Gần 500 nghìn tỷ đồng dư nợ tín dụng mới được mong đợi bổ sung ra thị trường vào những tháng cuối năm

(CL&CS) – SSI dự đoán, một số ngân hàng sẽ được bổ sung room tín dụng 3-5% tùy sức khỏe, tổng room được cấp cho các ngân hàng trong hạn mức còn lại của năm 2022 tương đương 457.000 tỷ đồng.

Doanh nghiệp ngóng room tín dụng

Cuối tháng 8, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thông báo về việc bổ sung hạn mức tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc phổ biến, giải đáp, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất 2%/năm.

Theo đó, hạn mức tăng trưởng tín dụng điều chỉnh trong khoảng còn lại của mục tiêu 14% để thuận tiện cho việc triển khai thực hiện gói hỗ trợ lãi suất 2%, cũng như đáp ứng nhu cầu vốn để thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và phục hồi sản xuất, kinh doanh.

Mặc dù vậy, đến nay, Ngân hàng Nhà nước vẫn chưa có thông tin chính thức về việc nới hạn mức tín dụng cho các ngân hàng.

Theo SSI, việc NHNN phân bổ room tín dụng còn lại của năm 2022 tương đương với việc sẽ có khoảng 457.000 tỷ đồng sẽ được phân bổ về cho các ngân hàng.

Trước đó, số liệu từ Ngân hàng Nhà nước cho thấy, dư nợ tín dụng tính đến hết tháng 7 tăng 9,42% so với đầu năm (tương đương mức tăng 16,3% so với cùng kỳ). Như vậy, tăng trưởng tín dụng đang có xu hướng hạ nhiệt sau khi đạt đỉnh vào cuối tháng 5 (tăng gần 17% so với cùng kỳ), do việc giải ngân chậm lại khi nhiều ngân hàng đã chạm trần tăng trưởng tín dụng hàng năm.

Theo SSI, việc Ngân hàng Nhà nước phân bổ room tín dụng còn lại của năm 2022 tương đương với việc sẽ có khoảng 457.000 tỷ đồng sẽ được phân bổ về cho các ngân hàng, với mức dự báo hạn mức bổ sung sẽ vào khoảng 3-5% - tùy vào tình hình sức khỏe của từng ngân hàng.

Chuyên gia SSI nhận xét, tuần qua, Ngân hàng Nhà nước điều hành chính sách tiền tệ một cách linh hoạt với sự điều tiết của hoạt động thị trường mở nhằm giảm áp lực tới tỷ giá. Trong đó, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục phát hành tín phiếu với tổng khối lượng là 33.000 tỷ đồng, ở các kỳ hạn 7, 14 và 28 ngày.

Lãi suất phát hành cũng được nâng lên 4% cho kỳ hạn 14 ngày (từ mức 3% trong tuần trước) và giữ nguyên 2,6% cho kỳ hạn 7 ngày, và 3,45% cho kỳ hạn 28 ngày.

Bên cạnh việc phát hành tín phiếu, Ngân hàng Nhà nước đã bán giao ngay một khối lượng lớn USD trong dự trữ ngoại hối khi áp lực về tỷ giá tăng dần trong bối cảnh USD có xu hướng mạnh lên trước thềm Hội nghị chuyên đề kinh tế Jackson Hole.

Ngoài ra, hoạt động mua kỳ hạn vẫn được đều đặn sử dụng với khối lượng tăng lên trung bình khoảng 1.000 tỷ đồng/ngày (từ mức 500 tỷ đồng/ngày trong tuần trước). Lãi suất OMO tăng lên khoảng 4% cho cả 2 kỳ hạn 7 và 14 ngày.

Nhờ lượng tín phiếu đáo hạn tương đối lớn, Ngân hàng Nhà nước đã bơm ròng khoảng 40.000 tỷ đồng thông qua hoạt động thị trường mở. Lãi suất VND liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm được đẩy lên mức 3,5% (tăng 100 điểm cơ bản so với tuần trước), tạo một khoảng cách khá an toàn với lãi suất USD.

Dự báo một số vấn đề tín dụng cuối năm

Theo chuyên gia đánh giá, an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng chưa thực sự bền vững, chủ yếu do nợ xấu và trái phiếu doanh nghiệp.

TS Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, cho rằng nếu không khơi thông sớm dòng vốn tín dụng sẽ dẫn đến tình trạng tăng nợ đọng lẫn nhau giữa các doanh nghiệp trong nền kinh tế.

Nợ xấu nội bảng vẫn ở mức cơ bản an toàn, nhưng nợ có nguy cơ trở thành nợ xấu và phần nợ xấu bán cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) chưa xử lý được vẫn còn ở mức cao.

Nợ xấu lớn nhất nằm ở bất động sản. Dư nợ tín dụng vào lĩnh vực bất động sản trong nửa đầu năm tăng tới 14,07%, cao hơn nhiều so với tốc độ tăng 9,35% chung toàn bộ nền kinh tế; tổng số đạt trên 2,36 triệu tỷ đồng, chiếm 20,74% tổng dư nợ tín dụng.

Trái phiếu doanh nghiệp có quy mô đến đầu quý III/2022 đạt khoảng 1,6 triệu tỷ đồng, bằng gần 18,3% GDP và bằng 14,9% dư nợ tín dụng. Nhóm ngân hàng và bất động sản chiếm tỷ trọng cao nhất (65%) giá trị trái phiếu doanh nghiệp.

Tỷ giá VND/USD bình quân 7 tháng tăng thấp (0,08%), nhưng tháng 7/2022 so với tháng 12/2021 tăng 2,14%, dự báo tỷ giá vào ngày 31/12/2022 so với cùng thời điểm năm trước có khả năng vượt qua mốc 3%, cao gấp rưỡi định hướng (2%). Tỷ giá VND/USD tăng sẽ tác động tiêu cực về nhiều mặt, làm giá nhập khẩu tính bằng VND tăng “kép”, làm tăng chi phí đầu vào của sản xuất, gây áp lực đối với lạm phát; làm tăng nợ và trả nợ khi vay và trả nợ bằng VND; ảnh hưởng đến dự trữ ngoại hối, đến thị trường ngoại hối.

TS Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, cho rằng nếu chờ đợi đến quý 4 mới nới room tín dụng là hơi muộn và có thể sẽ mất cơ hội. Bởi nếu không khơi thông sớm dòng vốn tín dụng sẽ dẫn đến tình trạng tăng nợ đọng lẫn nhau giữa các doanh nghiệp trong nền kinh tế, điều này là nguy hiểm và gây nên tình trạng nợ xấu cho ngân hàng. Nhu cầu vốn tín dụng trong năm nay tăng trưởng cao gắn với nhu cầu thực hơn so với trước rất nhiều do nền kinh tế phục hồi, sản xuất kinh doanh được đẩy mạnh, doanh nghiệp có nhu cầu vốn để hoạt động.

Tại diễn đàn tổ chức mới đây, TS. Đinh Thế Hiển, chuyên gia kinh tế đánh giá, mặc dù NHNN đang hạn chế tín dụng vào ngành bất động sản, nhưng ngành này vẫn nhận được nhiều vốn thông qua trái phiếu doanh nghiệp. Số liệu thống kê cho thấy, trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ trong 7 tháng năm 2022 đạt 280.641 tỷ đồng.

Theo ông Hiển, các kết quả khảo sát cho thấy, vốn ngân hàng đang chiếm đến 70% giá trị vốn bất động sản. Với mô hình kinh doanh hiện nay, ngân hàng càng tăng tín dụng, doanh nghiệp địa ốc sẽ càng tăng thâm dụng vốn.

Trong khi đó, hơn 70% nhà đầu tư là lướt sóng, trong khi bất động sản khai thác chiếm tỷ lệ nhỏ. Do vậy khi giá chững lại thì thanh khoản giảm mạnh, ảnh hưởng tức thời tới dòng tiền thu hồi của ngân hàng. Chưa kể, thời hạn quay vòng vốn trong lĩnh vực bất động sản rất dài, bình quân 10 năm, cao gấp 4 lần các ngành sản xuất kinh doanh khác. Nên thực chất nó có tác động gấp 3 - 4 lần so với các ngành khác cùng khoản vay.

Từ thực tế nêu trên, TS. Đinh Thế Hiển cho rằng, cần có giải pháp huy động vốn bền vững thay vì chỉ phụ thuộc vào dòng vốn tín dụng của ngân hàng.

Thanh Xuân

Bình luận

Nổi bật

Thị trường bất động sản vẫn chờ những chính sách mới có hiệu lực

Thị trường bất động sản vẫn chờ những chính sách mới có hiệu lực

sự kiện🞄Thứ hai, 13/05/2024, 20:20

Dù đã bước sang quý II, nhưng thị trường bất động sản (BĐS) vẫn chưa có sự chuyển biến rõ nét khi thanh khoản kém tích cực, nguồn cung vẫn hạn chế… Và kỳ vọng của doanh nghiệp bất động sản là vẫn chờ những chính sách mới có hiệu lực.

[Longform] Đi tìm phân khúc bất động sản tiềm năng trong năm 2024

[Longform] Đi tìm phân khúc bất động sản tiềm năng trong năm 2024

sự kiện🞄Thứ hai, 13/05/2024, 20:19

Nhiều ý kiến cho rằng, thị trường bất động sản (BĐS) Việt Nam trong năm 2024 vẫn còn nhiều cơ hội. Nếu nhìn vào thực tế đang diễn ra, đây hoàn toàn là điều dễ hiểu khi thị trường mới chỉ chớm có sự phục hồi sau thời gian dài trầm lắng. Tuy nhiên, để tìm ra phân khúc tiềm năng cũng như thời điểm thích hợp để “xuống tiền” thì lại cần dựa vào nhiều yếu tố để đánh giá.

Vốn FDI tăng cao, thúc đẩy nhu cầu thuê căn hộ dịch vụ ở Việt Nam

Vốn FDI tăng cao, thúc đẩy nhu cầu thuê căn hộ dịch vụ ở Việt Nam

sự kiện🞄Thứ hai, 13/05/2024, 20:19

Báo cáo của Savills World Research vừa công bố vào tháng 2/2024 cho biết, xu hướng gia tăng về nhu cầu thuê đối với loại hình nhà ở là căn hộ dịch vụ đồng thời được ghi nhận tại Hà Nội và TP.HCM.