Công ty chứng khoán và cuộc chạy đua phát hành nghìn tỷ trái phiếu

Tiền đâu khiến thị trường chứng khoán trở nên sôi động với giá trị giao dịch liên tục vượt đỉnh những năm gần đây? Phần lớn là tiền từ công ty chứng khoán. Công ty chứng khoán lấy tiền từ đâu cho vay margin? Phần nhiều là từ hoạt động phát hành trái phiếu hàng nghìn tỷ đồng!

Những năm gần đây đặc biệt là trong giai đoạn Covid-19 hoành hành, thị trường chứng khoán bất ngờ trở nên sôi động hơn bao giờ hết. Người người, nhà nhà đầu tư chứng khoán.Tiền đâu khiến thị trường chứng khoán trở nên sôi động với giá trị giao dịch liên tục vượt đỉnh những năm gần đây? Đương nhiên, một phần lớn là tiền từ nhà đầu tư mang lên thị trường chứng khoán cùng với hàng triệu tài khoản mới được mở ra. Nhưng, một phần tiền không nhỏ tạo ra làn sóng lớn trên thị trường chứng khoán là từ công ty chứng khoán! Hàng loạt động thái phát hành cổ phiếu tăng vốn, phát hành trái phiếu huy động vốn được công ty chứng khoán thực hiện với con số hàng nghìn, chục nghìn tỷ chỉ trong một thời gian ngắn. Đáng chú ý, đối với khoản mục trái phiếu đang "nóng" thị trường tài chính thì công ty chứng khoán cũng tham gia rất nhiều. Công ty chứng khoán không chỉ đóng vai trò bên tư vấn phát hành, đại lý phát hành mà còn đóng lớn ở vai trò...đơn vị phát hành!

Hàng loạt công ty chứng khoán huy động vốn trái phiếu "khủng"

Những ngày đầu năm 2022, Hội đồng quản trị Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cũng đã ra quyết nghị phát hành 1,39 triệu trái phiếu mệnh giá 1 triệu đồng/trái phiếu và lượng trái phiếu này dự kiến phát hành làm nhiều đợt. Kỳ hạn trái phiếu 1-2 năm tùy thuộc từng đợt phát hành trong đó kỳ hạn 1 năm sẽ huy động 1.200 tỷ đồng và kỳ hạn 2 năm huy động 190 tỷ đồng. Theo thời gian dự kiến phát hành lúc đó thì từ 15/2 đến 15/4/2022 sẽ huy động thành công toàn bộ lượng trái phiếu dự kiến, mang về 1.390 tỷ đồng. Mục đích sử dụng khoản vốn nghìn tỷ thu được từ phát hành trái phiếu của VDSC là để cân đối sử dụng cho các hoạt động giao dịch ký quỹ, tự doanh/bảo lãnh phát hành, tham gia hoạt động thị trường trái phiếu tùy theo điều kiện thị trường để bảo đảm mục tiêu sử dụng vốn đạt hiệu quả cao nhất. 

Điều đáng nói là, năm 2022 không phải là năm duy nhất VDSC phát hành trái phiếu khối lượng hàng nghìn tỷ đồng như thế. Tính từ khoảng tháng 3/2021 đến nay, VDSC đã huy động được tổng cộng gần 2.400 tỷ đồng trái phiếu. Có một số lô trái phiếu của VDSC đã đáo hạn vào tháng 2,3,4 này nhưng hầu hết đáo hạn vào nửa cuối năm 2022 và 2023.

Hay như Chứng khoán ACB (ACBS), dù phát hành trái phiếu 3 không: Không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, không có tài sản đảm bảo nhưng năm 2021 cũng phát hành thành công 7 lần với tổng giá trị gần 1.000 tỷ đồng, đa phần trái phiếu của ACBS phát hành 1 năm và phần nhiều đã đáo hạn vào những tháng đầu năm 2022.

Chứng khoán dầu khí (PSI) cũng huy động thành công khoảng 1.300 tỷ đồng trái phiếu trong năm 2021.

Chứng khoán Sài Gòn-Hà Nội (SHS) cũng đã từng huy động thành công hơn 1.000 tỷ đồng trái phiếu trong năm 2021. Mục đích phát hành trái phiếu là đầu tư vào trái phiếu Chính Phủ - một sản phẩm được coi là không có rủi ro, tuy nhiên lợi nhuận thường là thấp.

Trong khi nhiều công ty chứng khoán phát hành phải...cắt nhỏ nhiều lần và không phải lần nào cũng bán hết trái phiếu thì Chứng khoán Tiên Phong (ORS) lại gây bất ngờ khi 1 lần phát hành duy nhất đã thành công với khối lượng 1.000 tỷ đồng dù đây là loại hình trái phiếu 3 không (không chuyển đổi, không tài sản đảm bảo và không kèm chứng quyền). Trái phiếu lãi suất các kỳ đầu tiên là 9,2%/năm và sau đó thả nổi. Trái phiếu kỳ hạn 5 năm. Theo công bố thông tin thì có 399 nhà đầu tư cá nhân chuyên nghiệp trong đó có 1 cá nhân là nhà đầu tư nước ngoài đã mua 1.000 tỷ đồng trái phiếu kể trên. 

Một số công ty chứng khoán khác như Công ty cổ phần Chứng khoán Bản Việt (mã CK: VCI) cũng huy động thành công hơn 1.660 tỷ đồng trái phiếu trong vòng 1 năm trở lại đây. Chứng khoán KIS Việt Nam cũng đã huy động được gần 1.300 tỷ đồng trái phiếu từ đầu năm 2021 đến nay, đa phần trái phiếu này đáo hạn vào năm sau 2023. Chứng khoán MB (MBS) cũng thành công với khoảng 1.000 tỷ đồng trái phiếu năm 2021-2022. Hay như công ty chứng khoán cỡ nhỏ trên thị trường như CTCP Chứng khoán Quốc gia (NSI) cũng 2 lần phát hành thành công trăm tỷ đồng trái phiếu trị giá khoảng 150 tỷ đồng, tài sản đảm bảo là các cổ phiếu niêm yết như SJS, DVN, SAM, DSN...

Hàng loạt câu hỏi vẫn bỏ ngỏ với hoạt động phát hành trái phiếu của công ty chứng khoán

Nhìn sơ bộ thống kê ở trên cũng có thể thấy, lượng trái phiếu mà các công ty chứng khoán phát hành trong khoảng 1 năm trở lại đây không hề nhỏ. Tiền phát hành trái phiếu dùng làm gì cũng khá đa dạng, bên thì mua trái phiếu Chính phủ, trái phiếu chính quyền địa phương, giấy tờ có giá khác...Bên thì bổ sung vốn lưu động, bên cho vay ký quỹ...Cụ thể dòng tiền luân chuyển ra sao thì khó lòng biết được nhưng khi phát hành trái phiếu xong thì trái chủ lại có thể giao dịch repo trái phiếu tại các tổ chức tín dụng/tổ chức tài chính khác và lại lấy tiền ra. Vì thế, rất nhiều câu hỏi hiện đang bỏ ngỏ.

-Với khối lượng phát hành trái phiếu lớn như vậy của các công ty chứng khoán thì ai là bên mua? Tiền thực mua trái phiếu đến từ đâu? Có hay không việc các ngân hàng huy động tiền trong dân và rồi rót tiền đầu tư mua trái phiếu của công ty chứng khoán, gián tiếp đẩy tiền từ ngân hàng lên thị trường chứng khoán?

-Tiền huy động từ trái phiếu xong rồi sử dụng như thế nào? Vòng quay repo trái phiếu liệu có gây rủi ro?

-Khi thị trường chứng khoán lao dốc, nhiều cổ phiếu đã lao dốc không phanh và nhiều khi, trạng thái trắng bên mua khiến các công ty cho vay margin đôi khi muốn bán xử lý tài sản đảm bảo của khách hàng cũng không được. Vậy, việc huy động vốn trái phiếu "khủng", rót tiền cho nhà đầu tư vay ký quỹ liệu có tiểm ẩn những rủi ro lớn cho công ty chứng khoán?

Ngô An

Bình luận

Nổi bật

Phạm Hồng Hải, cựu CEO HSBC Việt Nam giữ chức Quyền Tổng Giám đốc OCB từ 6/5/2024

Phạm Hồng Hải, cựu CEO HSBC Việt Nam giữ chức Quyền Tổng Giám đốc OCB từ 6/5/2024

sự kiện🞄Thứ sáu, 03/05/2024, 20:23

(CL&CS) - HĐQT của Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) vừa bổ nhiệm ông Phạm Hồng Hải (sinh 1974) giữ chức Quyền Tổng Giám đốc OCB với thời hạn 12 tháng kể từ 6/5/2024.

Phát triển thị trường tài chính xanh hài hòa tạo điều kiện cho phát triển bền vững

Phát triển thị trường tài chính xanh hài hòa tạo điều kiện cho phát triển bền vững

sự kiện🞄Thứ năm, 02/05/2024, 15:38

(CL&CS) - Tài chính xanh là kênh dẫn vốn quan trọng giúp doanh nghiệp hướng tới phát triển bền vững. Trong các mục tiêu phát triển bền vững, nhiều quốc gia bắt đầu thực hiện các chiến lược phát triển mới tập trung vào tăng trưởng xanh.

Quý 1/2024, nhân sự ngành ngân hàng giảm 1.437 người

Quý 1/2024, nhân sự ngành ngân hàng giảm 1.437 người

sự kiện🞄Thứ tư, 01/05/2024, 15:34

(CL&CS) - Trong quý 1 vừa qua, lần đầu tiên 27 ngân hàng niêm yết đã cắt giảm nhân sự với số lượng lên đến 1.437 người. Trong đó, 20/27 ngân hàng mẹ đã cắt giảm nhân sự.