Dữ liệu cũ
Thứ ba, 26/05/2015, 10:38 AM

Kết quả hoạt động của Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam nhiệm kỳ I (1983-1988)

Ngày 26/3/1983, tại Hà Nội, trên cơ sở kết quả hoạt động của Ủy ban liên lạc lâm thời các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam (3/1965-3/1983), đại biểu của 15 hội thành viên (14 Hội khoa học và kỹ thuật ngành trung ương và Hội liên hiệp khoa học kỹ thuật Hà Nội) tiến hành Đại hội thành lập Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam.

ket qua

Đại tướng Võ Nguyên Giáp phát biểu tại Đại hội thành lập LHHVN

Đại hội thông qua Điều lệ Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam, bầu ra Ban Chấp hành Trung ương do Giáo sư, Viện sĩ, Thiếu tướng, Anh hùng lao động Trần Đại Nghĩa làm Chủ tịch, Kỹ sư Lê Khắc làm Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký, Giáo sư Nguyễn Văn Hiệu, Giáo sư Đào Văn Tập, Giáo sư Lê Văn Thới và Giáo sư Đường Hồng Dật làm Phó Chủ tịch.

Ngày 29/7/1983, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính Phủ) ra Quyết định số 121/HĐBT về việc cho phép Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam chính thức thành lập và hoạt động. Trụ sở đặt tại Nhà số 30B phố Bà Triệu, Hà Nội.

Tổ chức Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam ra đời đã gây được tiếng vang lớn ở trong và ngoài nước đáp ứng nguyện vọng của các nhà khoa học Việt Nam mong muốn có một tổ chức chung để tập hợp và đoàn kết trí thức, tổ chức, thực hiện các hoạt động phong phú hướng tới mục tiêu phát triển khoa học và kỹ thuật của đất nước. Đại hội thành lập Liên hiệp hội kết thúc giai đoạn trù bị lâu dài 18 năm kể từ khi Ủy ban liên lạc lâm thời các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam bắt đầu hoạt động. Từ khi ra đời, Liên hiệp hội trở thành thành viên chính thức của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Sau Đại hội thành lập, số lượng các hội khoa học và kỹ thuật thành viên tiếp tục tăng lên với Hội khoa học và kỹ thuật Địa chất Việt Nam (1983), Hội Làm vườn Việt Nam (1986), Hội khoa học kỹ thuật Cơ khí Việt Nam (1988). Mặt khác, các Liên hiệp hội khoa học - kỹ thuật được thành lập ở nhiều tỉnh và thành phố trong cả nước. Tiếp theo Liên hiệp hội khoa học- kỹ thuật Hà Nội đã xuất hiện các Liên hiệp hội khoa học- kỹ thuật tại thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Hải Phòng, tỉnh Nghệ Tĩnh và tỉnh Kiên Giang.

ket qua1

Đại hội thành lập Liên hiệp Hội Việt Nam

Với đường lối đổi mới, Đại hội lần thứ VI Đảng Cộng sản Việt Nam mở ra một giai đoạn phát triển mới của đất nước, trong đó vị trí và vai trò của Liên hiệp hội và các hội khoa học- kỹ thuật càng ngày được khẳng định. Ngày 11/4/1988, Ban Bí thư Trung ương Đảng ra Chỉ thị số 35-CT/TW "Về củng cố tổ chức và đẩy mạnh hoạt động của Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam". Bản Chỉ thị nêu rõ: "Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam là tổ chức xã hội tự nguyện của tất cả các hội khoa học kỹ thuật của người Việt Nam ở trong nước và ngoài nước... được tổ chức và hoạt động theo cơ cấu và quy chế của một đoàn thể quần chúng cấp trung ương".

Một trong những chức năng quan trọng của Liên hiệp hội là phổ biến kiến thức khoa học và kỹ thuật cho quần chúng. Với chức năng này, Liên hiệp hội và các hội thành viên tiếp nối hoạt động của Hội phổ biến khoa học và kỹ thuật Việt Nam sử dụng các phương tiện thông tin đại chúng để phổ biến những kiến thức và kinh nghiệm phòng bênh, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe ban đầu... Tháng 8 năm 1984, Báo Khoa học và Đời sống chuyển về trực thuộc Liên hiệp Hội Việt Nam, tham gia vào hoạt động truyền bá kiến thức khoa học và kỹ thuật. Bên cạnh đó, các hội tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo quan trọng đóng vai trò thiết yếu trong vấn đề phổ biến và truyền bá kiến thức.

Tư vấn, phản biện và giám định xã hội về khoa học- công nghệ và kinh tế- xã hội giữ một vị trí then chốt đối với Liên hiệp hội và các hội thành viên. Các cuộc hội thảo do Liên hiệp hội và các hội thành viên tổ chức đã tạo điều kiện thuận lợi để các nhà khoa học bày tỏ nguyện vọng, đề xuất và đóng góp ý kiến cho lãnh đạo Đảng và Nhà nước. Trong phạm vi khả năng và điều kiện của mình, các hội thành viên đã cố gắng đóng góp ý kiến vào việc xác định chiến lược phát triển kinh tế- kỹ thuật cũng như đổi mới cơ cấu tổ chức và cơ chế quản lý vĩ mô của ngành hữu quan. Nhiều hội đã tiến hành tư vấn và phản biện các đề án, công trình hoặc chủ trương lớn.

Hợp tác quốc tế về khoa học và công nghệ có ý nghĩa cực kì quan trọng và được Liên hiệp hội cùng các hội thành viên đặc biệt quan tâm. Nội dung hợp tác chủ yếu tập trung vào các hướng trao đổi thông tin về khoa học và công nghệ, đào tạo và bồi dưỡng cán bộ. Sau khi ra đời, Liên hiệp hội và nhiều hội thành viên đã thiết lập được quan hệ hữu nghị và hợp tác với các tổ chức tương ứng ở Liên Xô trước đây và một số nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu. Một số hội thành viên cũng quan tâm xây dựng mối quan hệ với bà con Việt kiều.

Từ buổi đầu khó khăn, Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam đã có những bước phát triển nhất định, đặt nền móng cho sự lớn mạnh, đi lên ở những giai đoạn tiếp theo. Nhiều vấn đề đặt ra đòi hỏi sự quyết tâm lớn trong nhiệm kỳ tiếp theo của cả hệ thống Liên hiệp Hội Việt Nam.

 Ban Mai Xanh

Bình luận

Nổi bật

Những phi cơ già cỗi nhất thế giới, bay trên bầu trời nửa thế kỷ vẫn còn hoạt động

Những phi cơ già cỗi nhất thế giới, bay trên bầu trời nửa thế kỷ vẫn còn hoạt động

sự kiện🞄Thứ ba, 20/02/2024, 10:09

Trên thế giới còn rất nhiều những chiếc phi cơ 'lão thành' ngót nghét 50 tuổi vẫn đang bay trên bầu trời.

Người phụ nữ mắc ung thư gan giai đoạn cuối vì 1 loại thực phẩm quen thuộc, chuyên gia cảnh báo thói quen này nhiều người mắc phải

Người phụ nữ mắc ung thư gan giai đoạn cuối vì 1 loại thực phẩm quen thuộc, chuyên gia cảnh báo thói quen này nhiều người mắc phải

sự kiện🞄Thứ bảy, 14/10/2023, 05:57

Loại thực phẩm nhiều người xem như vô hại này lại là nguyên nhân dẫn đến bệnh tật, thậm chí nguy hiểm tới tính mạng, chúng thường được gọi là "sát thủ thầm lặng" tàn phá sức khoẻ con người.

Cảng Chu Lai đón tàu lớn và nâng cao hiệu suất khai thác hàng rời

Cảng Chu Lai đón tàu lớn và nâng cao hiệu suất khai thác hàng rời

sự kiện🞄Thứ năm, 29/06/2023, 15:00

(CL&CS) - Cảng Chu Lai thuộc Công ty Giao nhận - vận chuyển quốc tế Trường Hải (THILOGI) đang dần khẳng định năng lực tiếp nhận tàu lớn, khai thác đa dạng hàng hóa, đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy giao thương tại khu vực miền Trung, Tây Nguyên.