Thứ ba, 10/11/2020, 16:27 PM

Doanh nghiệp cần làm gì để vượt qua hàng rào kỹ thuật trong thương mại (TBT) trước tác động của đại dịch Covid -19

(CL&CS) - Thương mại thế giới dự kiến sẽ giảm từ 13 đến 32% trong năm 2020 do tác động của đại dịch Covid-19 tới hoạt động kinh tế và đời sống toàn cầu. Đây là nhận định của ông Roberto Azevêdo, Tổng giám đốc Tổ chức thương mại thế giới (WTO).

Trước cuộc khủng hoảng này các nước trên thế giới đã phải thực hiện các biện pháp chưa từng có để bảo vệ cuộc sống người dân.Thêm vào đó, Tổng giám đốc WTO cũng cho rằng sự sụt giảm thương mại không tránh khỏi sẽ đem đến những hệ quả đau thương cho các gia đình, doanh nghiệp và lên từng con người chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi đại dịch.

1

Như nhiều nhận định gần đây, cú sốc kinh tế của dịch Covid-19 được so sánh tương đương với cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2008-2009. Hai cuộc khủng hoảng này có khía cạnh tương đương nhưng cũng có những khía cạnh khác biệt.Tương tự năm 2008-2009, chính phủ các nước đã áp dụng các biện pháp tài khoá và tiền tệ để chống lại suy thoái và cung cấp hỗ trợ tạm thời cho doanh nghiệp và các hộ gia đình. Tuy nhiên, việc giãn cách xã hội và hạn chế đi lại để giảm sự lây lan của dịch bệnh đồng nghĩa với việc cung ứng lao động, vận tải và du lịch bị tác động trực tiếp không giống như khủng hoảng tài chính. Tất cả các lĩnh vực kinh tế bị đóng cửa bao gồm khách sạn, nhà hàng, du lịch, mua bán lẻ, sản xuất.

Theo số liệu thống kê của WTO và UNCTAD (Hội nghị Liên hiệp quốc về Thương mại và phát triển), Việt Nam nằm trong danh sách các các nước xuất, nhập khẩu hàng đầu trong thương mại hàng hoá của thế giới năm 2019. Theo đó, về xuất khẩu Việt Nam đứng thứ 23 và nhập khẩu đứng thứ 22 trên tổng số 30 nước. Như vậy, đương nhiên Việt Nam cũng sẽ không nằm ngoài các tác động nói trên của đại dịch Covid-19.

1
2

Việt Nam đã đàm phán và ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do trong 10 năm trở lại đây bao gồm cả hai hiệp định thế hệ mới là Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương CPTPP năm 2018 và Hiệp định EVFTA giữa Việt Nam và EU năm 2019. 

Trong các Hiệp định này luôn có một chương về hàng rào kỹ thuật trong thương mại hay còn gọi là Chương TBT. Chương TBT trong các hiệp định thương mại tự do được đàm phán trên nguyên tắc của Hiệp định TBT của WTO bao gồm không phân biệt đối xử, thuận lợi hoá thương mại, không tạo ra các rào cản không cần thiết cho thương mại thế giới, minh bạch hoá… Các cam kết này đã tạo ra môi trường chính sách liên quan tới tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và thủ tục đánh giá sự phù hợp minh bạch, không biến các biện pháp TBT trở thành những rào cản không cần thiết cho thương mại quốc tế và nâng cao minh bạch trong quá trình xây dựng, ban hành và áp dụng các chính sách về TBT. Các nước vẫn có thể xây dựng các chính sách TBT này ở mức độ cần thiết để ngăn ngừa hành vi gian lận, bảo vệ sức khoẻ người dân, môi trường, an ninh quốc gia…

Tuy nhiên các biện pháp TBT, mà trong đó có thể có những biện pháp sẽ trở thành rào cản không cần thiết cho thương mại quốc tế, vẫn đang được các nước xây dựng, ban hành khi kinh tế thế giới ngừng hoạt động vì đại dịch Covid-19. Theo thống kê của Uỷ ban TBT WTO, trong vòng 4 tháng đầu năm 2020, các nước Thành viên WTO đã thông báo về việc đang xây dựng, sửa đổi hoặc bổ sung 1239 biện pháp TBT và nhiều hơn 23 biện pháp so với 4 tháng đầu năm 2019. Trong 1239 biện pháp TBT nói trên có thể có những biện pháp phù hợp với các nguyên tắc của Hiệp định TBT nhưng cũng có thể có những biện pháp sẽ trở thành rào cản thương mại không cần thiết, gây cản trở dòng chảy thương mại hàng hoá giữa các nước thành viên WTO.

Hiệp định TBT của WTO và các cam kết TBT trong các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết và thực hiện cho phép doanh nghiệp các nước có quyền đóng góp ý kiến cho các biện pháp TBT ngay từ khi các biện pháp này đang ở giai đoạn dự thảo, thời gian đóng góp ý kiến này thường không ít hơn 60 ngày. Trong khoảng thời gian đó, nếu doanh nghiệp không đóng góp ý kiến, biện pháp sẽ được ban hành và áp dụng.

Với những nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong việc đàm phán gia Hiệp định TBT WTO và các cam kết TBT FTA, đây là quyền lợi lớn dành cho doanh nghiệp Việt Nam để dỡ bỏ những rào cản TBT không cần thiết, có thể ảnh hưởng tới hoạt động xuất khẩu của doanh nghiệp.

Từ những khó khăn có thể đoán định trước của hoạt động thương mại thế giới trong nhận định của người đứng đầu Tổ chức WTO nêu trên, để giảm thiểu bớt những khó khăn liên quan tới TBT trong xuất nhập khẩu hàng hoá, đặc biệt khi doanh nghiệp đang gặp vô vàn khó khăn do tác động của dịch Covid-19, doanh nghiệp cần tận dụng quyền lợi của mình trong cam kết này để chủ động dỡ bỏ các rào cản TBT thông qua việc tìm hiểu và đóng góp ý kiến của mình đối với các biện pháp TBT đang được các nước thị trường đối tác xây dựng và ban hành. Ý kiến góp ý của doanh nghiệp có thể gửi cho các điểm TBT thuộc các Bộ ngành chịu trách nhiệm quản lý sản phẩm, hàng hoá liên quan hoặc Văn phòng TBT Việt Nam thuộc Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng. Trong trường hợp xác định những biện pháp này có thể gây cản trở quá mức cần thiết cho doanh nghiệp, Văn phòng TBT Việt Nam và các điểm TBT của các Bộ sẽ đồng hành cùng doanh nghiệp để nêu ý kiến, quan ngại thương mại tại các diễn đàn của Uỷ ban TBT WTO và Uỷ ban hỗn hợp của các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam ký kết.

Thông tin về dự thảo các biện pháp TBT của các nước thành viên WTO được cập nhật thường xuyên trên cơ sở dữ liệu TBT do WTO, Trung tâm thương mại quốc tế ITC và Liên hiệp quốc phối hợp xây dựng: www.epingalert.org/en./.

Ths. Tôn Nữ Thục Uyên - Phó Giám đốc phụ trách Văn phòng TBT Việt Nam

Bình luận

Nổi bật

Đình chỉ lưu hành, thu hồi 3 loại mỹ phẩm không đảm bảo chất lượng

Đình chỉ lưu hành, thu hồi 3 loại mỹ phẩm không đảm bảo chất lượng

sự kiện🞄Thứ hai, 18/11/2024, 18:08

(CL&CS)- Sở Y tế Hà Nội vừa ban hành 03 văn bản thông báo đình chỉ lưu hành, thu hồi mỹ phẩm không đảm bảo chất lượng. Những sản phẩm này cũng đã bị Bộ Y tế thông báo đình chỉ lưu hành, thu hồi và tiêu hủy trên toàn quốc.

Xử phạt loạt cơ sở y dược tư nhân và thực phẩm vi phạm tại Hà Nội

Xử phạt loạt cơ sở y dược tư nhân và thực phẩm vi phạm tại Hà Nội

sự kiện🞄Thứ hai, 18/11/2024, 07:17

(CL&CS) - Vừa qua, Thanh tra Sở Y tế Hà Nội vừa ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính 6 cơ sở hành nghề y, dược tư nhân, cơ sở thuộc lĩnh vực an toàn thực phẩm với số tiền 75 triệu đồng.

Thu hồi ngay loạt sữa tắm, kem dưỡng không đạt chuẩn chất lượng

Thu hồi ngay loạt sữa tắm, kem dưỡng không đạt chuẩn chất lượng

sự kiện🞄Thứ năm, 14/11/2024, 20:10

(CL&CS) - Vừa qua, Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) ra thông báo đình chỉ lưu hành, thu hồi trên toàn quốc lô sản phẩm Sữa tắm em bé Gia Minh do Công ty TNHH Dược Mỹ phẩm Quang Xanh (Công ty Quang Xanh) sản xuất vì không đạt tiêu chuẩn chất lượng. Đáng chú ý, lô sản phẩm RAILEZA do Công ty này sản xuất từng bị thu hồi trên toàn quốc với lý do trên.