Dữ liệu cũ
Thứ năm, 06/03/2014, 11:00 AM

Hiện tượng chuyển giá ngày càng phức tạp

Các chuyên gia cho rằng việc doanh nghiệp luôn tìm cách để có lợi nhuận cao hơn là dễ hiểu. Do đó, cơ quan quản lý cần xây dựng chiến lược ứng phó kịp thời trong những cuộc chơi lớn.

Tại buổi tọa đàm “Việt Nam và cuộc chơi lớn của các tập đoàn đa quốc gia” vừa được tổ chức tại Hà Nội ngày 5/3, nhiều ý kiến cho rằng tình trạng chuyển giá tại các doanh nghiệp vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) ngày càng phức tạp, vượt quá khả năng quản lý của các cơ quan chức năng.

Về vấn đề này, Tiến sĩ Nguyễn Mại – Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) nhận định đây là điều hiển nhiên bởi khó có thể hy vọng các tập đoàn đa quốc gia đầu tư vì lợi ích của nước sở tại, và họ luôn biết lợi dụng kẽ hở của pháp luật để đạt kết quả tốt nhất. “Đừng hy vọng chấm dứt được hiện tượng chuyển giá”, ông nói.

Song, theo ý kiến ông Nguyễn Mại, không nên chỉ nhìn chuyển giá như một điều ghê gớm mà từ đó phải rút ra bài học, nâng cao hiệu quả của Nhà nước để ứng phó với bất kỳ tình huống nào trong cuộc chơi lớn với các tập đoàn đa quốc gia. “Chừng nào méo mó thị trường không được điều chỉnh thì vẫn gây thiệt hại cho lợi ích quốc gia”, ông nhấn mạnh.

Do vậy, việc Chính phủ ban hành các quy định mới về đầu tư sẽ từng bước nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước, với những đổi mới từ xúc tiến, cấp phép đến triển khai các dự án. Bên cạnh đó, lãnh đạo các địa phương cần thay đổi tư duy trong cách tiếp cận với nhà đầu tư nước ngoài, tránh tình trạng chấp nhận quá dễ dãi những dự án không phù hợp với quy hoạch, thậm chí để các nhà đầu tư “rởm” lợi dụng gây thiệt hại cho lợi ích quốc gia.

Bên cạnh những hệ quả như chuyển giá, các chuyên gia cho rằng không thể phủ nhận những hiệu ứng tốt mà các tập đoàn đa quốc gia đem lại cho kinh tế Việt Nam. Theo ông Nguyễn Nội – Phó cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch & Đầu tư), việc thu hút các ông lớn như Intel, Samsung, Nokia, Honda… sẽ là cách quảng bá cho thu hút đầu tư nước ngoài. Các dự án của tập đoàn đa quốc gia cũng thường có quy mô vốn lớn, đóng góp về giá trị xuất khẩu, tạo việc làm, chuyển giao công nghệ, đóng góp ngân sách…

“Thực tế, những năm nào thu hút được từ 15-20 tỷ USD đều phải có các dự án đầu tư của các tập đoàn đa quốc gia, trị giá tỷ USD”, ông cho hay.

Bàn về lợi ích từ các dự án này, lãnh đạo Hiệp hội Đầu tư nước ngoài cũng lấy dẫn chứng trường hợp Samsung. Theo ông, khi Samsung vào Việt Nam năm 2007, nhiều ý kiến đã nghi ngờ dự án này là công nghệ cao hay lắp ráp, khiến Chính phủ phải mất khá nhiều thời gian mới đi đến quyết định cho doanh nghiệp này được hưởng chính sách ưu đãi đối với dự án công nghệ cao.

Đến nay, theo ông những đóng góp mà Samsung đem lại đã chứng minh được ưu đãi cho dự án này phần nào đúng đắn. Năm 2012, xuất khẩu từ đơn vị này đạt 12 tỷ USD, thuế nộp cho Bắc Ninh khoảng 500 tỷ đồng. Sang năm 2013, Samsung nộp thuế trên 1.000 tỷ đồng. Nếu tính bình quân, mỗi hécta đất Samsung thuê sẽ nộp cho Việt Nam khoảng 10 tỷ đồng, chưa tính đến công nghệ, việc làm…

“Để chấp nhận một dự án của tập đoàn đa quốc gia thì phải hiểu được lợi ích của Việt Nam đến mức nào là hợp lý, cũng như chia phần một chiếc bánh thì phải biết phần của chúng ta bao nhiêu là vừa”, ông bình luận.

Do vậy, ông Nguyễn Mại đề xuất khi làm việc với các ông lớn này nên có những “tổ đặc nhiệm” để kịp thời giải quyết các vấn đề phát sinh, như Việt Nam đã từng làm với Intel. “Một tập đoàn thường có góc nhìn khác, nhiều khi còn lớn hơn cả một quốc gia, nên chúng ta không nên tiếp họ hoặc coi họ như những doanh nghiệp nhỏ”, ông Mại nói.

Theo ông Nguyễn Nội, tính đến hết năm 2013, Việt Nam thu hút được gần 16.000 dự án vốn nước ngoài với tổng vốn đăng ký đạt hơn 234 tỷ USD, vốn thực hiện trên 112 tỷ USD. Trong đó, khoảng 500 dự án là của các tập đoàn đa quốc gia tổng vốn đăng ký khoảng 140 tỷ USD. Nhật Bản chiếm tỷ trọng lớn nhất về vốn đầu tư với khoảng 18 tỷ USD, tiếp theo là Singapore, Malaysia và Mỹ.

Đóng góp của các doanh nghiệp FDI nói chung và các tập đoàn đa quốc gia nói riêng trong những năm qua cũng tăng lên, lãnh đạo Cục đầu tư nước ngoài nhận xét. Ông cho hay, năm 2011 tỷ trọng xuất khẩu của doanh nghiệp FDI chiếm 57% tổng kim ngạch xuất khẩu, năm 2012 tăng lên 64% và 2013 là 67%. Nộp ngân sách Nhà nước cũng tăng đều qua các năm. Năm 2011 là 3,5 tỷ USD, 2012 là 3,9 tỷ USD và 2013 là 5 tỷ USD.

Nhận định về tình hình thu hút FDI năm 2014, ông Nguyễn Nội cho rằng tình hình sẽ tiếp tục khả quan nhờ thuận lợi từ việc Việt Nam nhiều khả năng hoàn tất đàm phán tham gia Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) trong năm 2014, cộng đồng kinh tế ASEAN hình thành năm 2015 và hàng loạt các cơ chế, chính sách sẽ được điều chỉnh.

Ông cũng thông tin hiện nay Bộ Công Thương đang chủ trì đàm phán khoảng 10 dự án điện, vốn mỗi dự án khoảng 2 – 2,5 tỷ USD, dự án lọc dầu 27 tỷ USD tại Bình Định cũng đang trong quá trình chuẩn bị đầu tư. “Nếu một số dự án trong số nêu trên được cấp phép trong năm 2014 thì kết quả thu hút FDI sẽ bằng hoặc cao hơn năm 2013 (13 – 15 tỷ USD)”, ông Nội nhận xét.

Huyền Thư

Nguồn: vnexpress.net

Bình luận

Nổi bật

Những phi cơ già cỗi nhất thế giới, bay trên bầu trời nửa thế kỷ vẫn còn hoạt động

Những phi cơ già cỗi nhất thế giới, bay trên bầu trời nửa thế kỷ vẫn còn hoạt động

sự kiện🞄Thứ ba, 20/02/2024, 10:09

Trên thế giới còn rất nhiều những chiếc phi cơ 'lão thành' ngót nghét 50 tuổi vẫn đang bay trên bầu trời.

Người phụ nữ mắc ung thư gan giai đoạn cuối vì 1 loại thực phẩm quen thuộc, chuyên gia cảnh báo thói quen này nhiều người mắc phải

Người phụ nữ mắc ung thư gan giai đoạn cuối vì 1 loại thực phẩm quen thuộc, chuyên gia cảnh báo thói quen này nhiều người mắc phải

sự kiện🞄Thứ bảy, 14/10/2023, 05:57

Loại thực phẩm nhiều người xem như vô hại này lại là nguyên nhân dẫn đến bệnh tật, thậm chí nguy hiểm tới tính mạng, chúng thường được gọi là "sát thủ thầm lặng" tàn phá sức khoẻ con người.

Cảng Chu Lai đón tàu lớn và nâng cao hiệu suất khai thác hàng rời

Cảng Chu Lai đón tàu lớn và nâng cao hiệu suất khai thác hàng rời

sự kiện🞄Thứ năm, 29/06/2023, 15:00

(CL&CS) - Cảng Chu Lai thuộc Công ty Giao nhận - vận chuyển quốc tế Trường Hải (THILOGI) đang dần khẳng định năng lực tiếp nhận tàu lớn, khai thác đa dạng hàng hóa, đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy giao thương tại khu vực miền Trung, Tây Nguyên.