Thứ sáu, 01/03/2024, 15:46 PM

Doanh nghiệp kỳ vọng cải cách hiệu quả, thực chất và đi vào thực tế

(CL&CS) - Việc khôi phục lại Chương trình cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh bằng việc ban hành Nghị quyết số 02 ngày 5/1/2024 nhằm tạo áp lực, đồng thời khơi dậy động lực, tinh thần cải cách của các bộ, ngành, địa phương.

Tình hình doanh nghiệp Việt Nam năm 2023 và 2 tháng đầu năm 2024 có chiều hướng suy giảm về nhu cầu đầu tư, kinh doanh và sức chống chịu. Ảnh minh hoạ: H.Anh

Tình hình doanh nghiệp Việt Nam năm 2023 và 2 tháng đầu năm 2024 có chiều hướng suy giảm về nhu cầu đầu tư, kinh doanh và sức chống chịu. Ảnh minh hoạ: H.Anh

Sự trở lại của Nghị quyết 02

Môi trường kinh doanh là một trụ cột quan trọng của cải cách thể chế để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế phát triển; đóng góp có ý nghĩa đối với phát triển kinh tế của ngành, địa phương và của quốc gia. Với tầm quan trọng đó, Chính phủ xác định cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh là một nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên; được thực thi xuyên suốt từ trung ương tới địa phương.

Từ năm 2014, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu cho Chính phủ hàng năm ban hành Nghị quyết về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia (Nghị quyết số 19/NQ-CP và Nghị quyết số 02/NQ-CP). Năm 2023, Chính phủ gộp nhiệm vụ cải cách môi trường kinh doanh vào thành một nội dung của Nghị quyết số 01 nhằm khẳng định môi trường kinh doanh là nhiệm vụ trong điều hành và phát triển kinh tế - xã hội. Tuy vậy, do chỉ là một trong các nhiệm vụ của Nghị quyết số 01 nên mức độ quan tâm, động lực cải cách của các bộ, ngành, địa phương mờ nhạt hơn.

Với các lý do nêu trên, Chính phủ đã khôi phục lại Chương trình cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh bằng việc ban hành Nghị quyết số 02 ngày 5/1/2024 nhằm tạo áp lực, đồng thời khơi dậy động lực, tinh thần cải cách của các bộ, ngành, địa phương. Sự trở lại của Nghị quyết mang theo thông điệp rằng cải thiện môi trường kinh doanh là nhiệm vụ trọng tâm ưu tiên, thể hiện mức độ quan tâm và đồng hành của Chính phủ với cộng đồng doanh nghiệp, qua đó, góp phần củng cố niềm tin của nhà đầu tư, doanh nghiệp; khơi dậy động lực, tinh thần kinh doanh; từ đó thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế.

Phát biểu tại hội thảo “Triển khai Nghị quyết số 02/NQ-CP: Cải cách tạo điểm tựa thúc đẩy phát triển doanh nghiệp”, TS Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết, dự báo năm 2024, các thuận lợi, khó khăn vẫn tiếp tục đan xen, nhưng khó khăn nhiều hơn. Thực tế này cho thấy doanh nghiệp đang đối mặt với rất nhiều thách thức và hơn lúc nào hết nỗ lực cải cách môi trường kinh doanh cần tăng tốc và thực thi thực chất để củng cố niềm tin và tạo động lực kinh doanh cho doanh nghiệp.

Tại Nghị quyết số 02 năm 2024, Chính phủ tiếp tục xác định các mục tiêu cải cách theo thông lệ quốc tế, có chọn lọc trọng tâm để phù hợp với vấn đề, bất cập, tồn tại của từng năm. Đồng thời, Chính phủ cũng xác định mục tiêu cụ thể về số doanh nghiệp gia nhập thị trường năm 2024 tăng ít nhất 10% so với năm 2023; số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường năm 2024 tăng dưới 10% so với năm 2023. Mục tiêu cuối cùng là để doanh nghiệp thành lập nhiều hơn, hoạt động thuận lợi hơn, hiệu quả hơn và số doanh nghiệp dừng, tạm dừng hoạt động, đóng cửa giảm đi, tăng số lượng doanh nghiệp có hoạt động đổi mới sáng tạo, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số.

Khơi thông động lực

Nhìn từ góc độ doanh nghiệp, Phó Tổng thư ký, Trưởng Ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Đậu Anh Tuấn nhìn nhận, bên cạnh những mặt thuận lợi hơn (tài liệu được đơn giản hóa, thời gian giải quyết thủ tục rút ngắn, phương thức thực hiện qua điện tử phổ biến hơn, nhiều quy định vướng mắc liên quan đến điều kiện kinh doanh được kịp thời sửa đổi…), hiện một số phương án cắt giảm, đơn giản hoá còn hình thức; đề xuất cắt giảm thiếu đột phá, một số tính toán về chi phí được cắt giảm còn chưa chính xác. Nhiều vướng mắc doanh nghiệp phản ánh chưa được xem xét. “Bên cạnh rà soát cắt giảm văn bản hiện hành, có hiện tượng văn bản đang soạn thảo lại bổ sung các rào cản mới. Doanh nghiệp không thuận lợi trong cách thức tiếp cận, tham gia vào hoạt động rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa quy định về kinh doanh”, ông Đậu Anh Tuấn cho biết thêm.

Đánh giá về thực trạng môi trường kinh doanh năm 2024, TS Nguyễn Minh Thảo - Trưởng ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh tại hội nghị (CIEM) cho rằng, xếp hạng của Việt Nam năm 2024 ở mức “tự do trung bình”. Việt Nam đang đứng thứ 59 toàn cầu, thứ 11/39 nền kinh tế khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Tình hình doanh nghiệp Việt Nam năm 2023 và 2 tháng đầu năm 2024 có chiều hướng suy giảm về nhu cầu đầu tư, kinh doanh và sức chống chịu. Môi trường kinh doanh còn thiếu hấp dẫn, vốn đăng ký sụt giảm và việc thu hút lao động chưa đạt được so với thời điểm trước dịch Covid-19.

Ở cấp độ địa phương, nỗ lực cải cách được ghi nhận nhưng mức độ còn khác biệt. Môi trường kinh doanh còn tồn tại nhiều thách thức. Bên cạnh đó, rào cản về ngành nghề và đăng ký kinh doanh vẫn là trở ngại lớn, làm tăng chi phí tuân thủ và giảm động lực đầu tư, kinh doanh.

Các phiên họp Chính phủ hàng tháng luôn nhấn mạnh tới cải cách môi trường kinh doanh. Rất nhiều văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về cải cách môi trường kinh doanh, điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính nhưng sự chuyển biến cải cách còn chậm, thậm chí có lĩnh vực rào cản nặng nề hơn.

Theo Tạp chí Hải quan

Bình luận

Nổi bật

Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong công tác giám sát, quản lý, điều hành thị trường vàng

Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong công tác giám sát, quản lý, điều hành thị trường vàng

sự kiện🞄Thứ sáu, 12/04/2024, 20:19

(CL&CS) - Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Thông báo số 160/TB-VPCP ngày 11/4/2024 kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp về các giải pháp quản lý thị trường vàng trong thời gian tới.

Hàng trăm tấn tinh dầu quế tồn kho do vướng quy định về xuất khẩu

Hàng trăm tấn tinh dầu quế tồn kho do vướng quy định về xuất khẩu

sự kiện🞄Thứ hai, 08/04/2024, 07:21

(CL&CS) - Các doanh nghiệp xuất khẩu tinh dầu quế đang gặp khó khăn do vướng các quy định về kinh doanh dược liệu của Bộ Y tế, dẫn tới hàng trăm tấn tinh dầu đang bị tồn kho tại vùng nguyên liệu.

Giải pháp kiểm soát việc sử dụng đồ uống có đường tại Việt Nam

Giải pháp kiểm soát việc sử dụng đồ uống có đường tại Việt Nam

sự kiện🞄Thứ sáu, 05/04/2024, 18:06

(CL&CS)- Sáng 5/4, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Tổ chức Healthbridge Canada tại Việt Nam tổ chức hội thảo cung cấp thông tin cho cơ quan báo chí về tác hại của đồ uống có đường và vai trò của chính sách thuế trong kiểm soát tiêu dùng.