Văn hóa và Đời sống
Thứ ba, 20/02/2024, 21:27 PM

Độc đáo nghi lễ rước “vua, chúa” sống có một không hai tại lễ hội Đền Sái

(CL&CS) - Hàng năm, cứ đều đặn vào ngày 12 tháng Giêng, Lễ hội Đền Sái lại được người dân làng Thụy Lôi tổ chức một cách long trọng. Với những nghi thức rước vua giả và chém tinh gà trắng độc đáo, lễ hội đã thu hút lượng lớn mọi người tham gia trẩy hội.


Lễ hội Đền Sái là dịp để người dân bày tỏ tấm lòng thành kính, tôn trọng dành cho vị vua An Dương Vương về công lao xây dựng thành Cổ Loa năm nào. Ngoài ra, lễ hội còn là dịp để nhắc nhở con cháu nhớ về một thời kỳ dựng nước của dân tộc – những tháng ngày vua quan thời An Dương Vương đồng lòng xây thành, chống lại thiên tại, địch họa. Bên cạnh đó, việc vua ban chiếu cho dân làng làm nghi lễ rước vua giả tránh hao phí tiền của, công sức là bài học quý giá con cháu noi theo để rèn luyện tính tiết kiệm tựa bậc cha ông ngày trước.

Diễn ra cả ngày 11 tháng Giêng nhưng lễ hội Đền  Sái sôi động nhất là vào buổi chiều với nghi lễ rước vua giả từ đình làng ra đền Sái và ngược lại.

Lễ hội Đền Sái thu hút hàng nghìn người đến tham dự.

Lễ hội Đền Sái thu hút hàng nghìn người đến tham dự.

Hằng năm, cứ vào những ngày chuẩn bị cho Lễ hội Đền Sái, người dân làng Thụy Lôi lại cùng nhau tụ họp, tất bật chuẩn bị một cách khéo léo, kỹ lưỡng. Vào ngày mồng 5, dân làng đã bắt đầu tu sửa đường xá, cầu cống để cung nghinh Vua về. Con đường chính diễn ra lễ rước vua chính là con đường ngày xưa vua Thục từng đi qua, gọi là đường cái thờ. Đây cũng chính là con đường làng và đường dẫn lên đền Sái. 

Ngoài ra, dân làng còn phải chọn ra những người đóng vua giả, công chúa giả và các quan. Những người được chọn phải là các ông lão vào tuổi 55. Vào ngày mồng 8 tết, họ phải chuẩn bị hai mâm cỗ với mâm lớn dâng lên đền Sái, mâm nhỏ mang ra cúng thành hoàng làng. Sau khi hoàn thành lệ làng, họ sẽ được gọi là quan thượng thính. Còn những ai đã qua lễ thượng thính đến tuổi 60 sẽ được đóng làm quan ‘tứ trụ’ với gồm quan trấn phủ, quan tám lý, quan đề lĩnh và quan tự vệ. 

Nhiều năm qua, dân làng vẫn thực hiện đều đặn nghi lễ vào ngày 11 tháng Giêng.

Nhiều năm qua, dân làng vẫn thực hiện đều đặn nghi lễ vào ngày 11 tháng Giêng.

Bên cạnh đó, người được chọn đóng làm vua giả phải là người khỏe mạnh, không có dị tật. Khâu chọn người đóng vua giả được diễn ra từ lúc người này làm lễ thượng thính, trải qua đôi lần đóng vai quan và chúa giả. Những ai trong độ tuổi 71 sẽ tự sắm áo thụng, mũ cánh chuồn và đôi hia, kiệu rước lộng lẫy sơn son thếp vàng.

Trong ngày này, mọi người đóng các vai sẽ tề tựu ở khu vực sân đình từ sớm. Và được con cháu khênh kiệu rước từ nhà ra.

Ông Lê Vĩnh Nô (75 tuổi) người có vinh dự được dân làng bầu vào vai chúa (mặt đỏ). Còn ông Trần Tiến Tĩnh (72 tuổi) được làm

Ông Lê Vĩnh Nô (75 tuổi) người có vinh dự được dân làng bầu vào vai chúa (mặt đỏ). Còn ông Trần Tiến Tĩnh (72 tuổi) được làm "vua".

Theo ông Nguyễn Văn Thu, trưởng ban tổ chức lễ hội đền Sái cho biết: “Lễ hội mang đậm nét văn hóa truyền thống, được địa phương chúng tôi duy trì nhiều đời nay. Lễ hội nhằm tưởng nhớ đến An Dương Vương và mang ý nghĩa sâu sắc giáo dục thế hệ trẻ và gắn kết mọi người cùng nhau xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp”.

Người vinh dự được vào vai vua năm nay là ông Trần Tiến Tĩnh (72 tuổi). Đây là một trong hai cụ cao niên trong làng được bà con tuyển chọn kỹ càng (với các tiêu chí con cháu hạnh phúc, đầy đủ nội ngoại và gia đình văn hoá). Được biết để vào vai vua, ông Tĩnh đã phải tập luyện cách đây hơn nửa tháng, vào ngày diễn ra lễ hội người này phải dậy sớm và mất 2 giờ đồng hồ để trang điểm. Đi ngay dưới chân kiệu "vua" là "hoàng hậu" - vợ của ông Tĩnh.

Khác với nhiều lễ hội khác, vua ở đền Sái là người thật, mặc áo long bào, không phải đeo mặt nạ hay rước kiệu tượng trưng.

Khác với nhiều lễ hội khác, vua ở đền Sái là người thật, mặc áo long bào, không phải đeo mặt nạ hay rước kiệu tượng trưng.

Người vào vai chúa là ông Lê Vĩnh Nô (75 tuổi). "Chúa" được vẽ mặt đỏ để dễ phân biệt so với "vua". Trước khi vào lễ rước, "chúa" ra sau sân đền làm thủ tục chém gà tượng trưng. Sự tích bắt nguồn từ việc An Dương Vương xây thành Cổ Loa, được các tiên nữ đêm đêm xuống trần gánh đất, đắp hộ nhưng ma gà giả tiếng gà gáy sáng làm các tiên cô bỏ cuộc bay về trời, nên đắp mãi chưa xong thành. Nhờ được thần Huyền Thiên Trấn Vũ ra tay diệt được ma gà trắng núp ở Thất Diệu Sơn nên vua Thục mới xây xong thành Cổ Loa.

Dẫn đầu đoàn rước là kiệu chúa, tượng trưng cho việc dẹp đường đánh giặc, phía sau là vua ngự trên ngai.

Dẫn đầu đoàn rước là kiệu chúa, tượng trưng cho việc dẹp đường đánh giặc, phía sau là vua ngự trên ngai.

Trong lễ rước, kiệu chúa đi đầu tiên. Đám trai tráng khoảng 15 người vừa khênh vừa tung hô nghiêng ngả. Do vậy, kiệu và người phải được bảo hiểm chặt chẽ tránh sự cố đáng tiếc có thể xảy ra.

Đi theo mỗi kiệu "vua, chúa" và 4 vị "quan đại thần" là các thành viên trong gia đình, họ hàng nội ngoại... Ngoài ra còn có đội âm nhạc, dâng lễ, cầm cờ, thổi tù và rộn rã suốt cung đường.

Trong khi rước, kiệu

Trong khi rước, kiệu "chúa" được hàng chục thanh niên khoẻ mạnh thay nhau khiêng. Cứ đi vài trăm mét lại có nghi thức kiệu xoay. Mỗi lần như vậy, "chúa" an tọa ở trên cao lại vung kiếm thị uy.

Lễ bái xong, vua chúa sẽ được rước trên kiệu, đi trong tiếng nhạc của phường bát âm và tiếng chiêng trống trầm hùng, trang nghiêm. Đến cánh đồng Chầu, vua làm lễ bái vọng Đức Thánh Huyền Thiên trên đền Sái, sau đó cùng quan trở về đình.

Trên đường về gần tới đình, khi qua cầu, có người cầm sẵn bọc tiền lẻ để cho "vua" rải xuống đường. Khi "vua" tung tiền lẻ xuống đường, hàng chục người trong đó có cả trẻ em, thanh niên, phụ nữ thi nhau lao vào bắt với mong muốn được gặp nhiều may mắn trong năm mới.

“Vua” rải tiền lẻ để người dân bắt với mong muốn gặp nhiều may mắn.

“Vua” rải tiền lẻ để người dân bắt với mong muốn gặp nhiều may mắn.

Trong ngày này, đình được trang trí lộng lẫy với cò xí hợp trời. Vua ngồi trên ngai sơn son thếp vàng đặt trên một sập cao chính giữa đình. Thềm đình bên phải là dinh Quan Đề Lĩnh và dinh Quan Tán Lý, còn bên trái là dinh Quan Thự Vệ. Phía đầu hồi đình bên phải là dinh Chúa, phía sau là dinh Quan Trấn Thủ.

Lễ hội Đền Sái là một lễ hội dân gian độc đáo và mang nhiều ý nghĩa tâm linh. Đây cũng là dịp để mọi người bày tỏ lòng thành kính cho vị vua Thục ngày trước với công xây thành Cổ Loa.

Đoàn rước di chuyển vào đền Sái làm lễ với sự tham gia của đông đảo người dân và du khách.

Đoàn rước di chuyển vào đền Sái làm lễ với sự tham gia của đông đảo người dân và du khách.

Sự tích của tục lệ rước vua chúa giả bắt nguồn từ việc An Dương Vương xây thành Cổ Loa, được các tiên nữ đêm đêm xuống trần gánh đất đắp hộ nhưng ma gà giả tiếng gà gáy sáng làm các tiên cô bỏ cuộc bay về trời, nên đắp mãi chưa xong thành. Nhờ thần Huyền Thiên Trấn Vũ ra tay diệt được ma gà trắng núp ở Thất Diệu Sơn nên vua Thục mới xây xong thành Cổ Loa. Vua, chúa nhiều đời sau từng về đây bái yết nhưng thấy việc đi lại làm hao phí tiền bạc, công sức của nhân dân nên vua ban chiếu cho dân làng làm nghi lễ rước vua giả. 

Trúc Anh

Bình luận

Nổi bật

6 trường đại học Việt Nam được gọi tên trong BXH châu Á: Có trường tỷ lệ chọi năm 2023 là 1/4

6 trường đại học Việt Nam được gọi tên trong BXH châu Á: Có trường tỷ lệ chọi năm 2023 là 1/4

sự kiện🞄Thứ tư, 01/05/2024, 16:18

Dưới đây là 6 trường đại học Việt Nam lọt vào BXH châu Á do Tổ chức Times Higher Education (THE) công bố.

Đặc sắc lễ cầu mưa Yang Pơtao Apui của người Jrai

Đặc sắc lễ cầu mưa Yang Pơtao Apui của người Jrai

sự kiện🞄Thứ tư, 01/05/2024, 15:34

(CL&CS) - Nghi lễ cúng cầu mưa Yang Pơtao Apui diễn ra trên đỉnh núi thần Chư Tao Yang, được phục dựng nguyên bản theo phong tục của người Jrai bản địa.

Phát hiện hố sụt dưới nước sâu nhất hành tinh: Chưa đo được đáy đã có chiều sâu gần bằng tòa nhà cao nhất Việt Nam

Phát hiện hố sụt dưới nước sâu nhất hành tinh: Chưa đo được đáy đã có chiều sâu gần bằng tòa nhà cao nhất Việt Nam

sự kiện🞄Thứ tư, 01/05/2024, 14:36

Các nhà nghiên cứu phát hiện đây là hố sụt dưới nước sâu nhất hành tinh dù thậm chí chưa đo tới đáy.