóa chất, chuyển khu ghép tủy cách ly vô trùng tuyệt đối với phòng áp lực dương. Sau đó được gạn tách tế bào gốc và truyền lại vào lại cơ thể bằng đường truyền tĩnh mạch...

Dưới sự chỉ đạo của Ban Giám đốc Bệnh viện Đà Nẵng, chuẩn bị kỹ càng trước ghép, cùng sự chuyển giao kỹ thuật từ Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương đã hỗ trợ, giúp ca ghép tủy của bệnh nhân được thực hiện thành công.

Sau ghép, người bệnh tiếp tục được theo dõi sát, chăm sóc tích cực trong khu vực vô trùng, có hiện tượng sốt, tiêu chảy nhưng sau đó hoàn toàn ổn định. Hiện tại, tình trạng bệnh nhân đã ổn định, ăn uống đi lại bình thường và có thể xuất viện.

Ê kíp y bác sĩ của Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương chuyển giao kỹ thuật ghép tế bào gốc cho Bệnh viện Đà Nẵng (Ảnh: BVCC)

Ê kíp y bác sĩ của Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương chuyển giao kỹ thuật ghép tế bào gốc cho Bệnh viện Đà Nẵng (Ảnh: BVCC)

Theo bác sĩ Trần Thị Thanh Hương, Khoa Nội Thần kinh - Cơ xương khớp - Huyết học lâm sàng, người trực tiếp thực hiện ca ghép, khó khăn được đặt ra đối với bệnh nhân C. là sự giảm miễn dịch, nhiễm siêu vi làm máu giảm liên tục không hồi phục, phải theo dõi điều trị sát sao một thời gian dài để máu phục hồi rồi mới thực hiện ghép.

Tế bào gốc là loại tế bào đặc biệt với khả năng tự đổi mới và biệt hóa thành các loại tế bào có các chức năng khác nhau trong cơ thể.

Các loại tế bào gốc có thể giúp bổ sung, thay thế, sửa chữa những tế bào già yếu hoặc bị tổn thương, với nhiều loại tế bào gốc khác nhau.

“Ghép tế bào gốc tạo máu tự thân là phương pháp lấy tế bào gốc của chính người bệnh ghép lại cho người bệnh. Các tế bào gốc hỗ trợ và giúp phục hồi nhanh chóng hệ thống sinh máu của người bệnh sau hóa trị liệu liều cao, nhằm phòng tránh những biến chứng đe dọa tính mạng. Ghép tế bào gốc tạo máu tự thân được chỉ định điều trị cho các bệnh bạch cầu, hội chứng tăng sinh tủy, bệnh đa u tủy, bệnh bạch cầu, bệnh Hodgkin, ung thư tinh hoàn…”, bác sĩ Hương cho biết thêm.

Theo TS.BS Lê Đức Nhân - Giám đốc Bệnh viện Đà Nẵng, từ năm 2019-2020, Bệnh viện Đà Nẵng đã cử các bác sĩ khoa Nội Thần kinh, Cơ xương khớp, Huyết học lâm sàng đi học tại Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương về kỹ thuật này để phục vụ điều trị.

“Việc Bệnh viện Đà Nẵng thực hiện thành công ca ghép tủy bằng tế bào gốc tự thân là một bước tiến vượt bậc trong công tác điều trị, thể hiện trình độ chuyên môn của các bác sỹ đã làm chủ được kỹ thuật chuyên sâu, mở ra hướng đi mới và hi vọng chữa khỏi bệnh cho người mắc các bệnh lý ác tính”, TS.BS Lê Đức Nhân cho biết.

Tại Bệnh viện Đà Nẵng, mỗi năm có khoảng 30 bệnh nhân được chẩn đoán và điều trị đa u tủy xương, cần ghép tế bào gốc. Trước tình trạng này, Bệnh viện Đà Nẵng đã xây dựng Trung tâm ghép tạng và tế bào gốc, giúp bệnh nhân có thể tiếp cận dịch vụ điều trị tốt hơn, đồng thời, bệnh viện và bác sĩ có thể tiếp cận nguồn cung cấp tạng hiệu quả hơn, tăng khả năng phát hiện và tiếp cận tạng phù hợp với bệnh nhân cần ghép.

Ngoài ra, Trung tâm ghép tạng và tế bào gốc còn đóng vai trò quan trọng trong việc nghiên cứu và phát triển các phương pháp mới trong lĩnh vực ghép tạng và tế bào gốc nhằm cải thiện kết quả điều trị cho bệnh nhân, đồng thời giảm thiểu các rủi ro và tác động xấu đến sức khỏe của bệnh nhân.

Thế Sơn

Bình luận

Nổi bật

Bộ Y tế khuyến cáo phòng, chống bệnh sởi đối với nhóm có nguy cơ diễn biến nặng

Bộ Y tế khuyến cáo phòng, chống bệnh sởi đối với nhóm có nguy cơ diễn biến nặng

sự kiện🞄Thứ hai, 14/04/2025, 17:56

(CL&CS) - Bộ Y tế cho biết, bệnh sởi lây lan nhanh nhất trong số các bệnh truyền nhiễm, tất cả mọi người đều có nguy cơ mắc bệnh sởi. Trong đó, bệnh có thể gây biến chứng nguy hiểm như viêm phổi, viêm não, viêm tai giữa, viêm loét giác mạc hoặc tiêu chảy, thậm chí tử vong.

Đáp ứng y tế phục vụ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước

Đáp ứng y tế phục vụ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước

sự kiện🞄Thứ hai, 14/04/2025, 17:56

(CL&CS) - Sở Y tế Hà Nội vừa có kế hoạch triển khai đáp ứng y tế phục vụ các hoạt động kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025).

Hướng tiếp cận mới trong chẩn đoán và điều trị ung thư

Hướng tiếp cận mới trong chẩn đoán và điều trị ung thư

sự kiện🞄Thứ hai, 14/04/2025, 17:55

(CL&CS)- Hội thảo khoa học “Sinh thiết lỏng trong kỷ nguyên y học cá thể hóa” do Bệnh viện Gia An 115, Viện nghiên cứu & Đào tạo y dược Gia An 115 tổ chức đã thu hút sự tham gia của hơn 200 chuyên gia, bác sĩ, nhân viên y tế, nhà nghiên cứu trong lĩnh vực ung thư, công nghệ sinh học, y học chính xác… trong nước và quốc tế.