Dù chịu tác động của chính sách thuế quan của Mỹ, Việt Nam vẫn sẽ tăng trưởng ở mức cao
(CL&CS) - Dù nền kinh tế Việt Nam sẽ chịu nhiều biến động ngắn hạn do chính sách thuế quan đối ứng của Mỹ, nhưng sẽ không có quá nhiều lo ngại đối với triển vọng trung hạn. Đây là nhận định được ông Bill Winters, CEO Standard Chartered Toàn cầu, chia sẻ trong buổi gặp gỡ báo chí nhân chuyến thăm đến Việt Nam.

Ông Bill Winters, CEO của Standard Chartered Toàn cầu
Phóng viên: Các chính sách thuế quan của Mỹ sẽ ảnh hưởng như thế nào đến nền kinh tế toàn cầu, thưa ông?
Ông Bill Winters: Điều này phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố. Cụ thể, nó sẽ phụ thuộc vào loại thuế quan, đối tượng bị áp dụng và thời gian áp dụng. Chúng ta biết rằng, nếu một quốc gia là nhà xuất khẩu lớn sang Mỹ và Mỹ áp thuế quan lớn đối với hàng hóa của quốc gia đó, thì có khả năng quốc gia này sẽ bán ít hơn, điều này sẽ làm chậm lại nền kinh tế của quốc gia xuất khẩu, dẫn đến tác động giảm phát, khiến các ngân hàng trung ương phải giảm lãi suất và làm yếu đồng tiền của quốc gia đó. Tuy nhiên, có rất nhiều yếu tố không chắc chắn ở đây.
Nếu một cuộc chiến thương mại xảy ra với thuế quan áp dụng từ mọi phía, điều này sẽ làm chậm lại tăng trưởng toàn cầu. Ban đầu, tôi nghĩ sẽ có một sự dịch chuyển sang đồng USD, khiến đồng đô la trở nên mạnh hơn. Tuy nhiên, cuối cùng nền kinh tế Mỹ sẽ yếu đi nhiều. Khi nền kinh tế Mỹ suy yếu, với lãi suất thấp, tôi nghĩ đồng USD sẽ bắt đầu yếu đi một lần nữa.
Phóng viên: Còn đối với một nền kinh tế có độ mở cao như Việt Nam, chính sách thuế quan đối ứng của Mỹ sẽ tác động như thế nào?
Ông Bill Winters: Trong ba tháng qua, chính quyền Mỹ đã đưa ra nhiều tuyên bố về thuế quan – về cách thức triển khai hoặc khả năng áp dụng. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, họ tuyên bố một điều rồi nhanh chóng thay đổi lập trường.
Do đó, tôi không chắc rằng sẽ có nhiều thuế quan được áp dụng, hoặc nếu có, chúng sẽ duy trì trong bao lâu. Nguyên nhân là bởi các biện pháp này có thể gây tổn hại nghiêm trọng, trước hết là đối với nền kinh tế Mỹ và người tiêu dùng Mỹ. Việc áp thuế sẽ làm gia tăng lạm phát, kéo giảm tốc độ tăng trưởng và thậm chí có nguy cơ dẫn đến suy thoái kinh tế – điều không ai mong muốn.
Tuy nhiên, chúng ta cũng biết rằng hiện có nhiều cuộc đàm phán đang diễn ra. Vì vậy, có hai yếu tố cần theo dõi. Thứ nhất, các biện pháp cụ thể sẽ là gì. Thứ hai, chúng có bền vững hay không. Tôi cho rằng các quốc gia khác cũng muốn tránh các rào cản thương mại và đang tìm cách thỏa hiệp với Mỹ để đạt được giải pháp đôi bên cùng có lợi.
Trong kịch bản xấu nhất – nếu một cuộc chiến thương mại thực sự xảy ra với các biện pháp áp thuế và đáp trả qua lại – tốc độ tăng trưởng toàn cầu sẽ chịu tác động tiêu cực đáng kể. Khi đó, tất cả các quốc gia đều bị ảnh hưởng và không có bên nào hưởng lợi.
Việt Nam cũng không phải ngoại lệ khi đang là một nền kinh tế mở với thặng dư thương mại lớn với Mỹ. Đồng thời, Việt Nam cũng là đối tác thương mại quan trọng của Trung Quốc – quốc gia cũng đang chịu áp lực lớn từ Mỹ.
Dù vậy, tôi tin rằng Việt Nam đang tăng trưởng mạnh mẽ, với nền tảng vững chắc và không hoàn toàn phụ thuộc vào Mỹ. Bên cạnh đó, người tiêu dùng Mỹ cuối cùng vẫn sẽ tìm cách mua những sản phẩm họ cần, và nếu Việt Nam là nhà cung cấp, họ sẽ tiếp tục mua từ Việt Nam. Vì vậy, tôi không quá lo ngại về triển vọng trung hạn, nhưng trong ngắn hạn, có thể sẽ có nhiều biến động đáng kể.
Phóng viên: Theo ông, các ngân hàng trung ương trên thế giới sẽ điều chỉnh chính sách tiền tệ ra sao để ứng phó với tình hình mới?
Ông Bill Winters: Các ngân hàng trung ương trên thế giới đều có nhiệm vụ tương tự nhau: đảm bảo ổn định giá cả - nghĩa là tránh lạm phát hoặc giảm phát, đồng thời duy trì sự ổn định của hệ thống tài chính. Do đó, nếu thuế quan được áp dụng ở mức đáng kể và gây tác động tiêu cực đến nền kinh tế, chúng ta có thể kỳ vọng rằng các ngân hàng trung ương sẽ giảm lãi suất nhằm hỗ trợ nền kinh tế. Điều này cũng có thể dẫn đến sự suy yếu của tỷ giá hối đoái, giúp giảm bớt tác động từ các hàng rào thuế quan áp đặt bởi một quốc gia khác.
Chúng ta có thể dự đoán tác động đối với nền kinh tế và trong trường hợp xấu nhất - khi các mức thuế quan rất cao được áp lên một quốc gia như Việt Nam - tốc độ tăng trưởng kinh tế chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng đáng kể.
Dù vậy, Việt Nam vẫn đang tăng trưởng với tốc độ rất cao, vì vậy dù có bị tác động, nền kinh tế vẫn sẽ tiếp tục phát triển, chỉ là với tốc độ chậm hơn so với kịch bản không có thuế quan. Dẫu vậy, tôi vẫn hy vọng rằng thuế quan sẽ không được áp dụng, để chúng ta không phải lo lắng về những tác động của nó lên thị trường tiền tệ.
Phóng viên: Việc áp thuế quan có thể đặt ra những thách thức khiến chuỗi cung ứng toàn cầu bị gián đoạn. Theo ông, cần phải làm gì để vượt qua thách thức này?
Ông Bill Winters: Một trong những điều tôi yêu thích ở thị trường là khả năng tự thích ứng, vượt qua mọi rào cản theo cách này hay cách khác. Nó giống như một con sông chảy xuống dốc - dù có đá chắn đường, nước vẫn sẽ tìm được lối đi. Chuỗi cung ứng cũng vận hành theo nguyên lý tương tự. Tôi tin rằng thế giới vẫn sẽ tiếp tục tiêu thụ các sản phẩm được sản xuất theo mô hình hiện tại - với nhiều linh kiện đến từ các địa điểm khác nhau, tạo thành một chuỗi cung ứng phức tạp.
Chúng ta biết rằng chuỗi cung ứng đã có sự thay đổi vì nhiều lý do. Thứ nhất, chi phí sản xuất đã thay đổi. Trung Quốc từng là nhà sản xuất chi phí thấp, nhưng giờ đây không còn giữ lợi thế đó nữa. Do đó, chuỗi cung ứng đã tái cấu trúc từ hơn một thập kỷ trước khi những địa điểm khác, như Việt Nam, trở thành trung tâm sản xuất hiệu quả, thay thế một phần các nhà sản xuất Trung Quốc và những quốc gia khác.
Bên cạnh đó, đại dịch COVID-19 hay xung đột giữa Nga và Ukraine cũng đã làm gián đoạn chuỗi cung ứng, khiến các doanh nghiệp chú trọng hơn đến vấn đề an ninh chuỗi cung ứng. Vì tất cả những lý do này, các tập đoàn đa quốc gia đang tìm cách đa dạng hóa chuỗi cung ứng của mình. Họ luôn hướng đến chất lượng cao với chi phí thấp, nhưng giờ đây lại đối mặt thêm một thách thức khác, đó là thuế quan. Đó sẽ là một trở ngại nữa mà các tập đoàn đa quốc gia cần tìm cách vượt qua - và chắc chắn họ sẽ làm được.
Toàn cầu hóa đã giúp 2 tỷ người thoát khỏi đói nghèo, và đó là một điều không thể phủ nhận. Chúng tôi hiểu rằng có những người bị bỏ lại phía sau, nhưng tại Standard Chartered, chúng tôi tập trung vào việc làm đúng - tìm ra cách để tối ưu hóa toàn cầu hóa, sao cho các lợi ích được đảm bảo mà không ai bị bỏ lại, hoặc ít nhất là cung cấp những biện pháp bảo vệ cần thiết. Tôi tin rằng chúng ta có thể làm được điều đó. Và thị trường sẽ luôn tìm cách thích nghi với mọi thách thức mà chúng ta đặt ra.
Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn ông!
Theo Tạp chí Thị trường Tài chính tiền tệ
- ▪Áp dụng hạn ngạch thuế quan nhập khẩu thuốc lá nguyên liệu, trứng gia cầm có xuất xứ từ các nước thành viên của Liên minh Kinh tế Á - Âu
- ▪Doanh nghiệp ngày càng tận dụng tốt ưu đãi thuế quan từ các FTA
- ▪Từ 15/7/2023, áp dụng biểu thuế xuất khẩu, nhập khẩu ưu đãi mới
- ▪Giảm 10% thuế nhập khẩu ưu đãi mặt hàng xăng
Bình luận
Nổi bật
Dù chịu tác động của chính sách thuế quan của Mỹ, Việt Nam vẫn sẽ tăng trưởng ở mức cao
sự kiện🞄Thứ sáu, 04/04/2025, 07:20
(CL&CS) - Dù nền kinh tế Việt Nam sẽ chịu nhiều biến động ngắn hạn do chính sách thuế quan đối ứng của Mỹ, nhưng sẽ không có quá nhiều lo ngại đối với triển vọng trung hạn. Đây là nhận định được ông Bill Winters, CEO Standard Chartered Toàn cầu, chia sẻ trong buổi gặp gỡ báo chí nhân chuyến thăm đến Việt Nam.
Nam Định thêm 2 huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao
sự kiện🞄Thứ sáu, 04/04/2025, 07:19
(CL&CS)- Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định công nhận 2 huyện Trực Ninh và Xuân Trường (tỉnh Nam Định) đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2024.
Phải tạo bước ngoặt về phát triển kinh tế tư nhân
sự kiện🞄Thứ sáu, 04/04/2025, 07:19
(CL&CS) - Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng phải có đột phá mạnh mẽ hơn nữa trong phát triển kinh tế tư nhân, với tư duy vượt qua giới hạn của chính mình, có trọng tâm, trọng điểm, lựa chọn chính xác những "đòn bẩy, điểm tựa", có tính khả thi, tạo bước ngoặt về phát triển kinh tế tư nhân...
anh đứcLorem ipsum dolor sit amet, consectetur adipisicing elit. Quis cum, ut esse cupiditate autem. Dolor est dolorem sunt, sequi omnis corporis cumque ratione accusamus ex deserunt, molestiae consequuntur natus beatae.