Văn hóa và Đời sống
Thứ bảy, 31/08/2024, 20:07 PM

Dinh thự đặc biệt ở miền Bắc Việt Nam từng là cơ quan đầu não của chính quyền Pháp, nay là nơi diễn ra nhiều sự kiện lễ tân đối ngoại quan trọng

Công trình đã đi vào lịch sử như một biểu trưng cho sự vùng lên quật khởi của dân tộc Việt Nam giành và bảo vệ  quyền sống trong độc lập.

Chứng nhân của mùa thu lịch sử

Vào cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX, người Pháp đã xây dựng hàng loạt khu phố mới cùng nhiều công trình văn hóa, dân sinh, quân sự tại Hà Nội nhằm khẳng định sự hiện diện và quyền lực của chính quyền thực dân tại các nước thuộc địa. Năm 1918, họ cho xây dựng dinh Thống sứ Bắc Kỳ tại vị trí đắc địa, nơi giao nhau giữa đại lộ Henri Rivière (nay là phố Ngô Quyền) và phố Chavassieux (nay là phố Lê Thạch).

Bắc Bộ phủ tiền thân là Dinh Thống sứ Bắc Kỳ, được người Pháp xây dựng làm cơ quan đầu não của chính quyền thực dân tại miền Bắc Việt Nam. Sau sự kiện Nhật đảo chính Pháp vào ngày 9/3/1945, tòa nhà bề thế mang kiến trúc tân cổ điển này đã được đổi tên thành Phủ Khâm sai Bắc Kỳ và do chính phủ Trần Trọng Kim kiểm soát.

Quần chúng nhân dân Thủ đô Hà Nội biểu tình chiếm Bắc Bộ phủ ngày 19/8/1945. Ảnh tư liệu TTXVN

Quần chúng nhân dân Thủ đô Hà Nội biểu tình chiếm Bắc Bộ phủ ngày 19/8/1945. Ảnh tư liệu TTXVN

Ngày 17/8/1945, khi khí thế cách mạng sục sôi khắp Hà Nội, Ủy ban Quân sự cách mạng đã vạch ra kế hoạch khởi nghĩa, xác định Phủ Khâm sai là một trong những vị trí trọng yếu cần chiếm giữ ngay từ sáng 19/8/1945, cùng với Tòa Thị chính, Trại Bảo an binh, và Ty Liêm phóng.

Vào 10 giờ sáng ngày 19/8, tại cuộc mít tinh trên quảng trường Nhà hát Lớn, hàng vạn quần chúng đã lắng nghe lời hiệu triệu từ Ủy ban Khởi nghĩa. Lực lượng vũ trang cách mạng, dẫn đầu đoàn quần chúng, chia thành hai mũi tấn công lớn, tiến chiếm Phủ Khâm sai và Trại Bảo an binh.

Tại Phủ Khâm sai, lực lượng cách mạng đã tước vũ khí của lính bảo an và phân phát cho lực lượng tự vệ. Lá cờ đỏ sao vàng tung bay phấp phới giữa trung tâm đầu não của chế độ thực dân, hòa cùng tiếng hoan hô vang dội của nhân dân, đánh dấu một thời khắc lịch sử trọng đại.

Thời khắc cáo chung của chế độ thực dân - phong kiến chính thức bắt đầu từ Phủ Khâm sai. Vào sáng ngày 20/8/1945, tại Vườn hoa Con Cóc, đối diện Phủ Khâm sai, Ủy ban Nhân dân Cách mạng Bắc Bộ đã ra mắt nhân dân trong niềm hân hoan, khi cả nước đang tận hưởng không khí tự do và độc lập.

Sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, Phủ Khâm sai được đổi tên thành Bắc Bộ phủ. Sau lễ Tuyên ngôn Độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh chuyển từ 48 Hàng Ngang về Bắc Bộ phủ để sinh sống và làm việc. Người ở đây cho đến tháng 11/1945, khi tình hình chính trị thay đổi buộc Người phải rời ra ngoại thành.

Cảm tử quân Hà Nội ôm bom ba càng đón đánh xe tăng quân Pháp trong ngày đầu toàn quốc kháng chiến (12/1946) tại khu vực Bắc Bộ phủ. Ảnh tư liệu

Cảm tử quân Hà Nội ôm bom ba càng đón đánh xe tăng quân Pháp trong ngày đầu toàn quốc kháng chiến (12/1946) tại khu vực Bắc Bộ phủ. Ảnh tư liệu

Khi Kháng chiến toàn quốc bùng nổ vào ngày 19/12/1946, Bắc Bộ phủ tiếp tục là chứng nhân của những thời khắc lịch sử bi tráng. Đây là nơi diễn ra trận đánh lớn nhất, ác liệt nhất và kéo dài nhất trong ngày đầu kháng chiến, tiêu biểu cho tinh thần "Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh" của quân và dân Thủ đô.

Di sản cách mạng vô giá của Thủ đô

Bắc Bộ phủ từ mùa thu Cách mạng 1945 đã đi vào lịch sử như một biểu trưng cho sự vùng lên quật khởi của dân tộc Việt Nam giành và bảo vệ quyền sống trong độc lập, tự do, hòa bình. Công trình này mang đậm dấu ấn kiến trúc cổ điển châu Âu, kết hợp hài hòa với kiến trúc bản địa, tạo nên một tổng thể bề thế, thể hiện vị thế của một cơ quan hành chính cao cấp nhất miền Bắc tại thời điểm bấy giờ.

Vẻ bề thế của công trình Bắc Bộ phủ, nay là Nhà khách Chính phủ nhìn từ mặt phố Ngô Quyền. Ảnh: PV

Vẻ bề thế của công trình Bắc Bộ phủ, nay là Nhà khách Chính phủ nhìn từ mặt phố Ngô Quyền. Ảnh: PV

Bắc Bộ phủ có tổng diện tích 11.180m², bao gồm tòa nhà 3 tầng cổ kính rộng 900m² và tòa nhà mới xây dựng năm 1976, cao 5 tầng với diện tích hơn 700m². Phần còn lại là sân vườn và các công trình phụ trợ. Mặt chính của công trình hướng ra vườn hoa Chavassieux, nơi mà người dân thường gọi là vườn hoa Con Cóc.

Tòa nhà được thiết kế với ba tầng, mỗi tầng phục vụ các mục đích khác nhau. Tầng hầm bao gồm nhà kho, phòng phục vụ và khu lưu trữ giấy tờ. Tầng 1 nổi bật với một phòng khách lớn và các phòng khách nhỏ hơn, cùng với phòng ăn, phòng làm việc và phòng đợi. Ngoài ra, còn có các khu vực giải trí như phòng chơi bida và phòng hút thuốc. Tầng 2 dành riêng cho phòng họp Hội đồng Bắc Kỳ và các phòng nghỉ được trang bị đầy đủ tiện nghi. Nội thất của từng phòng được trang trí tinh xảo theo phong cách cổ điển châu Âu nhưng có thêm một số họa tiết kiểu Việt Nam.

Mặt chính của công trình có cấu trúc đối xứng rõ ràng, chia thành ba phần nổi bật. Khối trung tâm được nhấn mạnh bằng cửa lớn hình cuốn vòm, với mái hiên hình cánh hoa làm bằng kính và kim loại. Phần trên của mặt chính được trang trí cầu kỳ với mái lợp ngói đá đen và các chi tiết trang trí tinh xảo, tạo nên một vẻ đẹp hoàn chỉnh và cân đối. Mặt sau của tòa nhà có thiết kế tương tự như mặt chính nhưng với các họa tiết trang trí đơn giản hơn. Tổng thể, phong cách kiến trúc của Bắc Bộ phủ mang đậm ảnh hưởng cổ điển Pháp, hòa quyện cùng các yếu tố của phong cách Phục hưng, Baroque và Art Nouveau.

Khu vực mặt chính của công trình vẫn được giữ nguyên vẹn kiến trúc cho đến ngày nay. Ảnh PV

Khu vực mặt chính của công trình vẫn được giữ nguyên vẹn kiến trúc cho đến ngày nay. Ảnh PV

Đến nay, tòa nhà cũ vẫn được bảo tồn nguyên vẹn kiến trúc, gồm 2 tầng chính và 1 tầng hầm. Cảnh quan kiến trúc, kiểu dáng trang trí ở mặt phố Ngô Quyền cũng còn nguyên gốc. Đó là hàng rào sắt, cổng, khung mái và sảnh. Khung mái che trước phòng tiền sảnh chỉ thay đổi chất liệu tấm lợp (từ kính màu thay bằng kính có lưới thép hình hoa dâu). Phía hàng rào giáp phố Lê Thạch được trồng nhiều cây cảnh quý như bách tán, hoàng lan, xoài, nhãn... Đặc biệt, hàng rào sắt phía phố Ngô Quyền và cánh cổng chính hiện còn rất nhiều vết đạn ghi dấu những cuộc chiến đấu ác liệt tại đây.

Bắc Bộ phủ được xây dựng cùng thời kỳ với Văn phòng Phủ Thống sứ (nay là trụ sở Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), khách sạn Métropole (hiện là khách sạn Sofitel Legend Metropole Hà Nội) và vườn hoa Chavassieux (nay là vườn Diên Hồng). Những công trình này tạo thành một quần thể có giá trị vượt trội về kiến trúc, lịch sử, văn hóa và cảnh quan, đồng thời là một di sản đô thị quý giá của Thủ đô Hà Nội.

Khu vực hàng rào của công trình hiện vẫn còn dấu tích của nhiều vết đạn từ giai đoạn chiến tranh ác liệt. Ảnh PV

Khu vực hàng rào của công trình hiện vẫn còn dấu tích của nhiều vết đạn từ giai đoạn chiến tranh ác liệt. Ảnh PV

Cơ quan quan trọng của Nhà nước trong thời kỳ mới

Sau khi kết thúc chiến tranh Đông Dương năm 1954, Bắc Bộ phủ được tu sửa và chuyển thành Nhà khách của Chủ tịch phủ, thuộc sự quản lý của Phòng Chiêu đãi - Vụ Lễ tân Bộ Ngoại giao. Đến năm 1957, Thủ tướng đã giao trách nhiệm quản lý Nhà khách Chính phủ cho Vụ Lễ tân của Bộ Ngoại giao. Trong giai đoạn này, Nhà khách Chính phủ trở thành địa điểm chính của quốc gia để tiếp đón các đoàn khách quốc tế đến thăm và làm việc. Với tầm quan trọng của nhiệm vụ, Nhà khách đã được tiến hành nghiên cứu và đề xuất nhiều phương án cải tạo cơ sở vật chất cũng như cơ cấu tổ chức để nâng cao chất lượng phục vụ.

Nhà khách của Chủ tịch phủ, thuộc sự quản lý của Phòng Chiêu đãi - Vụ Lễ tân Bộ Ngoại giao. Ảnh: Báo Quốc tế

Nhà khách của Chủ tịch phủ, thuộc sự quản lý của Phòng Chiêu đãi - Vụ Lễ tân Bộ Ngoại giao. Ảnh: Báo Quốc tế

Để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao, năm 1973, tòa nhà mới tại số 02 Lê Thạch được xây dựng và hoàn thành vào năm 1975. Tòa nhà 5 tầng này bao gồm một hội trường lớn và khu lễ tân ở tầng 1, trong khi bốn tầng còn lại được thiết kế để phục vụ phòng nghỉ cho các đoàn khách và khách lẻ. Năm 1981, nhằm nâng cao hiệu quả công tác phục vụ đối ngoại, Bộ Ngoại giao quyết định chuyển Nhà khách Chính phủ thành một đơn vị cơ sở trực thuộc Bộ. Kể từ đó, Nhà khách Chính phủ hoạt động như một đơn vị độc lập dưới sự chỉ đạo trực tiếp của lãnh đạo Bộ.

Năm 2005, công trình được vinh danh là Di tích lịch sử cách mạng. Ngày 06/12/2013, theo Quyết định số 3569/QĐ-BNG của Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, Nhà khách Chính phủ chính thức trở thành đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ Ngoại giao, với nhiệm vụ phục vụ các hoạt động lễ tân đối ngoại của Đảng, Nhà nước và Bộ Ngoại giao, đồng thời cung cấp dịch vụ cho xã hội phù hợp với khả năng và điều kiện của Nhà khách theo quy định pháp luật. Nhà khách Chính phủ được cấp tư cách pháp nhân, có con dấu riêng, và được mở tài khoản tại Ngân hàng và Kho bạc Nhà nước theo quy định. Trụ sở của Nhà khách Chính phủ tọa lạc tại số 12 Ngô Quyền - 02 Lê Thạch - Hoàn Kiếm - Hà Nội.

Thùy Dung + Vĩ Hạ

Bình luận

Nổi bật

Từ tháng 1/2025, tăng mức phạt không đội mũ bảo hiểm và các lỗi phạt đến 8 triệu với xe máy

Từ tháng 1/2025, tăng mức phạt không đội mũ bảo hiểm và các lỗi phạt đến 8 triệu với xe máy

sự kiện🞄Chủ nhật, 15/09/2024, 22:46

Đó là một số đề xuất trong Dự thảo mới nhằm tăng cường trật tự, an toàn giao thông và bảo vệ tính mạng cho người tham gia giao thông.

Tàu đường sắt chở 250 hành khách bất ngờ trật bánh, má phanh vỡ vụn rơi dọc đường ray, tuyến đường sắt Bắc - Nam gián đoạn

Tàu đường sắt chở 250 hành khách bất ngờ trật bánh, má phanh vỡ vụn rơi dọc đường ray, tuyến đường sắt Bắc - Nam gián đoạn

sự kiện🞄Chủ nhật, 15/09/2024, 22:44

Sự cố xảy ra vào khoảng 12h30 ngày 15/9 tại địa bàn cầu Hói Mít, thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế.

Võ sư huyền thoại của Việt Nam là 'sư huynh' Lý Tiểu Long, được coi như bậc cao đồ của hai môn phái võ cổ truyền lớn nhất cả nước

Võ sư huyền thoại của Việt Nam là 'sư huynh' Lý Tiểu Long, được coi như bậc cao đồ của hai môn phái võ cổ truyền lớn nhất cả nước

sự kiện🞄Chủ nhật, 15/09/2024, 11:04

Ông là một võ sư nổi tiếng của nước ta, người có công lớn trong việc mang tinh thần võ học Việt quảng bá ra với thế giới.