Doanh nghiệp gỗ đối diện với nhiều khó khăn

(CL&CS) - Hầu hết gỗ và sản phẩm gỗ xuất khẩu tới các thị trường chính đều giảm mạnh trong 4 tháng đầu năm 2023.

VIFOREST nhận định, phải hết quý 2/2023 mới có thể phục hồi sản xuất khoảng 85%.

VIFOREST nhận định, phải hết quý 2/2023 mới có thể phục hồi sản xuất khoảng 85%.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, 4 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ ước đạt 3,9 tỷ USD, giảm hơn 30% so với cùng kỳ.

Hầu hết gỗ và sản phẩm gỗ xuất khẩu tới các thị trường chính đều giảm mạnh trong 4 tháng đầu năm 2023. Trong đó, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ nhiều nhất tới Mỹ, tuy nhiên, giá trị xuất khẩu tới thị trường này ghi nhận mức giảm tới 40% so với cùng kỳ năm trước, chỉ đạt 2 tỷ USD.

Nhu cầu tiêu thụ sản phẩm gỗ đã giảm nghiêm trọng từ quý 3/2022 do lạm phát ở Mỹ tăng cao, người dân thắt chặt chi tiêu với mặt hàng không thiết yếu như đồ gỗ nội thất.

Điều này ảnh hưởng lớn đến hoạt động xuất khẩu và kéo kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ vào Mỹ tiếp tục giảm sâu trong ngắn hạn. Kết quả kinh doanh quý 1/2023 của các doanh nghiệp gỗ và sản phẩm gỗ là minh chứng rõ nét cho sự suy thoái của ngành này.

Trong khi đó, CTCK VNDIRECT (VND) đánh giá khó khăn của ngành gỗ vẫn còn ở phía trước và triển vọng năm 2023 kém khả quan do nhu cầu yếu ở cả thị trường Mỹ và EU. Kỳ vọng, các công ty gỗ và sản phẩm gỗ sẽ phục hồi vào năm 2024, khi lãi suất cho vay mua nhà hạ nhiệt và nguồn cung nhà tại Mỹ được cải thiện.

Hết quý 1/2023, nhiều doanh nghiệp gỗ có kết quả kinh doanh kém khả quan. Đầu tiên phải kế đến CTCP Tập đoàn Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành (mã TTF), theo báo cáo tài chính quý 1/2023 mà đơn vị này công bố công ty ghi nhận doanh thu đạt 331 tỷ đồng, giảm 38,2% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ ghi nhận 2,52 tỷ đồng, giảm 83,5% so với cùng kỳ năm trước.

Xét về hoạt động kinh doanh cốt lõi (lợi nhuận gộp - chi phí tài chính - chi phí bán hàng & quản lý doanh nghiệp), trong quý 1/2023, Gỗ Trường Thành ghi nhận lỗ 8,71 tỷ đồng so với cùng kỳ lỗ 5,83 tỷ đồng.

Như vậy, trong quý đầu năm 2023, lợi nhuận gộp của Gỗ Trường Thành tạo ra không đủ trả chi phí tài chính, chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp. Trong đó, mặc dù doanh thu tài chính giảm nhưng vẫn giúp công ty thoát lỗ.

Trong năm 2023, Gỗ Trường Thành đặt kế hoạch kinh doanh với doanh thu 2.222 tỷ đồng, tăng 10,3% so với cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ là 54 tỷ đồng, tăng 14,86 lần so với thực hiện trong năm 2022. Như vậy, kết thúc quý đầu năm 2023 với lợi nhuận đạt 2,52 tỷ đồng, Công ty mới hoàn thành 4,7% kế hoạch lợi nhuận năm.

Mới đây, CTCP Gỗ An Cường (mã: ACG) đã công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 1/2023, ghi nhận doanh thu thuần đạt 680 tỷ đồng, giảm 21% so với cùng kỳ. Chi phí giá vốn giảm chậm hơn khiến lãi gộp giảm 24% xuống mức 191 tỷ đồng.

Gỗ An Cường ghi nhận lợi nhuận sau thuế quý 1 đạt hơn 36 tỷ đồng, giảm 70% so với thực hiện cùng kỳ năm 2022.

Theo giải trình của Gỗ An Cường, lợi nhuận của công ty giảm mạnh chủ yếu do tình hình kinh tế trong nước và thế giới diễn biến phức tạp, người tiêu dùng thận trọng trong chi tiêu và chi phí bán hàng tăng do công ty chủ động mở rộng hệ thống phân phối.

Năm 2023, Gỗ An Cường dự kiến doanh thu có thể đạt 5.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 668 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt 12% và 9% so với thực hiện năm 2022. Như vậy, sau 3 tháng đầu năm, ACG đã hoàn thành 14% kế hoạch doanh thu và chỉ hơn 5% mục tiêu lợi nhuận cả năm.

Hay như Công ty cổ phần Phú Tài (mã: PTB) đã công bố kết quả kinh doanh quý 1/2023, với doanh thu hợp nhất 1.419 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế hợp nhất hơn 76,4 tỷ đồng, lần lượt giảm 18% và 57% so với cùng kỳ 2022.

Giải trình về việc kết quả kinh doanh quý 1 giảm mạnh, công ty cho biết, lạm phát tại châu Âu, Mỹ đã ảnh hưởng đến số lượng đơn hàng của doanh nghiệp chế biến gỗ Việt Nam. Sức cầu với sản phẩm gỗ ở trong nước cũng suy giảm nặng nề do thị trường bất động sản trầm lắng từ quý 2/2022 đến nay.

Trước đó, trong thư ngỏ gửi cổ đông, ông Phan Quốc Hoài, Phó Tổng Giám đốc công ty cho biết, ngay từ đầu năm, Phú Tài đã nhận định tình hình kinh doanh quý 1 và quý 2 có nhiều khó khăn do những tác động không thuận lợi của tình hình kinh tế - chính trị trên thế giới (lạm phát tăng cao, xung đột quân sự giữa Nga - Ukraina).

Năm nay, Phú Tài đặt kế hoạch doanh thu đạt 7.000 tỷ đồng, tương đương mức thực hiện năm ngoái, song mục tiêu lợi nhuận lại giảm 19%, với 500 tỷ đồng.

Nhận định về tình hình năm 2023, Công ty cổ phần Chế biến gỗ Thuận An (mã: GTA) cho biết, năm 2023 là một năm tiếp tục khó khăn cho ngành chế biến gỗ nói chung và Gỗ Thuận An nói riêng, tình trạng thiếu đơn hàng còn tiếp tục. Cũng vì vậy, các doanh nghiệp chế biến gỗ cạnh tranh để lấy đơn hàng bằng mọi giá, đẩy mặt bằng giá bán xuống thấp.

Lạm phát tăng cao trên thế giới khiến sức cầu tiêu dùng đối với sản phẩm gỗ nội thất giảm mạnh, một số đối tác tạm dừng lên đơn hàng, thậm chí không có kế hoạch nhập hàng do chưa dự đoán được tình hình thị trường. Điều này khiến bức tranh sản xuất - kinh doanh của ngành gỗ thời gian qua khá ảm đạm.

Trước tình hình này GTA mục tiêu tổng doanh thu năm nay là 332 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế là 8,4 tỷ đồng, lần lượt giảm gần 26% và gần 19% so với mức thực hiện năm ngoái.

Công ty cho biết đang tập trung tìm kiếm đơn hàng, chủ động đàm phán với khách hàng giảm giá bán để có đơn hàng mới, có việc làm cho người lao động. Bên cạnh đó, công ty cũng kiểm soát chặt chẽ mức kinh tế kỹ thuật, tiết giảm chi phí tối đa để có giá thành cạnh tranh là cơ sở để phát triển khách hàng mới, đơn hàng mới.

Bà Lê Hải Liễu, Chủ tịch HĐQT CT CP Chế biến Gỗ Đức Thành (mã: GDT) cũng cho biết, tình hình vẫn chưa lạc quan, khách hàng vẫn đang rất dè dặt, họ đặt với thời gian giao hàng rất xa. Hiện GDT có nhiều chính sách giảm giá, chia sẻ với khách hàng để kích thích đặt hàng, với mục tiêu kiếm việc làm cho người lao động.

GDT đặt ra chiến lược phát triển mặt hàng nội thất cho thị trường nội địa và xuất khẩu, bên cạnh các sản phẩm chủ lực như gia dụng, nhà bếp, đồ chơi.

Về thị trường xuất khẩu, công ty sẽ chuyển hướng sang thị trường gần hơn với Việt Nam thay vì trông đợi vào Mỹ và châu Âu. Mục tiêu là để củng cố cho thương hiệu của GDT.

“Thay vì chăm sóc cho các khách hàng ở châu Âu và Mỹ, tại sao chúng ta không chăm sóc khách hàng ở những quốc gia gần Việt Nam và coi hàng của chúng ta là hàng cao cấp. Một khách hàng ở Malaysia đã chấp nhận bán hàng dưới thương hiệu của Gỗ Đức Thành”, bà Liễu chia sẻ.

Năm 2023, GDT đặt ra kế hoạch kinh doanh tích cực, với doanh thu 520 tỷ đồng và lãi sau thuế 83 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt 30% và 20% so với năm 2022. Trong đó, 81% doanh thu dự kiến đến từ xuất khẩu.

Hết quý 1, Gỗ MDF VRG Quảng Trị (MDF) cũng lỗ gần 211 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi hơn 3 tỷ đồng. Theo MDF, nguyên nhân là do tình hình khách quan của thị trường đầu vào biến động, trong khi giá bán giảm sâu so với năm trước.

Về tình hình sắp tới, ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiêp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFOREST) nhận định, phải hết quý 2/2023 mới có thể phục hồi sản xuất khoảng 85%. Sự phục hồi trở lại vào nửa cuối năm kỳ vọng đạt tốc độ tăng trưởng từ 7 - 9%, tương đương đạt 18 tỷ USD trở lên.

Bàn về giải pháp trung và dài hạn, ông Lập cho rằng, để tìm thị trường, các doanh nghiệp cần nâng cao năng lực cạnh tranh với giá sản phẩm tốt, sản phẩm phù hợp với thị hiếu, đạt chất lượng và có chính sách hậu mãi tốt.

Minh Vân

Bình luận

Nổi bật

Cựu Chủ tịch ngân hàng ACB Trần Mộng Hùng vừa qua đời: 15 năm làm 'thuyền trưởng' trước khi trao truyền cho con trai, từng là nhà giáo

Cựu Chủ tịch ngân hàng ACB Trần Mộng Hùng vừa qua đời: 15 năm làm 'thuyền trưởng' trước khi trao truyền cho con trai, từng là nhà giáo

sự kiện🞄Thứ tư, 01/05/2024, 10:38

Trên trang cá nhân của mình, ông Trần Hùng Huy - Chủ tịch HĐQT ngân hàng ACB thương tiếc báo tin người cha của mình - ông Trần Mộng Hùng đã qua đời.

Ông Kou Kok Yiow trở thành Chủ tịch Bamboo Capital thay ông Nguyễn Hồ Nam

Ông Kou Kok Yiow trở thành Chủ tịch Bamboo Capital thay ông Nguyễn Hồ Nam

sự kiện🞄Thứ hai, 29/04/2024, 13:59

(CL&CS) - Ngoài kế hoạch kinh doanh ấn tượng giai đoạn 2024-2028 được Bamboo Capital đặt ra, AGM 2024 còn đánh dấu sự kiện đặc biệt khi ông Kou Kok Yiow thay thế ông Nguyễn Hồ Nam ở vị trí Chủ tịch HĐQT.

Người Việt Nam đầu tiên được mời đào tạo và diễn thuyết về AI tại hội nghị quốc tế của ASQ: Được nhận visa nhân tài của Mỹ, khách mời quen thuộc của Shark Tank Việt Nam

Người Việt Nam đầu tiên được mời đào tạo và diễn thuyết về AI tại hội nghị quốc tế của ASQ: Được nhận visa nhân tài của Mỹ, khách mời quen thuộc của Shark Tank Việt Nam

sự kiện🞄Chủ nhật, 28/04/2024, 16:13

Anh từng chia sẻ, gia đình anh trước đây rất khó khăn, bản thân anh cũng là người đầu tiên trong nhà có cơ hội đi học đại học.