Thứ bảy, 11/09/2021, 09:06 AM

Khánh Hòa: Thống nhất đề xuất di dời ga Nha Trang ra khỏi nội thành

(CL&CS) - Nhiều ý kiến cho rằng, những vấn đề phát sinh đằng sau việc di dời ga Nha Trang cần phải xem xét thận trọng, tiếp nhận ý kiến phản biện từ các chuyên gia và người dân bởi sự thận trọng đó không bao giờ là thừa.

Vừa qua, ngày 9/9, Tỉnh uỷ Khánh Hoà đã có thông báo kết luận của Thường trực Ban Chỉ đạo công tác lập quy hoạch tỉnh Khánh Hòa (Ban chỉ đạo quy hoạch Khánh Hoà) tại buổi họp với các đơn vị tư vấn là Viện Quy hoạch đô thị, nông thôn quốc gia - VIUP và Công ty McKinsey & Company Việt Nam về việc lập điều chỉnh quy hoạch chung TP Nha Trang đến năm 2040.

Tại cuộc họp, Ban chỉ đạo quy hoạch Khánh Hoà đã thống nhất về tầm nhìn đưa Khánh Hòa trở thành “Một tiêu chuẩn mới về chất lượng sống, làm việc và du lịch” của quy hoạch tỉnh Khánh Hòa thời kỳ 2021 - 2030. Trên cơ sở tầm nhìn quy hoạch tỉnh, đề nghị đơn vị tư vấn VIUP cần xác định rõ tầm nhìn, định hướng phát triển TP Nha Trang phải thật sự trở thành một nơi “đáng sống, làm việc và du lịch” có môi trường xanh, sạch và phát triển bền vững, có dịch vụ đa dạng, du lịch đẳng cấp, là trung tâm nghiên cứu sáng tạo của cả nước và khu vực.

Ga Nha Trang là một trong những ga đẹp nhất Đông Dương do người Pháp xây dựng

Ga Nha Trang là một trong những ga đẹp nhất Đông Dương do người Pháp xây dựng

Về quy hoạch mạng lưới giao thông theo hướng “đô thị thông minh” cho sự phát triển của TP Nha Trang trong tương lai, Ban chỉ đạo quy hoạch Khánh Hoà thống nhất đề xuất di dời Ga Nha Trang ra khỏi nội thành để xây dựng phương án bảo tồn.

Ga Nha Trang được xây dựng gần 100 năm trước. Vị trí hiện tại nằm ở trung tâm thành phố Nha Trang. Đoạn đường sắt để tàu vào ga Nha Trang đi ngang qua nhiều khu dân cư. Có đến 4 đường ngang qua đường sắt, chưa kể các lối đi tự mở. Tất cả những vị trí này đều là điểm nóng của ùn tắc giao thông.

Năm 2017, đề xuất di dời ga Nha Trang đã được đưa ra. Thủ tướng Chính phủ cũng đã giao Bộ Giao thông vận tải (GTVT) xem xét đề xuất này. Bộ GTVT cho phép Công ty TNHH Tập đoàn thương mại Tuấn Dung (trụ sở ở Hà Nội) nghiên cứu tiền khả thi dự án bằng vốn doanh nghiệp. Và mới đây, Tập đoàn Tuấn Dung đã đề xuất hai phương án di dời ga Nha Trang:

Phương án 1: Cải tạo ga Nha Trang thành ga khách, dời ga hàng hóa đi nơi khác để giảm tần suất tàu ra vào nội thành. Với phương án này, quỹ đất khu vực ga Nha Trang sẽ có khoảng hơn 36.000 m2, được bố trí xây dựng chung cư cao 30 tầng, công trình hỗn hợp 35 tầng, nhà ở thương mại, cây xanh công viên, đường giao thông nội bộ.

Phương án 2: Di dời cả ga Nha Trang ra khỏi nội thành về phía Tây thành phố, cách ga hiện tại 5 km. Với phương án này, quỹ đất khu vực ga Nha Trang khoảng 11ha sẽ bố trí làm bảo tàng ga, chung cư cao 30 tầng, công trình hỗn hợp 35 tầng, nhà ở xã hội, nhà ở kết hợp thương mại, cây xanh công viên, đường giao thông nội bộ.

Phương án 2 được cho là sẽ giải quyết được bài toán ùn tắc giao thông lâu nay và rút ngắn thời gian chạy tàu. Thế nhưng, ngay sau khi có đề xuất di dời ga Nha Trang, có rất nhiều ý kiến trái chiều bởi có người đồng tình nhưng cũng có người không. Và băn khoăn lớn nhất của nhiều người vẫn là câu hỏi: sau khi di dời ga Nha Trang, để lại "khu đất vàng" giữa thành phố. Vậy thì khu đất vàng này sẽ được quy hoạch sử dụng như thế nào và số phận của di tích lịch sử ga Nha Trang sẽ đi về đâu?

Giữa một đô thị năng động, kiến trúc của ga Nha Trang đã tạo nên khác biệt. Đây là một trong những nhà ga đẹp nhất Đông Dương mà Pháp đã xây dựng theo kiến trúc Châu Âu. Cũng vì thế, nhiều người luôn dành tình cảm cho nhà ga Nha Trang. Đó là chưa nói, đây như là chứng nhân của quá khứ để kể lại cho con người hôm nay về một giai đoạn lịch sử ở Nha Trang. Bởi vậy, điều băn khoăn đầu tiên của nhiều người là nếu di dời ga Nha Trang, nhà ga hiện tại sẽ như thế nào? Liệu có được giữ lại nguyên vẹn theo đúng nghĩa nơi đây là di tích?

Nếu di dời ga Nha Trang ra khỏi nội thành, cũng đồng nghĩa toàn bộ khu vực rộng hơn 11 ha này hiển nhiên sẽ trở thành một quỹ đất vàng giữa lòng thành phố. Khi đó, quỹ đất này sẽ được quy hoạch sử dụng như thế nào? Theo đề xuất ban đầu thì tại đây sẽ hình thành công trình cao tầng. Điều này không khỏi khiến cho nhiều người lo lắng bởi lâu nay, hiện tượng dồn nén đô thị đã xảy ra ở Nha Trang. Bản chất của dồn nén đô thị chính là phát triển nóng công trình cao tầng và là ngọn nguồn khiến cho không gian đô thị bức bối, giao thông ùn tắc. Nếu không thận trọng trong sử dụng quỹ đất sau khi di dời, thì rất có thể lặp lại vòng luẩn quẩn: giải quyết ùn tắc giao thông đô thị bằng cách di dời ga Nha Trang nhưng rồi lại phát sinh ùn tắc mới.

Thời gian qua, việc quy hoạch sử dụng đất, quản lý xây dựng các công trình luôn là vấn đề nóng ở Khánh Hòa. Nhiều ý kiến cho rằng, những vấn đề phát sinh đằng sau việc di dời ga Nha Trang cần phải xem xét thận trọng, tiếp nhận ý kiến phản biện từ các chuyên gia và người dân bởi sự thận trọng đó không bao giờ là thừa.

Chi Lê

Bình luận

Nổi bật

Năm 2025, Hà Nội phấn đấu tiết kiệm tối thiểu 2,2% tổng điện năng tiêu thụ

Năm 2025, Hà Nội phấn đấu tiết kiệm tối thiểu 2,2% tổng điện năng tiêu thụ

sự kiện🞄Thứ năm, 21/11/2024, 15:43

(CL&CS) - Phó chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền vừa ký ban hành Kế hoạch số 330/KH-UBND ngày 18/11/2024 về việc thực hiện Chương trình quốc gia về Quản lý nhu cầu điện trên địa bàn TP. Hà Nội năm 2025.

Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam sẽ kết nối với đường sắt liên vận Á - Âu

Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam sẽ kết nối với đường sắt liên vận Á - Âu

sự kiện🞄Thứ năm, 21/11/2024, 10:54

(CL&CS) - Dự kiến, tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam sẽ kết nối với hệ thống đường sắt liên vận quốc tế Á, Âu. Bộ Giao thông vận tải sẽ chỉ đạo Tổng công ty đường sắt Việt Nam mở tuyến liên vận quốc tế để khai thác hiệu quả tuyến này.

Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc Nam: 'Chúng ta cần chủ động nắm bắt công nghệ, tự mình làm chủ dự án'

Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc Nam: 'Chúng ta cần chủ động nắm bắt công nghệ, tự mình làm chủ dự án'

sự kiện🞄Thứ tư, 13/11/2024, 15:01

(CL&CS) - Thảo luận tổ về chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao Bắc Nam sáng 13/11, giáo sư Hoàng Văn Cường (nguyên Hiệu phó Đại học Kinh tế quốc dân) cho rằng thành công xây dựng đường dây 500kV mạch ba cho thấy để triển khai nhanh, hiệu quả bắt buộc phải làm chủ công nghệ.