Văn hóa và Đời sống
Thứ tư, 06/03/2024, 16:38 PM

Kiến trúc sư người Việt Nam đầu tiên đoạt giải Khôi nguyên La Mã, từng thiết kế Dinh Độc Lập và hàng loạt công trình biểu tượng trên khắp đất nước

Tên tuổi của vị kiến trúc sư tài ba này gắn liền với nhiều công trình nổi tiếng trên khắp lãnh thổ Việt Nam như Dinh Độc Lập, Viện Đại học Huế, chợ Đà Lạt...

Tuổi thơ vất vả và mối lương duyên đặc biệt

Ngô Viết Thụ sinh ngày 17/09/1926, thuộc thế hệ thứ 17 họ Ngô Viết làng Lang Xá xã Thủy Thanh thị xã Hương Thủy tỉnh Thừa Thiên - Huế. Ông sinh ra trong một gia đình trí thức gia giáo làm giáo viên Trường Kỹ thuật Huế, thân sinh ông cũng là một nhà Nho học với kiến thức uyên thâm và từng thiết kế kiến trúc và trang trí cho một số công trình của dòng họ tại Huế.

Chân dung kiến trúc sư Ngô Viết Thụ

Chân dung kiến trúc sư Ngô Viết Thụ

Thuở nhỏ gia đình nghèo khó, cuộc sống vất vả nhọc nhằn, Ngô Viết Thụ ở với ông ngoại, được ông kèm dạy chữ Nho, sau từng vào học thợ tiện ở ngôi trường của cha, dự định nếu đường công danh trắc trở sẽ trở về quê làm thợ cơ khí kiếm sống. Vốn có tư chất thông minh, thừa hưởng các phẩm chất của cha ông, lại lớn lên trong môi trường học thức, Ngô Viết Thụ được bồi đắp thêm óc sáng tạo, am tường sâu rộng kiến thức Hán Nôm, cũng là một thợ tiện có tay nghề cao, những nhân tố đó đã giúp ích rất nhiều cho sự nghiệp sau này.

Học xong trung học, năm 18 tuổi Ngô Viết Thụ thi vào Trường Kiến trúc Đà Lạt thuộc Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương và trở thành tân sinh viên trường này. Trong thời gian ở Đà Lạt, ông đã kết hôn với bà Võ Thị Cơ, một phụ nữ phẩm hạnh, gia giáo của xứ sở sương mù. Cuộc tình của ông bà được kể như một mối lương duyên tiền định.

Sau khi tốt nghiệp Trường Kiến trúc Đà Lạt, chàng kiến trúc sư trẻ Ngô Viết Thụ được bố vợ tạo điều kiện cho đi Pháp du học. Tuy nhiên, ông tỏ ra áy náy vì gia cảnh nghèo khó của mình, bản thân lại không muốn sống dựa vào nhà vợ. Hiểu rõ điều đó, người vợ trẻ không muốn chồng bận tâm áy náy, đã xin nghỉ học ở nhà phụ giúp cha mẹ buôn bán lấy tiền cho chồng du học.

Ngô Viết Thụ và vợ

Ngô Viết Thụ và vợ

Hiểu được ân tình của vợ, trong thời gian học tập xa quê, ông không dám ham chơi như các bạn đồng học tại Paris mà dành hết thời gian vào việc học hành, mong có ngày gặt hái thành quả. Sau này ông kể, có nhiều buổi dạ vũ tại đại học xá, âm nhạc vang vọng, các bạn sinh viên cử các cô đầm lên gõ cửa phòng để trêu ghẹo nhưng ông vẫn lặng lẽ ngồi trong phòng miệt mài vẽ các đồ án, bên cạnh tấm hình vợ bồng con gái đầu lòng.

Là người Việt đầu tiên đạt giải thưởng Khôi nguyên La Mã

Tại Pháp, Ngô Viết Thụ học ở trường Quốc gia Cao đẳng Mỹ thuật Paris. Thời gian đó, ông đã xuất sắc đoạt giải Paul Bigot do Viện Hàn lâm tổ chức. Năm 1955, ông bảo vệ đồ án tốt nghiệp kiến trúc sư xuất sắc D.P.L.G.

Cũng năm 1955, Học viện Hội họa và Điêu khắc tổ chức “Giải thưởng lớn Rôma” thường được gọi là giải “Khôi nguyên La Mã”. Đây là giải thường có truyền thống lâu đời từ năm 1663 ở Pháp dưới thời vua Louis XIV, dành cho những tài năng trẻ trong lĩnh vực âm nhạc, hội họa, điêu khắc và kiến trúc.

Vì là giải thưởng rất danh giá và lâu đời nên cuộc thi quy tụ được hàng trăm thí sinh xuất sắc nhất châu Âu. Ngô Viết Thụ được ưu tiên mời tham gia cuộc thi này vì trước đó ông đã đoạt giải Paul Bigot do Viện Hàn lâm tổ chức nên không cần tham gia vòng ngoài mà trực tiếp vào thi 3 vòng sau cùng. Ngô Viết Thụ đã xuất sắc vượt qua 2 vòng liền để lọt vào vòng chung kết với 10 thí sinh còn lại.

Hình ảnh của Ngô Viết Thụ khi học tập tại Pháp

Hình ảnh của Ngô Viết Thụ khi học tập tại Pháp

Để chuẩn bị cho bài thi của mình, Ngô Viết Thụ đã miệt mài vẽ kiến trúc công trình Ngôi thánh đường trên Địa Trung Hải. Đến lúc chỉ còn 1 tuần nữa là hết hạn thì ông mới nhận ra rằng mình đã mắc sai lầm khi chọn phương án thiết kế theo phong cách cổ điển. Mặc dù thời gian rất gấp, nhưng Ngô Viết Thụ vẫn quyết định mạo hiểm bỏ luôn bản cũ mà vẽ lại toàn bộ theo phong cách hiện đại với tư duy mới đột phá.

Bằng đôi tay khéo léo của người từng là thợ cơ khí, ông đã tự thiết kế một thiết bị nhỏ giúp ông một mình vẽ nhanh đồ án trên một diện tích giấy rộng trên 10 thước vuông mà chỉ mất chưa đầy 1 tuần. Đồ án tuyệt vời này đã giúp ông thành người Việt Nam đoạt giải “Khôi nguyên La Mã” với số phiếu 28/29 của Ban giám khảo.

Khi kết quả được công bố, bạn bè của Ngô Viết Thụ, chủ yếu là người Pháp, đã hân hoan công kênh ông lên vai trên những con phố ở Paris trong niềm vui sướng vô hạn. Cho đến bây giờ Ngô Viết Thụ vẫn là người châu Á duy nhất đoạt được giải thưởng “Khôi nguyên La Mã” này.

Ngay sau khi biết tin đoạt giải, Ngô Viết Thụ chạy ra bưu điện gửi hai điện tín về Huế cho cha mẹ và về Đà Lạt cho vợ con. Gia đình ông rất hãnh diện và nhận được nhiều lời khen tặng và chúc mừng của người thân, bạn bè và chính quyền thời đó.

Giành được giải thưởng danh giá, Ngô Viết Thụ được làm nghiên cứu về quy hoạch và kiến trúc ở cung điện Medicis tại Rome do Pháp tài trợ. Các triển lãm kiến trúc, quy hoạch và hội họa hàng năm của ông cùng những người đoạt giải “Khôi nguyên La Mã” đều được Tổng thống Pháp và Ý đến cắt băng khánh thành.

Kiến trúc sư đại tài và những bản thiết kế vĩ đại

Không những giỏi về thiết kế, Ngô Viết Thụ còn đặc biệt am hiểu về phong thủy và đã vận dụng nó một cách khéo léo, kín đáo qua từng bản thiết kế của mình. Sau khi trở lại Việt Nam, ông đã tham gia thiết kế nhiều công trình kiến trúc lớn, mang giá trị biểu tượng và còn tồn tại đến ngày nay.

Dinh Độc Lập là công trình để đời của ông

Dinh Độc Lập là công trình để đời của ông

Những thiết kế nổi bật của ông có thể kể đến như: Dinh Độc Lập, Viện Đại học Huế, nhà thờ Phủ Cam - Huế, Viện nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt, chợ Đà Lạt, Trường Đại học Nông nghiệp Sài Gòn, Trường Đại học Y khoa Sài Gòn, công trường Mê Linh, Bệnh viện Sông Bé 500 giường (1985), khách sạn Century Huế (1990), phác thảo chùa Trúc Lâm Đà Lạt. Ông còn cộng tác trong quy hoạch tổng mặt bằng của Hà Nội (đến năm 2000), và quy hoạch Hải Phòng.

Chợ Đà Lạt cũng là một trong những công trình tiêu biểu của Ngô Viết Thụ

Chợ Đà Lạt cũng là một trong những công trình tiêu biểu của Ngô Viết Thụ

Trong đó Dinh Độc Lập là công trình mà ông tâm đắc nhất, cũng là công trình biểu tượng của Sài Gòn lúc đó. Thiết kế Dinh Độc Lập đã thể hiện rõ nét quan niệm kiến trúc Việt hiện đại, không hề mang các chi tiết kiến trúc cổ điển nhưng vẫn có được sự hài hòa và mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, khác biệt hoàn toàn với các thiết kế khác cùng thời (kiến trúc cổ điển Pháp hoặc kiến trúc cung đình).

Dinh Độc Lập còn mang những yếu tố phong thủy đặc biệt với thiết kế hình chữ “Cát” mang lại sự may mắn, tốt lành, được xây dựng trên long mạch, với mong muốn đem lại sự thịnh vượng cho toàn bộ xã hội. Đây cũng là công trình đánh dấu phong cách thiết kế riêng biệt của vị kiến trúc sư đại tài Ngô Viết Thụ. 

Thùy Dung

Bình luận

Nổi bật

UNESCO chính thức công nhận thêm một di sản của Việt Nam, một địa phương thăng hạng lên 'điểm đến 8 di sản'

UNESCO chính thức công nhận thêm một di sản của Việt Nam, một địa phương thăng hạng lên 'điểm đến 8 di sản'

sự kiện🞄Thứ năm, 09/05/2024, 16:42

Điều này đã gia tăng thương hiệu di sản Huế, trở thành một điểm đến 8 di sản.

Chuyên gia trường đại học ở Nhật Bản: Đi bộ kiểu này là ‘chìa khóa’ sống thọ, tốt hơn ‘thuốc bổ’

Chuyên gia trường đại học ở Nhật Bản: Đi bộ kiểu này là ‘chìa khóa’ sống thọ, tốt hơn ‘thuốc bổ’

sự kiện🞄Thứ năm, 09/05/2024, 15:03

Nghiên cứu từ trường đại học ở Nhật Bản chỉ ra đi bộ theo cách này sẽ mang đến nhiều lợi ích cho sức khỏe.

Vụ hơn 56.200 chứng chỉ IELTS không được Bộ GD&ĐT công nhận: IDP khẳng định 'hơn 12.000 tổ chức trên thế giới vẫn chấp thuận'

Vụ hơn 56.200 chứng chỉ IELTS không được Bộ GD&ĐT công nhận: IDP khẳng định 'hơn 12.000 tổ chức trên thế giới vẫn chấp thuận'

sự kiện🞄Thứ năm, 09/05/2024, 14:18

Hôm nay, ngày 9/5, IDP Vietnam đã đưa ra thông báo phản hồi sau khi bị Thanh tra Bộ GD&ĐT kết luận đã cấp sai quy định hơn 56.200 chứng chỉ IELTS trong năm 2022.