Lãi suất cho vay sẽ giảm?

(NTD) - Mới đây, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết sẽ hỗ trợ để tiếp tục giảm lãi suất cho vay, chú trọng cho vay doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp khởi nghiệp… Tuy nhiên, theo các chuyên gia, dư địa để giảm lãi suất hiện nay còn rất ít, nếu không muốn nói là rất khó khăn.

NHNN “hứa” giảm lãi suất cho vay

Theo thông tin từ NHNN, từ cuối tháng 4/2016 đến nay, các ngân hàng thương mại (NHTM) Nhà nước và một số NHTM cổ phần đã giảm khoảng 1%/năm lãi suất cho vay ngắn hạn và điều chỉnh giảm về tối đa 10%/năm lãi suất cho vay trung và dài hạn đối với khách hàng tốt, vay vốn phục vụ sản xuất kinh doanh. Mặt bằng lãi suất cho vay của các tổ chức tín dụng (TCTD) hiện chỉ bằng 40% lãi suất cho vay năm 2011, thấp hơn mức lãi suất cho vay giai đoạn 2005-2006.

Thống đốc Lê Minh Hưng cho hay: Mặt bằng lãi suất huy động và cho vay diễn biến ổn định từ năm 2016 đến nay, đặc biệt từ cuối tháng 9/2016, một số TCTD đã giảm 0,3-0,5%/năm lãi suất huy động, giảm 0,5-1%/năm lãi suất cho vay đối với sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên. Như vậy, mặt bằng lãi suất hiện nay đã giảm mạnh (chỉ bằng 40% lãi suất cuối năm 2011), phù hợp với mục tiêu điều hành, diễn biến tiền tệ và lạm phát, đồng thời bảo đảm hài hòa lợi ích của người gửi tiền - TCTD và khách hàng vay.

Tuy nhiên, so với các nước trong khu vực thì mức lãi suất này vẫn ở mức cao. Lý giải vấn đề này, Thống đốc NHNN cho biết một số nước trong khu vực (như Nhật Bản, Trung Quốc) có lãi suất cho vay thấp vì: Lạm phát được kiềm chế ở mức thấp, kinh tế vĩ mô ổn định; khả năng dự báo và hoạch định kế hoạch sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp cao; hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp không quá phụ thuộc vào tín dụng ngân hàng.

Trong khi Việt Nam là nước đang phát triển nên nhu cầu vốn rất lớn, lạm phát chưa ổn định… đã ảnh hưởng tới mặt bằng lãi suất cho vay. So với các nước trong khu vực ASEAN thì Việt Nam ở mức 6-11%/năm, ngoại tệ 3-4%/năm là mức tương đối hợp lý so với bối cảnh tương quan Việt Nam và khu vực.

Trong buổi Thủ tướng gặp gỡ doanh nghiệp, đại diện NHNN cho biết thời gian tới sẽ tiếp tục chỉ đạo điều hành lãi suất vĩ mô ổn định, chỉ đạo các ngân hàng tiếp tục giảm lãi suất cho vay, chú trọng cho vay doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp khởi nghiệp…

19198389_813688955457623_702748085_n
Theo TS Nguyễn Trí Hiếu thì NHNN khó "bắt" các NHTM giảm lãi suất. Ảnh: Mai Trinh

Lãi suất cho vay khó giảm

Báo cáo tổng hợp các ý kiến chất vấn của cử tri Kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa 14 cho biết cử tri TP.HCM kiến nghị ngành ngân hàng cần có cơ chế, chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Phát biểu tại hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp năm 2017, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cũng nêu kiến nghị NHNN và hệ thống NHTM tiếp tục nghiên cứu các giải pháp phù hợp để nới lỏng điều kiện cho vay, giảm lãi suất hỗ trợ doanh nghiệp.

Như vậy, từ giờ đến cuối năm, lãi suất còn “cửa” nào có thể giảm được để hỗ trợ các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ?

Theo Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS), trong năm 2017, mặt bằng lãi suất sẽ vẫn tiếp tục chịu áp lực với những vấn đề còn tồn tại trong hệ thống ngân hàng như kể trên kéo theo việc cạnh tranh huy động và những biến động trên thị trường thế giới, đặc biệt là lộ trình tăng lãi suất của FED đi cùng rủi ro tỷ giá. Theo đó VCBS đánh giá lãi suất sẽ rất khó giảm thêm.

Cũng theo VCBS nếu như nợ xấu được xử lý quyết liệt hơn, thì nhiều khả năng vẫn còn dư địa để lãi suất cho vay có thể giảm tiếp dù với biên độ không nhiều.

Theo TS.Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng, về lý thuyết, giảm lãi suất cho vay là việc NHNN có thể làm được, bằng cách mua lại trái phiếu trên thị trường mở OMO, mua lại trái phiếu Chính phủ của các NHTM, đẩy lượng tiền lớn vào lưu thông. Làm được như vậy giá vốn sẽ giảm, lãi suất cho vay sẽ giảm.

Tuy nhiên, theo ông Hiếu thì trên thực tế để làm được điều này không phải dễ với NHNN Việt Nam. Vì NHNN Việt Nam không có tính độc lập mà phụ thuộc rất lớn vào Bộ Tài chính, trong khi lãi suất trái phiếu Chính phủ ở nước ta thường khá cao. Do đó dù có công cụ nhưng NHNN không thể độc lập sử dụng để giảm lãi suất bằng cách bơm tiền ra được.

NHNN đang bị “rơi” vào thế khó khi mà vừa phải lo ổn định lạm phát, lại vừa chịu sức ép trước lãi suất trái phiếu Chính phủ, cùng với đó cũng không thể bắt các NHTM giảm lãi suất để chịu lỗ. Vì thế, dư địa để giảm lãi suất hiện nay còn rất ít, nếu không muốn nói là rất khó khăn.

ngan-hang-nao-lam-viec-chieu-t7
Nếu nợ xấu được xử lý quyết liệt hơn, vẫn còn dư địa để giảm lãi suất cho vay. (Hình mang tính minh họa).

 Vân Lam

_NTD_So 100_xem8
 

Bình luận

Nổi bật

Thương hiệu - Từ niềm tin chuyển hóa thành tài sản

Thương hiệu - Từ niềm tin chuyển hóa thành tài sản

sự kiện🞄Thứ tư, 01/05/2024, 15:36

Từ quan niệm kinh doanh phải giữ uy tín đến tư duy coi thương hiệu là một loại tài sản, các doanh nhân Việt đã có sự đầu tư bài bản cho chiến lược thương hiệu.

Rạng Đông kỷ niệm 60 năm Ngày Bác Hồ về thăm nhà máy

Rạng Đông kỷ niệm 60 năm Ngày Bác Hồ về thăm nhà máy

sự kiện🞄Thứ tư, 01/05/2024, 15:35

(CL&CS)- Mới đây tại Hà Nội, Công ty Cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông đã long trọng tổ chức Lễ Báo công, kỷ niệm 60 năm ngày Bác Hồ về thăm Công ty (28/4/1964 - 28/4/2024) và 20 năm thành lập Công ty Cổ phần (15/7/2004 - 15/7/2024) với chủ đề “Khát vọng Rạng Đông - 60 năm hành trình theo chân Bác”.

Quý 1/2024, nhân sự ngành ngân hàng giảm 1.437 người

Quý 1/2024, nhân sự ngành ngân hàng giảm 1.437 người

sự kiện🞄Thứ tư, 01/05/2024, 15:34

(CL&CS) - Trong quý 1 vừa qua, lần đầu tiên 27 ngân hàng niêm yết đã cắt giảm nhân sự với số lượng lên đến 1.437 người. Trong đó, 20/27 ngân hàng mẹ đã cắt giảm nhân sự.