Thứ tư, 17/04/2024, 10:55 AM

Gia Lai: Đẩy mạnh cải cách hành chính và chuyển đổi số

(CL&CS) - Vừa qua, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Trương Hải Long-Trưởng ban Chỉ đạo chuyển đổi số (CĐS), Đề án 06, cải cách hành chính (CCHC) tỉnh đã chủ trì hội nghị trực tuyến sơ kết quý I, triển khai nhiệm vụ quý II-2024 về CĐS, Đề án 06 và CCHC.

Trong quý I, các cơ quan, đơn vị, địa phương đã tập trung triển khai thực hiện quyết liệt các nội dung, nhiệm vụ liên quan đến CCHC, Đề án 06 và CĐS. Theo đó, tỉnh đã hoàn thành Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) tỉnh; tra cứu thông tin dân cư phục vụ giải quyết TTHC; rà soát, đẩy mạnh triển khai chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt; triển khai chiến dịch cao điểm 100 ngày đêm “Nâng cao hiệu quả sử dụng dịch vụ công” trên địa bàn tỉnh; các ngân hàng triển khai giải pháp ứng dụng dữ liệu dân cư trong đánh giá khả tín khách hàng vay…

img-0699-8953

Nhờ đó, các “điểm nghẽn” trong năm 2023 đã được giải quyết và thúc đẩy nhanh quá trình CĐS, CCHC trên địa bàn tỉnh. Đến nay, các sở, ngành đã thực thi phương án đơn giản hóa đối với 561/1.086 TTHC (đạt 52%). Cổng dịch vụ công (DVC) quốc gia đã cung cấp 4.505 DVC trực tuyến; có hơn 12 triệu tài khoản đăng ký, hơn 287 triệu hồ sơ đồng bộ; hơn 30,2 triệu lượt thực hiện các dịch vụ tiện ích. Cổng DVC tỉnh cung cấp 1.788 DVC trực tuyến (855 TTHC toàn trình, 854 TTHC một phần), 19.689 tài khoản đăng ký, hơn 2 triệu lượt hồ sơ đồng bộ. 220 bộ phận tiếp nhận và trả kết quả giải quyết TTHC cấp xã, 143 điểm bưu điện bố trí máy tính kết nối internet và cán bộ hỗ trợ hướng dẫn người dân nộp hồ sơ qua DVC trực tuyến.

Cán bộ, công chức, viên chức các sở, ban, ngành của tỉnh và UBND cấp huyện, cấp xã đã tiến hành tra cứu, khai thác thông tin dân cư phục vụ giải quyết TTHC, DVC trên hệ thống một cửa điện tử. Trong quý I, các sở, ban, ngành của tỉnh và UBND cấp huyện, cấp xã đã giải quyết 115.184 hồ sơ TTHC, trong đó, số hồ sơ giải quyết đúng hạn đạt 98,86%. Việc xử lý TTHC của các đơn vị, địa phương được công khai trên mạng internet và được kết nối, cung cấp thông tin theo thời gian thực với Cổng thông tin điện tử Chính phủ, kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu với Cổng DVC quốc gia. Cùng thời gian, toàn tỉnh đã thực hiện gửi, nhận hơn 403.511 lượt văn bản điện tử (ước tính tiết kiệm hơn 2,8 tỷ đồng); khoảng 97% văn bản được gửi hoàn toàn dưới dạng điện tử (sử dụng chữ ký số, chứng thư số và gửi trên môi trường điện tử).

Về kết quả xây dựng chính quyền số, tất cả TTHC của tỉnh được cung cấp trên Cổng DVC tỉnh, trong đó có 856 DVC trực tuyến toàn trình, 995 DVC trực tuyến một phần, đã tích hợp 759/1.205 DVC trực tuyến lên Cổng DVC quốc gia (chiếm 49%). Tỷ lệ hồ sơ trực tuyến/tổng số hồ sơ phát sinh của các DVC trực tuyến toàn trình, một phần đạt 27,1%; tỷ lệ TTHC có yêu cầu nghĩa vụ tài chính được thanh toán trực tuyến trên Cổng DVC quốc gia, Cổng DVC tỉnh đạt 22,4%.

Đến nay, 100% doanh nghiệp của tỉnh đã sử dụng hóa đơn điện tử; số doanh nghiệp nhỏ và vừa có sử dụng nền tảng số chiếm 30%; doanh nghiệp sử dụng hợp đồng điện tử, doanh nghiệp có đủ điều kiện sử dụng hợp đồng điện tử đạt 35%; doanh nghiệp nhỏ và vừa được cung cấp thông tin, tiếp cận các nền tảng CĐS đạt trên 90%; doanh nghiệp nhỏ và vừa thường xuyên sử dụng các nền tảng CĐS đạt khoảng 30%; tỷ trọng doanh thu thương mại điện tử trong tổng mức bán lẻ đạt 7,5%; chỉ số thương mại điện tử của tỉnh năm 2023 đạt 13,6 điểm, xếp thứ 38/63 tỉnh, thành phố (tăng 2 bậc so với năm 2022, tăng 6 bậc so với năm 2021) và xếp thứ 3/5 tỉnh thuộc khu vực Tây Nguyên. Tỷ lệ hộ gia đình có đường truyền internet cáp quang băng rộng đạt 55,5% và người dân sử dụng internet đạt 68%; tỷ lệ dân số trưởng thành được cấp tài khoản định danh, xác thực điện tử đạt 67,76%.

Bên cạnh những kết quả đạt được, tại hội nghị, các đại biểu thẳng thắn chỉ rõ một số nội dung còn chậm chuyển biến, chậm tiến độ, những “điểm nghẽn” về pháp lý, hạ tầng, an ninh, an toàn, DVC, kinh phí, nhân lực… Từ đó, đề xuất các giải pháp trọng tâm, trọng điểm nhằm giải quyết dứt điểm các nhiệm vụ trong năm 2024 và hướng tới hoàn thành các mục tiêu CĐS đến năm 2025 cũng như các mục tiêu của Đề án 06 đã đề ra.

Giải trình về việc tiến độ số hóa sổ hộ tịch chậm, Chủ tịch UBND huyện Chư Pưh Lê Quang Thái cho rằng nguyên nhân khách quan là do phần mềm hộ tịch thường xuyên bị lỗi. Còn nguyên nhân chủ quan là vì công tác chỉ đạo, đôn đốc chưa thật sự quyết liệt của huyện, xã; công chức phụ trách mảng số hóa hộ tịch yếu về công nghệ thông tin và lúng túng trong triển khai thực hiện. “Huyện đã phân công Phó Chủ tịch UBND huyện và lãnh đạo các phòng, ban liên quan cùng các địa phương thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở nhằm đẩy nhanh tiến độ; tăng cường lực lượng Công an xã cùng công chức tư pháp-hộ tịch để thực hiện số hóa hộ tịch; đồng thời, đưa một số cán bộ tư pháp-hộ tịch từ các xã đã hoàn thành tiến độ đến tăng cường cho địa phương chưa hoàn thành”-ông Thái nêu giải pháp.

Để cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư “đúng, đủ, sạch, sống” và đảm bảo tiến độ, Phó Giám đốc Sở Tư pháp Dương Văn Thành đề nghị các địa phương quan tâm bố trí đội ngũ cán bộ tư pháp-hộ tịch ở cơ sở có trình độ, năng lực, đáp ứng môi trường làm việc trong tình hình mới. Riêng với UBND huyện Chư Prông, Sở Tư pháp đã có văn bản đề nghị khảo sát cơ sở hạ tầng, năng lực đội ngũ cán bộ nhằm đảm bảo tiến độ số hóa dữ liệu vì qua rà soát thì 2 xã Ia Pia, Ia Tôr có khả năng không đảm bảo tiến độ.

Nhằm đẩy nhanh tiến độ xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai và nâng cao tỷ lệ người dân sử dụng các DVC trực tuyến trên lĩnh vực đất đai, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Trần Quốc Khánh đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố phối hợp với Trung tâm Phục vụ hành chính công trong việc số hóa tài liệu, hồ sơ đầu vào và thực hiện tiếp nhận, giải quyết TTHC trong lĩnh vực đất đai; đẩy mạnh tuyên truyền, hỗ trợ công dân nộp hồ sơ trực tuyến các DVC mức độ 3, 4. Về phía Sở Thông tin và Truyền thông cần có hướng dẫn việc thanh toán trực tuyến thống nhất trên toàn tỉnh.

Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các sở, ngành, đơn vị, địa phương tiếp tục phát huy vai trò và nâng cao trách nhiệm người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo triển khai nhiệm vụ CCHC; phối hợp với Sở Nội vụ để tuyển dụng, bố trí biên chế công chức có chuyên môn công nghệ thông tin; phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông rà soát, kiểm tra và xử lý dứt điểm các hồ sơ trực tuyến nộp từ Cổng DVC quốc gia quá hạn đang xử lý; thực hiện việc xin lỗi người dân, doanh nghiệp và chấn chỉnh, xử lý nghiêm cán bộ, công chức, viên chức có hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực, làm phát sinh thêm TTHC; rà soát, tái cấu trúc quy trình, đề xuất cắt giảm, đơn giản hóa TTHC trên cơ sở liên thông các dữ liệu điện tử, tái sử dụng dữ liệu để cung cấp DVC trực tuyến.

Thiện Phúc

Bình luận

Nổi bật

Đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế nhờ nhà máy thông minh

Đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế nhờ nhà máy thông minh

sự kiện🞄Thứ bảy, 27/04/2024, 15:24

(CL&CS) - Internet vạn vật (IoT) và trí tuệ nhân tạo (AI) đang mở ra những cơ hội mới và tiềm năng lớn, nhất là giúp doanh nghiệp hình thành và xây dựng nhà máy thông minh.

Bảo đảm an toàn thông tin mạng trong dịp Lễ 30/4 - 1/5/2024

Bảo đảm an toàn thông tin mạng trong dịp Lễ 30/4 - 1/5/2024

sự kiện🞄Thứ sáu, 26/04/2024, 15:16

(CL&CS) - Bộ TT&TT vừa ban hành văn bản đôn đốc công tác đảm bảo an toàn thông tin (ATTT) mạng dịp lễ 30/4, 1/5 và 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ gửi tới các bộ, ngành, địa phương; các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước...

Bình Thuận: Đảng bộ Khối đã áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ và tiên phong trong chuyển đổi số

Bình Thuận: Đảng bộ Khối đã áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ và tiên phong trong chuyển đổi số

sự kiện🞄Thứ sáu, 26/04/2024, 14:58

(CL&CS) - Xác định chuyển đổi số là nhiệm vụ quan trọng, Đảng bộ Khối Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh Bình Thuận đã triển khai nhiều giải pháp cụ thể để thúc đẩy chuyển đổi số mạnh mẽ hơn.