Thứ sáu, 16/08/2024, 21:30 PM

Đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế: Muốn “đi cùng thời đại” phải vừa chạy vừa làm

(CL&CS) - Việc phải duy trì và nâng cao mức tăng trưởng kinh tế bền vững đang là một trong những thách thức lớn mà kinh tế Việt Nam phải đối mặt khi mô hình tăng trưởng cũ chưa có nhiều chuyển biến căn bản. Theo các chuyên gia, Việt Nam cần tiếp tục triển khai các giải pháp đổi mới mô hình tăng trưởng, tập trung vào việc phát triển công nghệ cao, khuyến khích khởi nghiệp sáng tạo và chuyển đổi sang mô hình kinh tế xanh.

Nghiên cứu sản xuất vi mạch tại Khu Công nghệ cao TPHCM. Ảnh minh họa: HOÀNG HÙNG

Nghiên cứu sản xuất vi mạch tại Khu Công nghệ cao TPHCM. Ảnh minh họa: HOÀNG HÙNG

Cơ hội bắt kịp thế giới

Chủ trương đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế đã được nêu ra ở Đại hội lần thứ XI và được bổ sung phát triển ở các kỳ Đại hội XII và XIII của Đảng. Mới đây, ngày 10/7/2024 Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 108/NQ-CP (tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6/2024 và hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương). Trong đó, Chính phủ yêu cầu ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, đồng thời chú trọng thực hiện thực chất, hiệu quả cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh.

Trên thực tế, trong nửa đầu năm 2024, nền kinh tế Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia có mức tăng trưởng kinh tế tốt khi ghi nhận tốc độ tăng trưởng GDP đạt 6,42% so với cùng kỳ năm 2023. Dự báo cả năm 2024 có thể chạm mốc gần 7%. Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế đang thay đổi nhanh chóng hiện nay, mô hình tăng trưởng của Việt Nam vẫn chưa tạo được chuyển biến căn bản, năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh chưa cao, nền kinh tế vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro do sự phụ thuộc vào nguyên vật liệu nhập khẩu.

Đề cập đến việc đổi mới mô hình tăng trưởng, chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành cho biết, câu chuyện mô hình tăng trưởng kinh tế đã được đặt ra hơn 10 năm nay. Từ năm 2012, Quốc hội đã thông qua chương trình tái cấu trúc ở 3 lĩnh vực gồm: đầu tư công; tín dụng, tài chính ngân hàng; doanh nghiệp nhà nước. Sau đó là câu chuyện Cách mạng công nghiệp 4.0 vào năm 2015, rồi những câu chuyện về tăng trưởng xanh, chuyển đổi số. Tuy nhiên “khát vọng” về việc đổi mới này không dễ để thực hiện.

“Chúng ta muốn thu hẹp khoảng cách, muốn ‘đi cùng thời đại’, phải vừa chạy, vừa làm, nếu không thời gian sẽ không còn. Việc xây dựng chính sách, xây dựng một khung pháp lý hoàn chỉnh trong thời gian ngắn là không thể. Vì vậy, Việt Nam phải vừa học hỏi, vừa xây dựng chính sách chứ không thể chờ một thể chế, một khung pháp lý hoàn chỉnh. Đáng chú ý, trước khi có khung chính sách, chúng ta có những sáng kiến hay được bắt đầu từ doanh nghiệp, đã mang lại hiệu quả, hấp dẫn nhiều nhà đầu tư. Nhìn câu chuyện của Vinamilk, FPT... có rất nhiều đổi mới sáng tạo, sáng kiến bắt đầu từ chính cuộc sống. Sáng kiến hay nhất là Khu công nghiệp sinh thái. Đây là mô hình khá thành công, thu hút các nhà đầu tư. Chưa cần đến các cơ quan chức năng hoàn chỉnh thể chế thì doanh nghiệp đã bắt đầu với mô hình này và đến nay có sự thành công nhất định”, ông Võ Trí Thành nói.

Cũng theo chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh trong đổi mới sáng tạo là cơ hội cuối cùng để Việt Nam bắt kịp thế giới. Bởi trong cuộc cách mạng lần này có nhiều loại hình, thích hợp với năng lực, đầu óc và văn hoá nghề nghiệp của người Việt. Do đó, Việt Nam cần phải chủ động, không chờ đợi để có thể bắt kịp được với thế giới.

Đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với tái cấu trúc nền kinh tế

Theo TS. Chử Đức Hoàng, Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia (NATIF), Bộ Khoa học và Công nghệ, xu hướng chuyển đổi hiện nay là tăng tỷ trọng công nghiệp và xây dựng tăng từ 32,1% (2010) lên 38,1% (2023), dự kiến đạt 40% vào năm 2030. Dịch vụ duy trì vai trò chủ đạo chiếm khoảng 50% GDP trong suốt giai đoạn, dự kiến tiếp tục ổn định ở mức 50% đến năm 2030. Tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP tăng từ 13% (2010) lên 25% (2023), mục tiêu đạt trên 30% vào năm 2030. Kinh tế số chiếm khoảng 14,3% GDP (2023), mục tiêu đạt 20% GDP vào năm 2025 và 30% vào năm 2030. Kinh tế xanh và kinh tế tuần hoàn đang trong giai đoạn phát triển ban đầu; Mục tiêu đóng góp ngày càng quan trọng vào GDP đến năm 2030.

Tuy nhiên, theo TS. Chử Đức Hoàng, trong quá trình chuyển đổi Việt Nam đang phải đối mặt với hàng loạt thách thức. Đó là năng suất lao động của Việt Nam vẫn còn thấp so với nhiều nước trong khu vực. Việc áp dụng công nghệ mới trong sản xuất còn hạn chế. Nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào đầu tư nước ngoài và xuất khẩu. Các thủ tục hành chính còn phức tạp, thiếu minh bạch. Hệ thống giao thông, logistics còn hạn chế ở nhiều nơi. Sự phát triển không đồng đều giữa các vùng, miền đi kèm với đó là phát triển công nghiệp nhanh dẫn đến ô nhiễm gia tăng. Lực lượng lao động chưa đáp ứng được yêu cầu của nền kinh tế hiện đại; cần cải cách giáo dục và đào tạo để nâng cao chất lượng.

Để thúc đẩy chuyển đổi kép (xanh và số) cho Việt Nam, TS Chử Đức Hoàng cho rằng cần có các giải pháp như quy định pháp lý về chuyển đổi số và môi trường; thúc đẩy năng lượng sạch; bảo vệ môi trường; phấn đấu cho nền công nghiệp xanh; đầu tư vào giao thông thông minh và phát triển bền vững; từ trang trại đến bàn ăn; dẫn dắt xu hướng chuyển đổi xanh; xóa bỏ ô nhiễm; chuyển đổi công bằng cho mọi người...

GS. TS Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho rằng, “Đổi mới mô hình tăng trưởng phải gắn liền với tái cấu trúc lại nền kinh tế, từ góc độ tổng thể kinh tế vĩ mô tới từng doanh nghiệp, cần lựa chọn cái gì giữ, cái gì bỏ. Đây là việc phải làm khi bối cảnh kinh tế đã có sự thay đổi rõ ràng, nếu trước đây tăng trưởng của Việt Nam dựa vào tài nguyên, lao động thì hiện nay phải dựa vào khoa học công nghệ, chuyển sang sạch, xanh…”.

Đặc biệt, trong tái cấu trúc lại nền kinh tế thì tái cấu trúc đầu tư công là vấn đề quan trọng nhất. Những năm qua, Chính phủ đã có định hướng chuyển hướng đầu tư từ đầu tư phân tán, manh mún, chuyển sang đầu tư tập trung, theo lộ trình 5 năm. Trong những năm gần đây, Chính phủ đã tập trung nguồn vốn vào đầu hạ tầng khung, đặc biệt là đường giao thông, cao tốc, trung tâm tạo ra trung chuyển logistics… Bên cạnh đó, GS. TS Hoàng Văn Cường cũng cho rằng, không chỉ duy trì cách đầu tư công truyền thống, tập trung vào các công trình, trong xu thế chuyển đổi, đầu tư công phải chuyển sang hướng tạo ra sự chuyển đổi trong các mô hình. Như hiện nay đang khuyến khích mô hình sản xuất xanh, sạch...

Trong tương lai, Việt Nam cần tiếp tục triển khai các giải pháp đổi mới mô hình tăng trưởng, tập trung vào việc phát triển công nghệ cao, khuyến khích khởi nghiệp sáng tạo và chuyển đổi sang mô hình kinh tế xanh. Chỉ khi thực hiện được những điều này, Việt Nam mới có thể đạt được sự phát triển bền vững và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.

Ông Phạm Anh Cường, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Hệ sinh thái Doanh nghiệp BestB, Giám đốc Quỹ đầu tư BestB Capital: Các mô hình khởi nghiệp sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế

2

Các mô hình khởi nghiệp đổi mới sáng tạo sẽ giúp tạo ra môi trường khuyến khích kiến tạo những giải pháp mới, công cụ mới. Đồng thời, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của mỗi quốc gia, giải quyết những khó khăn, thách thức mang tính khu vực, toàn cầu.

Thiếu vốn là trở ngại với các doanh nghiệp khởi nghiệp giai đoạn đầu, đặc biệt là những doanh nghiệp dựa vào tri thức và bằng sáng chế. Chính vì vậy, các vườn ươm, tổ chức thúc đẩy kinh doanh và Quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo giúp doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo được hỗ trợ trong việc hoàn thiện ý tưởng, dịch vụ, mô hình kinh doanh và hỗ trợ kết nối đầu tư.

Hiện nay, số lượng quỹ đầu tư đổi mới sáng tạo coi Việt Nam là thị trường mục tiêu hoặc có hoạt động tại Việt Nam là 108, trong đó có 23 quỹ có pháp nhân Việt Nam. Trong đó, vườn ươm doanh nghiệp được xem là công cụ kinh tế quan trọng và cơ bản để thúc đẩy các doanh nghiệp mới khởi sự hình thành và phát triển, tạo việc làm, thúc đẩy môi trường kinh doanh ở địa phương, thương mại hoá ý tưởng kinh doanh, xây dựng và thúc đẩy sự phát triển của các cụm công nghiệp.

Ở một hệ sinh thái còn khá trẻ như hệ sinh thái khởi nghiệp tạo tác động xã hội ở Việt Nam, các vườn ươm doanh nghiệp sẽ tiếp thêm can đảm cho những người muốn khởi nghiệp nhưng còn thiếu kiến thức và mối quan hệ; cung cấp những khung làm việc có sẵn và cố vấn dày dặn kinh nghiệm; cung cấp các chương trình đào tạo cho starup để nâng cao nguồn vốn con người… Có thể nói các tổ chức thúc đẩy kinh doanh có thể được coi là nơi ‘tiếp nhiên liệu’ ngay từ bước đầu để một startup cất cánh.

Theo Tạp chí Hải quan

Bình luận

Nổi bật

Hàng Việt Nam chiếm lĩnh thị trường Halal bằng lòng tin và chất lượng

Hàng Việt Nam chiếm lĩnh thị trường Halal bằng lòng tin và chất lượng

sự kiện🞄Thứ năm, 31/10/2024, 09:15

(CL&CS) - Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, với khả năng xuất khẩu trên 50 tỷ USD nông sản mỗi năm cùng với việc đã xây dựng được các chuỗi cung ứng là lợi thế để nông sản, thủy sản Việt Nam tiến nhanh vào thị trường Halal.

Kết nối giao thương để phát triển thị trường thủ công mỹ nghệ

Kết nối giao thương để phát triển thị trường thủ công mỹ nghệ

sự kiện🞄Thứ tư, 30/10/2024, 15:21

(CL&CS) - Thực tế triển khai 14 kỳ Hội chợ quốc tế Quà tặng hàng thủ công mỹ nghệ Hà Nội (Hanoi Giftshow) cho thấy, việc tăng cường kết nối giao thương là một trong những hoạt động đem lại hiệu quả thiết thực trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp thủ công mỹ nghệ (TCMN), làng nghề trong việc tìm kiếm và mở rộng thị trường.

Điều chỉnh Quy hoạch tỉnh Bắc Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050

Điều chỉnh Quy hoạch tỉnh Bắc Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050

sự kiện🞄Thứ ba, 29/10/2024, 14:13

(CL&CS) - Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký Quyết định số 1279/QĐ-TTg ngày 28/10/2024 phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch tỉnh Bắc Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.