Khách hàng săn dự án bị thế chấp để... né

(NTD) - Ngày càng nhiều khách hàng “ngậm trái đắng” vì mua căn hộ chung cư nhưng không được giao sổ hồng. Nguyên nhân phổ biến nhất của tình trạng “nợ sổ” là dự án đã bị chủ đầu tư mang đi thế chấp ngân hàng. Vì vậy, nhiều người có xu hướng “truy tìm” dự án bị chế chấp để... né

Trong tháng 6 này, một vấn nạn của thị trường bất động sản lại liên tục được nhắc đến. Đó là cư dân nhiều dự án đồng loạt căng băng rôn yêu cầu chủ đầu tư phải giao sổ hồng. Nhưng đây là điều vô cùng khó khăn vì trước khi bán nhà cho khách hàng, chủ đầu tư đã “lỡ” thế chấp dự án để vay vốn ngân hàng.

Đến lúc rơi vào tình cảnh “dở khóc dở cười” này, khách hàng mới thấy tầm quan trọng của việc tìm hiểu kỹ càng dự án trước khi “xuống tiền”. Một trong những vấn đề vô cùng quan trọng nhưng trước đây thường bị khách hàng bỏ qua. Đó là tìm hiểu xem dự án có bị thế chấp không.

Chứng kiến cư dân nhiều dự án đang phẫn nộ, chị Ngô Thu Hằng, một môi giới bất động sản ở Hà Đông, Hà Nội cho biết một trong những yếu tố quan trọng chị cân nhắc khi mua nhà chính là dự án có bị thế chấp không, nếu có, liệu chủ đầu tư có giải chấp căn hộ cho khách khi giao nhà không.

Nhan nhản dự án bị thế chấp

Hiện tại, có rất nhiều dự án đang bị chủ đầu tư thế chấp tại ngân hàng. CTCP Đầu tư Hải Phát là một trong những doanh nghiệp có cả danh sách dự án đang được “cầm cố” tại nhà băng. Nổi bật là dự án Hải Phát Plaza.

Hải Phát Plaza tọa lạc ở Đại Mỗ, Nam Từ Liêm, Hà Nội. Dự án gồm tòa nhà hỗn hợp 25 tầng và nhà ở thấp tầng. Tổng dự toán công trình là 1.731 tỷ đồng. Dự án đã được thế chấp tại Ngân hàng TMCP Bản Việt (VietCapitalBank) - Chi nhánh Thăng Long và Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) - Chi nhánh TP. Hà Nội.

Trong đó, Hải Phát vay tối đa Viet Capital Bank và VietinBank lần lượt 420 tỷ đồng và 300 tỷ đồng. Tài sản thế chấp là từng phần của dự án Hải Phát Plaza (khu chung cư cao cấp và 59 nhà ở thấp tầng). Ngoài ra, Hải Phát còn thế chấp nhiều dự án khác như 5 ô đất thuộc khu đấu giá thị trấn Trâu Quỳ, Gia Lâm, Hà Nội, khu nhà ở xã hội Phú Lãm.

CTCP DRH Holdings cũng phải thế chấp hàng loạt dự án để lấy nguồn vốn hoạt động. DRH Holdings thế chấp tài sản hình thành trong tương lai là dự án Long Phú Land 1 và một vài thửa đất khác để nhận khoản vay 61,4 tỷ đồng từ Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam Chi nhánh Tây Sơn.

DRH Holdings phát hành trái phiếu cho Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCBS) để nhận 200 tỷ đồng. Tài sản thế chấp là quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất của Thửa đất số 1 tại Khu dân cư Metro Valley.

CTCP Tập đoàn Quốc Cường Gia Lai (QCG) cũng nhẵn mặt với các khoản vay. QCG có 2 khoản vay trị giá khoảng 60 tỷ đồng tại Ngân hàng Liên doanh Việt Nga - Chi nhánh Đà Nẵng. Tài sản thế chấp là những quyền sử dụng đất tại dự án ở Sơn Trà, Đà Nẵng.

Năm 2018, Văn phòng đăng ký đất đai Hà Nội công bố cho đến ngày 23/8 có 92 dự án tại Hà Nội thế chấp tại ngân hàng và tổ chức tín dụng. Con số này ở TP.HCM là 77. Các dự án tiêu biểu bị thế chấp có thể kể đến dự án căn hộ dát vàng D'.Palai de Louis, Le Pont D'or của Tân Hoàng Minh, Tràng An Complex của Công ty TNHH Đầu tư toàn cầu Tràng An, dự án Kingdom 101 của CTCP Phát triển Đô thị Đông Dương, Everville của CTCP Đầu tư xây dựng địa ốc Trường Thịnh Phát...

hai-phat-plaza_opt
Quyền sử dụng cả chung cư và khu thấp tầng của Hải Phát Plaza đều đã được thế chấp tại ngân hàng.

Khoản vay sắp đến ngày... đáo hạn

Chị Thu Hằng chia sẻ rất khó để tìm dự án nào không... bị thế chấp vì xây dựng là ngành đòi hỏi vốn rất lớn, không chủ đầu tư nào sẵn tiền mặt để triển khai xây dựng. Vì vậy, là một khách hàng, chị sẵn sàng chấp nhận dự án đã bị thế chấp miễn là chủ đầu tư phải công khai và đưa ra các biện pháp giải quyết sự cố nếu có.

Ngoài ra, chị Thu Hằng cũng khuyên khách hàng phải tìm hiểu kỹ những dự án bị thế chấp mà có hợp đồng vay sắp đến ngày đáo hạn bởi lẽ: “Nếu khách hàng đóng tiền mua nhà rồi mà chủ đầu tư không có tiền thanh toán hợp đồng vay thì nguy cơ ngân hàng siết nợ là rất cao” - chị Hằng giải thích.

Hiện tại, chắc hẳn nhiều chủ đầu tư đang “vắt chân lên cổ” tìm nguồn vốn thanh toán cho các hợp đồng sắp đáo hạn. Ví dụ, để vay được khoản vay tối đa 420 tỷ đồng từ Viet Capital Bank, Hải Phát đã thế chấp phần cao tầng của Hải Phát Plaza. Hợp đồng được ký ngày 6/7/2017 với thời hạn 36 tháng. Như vậy, chỉ còn hơn 1 năm nữa Hải Phát sẽ phải thanh toán số nợ này.

Nhanh hơn một chút, hợp đồng vay vốn trị giá 300 tỷ đồng được thế chấp bằng quyền sử dụng 59 căn biệt thự và liền kề thuộc dự án Hải Phát Plaza. Hợp đồng ký ngày 27/5/2017 có thời hạn 24 tháng kể từ lần giải ngân đầu tiên.

Trong khi đó, theo tìm hiểu của phóng viên Báo Người Tiêu Dùng, môi giới phân phối các sản phẩm trong dự án Hải Phát Plaza vẫn chào bán sản phẩm nhưng không hề đề cập tới việc dự án bị thế chấp. Chỉ khi bị hỏi, môi giới mới cho biết khi khách hàng đóng tiền, chủ đầu tư sẽ giải chấp cho khách.

DRH Holdings “dễ thở” hơn đôi chút khi bản hợp đồng vay vốn được thế chấp bằng tài sản hình thành trong tương lai dự án Long Phú Land 1 sẽ đáo hạn vào tháng 4/2021. Nhưng tình hình không hẳn suôn sẻ với DRH Holdings khi dòng tiền của công ty rất yếu ớt. Lợi nhuận sau thuế quý 1/2019 của công ty chỉ đạt 7 tỷ đồng, giảm sâu so với 12,2 tỷ đồng của quý 1/2018.

Đó còn chưa kể DRH Holdings phải đối mặt với khoản nợ trị giá 200 tỷ đồng đáo hạn vào ngày 26/10/2019. Khoản vay này được thế chấp bằng quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất của Thửa đất số 1 tại Khu dân cư Metro Valley.

Có thể thấy, hiện tại, sau bao “bài học xương máu” của cư dân dự án Westa, Lexington... người mua nhà cần “bỏ túi” danh sách tất cả các dự án đã được thế chấp ngân hàng, để từ đó ra quyết định đúng đắn nhất, tránh tình trạng nhận nhà nhiều năm mà không được trả sổ hồng.

Hà Hương

 

Bình luận

Nổi bật

Saigon Co.op - nhà bán lẻ thuần việt lâu đời nhất Việt Nam

Saigon Co.op - nhà bán lẻ thuần việt lâu đời nhất Việt Nam

sự kiện🞄Thứ tư, 15/05/2024, 09:09

(CL&CS) - Trong 34 năm, Saigon Co.op không ngừng phát triển và đổi mới liên tục thay đổi theo xu thế như phát triển đa dạng các mô hình bán lẻ, thực hiện chuyển đổi số, tái cơ cấu nguồn nhân lực, quản trị, tinh gọn các khâu, mang đến chất lượng và dịch vụ tốt nhất cho người tiêu dùng…

Đồng Tháp: Củ Sen Việt Nam đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của Nhật

Đồng Tháp: Củ Sen Việt Nam đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của Nhật

sự kiện🞄Thứ tư, 15/05/2024, 09:08

(CL&CS)- Mới đây, tỉnh Đồng Tháp đã tổ chức lễ công bố lô hàng đầu tiên với 15 tấn củ sen đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe để xuất khẩu đi Nhật Bản, đánh dấu mốc đưa sản phẩm sen thâm nhập vào một trong những thị trường khó tính của thế giới.

Nhà đầu tư địa ốc vẫn đang chờ chu kỳ điều chỉnh giá kết thúc để “xuống tiền”?

Nhà đầu tư địa ốc vẫn đang chờ chu kỳ điều chỉnh giá kết thúc để “xuống tiền”?

sự kiện🞄Thứ tư, 15/05/2024, 09:07

Thời gian qua, Quốc hội đã liên tiếp thông qua các bộ luật chính liên quan đến bất động sản, kỳ vọng sẽ là cú hích lớn, tạo dựng lại niềm tin của nhà đầu tư vào bất động sản. Tuy nhiên, hiện tại giới đầu tư địa ốc vẫn đang chờ đợi những dấu hiệu cho thấy chu kỳ điều chỉnh giá hiện tại đã kết thúc trước khi xuống tiền.