Đẩy nhanh tiêm vắc xin, chặn nguy cơ “dịch chồng dịch”
(CL&CS)- Hiện tình hình dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, cùng với dịch sốt xuất huyết, dịch cúm mùa đang gia tăng mạnh. Để chủ động phòng, chống dịch, kiên quyết không để “dịch chồng dịch”, thành phố Hà Nội đã triển khai đồng bộ nhiều biện pháp nhằm ngăn chặn, phòng, chống các dịch bệnh hiệu quả.
Đối diện nhiều loại dịch
Theo Bộ Y tế, tại Việt Nam, dịch Covid-19 cơ bản được kiểm soát trên toàn quốc, tuy nhiên đã ghi nhận sự xuất hiện của cả hai biến thể phụ BA.4 và BA.5 của biến chủng Omicron trong cộng đồng. Ngay tại Hà Nội đã ghi nhận 3 ca nhiễm biến chủng BA.5. Tuy nhiên, hiện nhiều người dân sau khi tiêm vắc xin mũi cơ bản hoặc đã từng mắc Covid-19 bắt đầu chủ quan, lơ là trong việc áp dụng các biện pháp phòng bệnh, nhất là chưa tham gia tích cực vào việc tiêm vắc xin mũi 3, mũi 4, kể cả tiêm vắc xin cho trẻ em.
Theo bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Thu Hường, Trưởng Đơn nguyên chống dịch, Trưởng Khoa Bệnh nghề nghiệp, Bệnh viện Thanh Nhàn: Bắt đầu từ đầu tháng 7/2022, số bệnh nhân mắc Covid-19 đến khám gia tăng đột biến. Có hôm tới 20 bệnh nhân đến khám trong ngày, với đủ lứa tuổi, hầu hết đã tiêm 2-3 mũi vắc xin. Việc trên địa bàn Hà Nội xuất hiện một vài ổ dịch sốt xuất huyết, sốt phát ban, kèm theo đó số bệnh nhân mắc Covid-19 có dấu hiệu gia tăng là điều đáng lo ngại, đòi hỏi các biện pháp kịp thời để ngăn chặn.
Theo bác sĩ Nguyễn Thu Hường, đáng lo ngại là đã có hiện tượng “dịch chồng dịch,” khi cơ sở y tế này vừa tiếp nhận bệnh nhân nam (35 tuổi, ở Hà Nội) trong tình trạng nguy kịch. Thời điểm nhập viện, bệnh nhân đã sốt ngày thứ hai, nhiệt độ cơ thể cao nhất có lúc lên tới 40 độ C. Bệnh nhân được đưa tới Khoa Cấp cứu - Nội - Nhi trong tình trạng đau đầu, sốt cao và co giật.
Tại đây, bệnh nhân được test nhanh cho kết quả dương tính với SARS-CoV-2 và chuyển tiếp sang phòng khám sàng lọc của bệnh viện. Bệnh nhân được tầm soát cúm A, cúm B và sốt xuất huyết, ghi nhận thêm bệnh nền sốt xuất huyết đang diễn biến trong khoảng từ 1-5 ngày. Bệnh nhân được cấp cứu kịp thời nên sau khi điều trị theo phác đồ của Bộ Y tế, sức khỏe đã ổn định và sớm được ra viện.
“Sốt xuất huyết và Covid-19 đều là bệnh gây ra do vi rút. Hai bệnh lý này có thể gây ra những triệu chứng chồng lấp, gây khó khăn cho việc điều trị cũng như ảnh hưởng tới sức khỏe người bệnh. Bệnh nhân mắc sốt xuất huyết đơn thuần, triệu chứng mệt mỏi, sốt cao nhưng nếu kèm theo mắc Covid-19, triệu chứng sẽ nặng nề hơn, vẫn sốt cao, mệt mỏi và phải điều trị kéo dài,” bác sĩ Nguyễn Thu Hường phân tích.
Cùng với dịch Covid-19, dịch sốt xuất huyết đang lưu hành, hiện nay, tình hình bệnh cúm trên địa bàn Thành phố đang có xu hướng gia tăng. Theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Hà Nội, tính từ đầu năm đến ngày 18/7, Hà Nội đã ghi nhận 2.605 trường hợp mắc cúm, chưa ghi nhận trường hợp tử vong. Đặc biệt, giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 4/2022, số ca mắc dưới 400 trường hợp/tháng. Tuy nhiên, từ tháng 5/2022, số ca mắc tăng cao, đặc biệt trong tháng 6/2022, ghi nhận 887 trường hợp mắc, tăng 60% so với tháng 5.
Điển hình tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, ghi nhận số người đến khám do mắc cúm có xu hướng gia tăng. Trong khoảng 2 tuần đầu tháng 7, bệnh viện đã tiếp nhận khám và sàng lọc cho 1.068 ca nghi nhiễm cúm. Số trường hợp bệnh nhân có kết quả test nhanh dương tính với cúm chiếm 35,1% so với số khám sàng lọc bệnh nhân nghi/nhiễm cúm, trong đó, bệnh nhân dương tính với cúm A chiếm 97,6%, cúm B chiếm 2,4%. Số trường hợp có chỉ định nhập viện là 71 ca (chiếm 18,9% so với số trường hợp dương tính với cúm)…
Về tổng số ca mắc cúm trên địa bàn Hà Nội đang điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương là 252 ca, phân bổ tại 23/30 quận, huyện, thị xã. Hầu hết bệnh nhân có triệu chứng nhẹ, điều trị ngoại trú; 71 trường hợp chỉ định nhập viện (chủ yếu là phụ nữ có thai, trẻ em, người có bệnh nền, hầu hết khỏi sau 3 - 4 ngày điều trị) và ghi nhận 1 trường hợp viêm phổi nặng suy hô hấp. Hiện, bệnh viện còn khoảng 20 bệnh nhân đang tiếp tục theo dõi và điều trị.
Ngoài Covid-19, cúm A, sốt xuất huyết, vừa qua Bộ Y tế cũng đã họp khẩn lên phương án để phòng, chống, điều trị bệnh Đậu mùa khỉ. Tuy chưa xâm nhập vào Việt Nam, nhưng hiện một số nước xung quanh Việt Nam đã bị, vì thế với Thủ đô Hà Nội, một trong những trung tâm giao thương quốc tế thì cần càng phải đề phòng.
Đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin
Theo nhận định của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật thành phố Hà Nội, trong thời gian tới, bệnh cúm vẫn đang tiếp tục có xu hướng gia tăng. Để chủ động kiểm soát và phòng ngừa bệnh cúm mùa, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Thành phố đề nghị các đơn vị trong ngành tăng cường giám sát phát hiện sớm các trường hợp mắc cúm mùa tại cộng đồng và tại các cơ sở khám, chữa bệnh, nhằm kịp thời phát hiện và xử lý sớm, hạn chế thấp nhất số ca mắc bệnh và tử vong. Bên cạnh đó, rà soát, kiện toàn lại các đội phản ứng nhanh phòng, chống dịch, đồng thời, chuẩn bị đầy đủ cơ số trang thiết bị phòng, chống dịch để sẵn sàng ứng phó với các hình huống khi dịch lây lan trên địa bàn.
Để phòng bệnh cúm, ngành Y tế khuyến cáo, người dân bảo đảm vệ sinh cá nhân, che miệng khi hắt hơi; thường xuyên rửa tay với xà phòng bằng nước sạch; vệ sinh mũi, họng hằng ngày bằng nước muối. Cùng với đó, ăn uống đủ chất để nâng cao thể trạng. Ngoài ra, nên hạn chế tiếp xúc với bệnh nhân cúm hoặc các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh khi không cần thiết. Khi có triệu chứng ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời.
Đồng thời, các chuyên gia y tế khuyến cáo thêm mọi người nên tiêm vắc xin phòng cúm chủ động. “Thời điểm tiêm thích hợp là trước lúc giao mùa đông xuân khoảng 3 tháng (tháng 7-9 hàng năm), để cơ thể kịp sản sinh những kháng thể cần thiết để chống lại vi rút gây bệnh. Vi rút cúm không ngừng biến đổi, sau một năm thì kháng thể cũng dần ít đi, do vậy nên tiêm phòng nhắc lại hàng năm” - Tiến sĩ Đặng Thị Thúy - Trưởng Khoa Nhi, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết.
Song song với việc phòng chống dịch bệnh mùa hè, hiện các quận, huyện trên địa bàn Thành phố đang tiếp tục tuyên truyền về tiêm vắc xin phòng Covid-19. Bởi trước diễn biến khó lường của dịch Covid-19, nhất là việc xuất hiện biến chủng mới BA.5 của vi rút SARS-CoV-2 làm gia tăng nguy cơ bùng phát dịch bệnh trở lại, thì việc tiêm mũi 4 vắc xin phòng Covid-19 là để duy trì bền vững, hiệu quả phòng, chống dịch Covid-19./.
Ngành Y tế Hà Nội đang tích cực vào cuộc, tăng cường tuyên truyền, đẩy nhanh việc tiêm vắc xin theo kế hoạch đã đề ra để bảo đảm sức khỏe cho nhân dân. Theo Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà: Nhận thức rõ mức độ nguy hiểm của biến chủng BA.5 của chủng Omicron ghi nhận tại nhiều quốc gia và đã xuất hiện tại Việt Nam, Sở Y tế Hà Nội đã tập trung chỉ đạo các đơn vị liên quan đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho người dân. Đồng thời, đề nghị các quận, huyện, thị xã tiếp tục chỉ đạo thực hiện nghiêm túc công tác tiêm vắc xin phòng Covid-19 theo đúng quy định của Bộ Y tế và thành phố Hà Nội, nhất là với các đối tượng từ 50 tuổi trở lên, người suy giảm miễn dịch, cán bộ y tế, công nhân tại các khu công nghiệp... |
Theo laodongthudo.vn
Bình luận
Nổi bật
Khởi động chiến dịch 'JUMBO VAPE - Chung tay phòng chống bệnh sốt xuất huyết'
sự kiện🞄Thứ sáu, 22/11/2024, 17:58
(CL&CS)- Ngày 21/11, tại Hà Nội, chiến dịch “JUMBO VAPE - Chung tay phòng chống bệnh sốt xuất huyết” chính thức được phát động.
WHO phê duyệt vaccine phòng bệnh đậu mùa khỉ thứ hai do Nhật Bản bào chế
sự kiện🞄Thứ năm, 21/11/2024, 10:53
(CL&CS) - Tổ chức Y tế thế giới (WHO) hôm qua đã phê duyệt vaccine LC16m8 phòng bệnh đậu mùa khỉ của công ty dược phẩm KM Biologics (Nhật Bản) bào chế để sử dụng khẩn cấp. Đây là vaccine thứ hai nhận được sự chấp thuận này.
Nâng cao chất lượng xét nghiệm cho các cơ sở y tế Hà Tĩnh
sự kiện🞄Thứ tư, 20/11/2024, 18:57
(CL&CS)- Các cơ sở y tế Hà Tĩnh không ngừng nâng cao chất lượng xét nghiệm phát hiện sớm, đúng các bệnh lý, hỗ trợ đắc lực công tác điều trị và phòng, chống dịch bệnh.
anh đứcLorem ipsum dolor sit amet, consectetur adipisicing elit. Quis cum, ut esse cupiditate autem. Dolor est dolorem sunt, sequi omnis corporis cumque ratione accusamus ex deserunt, molestiae consequuntur natus beatae.