Thứ hai, 05/07/2021, 15:12 PM

Kế hoạch hành động ISO cho các nước thành viên đang phát triển giai đoạn 2021-2025

(CL&CS)- Nhân loại đang phải đối mặt ngày càng nhiều và ở mức độ cao hơn với một loạt những thách thức về kinh tế, môi trường và xã hội. Các Mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc (SDGs) đưa ra những cơ hội và khát vọng nhằm giải quyết những thách thức này, mong muốn xây dựng các nền kinh tế xanh hơn, bao trùm hơn và các xã hội mạnh mẽ hơn, kiên cường hơn. Việc thực hiện các SDGs ngày một được quan tâm hơn dù đại dịch từ năm 2020 đã gây ra rất nhiều khó khăn.

Các tiêu chuẩn ISO có vai trò vô cùng quan trọng trong việc hiện thực hóa các mục tiêu phát triển SDGs bằng cách cung cấp các quy định kỹ thuật  toàn cầu được xây dựng trên cơ sở đồng thuận chung nhằm tạo điều kiện cho thương mại quốc tế được tự do và công bằng, khuyến khích đổi mới và phát triển công nghệ, cũng như tạo lòng tin toàn cầu.

tieu-chuan-iso

 Các nước đang phát triển được hưởng lợi đáng kể từ việc sử dụng các tiêu chuẩn ISO. Ở cấp chính phủ, các tiêu chuẩn có thể được sử dụng để hỗ trợ chính sách công và thực hành quản lý tốt. Ở cấp độ khu vực tư nhân, các doanh nghiệp có thể sử dụng các tiêu chuẩn để đảm bảo rằng các quy trình, sản phẩm và dịch vụ của họ phù hợp với mục đích, có thể thay thế cho nhau và tương thích với nhau. Người tiêu dùng được hưởng lợi rất nhiều do hàng hóa và dịch vụ phù hợp với tiêu chuẩn, vì thế họ có thể tin tưởng rằng những hàng hóa và dịch vụ đó có chất lượng tốt, an toàn và thân thiện với môi trường. Tuy nhiên, để đạt được và tăng cường những lợi ích này, các nước đang phát triển cần phải có kỹ năng và nguồn lực đề xuất các hạng mục công việc mới và tham gia vào tất cả các giai đoạn xây dựng tiêu chuẩn ISO. Và ISO cũng thừa nhận nhiều nước thành viên đang phát triển cần được hỗ trợ nâng cao năng lực để được hưởng lợi đầy đủ từ việc sử dụng các tiêu chuẩn ISO để góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển của các quốc gia và thúc đẩy các mục tiêu phát triển bền vững chung.

Tiêu chuẩn ISO: Thúc đẩy phát triển bền vững 

Việc thực hiện các tiêu chuẩn ISO không chỉ là giải quyết các vấn đề kỹ thuật mà còn mang lại kết quả tích cực trong các khía cạnh kinh tế, môi trường và xã hội của phát triển bền vững. ISO đã định hướng các Tiêu chuẩn quốc tế của mình tới 17 SDGs, xác định các tiêu chuẩn đó giúp các tổ chức đóng góp nhiều nhất cho mỗi mục tiêu. 

Chiến lược ISO 2021-2030 

Chiến lược mười năm của ISO đặt ra tầm nhìn, sứ mệnh, các mục tiêu và các ưu tiên  đến năm 2030, một khung thời gian phù hợp với các SDGs. Chiến lược nhằm mục tiêu đảm bảo rằng ISO có được vị trí  quan trọng trong một bối cảnh toàn cầu thay đổi nhanh chóng và các tiêu chuẩn ISO đáp ứng  tầm nhìn ISO “ làm cho cuộc sống dễ dàng hơn, an toàn hơn và tốt hơn ”.

Để hiện thực hóa tầm nhìn này, và tối đa hóa tác động của các tiêu chuẩn và tiêu chuẩn hóa, ISO đã xác định ba mục tiêu rõ ràng: Tiêu chuẩn ISO được sử dụng ở mọi nơi; đáp ứng nhu cầu toàn cầu; và tất cả các tiếng nói/ ý kiến đều được lắng nghe. Các mục tiêu này được củng cố bởi sáu ưu tiên chiến lược và một bộ chỉ số đánh giá hiệu suất liên quan . 

ISO thừa nhận rằng, ISO chỉ mạnh như các thành viên của nó và các cơ quan tiêu chuẩn quốc gia (NSB) mạnh là chìa khóa thành công của ISO, và vì vậy một trong những ưu tiên chiến lược của ISO là “Củng cố các thành viên ISO thông qua xây dựng năng lực”. Chiến lược ISO là cơ sở để xây dựng Kế hoạch hành động ISO cho các nước đang phát triển. 

Cường hóa các thành viên ISO thông qua nâng cao năng lực

ISO có cam kết lâu dài trong việc hỗ trợ nâng cao năng lực cho các thành viên là các nước đang phát triển, chiếm 3/4 tổng số thành viên của ISO, để cho phép các nước thành viên đang phát triển hưởng lợi đầy đủ từ hoạt động tiêu chuẩn hóa. Việc hỗ trợ này được nêu trong Kế hoạch hành động ISO cho các nước đang phát triển. Kể từ năm 2005, đây là lần thứ ba ISO đưa ra Kế hoạch hành động cho các nước đang phát triển như vậy.

Các nước thành viên đang phát triển đóng một vai trò quan trọng trong việc xây dựng Kế hoạch hành động. Qua Ban về các vấn đề của các nước đang phát triển của ISO (ISO/DEVCO), các nước thành viên đang phát triển thông báo các lĩnh vực trọng tâm ưu tiên, cung cấp đầu vào cho việc thực hiện Kế hoạch thông qua quá trình đánh giá nhu cầu hàng năm, đóng góp nguồn lực để thực hiện Kế hoạch; và cam kết thực hiện Kế hoạch ở cấp quốc gia, khu vực và quốc tế.

Việc ISO hỗ trợ các thành viên nâng cao năng lực, nhưng người hưởng lợi thực sự là các bên liên quan mà các thành viên ISO phục vụ. Đó là các chính phủ và cơ quan quản lý, khu vực tư nhân (bao gồm cả việc tập trung vào các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa cũng như các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ), các tổ chức nghiên cứu, khoa học  và các tổ chức tiêu dùng. ISO nhận thức được các thành viên có nhu cầu và mức độ năng lực khác nhau, nên ISO đặc biệt tập trung vào nhu cầu của các nước kém phát triển nhất.

Tác động (Impact)

Các nước đang phát triển được trao quyền đóng góp tích cực vào hệ thống ISO và hưởng lợi đầy đủ từ việc sử dụng các tiêu chuẩn ISO để giải quyết các thách thức xã hội, kinh tế và môi trường. Mục tiêu dài hạn cuối cùng của Kế hoạch hành động là trao quyền cho các nước thành viên đang phát triển của ISO đóng góp tích cực vào hệ thống ISO và nhận thức đầy đủ các lợi ích của việc sử dụng các tiêu chuẩn ISO nhằm giải quyết các thách thức kinh tế, môi trường và xã hội. Sự tham gia tích cực của các nước đang phát triển vào quá trình tiêu chuẩn hóa quốc tế là vô cùng quan trọng để đảm bảo tính phù hợp toàn cầu của các tiêu chuẩn ISO và tạo các điều kiện thuận lợi để thực hiện hiệu quả các tiêu chuẩn quốc tế.  Mục tiêu này đạt được sẽ góp phần quan trọng vào việc đảm bảo thực hiện các SDGs và tầm nhìn “làm cho cuộc sống dễ dàng hơn, an toàn hơn và tốt hơn” của ISO vào năm 2030.

Các kết quả (Outcomes)

Kết quả 1. Tăng cường sử dụng và chấp nhận quốc gia các tiêu chuẩn ISO ở các nước đang phát triển để hỗ trợ thực hiện  SDGs của Liên hiệp quốc, đặc biệt là các tiêu chuẩn liên quan đến thương mại và biến đổi khí hậu.

Kế hoạch hành động giúp xây dựng nhận thức và kiến ​​thức chuyên môn về các tiêu chuẩn ISO để khuyến khích tất cả các bên liên quan sử dụng và áp dụng chúng cũng như hỗ trợ việc đạt được các SDGs. Kế hoạch hành động đưa ra cách thức thúc đẩy việc sử dụng và áp dụng các tiêu chuẩn ISO liên quan đến tất cả 17 SDGs, nhưng trọng tâm ưu tiên là thương mại quốc tế và biến đổi khí hậu. Bởi thương mại quốc tế là chất xúc tác chính cho phát triển kinh tế và xóa đói giảm nghèo, và là một trong những động lực quan trọng nhất tạo nên thịnh vượng, đặc biệt là ở các nước đang phát triển. Việc áp dụng các tiêu chuẩn ISO làm giảm thiểu các rào cản kỹ thuật trong thương mại và tăng cơ hội thương mại của các nước đang phát triển. Kế hoạch sẽ cho phép các nước đang phát triển sử dụng các tiêu chuẩn ISO một cách hiệu quả để thu lợi từ thương mại và đóng góp vào sự phát triển kinh tế của các nước. Kế hoạch, trước mối đe dọa nghiêm trọng của biến đổi khí hậu, cũng ưu tiên hỗ trợ các nước đang phát triển để các nước có thể xây dựng, chấp nhận và áp dụng các tiêu chuẩn ISO liên quan đến tất cả các khía cạnh làm giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu. 

 Kết quả 2. Tăng cường sự tham gia có hiệu quả của các nước thành viên đang phát triển của ISO ở cấp độ quản trị và kỹ thuật để nâng cao mức độ phù hợp toàn cầu của các tiêu chuẩn ISO.    

Các tiêu chuẩn ISO chỉ phù hợp trên phạm vi toàn cầu và được chấp nhận và sử dụng hiệu quả nếu chúng thể hiện được đầy đủ quan điểm và lợi ích của càng nhiều quốc gia càng tốt. Để đảm bảo lợi ích của các nước đang phát triển được quan tâm và thể hiện một cách công bằng, Kế hoạch hành động hỗ trợ các nước đang phát triển tham gia hiệu quả hơn ở cả cấp độ quản trị và kỹ thuật trong hệ thống ISO.

Để có được tác động chủ yếu và hai kết quả mong đợi nêu trên, Kế hoạch hành động đã xác định sáu kết quả trung gian (Intermediate Outcome) là những tiến bộ cụ thể trong thực tế cần đạt được ở các quốc gia. Mỗi kết quả trung gian có các đầu ra (outputs) cụ thể là những chuyển biến/thay đổi ban đầu cần thiết phải đạt ở các nước thành viên đang phát triển và các bên liên quan tại các nước để đạt được các kết quả trung gian mong muốn. 

Kết quả trung gian 1: Giá trị và mức độ phù hợp của các tiêu chuẩn ISO được các nước thành viên đang phát triển của ISO và các bên liên quan tại các nước thừa nhận.       Thừa nhận vai trò của các tiêu chuẩn ISO trong việc đạt được các mục tiêu phát triển và tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại là điều kiện thiết yếu để thúc đẩy các bên liên quan tại các quốc gia hiểu và chấp nhận các tiêu chuẩn này. Vì vậy Kế hoạch hành động nhằm vào việc nâng cao năng lực của các NSB của các nước đang phát triển trong việc thúc đẩy và chứng minh hiệu quả giá trị của các tiêu chuẩn cho các nhóm bên liên quan và những người ra quyết định (decision maker), trên cơ sở tận dụng kinh nghiệm và khả năng phổ biến kiến ​​thức và nâng cao nhận thức của ISO. Đầu ra: Có được kiến thức và kỹ năng để chứng minh các lợi ích và yêu cầu của các tiêu chuẩn ISO cụ thể; các chương trình tiếp cận và vận động chính sách về lợi ích của các tiêu chuẩn ISO được phát triển/ xây dựng; tăng cường hợp tác với các tổ chức có liên quan.

Kết quả trung gian 2: Các thực hành tiêu chuẩn hóa tốt (GSP) được các nước thành viên đang phát triển của ISO áp dụng.

Tiêu chuẩn hóa là một trong những yếu tố chính của hạ tầng chất lượng quốc gia (NQI) cùng với dịch vụ đo lường, công nhận, đánh giá sự phù hợp và giám sát thị trường. Tuy nhiên, tiêu chuẩn hóa đóng một vai trò đặc biệt quan trọng vì tất cả các yếu tố của NQI đều sử dụng các tiêu chuẩn để thực hiện các hoạt động của mình. Bằng cách áp dụng các thông lệ  thực hành tốt về tiêu chuẩn hóa, các NSB tối ưu hóa hiệu quả và hiệu lực của hệ thống tiêu chuẩn hóa quốc gia và do đó củng cố NQI của mình. Điều này cho phép các nước tuân thủ các cam kết của Tổ chức Thương mại thế giới và nâng cao năng lực cạnh tranh kinh tế của quốc gia. Để đáp ứng nhu cầu của các nước thành viên đang phát triển, ISO đã phát triển hướng dẫn toàn diện về GSP, bao gồm công cụ chẩn đoán để các NSB đánh giá hệ thống tiêu chuẩn hóa của mình. Kế hoạch hành động sẽ sử dụng công cụ đó và bổ sung các công cụ khác để làm sâu sắc thêm sự hiểu biết và áp dụng GSP của các thành viên. Đầu ra: Có được kiến thức và kỹ năng về GSP; các lĩnh vực cải tiến việc thực hiện GSP được xác định/nhận diện và áp dụng.

Kết quả trung gian 3: Các chiến lược và năng lực kỹ thuật số  của các nước thành viên  đang phát triển của ISO được nâng cao. 

Công nghệ kỹ thuật số đang tác động đến một loạt các lĩnh vực và hoạt động, bao gồm cả hoạt động xây dựng các tiêu chuẩn. Kế hoạch hành động sẽ giúp tăng cường các chiến lược và khả năng số hóa của các NSB liên quan đến các hoạt động tiêu chuẩn hóa. Điều này sẽ cho phép các nước thành viên đang phát triển tận dụng việc sử dụng công nghệ kỹ thuật số trong công tác xây dựng tiêu chuẩn, cũng như để quảng bá và phổ biến các tiêu chuẩn. Đầu ra: Có được kiến thức và kỹ năng để phát triển hoặc xem xét/ rà soát các chiến lược kỹ thuật số; các nhu cầu/ yêu cầu công việc để nâng cao năng lực kỹ thuật số được xác định. 

Kết quả trung gian 4: Năng lực lãnh đạo của các nước thành viên đang phát triển của ISO và sự tham gia của họ vào quản trị ISO được nâng cao. 

Tăng cường sự tham gia của các nước đang phát triển vào các quá trình quản trị của ISO đã nằm trong chương trình nghị sự của ISO trong nhiều năm. Tuy nhiên, vẫn cần nâng cao hơn nữa mức độ và hiệu quả của việc đại diện trong các nhóm quản trị ISO và cố vấn/tư vấn đối với các nước đang phát triển. Dựa trên kinh nghiệm thu được trong các lần thực hiện trước của Kế hoạch hành động, mục tiêu quan trọng của Kế hoạch lần này là nâng cao năng lực lãnh đạo của các nước thành viên đang phát triển của ISO nhằm tăng cường sự tham gia của họ vào các hoạt động quản trị của ISO và đảm bảo rằng các ưu tiên của các nước đang phát triển được thông báo hiệu quả cho chương trình nghị sự tiêu chuẩn hóa quốc tế. Đầu ra: Có được kiến thức và kỹ năng của các nhà lãnh đạo; các nhu cầu của các nước đang phát triển được đề cập giải quyết trong nhóm quản trị ISO, bao gồm các  Ban Phát triển chính sách ISO.

Kết quả trung gian 5: Môi trường bình đẳng giới được thúc đẩy ở các nước thành viên đang phát triển của ISO . 

Bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ là điều cần thiết cho tăng trưởng kinh tế, thúc đẩy phát triển xã hội và nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh. Kế hoạch hành động bao gồm việc cam kết mạnh mẽ để tăng cường tính bao trùm về giới ở các nước thành viên đang phát triển của ISO. Các thành viên sẽ được hỗ trợ để lồng ghép các nội dung về giới trong các tiêu chuẩn mới và hiện hành, đồng thời đảm bảo sự tham gia cân bằng về giới vào các quá trình tiêu chuẩn hóa và xây dựng các tiêu chuẩn cụ thể để hỗ trợ cho kết quả trung gian này. Đầu ra: Có kiến thức và kỹ năng xây dựng các chính sách, thủ tục và các hoạt động theo khuynh hướng giới và xây dựng các tiêu chuẩn đáp ứng về giới. 

Kết quả trung gian 6: Tăng cường sự tham gia của các nước thành viên đang phát triển của ISO và chuyên gia ở các nước thành viên để đảm bảo lợi ích quốc gia của các nước đang phát triển  được  xem xét trong quá trình xây dựng các sản phẩm ISO. 

Việc đảm bảo tính phù hợp toàn cầu của các tiêu chuẩn ISO và tăng cường việc thực hiện các tiêu chuẩn đòi hỏi lợi ích của các nước đang phát triển phải được xem xét đúng mức trong việc xây dựng các tiêu chuẩn ISO. Kế hoạch hành động nhằm mục đích mang lại tiếng nói cho các nước đang phát triển trong công tác kỹ thuật của ISO bằng cách tăng cường sự tham gia của đại diện của các nước đang phát triển trong quá trình tiêu chuẩn hóa quốc tế, đặc biệt trong các lĩnh vực ưu tiên của quốc gia. Đầu ra:  Sự tham gia dựa trên các ưu tiên quốc gia được hỗ trợ cho cả công việc kỹ thuật ISO mới và đang thực hiện; có được kiến thức và kỹ năng về quy trình xây dựng tiêu chuẩn ISO, bao gồm cả các vị trí lãnh đạo trong công tác kỹ thuật; các ưu tiên được xác định và các tiêu chuẩn quốc tế được xây dựng để đáp ứng lợi ích quốc gia; có cơ chế và công cụ để chia sẻ chuyên môn và nguồn lực kỹ thuật giữa các thành viên ISO, kể cả giữa các thành viên là các nước đang phát triển.

Là thành viên đầy đủ và có trách nhiệm của ISO từ năm 1977, Việt Nam chúng ta cần tham gia thực hiện tích cực Kế hoạch hành động này vừa là để mang lại lợi ích thiết thực cho quốc gia, vừa là thể hiện trách nhiệm chung đối với cộng đồng ISO./.

TS. Vũ Văn Diện, Phó Chủ tịch Hội KH&KT về TC&CLVN

Bình luận

Nổi bật

TCVN 8400-57:2024 về bệnh viêm đa xoang ở lợn

TCVN 8400-57:2024 về bệnh viêm đa xoang ở lợn

sự kiện🞄Thứ năm, 21/11/2024, 15:42

(CL&CS) - Bệnh truyền nhiễm do vi khuẩn Glaesserella parasuis gây ra ở lợn mang tới nhiều thiệt hại cho người chăn nuôi do đó việc chẩn đoán sớm bệnh theo hướng dẫn tại TCVN 8400-57:2024 sẽ hạn chế tối đa sự lây nhiễm.

Tăng cường hoạt động tiêu chuẩn hóa cấp quốc gia và khu vực

Tăng cường hoạt động tiêu chuẩn hóa cấp quốc gia và khu vực

sự kiện🞄Thứ năm, 21/11/2024, 15:05

(CL&CS)- Chiều ngày 20/11, Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia đã có buổi làm việc với đoàn đại biểu Tổ chức Tiêu chuẩn Quốc tế (ISO).

Trung Quốc ban hành tiêu chuẩn an toàn đối với xe đạp điện

Trung Quốc ban hành tiêu chuẩn an toàn đối với xe đạp điện

sự kiện🞄Thứ năm, 21/11/2024, 10:51

(CL&CS) - Nhằm hướng đến sự an toàn đối với người tham gia giao thông và sản phẩm, Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin Trung Quốc đã công bố dự thảo tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật đối với xe đạp điện.