Thứ bảy, 23/05/2020, 11:02 AM

Hệ thống tiêu chuẩn quốc gia trong lĩnh vực truy xuất nguồn gốc sản phẩm

(CL&CS) - Theo TCVN ISO 9000: 2015: “Truy xuất nguồn gốc (TXNG) là khả năng theo dõi lịch sử, việc áp dụng hoặc vị trí của một đối tượng". Khi xem xét một sản phẩm hay dịch vụ,TXNG có thể liên quan đến:xuất xứ của vật liệu hoặc chi tiết, bộ phận;lịch sử quá trình chế tạo;việc phân phối và vị trí của sản phẩm hoặc dịch vụ sau khi giao. Theo Ủy ban Tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế (năm 2004): “TXNG là khả năng theo dõi sự dịch chuyển của thực phẩm thông qua các giai đoạn sản xuất, chế biến và phân phối cụ thể”. Theo Thông tư số 74/2011/TT-BNNPTNT, ngày 31/10/2011 của Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn: “TXNG là khả năng theo dõi, nhận diện được một đơn vị sản phẩm qua từng công đoạn của quá trình sản xuất kinh doanh”.

Hệ thống TXNG giúp tổ chức có thể quản lý tốt chất lượng sản phẩm, từ khâu nguyên liệu, sản xuất cho đến quá trình vận chuyển, bảo quản và phân phối. Hệ thống TXNG tạo sự minh bạch hóa thông tin suốt chuỗi cung ứng, qua đó tạo thuận lợi cho việc quản lý, xác định trách nhiệm của các bên liên quan khi có sự cố xảy ra và có thể giúp doanh nghiệp thu hồi nhanh chóng sản phẩm, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, nâng cao uy tín trên thương trường.

Chế-biến-nông-sản-1
 

Việc quản lý TXNG trong suốt chuỗi cung ứng liên quan đến sự kết hợp dòng thông tin với dòng vật chất các vật thể có thể TXNG. Mỗi tác nhân tham gia thực hiện các vai trò khác nhau trong chuỗi cung ứng, nhưng tất cả phải tuân thủ các bước cơ bản quy định trong quá trình TXNG, cụ thể:

- Mỗi bên tham gia TXNG có trách nhiệm duy trì dữ liệu kết nối đầu vào, dữ liệu đã biến đổi, với đầu ra và kết nối địa điểm ban đầu với địa điểm cuối cùng sau khi di chuyển. Việc này liên quan đến việc thu thập, lưu trữ và cung cấp thông tin chi tiết về các sự kiện chính trong suốt quá trình cung ứng và sản xuất;

- Mỗi bên tham gia TXNG phải có khả năng tìm lại bên trực tiếp giao cho họ và xác định được người nhận trực tiếp vật phẩm từ họ, đây là nguyên tắc “một bước trước, một bước sau”.

-Tất cả vật phẩm có thể TXNG phải được định danh tại nguồn (hoặc nơi chúng được tạo ra), đảm bảo tính đơn nhất của mã/thẻphân định vật phẩm.

TXNG không có nghĩa là mỗi bên tham gia TXNG phải giữ và gửi đi tất cả các thông tin TXNG, tuy nhiên, bên giao vật phẩm có thể TXNG và bên nhận vật phẩm có thể TXNG phải trao đổi và ghi chép lại thông tin nhận dạng của vật phẩm có thể TXNG ở một cấp độ chung nào đó trong hệ thống tương quan của mình. Vì vậy, việc sử dụng một tiêu chuẩn chung cho định danh, thu thập và trao đổi dữ liệu sẽ đảm bảo tính hiệu quả của luồng thông tin phục vụ truy xuất.

Ngày nay, thế giới đang trong xu thế toàn cầu hoá, khoảng cách địa lý giữa nhà sản xuất và khách hàng ngày càng gia tăng chứ không còn bó hẹp trong phạm vi một vùng, miền, quốc gia hay thậm chí một châu lục thì việc nắm bắt và thoả mãn mong muốn của khách hàng đã và đang trở thành một thách thức to lớn. Trước thách thức này, tiêu chuẩn hoá đã và đang thể hiện rõ vai trò ngày càng quan trọng của mình: Cầu nối giữa các bên có lợi ích liên quan. Tiêu chuẩn còn đảm bảo cho các bên có lợi ích liên quan đạt được lợi ích mong muốn với chi phí hợp lý nhất.Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đã thừa nhận tiêu chuẩn hoá là công cụ góp phần tạo lợi thế cạnh tranh trên thị trường. Ủy ban châu Âu (EC) xem tiêu chuẩn hoá là công cụ đòn bẩy để khuyến khích sự sáng tạo và đảm bảo sự tuân thủ các quy chuẩn kỹ thuật.

Trước thực trạng hàng nhái, hàng giả, hàng lưu thông không rõ nguồn gốc xuất xứ, sản phẩm chứa chất cấm, độc hại ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe người tiêu dùng, đến phát triển kinh tế, xã hội, TXNG trở thành vấn đề quan tâm chung của toàn cầu. Những sự cố về nhiễm Dioxin xảy ra tại Bỉ, bò điên tại Anh, dư lượng kháng sinh trong thủy sản ở châu Á và Nam Mỹ, sự lo ngại về khủng bố sinh học qua thực phẩm, dịch bệnh... dẫn đến nhiều thị trường, quốc gia phải đưa ra các quy định về TXNG, ví dụ:

 - Qui định của Liên minh Châu Âu số 178/2002/EC (điều 18), các nước thành viên phải áp dụng hệ thống TXNG từ ngày 1/1/2005, với các yêu cầu:  Hệ thống TXNG phải được thiết lập ở tất cả các giai đoạn của chuỗi quá trình sản xuất thực phẩm (đánh bắt, sản xuất giống, sản xuất thức ăn, đầm nuôi thủy sản, đại lý nguyên liệu, cơ sở sơ chế, nhà máy chế biến thủy sản, cơ sở bán lẻ); Tại tất cả các giai đoạn phải thiết lập hệ thống/thủ tục để xác định và lưu trữ thông tin về sản phẩm (nhập vào và bán ra) theo yêu cầu cụ thể của cơ quan thẩm quyền; Hàng hóa đưa ra thị trường phải được dán nhãn bằng phương thức thích hợp để truy xuất được nguồn gốc;

- Từ năm 2005, Hàn Quốc, Nhật Bản, Canada, Nga, Singapore đã đưa ra yêu cầu các lô hàng nhập khẩu phải có khả năng TXNG khi gặp sự cố về chất lượng. Úc quy định bắt buộc gắn thẻ phân định cho gia súc, cừu và dê. Thông qua hệ thống nhận dạng động vật và đăng ký trong cơ sở dữ liệu cấp quốc gia, có thể giám sát được toàn cuộc đời của từng con vật từ khi sinh đến giết mổ,di chuyển. Năm 2002, Mỹ có đạo luật chống khủng bố sinh học quy định về việc lưu hồ sơ đảm bảo một bước trước, một bước sau trong hệ thống TXNG cho các sản phẩm thực phẩm…

- Trong nước:

+  Quyết định số 100/QĐ-TTg, ngày 19/01/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc Phê duyệt Đề án triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống TXNG. Mục tiêu: đến năm 2025, xây dựng, ban hành tối thiểu 35 tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) và 03 quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN) về TXNG (đến 2020 phải xây dựng, ban hành 5 TCVN và 02 QCVN);

+ Quyết định số 117/2008/QĐ-BNN ngày 11/12/2008 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Quy chế kiểm tra và công nhận cơ sở sản xuất, kinh doanh thủy sản đủ điều kiện đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Trong đó có quy định: Xây dựng và áp dụng hệ thống TXNG sản phẩm tại cơ sở phải đảm bảo nguyên tắc “một bước trước, một bước sau”;

+ Thông tư số 74/2011/TT-BNNPTNT ngày 31 tháng 10 năm 2011 quy định về TXNG, thu hồi và xử lý thực phẩm nông lâm sản không bảo đảm an toàn;

+ Thông tư số 03/2011/TT-BNNPTNT, ngày 21 tháng 01 năm 2011quy định về TXNG và thu hồi sản phẩm không đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm trong lĩnh vực thủy sản.

Ở góc độ Tiêu chuẩn, Tổ chức Tiêu chuẩn hóa quốc tế (ISO) cũng đã công bố trên 30 tiêu chuẩn liên quan đến TXNG. Tổ chức mã số mã vạch quốc tế (GS1), với hơn 110 tổ chức thành viên cũng đã xây dựng và công bố trên 10 tài liệu kỹ thuật liên quan đến TXNG. Việt Nam đến nay đã công bố hơn 50 TCVN liên quan đến TXNG.

Hệ thống TCVN liên quan đến TXNG đã và đang được xây dựng trên cơ sở chấp nhận các tiêu chuẩn của ISO và các quy định kỹ thuật của GS1,trong đó có các tiêu chuẩn liên quan đến công nghệ mã số mã vạch (MSMV), một trong những công nghệ phân định và thu nhận dữ liệu tự động, từ đó các bên tham gia trong chuỗi cung ứng có thể ứng dụng để TXNG, triệu hồi sản phẩm, quản lý sản xuất, bán hàng, kho bãi, giao nhận vận chuyển:

+TCVN 12850:2019 Truy xuất nguồn gốc – Yêu cầu chung đối với hệ thống truy xuất nguồn gốc (xây dựng trên cơ sở quy định của GS1 “GS1 Global Traceability Standard”, Ver 2.0,  Aug 2017), quy định các yêu cầu chung đối với hệ thống TXNG, áp dụng đối với các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, không phân biệt quy mô của tổ chức, chuỗi cung ứng, trong việc thiết lập và áp dụng hệ thống TXNG;

+ Mã phân định thương phẩm (GTIN), áp dụng trên các sản phẩm bán lẻ, thùng bảo quản, vận chuyển sản phẩm: TCVN 6384:2009; TCVN 6939:2019…; Mã phân định địa điểm (GLN), áp dụng để xác định các bên tham gia trong chuỗi cung ứng (TCVN  7199:2007);Mã côngtenơ vận chuyển theo xê ri (SSCC), áp dụng để xác định từng đơn vị hậu cần (TCVN 7200:2007);

+ Mã vạch EAN/UPC 128 (TCVN 6755:2008/ISO/IEC 15417:2007);Mã vạch 39 (TCVN 7202:2008/ISO/IEC 16388:2007...quy định về chất lượng mã vạch;

+ Mã QR (TCVN 7322:2009/ISO/IEC 18004:2006); TCVN 8656 (gồm 5 phần, tương đương với ISO/IEC 19762:2008) về phân định và thu nhận dữ liệu tự động;

+ TCVN 9988:2013; TCVN 9989:2013; TCVN 12455: 2017 đến TCVN 12458: 2017 (các TCVN này đều tương đương với các tiêu chuẩn ISO tương ứng), quy định về ghi nhận thông tin phục vụ cho TXNG đối với một số sản phẩm thủy sản;...

    + TCVN 12827:2019 quy định các yêu cầu đối với chuỗi cung ứng rau quả tươi (năm 2020 đang xây dựng các tiêu chuẩn cho chuỗi cung ứng thịt, ca cao);

    + TCVN 15851:2019 quy định về tổ chức chứng nhận hệ thống TXNG.

    Hệ thống TCVN đang được tiếp tục xây dựng, hoàn thiện để có thể áp dụng, xây dựng một hệ thống TXNG hoàn chỉnh,đáp ứng yêu cầu của các tổ chức, xã hội và quản lý nhà nước.Xây dựng một hệ thống TXNG hiệu quả trên cơ sở áp dụng TCVN và tiêu chuẩn quốc tế là biện pháp hữu hiệu giúp tổ chức hoạt động hiệu quả./.

Phó Đức Sơn

Bình luận

Nổi bật

Sớm hoàn thiện 28 quy chuẩn quốc gia về môi trường

Sớm hoàn thiện 28 quy chuẩn quốc gia về môi trường

sự kiện🞄Thứ ba, 16/04/2024, 12:34

(CL&CS) - Theo Quyết định số 558/QĐ- BTNMT ngày 23/3/2022 của Bộ trưởng Bộ TN&MT, Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường được giao xây dựng 28 quy chuẩn kỹ thuật môi trường quốc gia của Việt Nam (QCVN).

Cần đảm bảo quy chuẩn để nâng cao giá trị sầu riêng xuất khẩu

Cần đảm bảo quy chuẩn để nâng cao giá trị sầu riêng xuất khẩu

sự kiện🞄Thứ ba, 16/04/2024, 10:16

(CL&CS) - Để duy trì và phát triển ổn định xuất khẩu sầu riêng đòi hỏi người nông dân, hợp tác xã... phải phát triển một cách bài bản, đáp ứng yêu cầu từ các nước nhập khẩu.

Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn đối với thiết bị bể bơi

Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn đối với thiết bị bể bơi

sự kiện🞄Thứ sáu, 12/04/2024, 10:22

(CL&CS)- Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang dự thảo Thông tư ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn đối với thiết bị bể bơi.