Faros lên sàn: Cổ phiếu “cắt tiết” nhà đầu tư, Chủ tịch FLC có chém gió?

(NTD) - Một trong những sự kiện đang thu hút sự chú ý đặc biệt của giới đầu tư là việc sáng ngày 1/9/2016, Faros (Công ty Cổ phần Xây dựng Faros) chính thức chào sàn. Cho dù trước đó, Foros không ngừng được ngợi ca là nhà đầu tư hàng đầu, giới đầu tư vẫn tò mò nghi ngại rằng năng lực tài chính thật sự của Faros đến đâu, Faros thực sự có phải là “Công ty tăng vốn thần tốc nhất hiện nay” và việc cổ phiếu Ros của Faros được định giá mới mức giá “cắt tiết” nhà đầu tư liệu có thỏa đáng.

 “Vòng tiền ảo diệu” của Faros

Có lẽ trước khi lên sàn, nhiều người không biết Faros là ai, kể cả người am hiểu về lĩnh vực thầu xây dựng. Bởi Faros mới chỉ được đặt tên vào ngày 13/5/2015, trước đó nó là Công ty CP Xây dựng và Đầu tư hạ tầng Vĩnh Hà, được thành lập vào tháng 3/2011, kinh doanh khá “nhỏ lẻ” ở lĩnh vực vui chơi giải trí, buôn bán đồ ăn… với vốn điều lệ ban đầu cực khiêm tốn 1,5 tỷ đồng.

Vài ngày qua, truyền thông, dư luận “xoáy” mạnh vào vòng quay “ảo diệu” của dòng tiền tại đây.

Lưu ý, bộ máy điều hành Faros hiện phần lớn là lãnh đạo chủ chốt tới từ Tập đoàn FLC, “mô hình tăng vốn nghìn tỉ” cũng na ná… FLC. Cụ thể: Năm 2014, nhờ 03 cổ đông lớn, vốn của Faros đã tăng từ 1,9 tỷ đồng lên 225 tỷ đồng. Tháng 5/2015 và tháng 7/2015, với 02 đợt tăng vốn cũng nhờ phát hành thêm cho cổ đông hiện hữu, Faros tăng vốn lên 3.037 tỷ đồng. Đến tháng 3/2016, Faros phát hành cổ phần riêng lẻ, nâng vốn điều lệ lên tới 4.300 tỷ đồng, gấp 2.263 lần chỉ trong 2 năm, nhờ “mô hình FLC” độc đáo.

Tháng 8/2016, bản cáo bạch niêm yết của Foros cho biết, hiện ông Trịnh Văn Quyết - Chủ tịch FLC là cổ đông lớn nhất của Faros, sở hữu 179,7 triệu cổ phiếu, chiếm 41,79% vốn điều lệ (tính đến 6/7/2016). Ông Quyết cũng là cổ đông lớn nhất của FLC, nắm 93 triệu cổ phiếu (14,6% vốn điều lệ).

Làm sao Faros có thể từ nhà bán buôn nhỏ lẻ lột xác thành “nhà thầu chuyên nghiệp” chóng vánh như vậy? Theo nhân sự cấp cao trong tập đoàn FLC cho PV biết: Với hàng nghìn tỉ vốn về cấp tập, Faros không mang ra kinh doanh thực phẩm, quần áo, mà thực hiện “ủy thác” cho cá nhân, doanh nghiệp đi đầu tư tài chính.

Năm 2014, Faros ủy thác cho hai cá nhân Nguyễn Thị Hồng Dung (360 tỷ đồng), Lê Thị Thơm (390 tỷ đồng), lãi suất 0% trong năm 2014 và 6%/năm năm 2015 (tiền lấy từ tiền tạm ứng của FLC cho việc thi công dự án FLC Sầm Sơn mà chưa sử dụng – nay đã thu hồi). Năm 2015, Faros tiếp tục ủy thác vốn cho 5 cá nhân gồm: Nguyễn Quang Trung (225 tỷ đồng), Trần Văn Toản (400 tỷ đồng), Hồ Thị Hiền (370 tỷ đồng), lãi suất chỉ 4-6%/năm, thời gian 3 năm… Bên cạnh đó, Faros còn “bơm” hơn 2.000 tỷ đồng ủy thác cho 07 công ty (4 công ty có liên quan tới FLC). Kết quả tổng, số tiền Faros đem đi ủy thác cho 7 công ty (4 công ty có liên quan tới FLC) và 5 cá nhân đến cuối năm 2015 lên tới hơn 3.093,7 tỷ đồng, lợi tức thấp hơn cả gửi ngân hàng (?)

Sang nửa đầu 2016, Faros tiếp tục đẩy mạnh ủy thác vốn tổng cộng 3.566 tỷ đồng (cá nhân nhận 1.417 tỷ đồng, tổ chức nhận 2.149 tỷ đồng).

Ngàn tỉ đến, ngàn tỉ đi theo diện “ủy thác” đầu tư với lợi nhuận thấp bé không thể hiện việc Faros “dốt” làm ăn, mà đặt ra hoài nghi doanh nghiệp này tăng vốn điều lệ “ảo”, và tiền đã chuyển ngược về FLC hay các doanh nghiệp liên quan tới “Tập đoàn lớn nhanh như thổi” này (?).

“Vũng lầy” cổ phiếu FLC và tự trọng của Chủ tịch Quyết!

Lật lại hành trình “lên đời” của FLC có lẽ là thừa thãi, xin được nói về cổ phiếu của doanh nghiệp này và những quả đắng mà không ít nhà đầu tư đang “ngậm” và ôm hận.

Ngày FLC chào sàn (5/10/2011), giá cổ phiếu được giao dịch với mức trần và đóng cửa phiên giao dịch là 16.200 đồng/CP, sau đó tăng theo tốc độ của gió, bão. Có thời điểm, trong khoảng tháng 2 - 3/2012, giá cổ phiếu FLC được giao dịch quanh mức 30.000 - 43.600 đồng/CP.

Và rồi, cổ phiếu FLC giảm dần, đến tháng 6/2015 trở về sau luôn giao dịch dưới mệnh giá. Chốt phiên giao dịch ngày 31/8/2016, giá cổ phiếu FLC là 5.400 đồng/CP (ngày 29/8 là 5.500 đồng/CP), ngày 1/9/2016 thì còn 5.300 đồng/CP - giảm khá “nhẹ” và cũng khá… “ổn định”.

Lại nhớ lời “tiền hô” của ông Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết, loạt “hậu ủng” của ông Trần Đắc Sinh - Chủ tịch HĐQT Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) năm nào, khi hai ông thân chinh ra tận FLC Samson để “chém gió” với các nhà đầu tư. Thời điểm đó, đầu tháng 11/2015, ông Quyết sau khi chia sẻ về sự “thấu hiểu” nội tình (nợ, vốn, dự án…) của FLC, đã dõng dạc: Nếu năm 2016, cổ phiếu vẫn dưới mệnh giá, tôi sẽ huy động mọi nguồn lực của anh em bạn bè, thậm chí cầm cố tài sản cá nhân để mua cổ phiếu FLC.

Sau đó, Chủ tịch HoSE tiếp lời nhịp nhàng, rằng: Nếu mình là cổ đông thì cũng sẽ rất an tâm sau khi nghe các thông tin tài chính của tập đoàn, và chốt lại: "Tôi cho rằng các cổ đông đồng tình và thấu hiểu với những chia sẻ của Chủ tịch HĐQT Trịnh Văn Quyết".

Nay, hơn 8 tháng đã qua, cổ phiếu FLC còn không được loanh quanh ở mức 7.000 đồng/CP như cuối 2015, mà “giảm dần đều” xuống tới 5.300 đồng/CP (chốt phiên ngày 1/9/2016). Không biết nếu hết năm 2016, cổ phiếu FLC vẫn giảm sâu dưới mệnh giá như thế này, ông Quyết có huy động mọi nguồn lực, mang cổ phiếu, nhà cửa, xe cộ đi cầm cố để gom cho hết hay không, hay lời hứa của ông cũng chỉ như “gió thoảng mấy trôi? Và cái sự “an tâm” của ông Trần Đắc Sinh trên các trang mạng, báo chí đến thời điểm này cũng mất hút vào hư vô, chỉ biết túi tiền của nhà đầu tư từ khi nghe ông Quyết, ông Sinh đang ngày một vơi dần, chưa có dấu hiệu dừng lại.

Có nhà đầu tư nói, biết là “ông Quyết chỉ… chém gió”, nhưng họ cũng khó tiến khó lùi, bởi như thể lạc vào “mê hồn trận”.

Cụ thể, chỉ tính riêng về FLC, tập đoàn vẫn có các dự án lớn (dù tiếng xấu - tốt song hành), các báo cáo đẹp, nên chuyện cổ phiếu tụt dốc, cổ tức bằng 0 khiến họ “không thể hiểu nổi”?

Nhà đầu tư Nguyễn S.N (Hà Nội) băn khoăn: Biết đâu tất tần tật, từ dự án, nhà thầu, đơn vị thi công… đều là của FLC, hay đúng hơn là của ông Quyết và “đồng sự”. Sau đó, có thể họ chỉ cần có 100 tỉ thôi, rồi ủy thác, tự nâng vốn điều lệ, lập công ty con, bơm việc, bơm hợp đồng, tái tạo dòng tiền, lãi, rồi bán…(?). Nếu là vậy, có bán giá 5.000 đồng/CP, cũng là lãi to!

Nếu là vậy, thì ông Trịnh Văn Quyết quá siêu phàm. Và nếu Facebook, Google hay Apple vào tay ông, thì con số loanh quanh 500 tỉ USD vốn hóa biết đâu có thể tăng gấp 2.263 lần như Faros, đưa ông Quyết trở thành “huyền thoại” của giới đầu tư tài chính quốc tế.

Vậy nên, nếu như ông Quyết không thực hiện đúng những lời hứa của mình, thì hãy coi những lời sẻ chia của ông Quyết tại FLC Sầm Sơn năm ngoái là chuyện “chém gió” đúng nghĩa – chuyện lúc trà dư tửu hậu, chẳng chết ai và rút ra bài học.

Sớm qua, ngày đầu tiên Faros lên sàn, giá kịch trần 12.600 đồng/CP (cao gấp xấp xỉ 2,5 lần cổ phiếu FLC) và vẫn với nghi vấn trò chơi đẩy giá để “cắt tiết” nhà đầu tư. Nếu nhà đầu tư thông minh thì cần nhìn vào cổ phiếu của FLC và KLF là đủ thấy đồng tiền của mình nên đi về hướng nào. Giới chứng khoán thạo tin và dày dạn kinh nghiệm đang cười thầm khi chuyến tàu vét Faros rất có thể đắm ngay từ chặng khởi hành. Chơi dao nhiều cũng có lúc cắt phải tay mình. Thương trường nhiều mánh khóe, thủ thuật nhưng vẫn phải tôn trọng giá trị thực chứ không có chỗ cho những con hổ giấy và những phát ngôn chém gió. Lòng tự trọng của một ông chủ sẽ quyết định doanh nghiệp của mình "lên bổng" hay "xuống trầm"?

Tiểu Gia

Ông Trịnh Văn Quyết - Chủ tịch FLC
Ông Trịnh Văn Quyết - Chủ tịch FLC có “chém gió” với các nhà đầu tư tại FLC Sầm Sơn 2015?

  

“Huyền thoại” KLF

Cổ phiếu của KLF (CTCP Liên doanh Đầu tư Quốc tế KLF, FLC sở hữu 21% vốn điều lệ) đã khiến bao nhiêu nhà đầu tư mắc kẹt, khóc hận, được vinh danh “siêu phẩm đầu cơ”.

KLF có vốn điều lệ là 5 tỷ đồng năm 2009, nhưng sau khi niêm yết vào tháng 9/2013 đến tháng 4/2015, với 3 đợt phát hành cổ phiếu, vốn đều lệ đã tăng lên đến 1.517 tỷ đồng. Trong năm 2015, KLF đã thực hiện phát hành cổ phiếu để tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu với tỷ lệ 9% vốn điều lệ, vốn điều lệ sau phát hành đạt 1.653 tỷ đồng. Cổ phiếu KLF đã qua hàng loạt phiên tăng mạnh, đẩy giá từ 10.000 lên gần 20.000 đồng/CP, sau đó rơi tự do. Chốt phiên giao dịch ngày 29/8/2016, giá cổ phiếu KLF chỉ còn ở mức 2.200 đồng/CP.

Bình luận

Nổi bật

Gần 200 gian hàng tham gia triển lãm quốc tế ngành sữa và sản phẩm sữa

Gần 200 gian hàng tham gia triển lãm quốc tế ngành sữa và sản phẩm sữa

sự kiện🞄Chủ nhật, 05/05/2024, 12:30

(CL&CS)- Triển lãm quốc tế ngành sữa và sản phẩm sữa lần thứ 4 tại Việt Nam - VIETNAM DAIRY 2024" quy tụ gần 200 gian hàng là các thương hiệu, sản phẩm của các tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Quý 1/2024, doanh thu ngành lương thực của Lộc Trời tăng 96%

Quý 1/2024, doanh thu ngành lương thực của Lộc Trời tăng 96%

sự kiện🞄Thứ sáu, 03/05/2024, 11:56

(CL&CS) - CTCP Tập đoàn Lộc Trời (Lộc Trời) có quý 1/2024 tăng trưởng vượt bật về doanh thu với 3.849 tỷ đồng, tăng 57% so với cùng kỳ năm ngoái. Doanh thu tăng trưởng mạnh chủ yếu đến từ ngành lương thực với mức tăng trưởng 96%.

Masan: Mảng kinh doanh tiêu dùng cốt lõi ghi nhận EBIT tăng 70% trong quý 1/2024

Masan: Mảng kinh doanh tiêu dùng cốt lõi ghi nhận EBIT tăng 70% trong quý 1/2024

sự kiện🞄Thứ sáu, 03/05/2024, 08:11

(CL&CS) - Mảng kinh doanh tiêu dùng cốt lõi của CTCP Tập đoàn Masan ghi nhận lợi nhuận hoạt động kinh doanh (thu nhập trước lãi vay và thuế - EBIT) tăng trưởng 70% so với cùng kỳ năm trước cho thấy sự phục hồi tích cực của thị trường tiêu dùng và đà tăng trưởng của những phát kiến chiến lược.