Thứ năm, 15/02/2024, 18:58 PM

Kinh tế Việt Nam 2024: Triển vọng tích cực

(CL&CS) - 2024 phải là năm tăng tốc, năm bứt phá để hoàn thành Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 trong bối cảnh nền kinh tế phải chịu tác động nặng nề từ hậu quả của đại dịch Covid-19, bất ổn “khó lường” từ tình hình kinh tế, chính trị trên thế giới và cả những vấn đề nội tại của nền kinh tế.

Hoạt động sản xuất tại Công ty TNHH Rhythm Precision Việt Nam. Ảnh: PHẠM HÙNG

Hoạt động sản xuất tại Công ty TNHH Rhythm Precision Việt Nam. Ảnh: PHẠM HÙNG

Động lực tăng trưởng: cũ và mới

Năm 2023 khép lại với một hành trình nhiều khó khăn và chông gai với hầu hết các nền kinh tế trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Lạm phát cao, lãi suất tăng và tăng trưởng chậm là những vấn đề nổi cộm của kinh tế toàn cầu năm 2023, trong đó, áp lực lạm phát luôn thường trực và bủa vây nhiều nền kinh tế lớn. Trong bối cảnh suy giảm tổng cầu, hoạt động sản xuất, kinh doanh, đầu tư và thương mại của doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng đáng kể, đặc biệt với một nền kinh tế có độ mở lớn như Việt Nam.

Báo cáo “Kinh tế Việt Nam năm 2023 và triển vọng năm 2024: Cải cách để tăng tốc phục hồi tăng trưởng” của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) công bố mới đây cũng đã đưa ra 2 kịch bản dự báo triển vọng kinh tế Việt Nam trong năm 2024. Theo đó, tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm 2024 có thể đạt mức 6,13% theo kịch bản 1 và 6,48% trong kịch bản 2. Cùng với đó, xuất khẩu cả năm dự báo tăng 4,02% trong kịch bản 1 và tăng 5,19% trong kịch bản 2. Thặng dư thương mại dự báo tương ứng ở các mức 5,64 tỷ USD và 6,26 tỷ USD. Lạm phát bình quân năm 2024 dự báo lần lượt ở mức 3,94% và 3,72%.

Vượt qua những “cơn gió ngược”, Việt Nam giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ kết hợp hiệu quả giúp kiểm soát lạm phát ở vùng an toàn khi CPI cả năm tăng 3,25%, đạt mục tiêu Quốc hội đề ra; lãi suất điều hành giảm dần là cơ sở để giảm lãi suất cho vay hỗ trợ sản xuất. GDP cả năm đạt 5,05%, dù không đạt mục tiêu đặt ra nhưng trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều bất ổn, kinh tế năm 2023 của nước ta duy trì đà tăng trưởng tích cực, quý sau cao hơn quý trước.

Năm 2024 được nhận định là năm thế giới tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức khó lường trước. Một số động lực tăng trưởng truyền thống của nền kinh tế Việt Nam vẫn giữ dấu hiệu giảm tốc do tốc độ phục hồi kinh tế thế giới chậm, đặc biệt tại các thị trường chủ yếu về xuất khẩu và thương mại của Việt Nam. Tuy nhiên, những cơ hội mới lại mở ra từ hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, các xu hướng tất yếu mới được đánh giá có khả năng tạo động lực mạnh mẽ hơn cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam như: đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ trong đó có công nghệ bán dẫn và trí tuệ nhân tạo, kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, phát thải carbon thấp hướng tới net-zero...

Nhận định về mục tiêu tăng trưởng năm 2024 ở mức 6 - 6,5%, TS Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cho rằng, đây là mục tiêu khá thách thức, nhưng có thể đạt được. Bên cạnh sự lan tỏa của đầu tư công, tiêu dùng nội địa vẫn là động lực chính cho tăng trưởng. “Cơ hội và thách thức cho tăng trưởng là đan xen. Việt Nam đã và đang khẳng định có thể đi ngược để duy trì, phục hồi đà tăng trưởng bền vững”, TS Nguyễn Quốc Việt nhấn mạnh.

Đồng tình với quan điểm trên, TS Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) cũng cho rằng, năm 2024 còn nhiều khó khăn với kinh tế Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung, tuy nhiên, nếu duy trì và cải cách thể chế tốt hơn, kinh tế Việt Nam có thể tự tin về khả năng có những kết quả tích cực trong thời gian tới.

Cần làm gì để không bỏ lỡ “chuyến tàu” tăng trưởng?

Dự báo về tình hình kinh tế năm 2024, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương) TS. Trần Quốc Phương cho rằng, trong năm 2024, triển vọng kinh tế thế giới sẽ có nhiều dấu hiệu lạc quan tác động tích cực đến Việt Nam. Theo đó, năm 2024 lạm phát ở các nền kinh tế lớn bắt đầu hạ, giá hàng hóa thế giới đang thấp và khó tăng đột biến; kinh tế vĩ mô Việt Nam ổn định, cung hàng hóa dồi dào... giúp kiềm chế hàng hóa. Sản xuất và xuất khẩu phục hồi nhờ đơn giá đặt hàng bên ngoài tăng (khi lạm phát và tồn kho giảm ở các thị trường xuất khẩu chính). Bên cạnh đó, dòng vốn FDI vào Việt Nam tăng từ cuối năm 2023 sẽ góp phần vào quá trình phục hồi. Chính phủ tiếp tục thực hiện chính sách tài khoá mở rộng phục hồi kinh tế; lãi suất cho vay được kỳ vọng sẽ xuống thấp, giảm chi phí vốn cho doanh nghiệp. Kinh tế vĩ mô tương đối ổn định do lạm phát thấp, nợ công thấp… sẽ là những điều kiện thuận lợi cho quá trình phục hồi của kinh tế Việt Nam.

Theo các chuyên gia, năm 2024, tăng trưởng kinh tế chủ yếu sẽ dựa vào “cỗ xe tứ mã” gồm: đổi mới, đảm bảo tính đồng bộ về thể chế và môi trường pháp lý cho phát triển kinh tế; thúc đẩy tiêu dùng của thị trường trong nước; thực hiện nhanh, hiệu quả vốn đầu tư công; thúc đẩy xuất khẩu hàng hoá và dịch vụ. Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương cho rằng để đạt được các mục tiêu tăng trưởng trong năm 2024 phải ổn định tình hình kinh tế – chính trị – xã hội, tạo niềm tin cho người đầu tư; kiểm soát tốt lạm phát. Cùng với đó, phát huy hiệu quả các chính sách tài khóa; chính sách tiền tệ nhằm hỗ trợ doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận nguồn vốn tín dụng; chính sách thúc đẩy đầu tư công, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các thị trường đất đai, bất động sản, xây dựng, du lịch, vốn.

Đồng thời, các bộ, ngành, địa phương cần đẩy nhanh tiến độ đầu tư công, ưu tiên các dự án sắp hoàn thành; sớm đưa vào sử dụng các dự án có quy mô, có tiềm năng nhằm duy trì và mở rộng năng lực sản xuất, kinh doanh. Song song với giảm thuế, hoãn thuế, cần tận dụng tốt các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết; đẩy mạnh đàm phán, ký kết thêm các FTA mới; tăng cường cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường kinh doanh thông thoáng cho doanh nghiệp.

“Ngoài ra, cũng cần thực hiện có hiệu quả các chương trình xúc tiến thương mại thị trường trong nước, thúc đẩy phân phối hàng hóa qua nền tảng số, thương mại điện tử để mở rộng tiêu dùng nội địa; vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Hương nhấn mạnh.

Theo Tạp chí Hải quan

Bình luận

Nổi bật

Chuyện ít biết về cây cầu ở Thủ đô được thế giới hết lời khen ngợi: Thành lập ngân hàng và quận riêng để quản lý, 8.300 công nhân thi công ròng rã 11 năm

Chuyện ít biết về cây cầu ở Thủ đô được thế giới hết lời khen ngợi: Thành lập ngân hàng và quận riêng để quản lý, 8.300 công nhân thi công ròng rã 11 năm

sự kiện🞄Thứ hai, 29/04/2024, 07:37

Theo tính toán của các chuyên gia cầu đường, hiện nay, nếu xây dựng một cây cầu tương đương quy mô cây cầu này, kinh phí sẽ không dưới 500 triệu USD.

Tỉnh sát vách TP. HCM 'tham vọng' lọt top 3 nền kinh tế lớn nhất Việt Nam: Hệ thống giao thông hoành tráng là 'át chủ bài'

Tỉnh sát vách TP. HCM 'tham vọng' lọt top 3 nền kinh tế lớn nhất Việt Nam: Hệ thống giao thông hoành tráng là 'át chủ bài'

sự kiện🞄Thứ hai, 29/04/2024, 07:34

Những thành tựu địa phương đã được trong thời gian qua cho thấy mục tiêu này của tỉnh không hề xa vời.

Cao tốc Bắc - Nam đón tin vui, cả trăm km chính thức thông xe

Cao tốc Bắc - Nam đón tin vui, cả trăm km chính thức thông xe

sự kiện🞄Chủ nhật, 28/04/2024, 23:20

Sau khi các cao tốc này được thông xe sẽ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, kích cầu tiềm năng du lịch các tỉnh Khánh Hòa, Nghệ An và các tỉnh Bắc Trung Bộ, Nam Trung Bộ.