Thứ tư, 17/01/2024, 08:17 AM

“Cỗ xe tứ mã” để đạt mục tiêu tăng trưởng năm 2024

(CL&CS) - Kinh tế Việt Nam có xu hướng phục hồi, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát trong tầm kiểm soát, các cân đối lớn được đảm bảo. Năm 2024, tăng trưởng kinh tế phụ thuộc vào việc đổi mới, đảm bảo tính đồng bộ về thể chế và môi trường pháp lý cho phát triển kinh tế; thúc đẩy tiêu dùng của thị trường trong nước; vốn đầu tư công và thúc đẩy xuất khẩu hàng hoá và dịch vụ.

Hoạt động sản xuất của doanh nghiệp trong năm 2023 đã có nhiều tín hiệu phục hồi tích cực. Ảnh: T.D

Hoạt động sản xuất của doanh nghiệp trong năm 2023 đã có nhiều tín hiệu phục hồi tích cực. Ảnh: T.D

Đầu tư công - động lực chính cho tăng trưởng

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương đánh giá, những kết quả đạt được trong năm 2023 đã cho thấy những cố gắng, nỗ lực không ngừng của cả hệ thống chính trị trong suốt năm qua. Các chỉ tiêu thống kê cho thấy kinh tế vĩ mô trong nước tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức phù hợp; cung cầu hàng hóa thiết yếu được bảo đảm, hoạt động mua sắm hàng hóa, tiêu dùng nội địa duy trì mức tăng khá. Trong đó, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Việt Nam tăng khoảng 3,25%, thấp hơn nhiều so với mục tiêu 4,5% do Quốc hội đặt ra.

“Đây là thành công lớn, tạo tiền đề hết sức quan trọng trong việc triển khai các nhiệm vụ, mục tiêu khác trong quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, phục hồi và tăng trưởng một số ngành trọng tâm. Cùng với đó, đầu tư công là một điểm sáng. Năm 2023 là một năm đặc biệt so với những năm trước đây về đầu tư công. Một lượng vốn khổng lồ 600.000 tỷ đồng được đưa ra, nhưng giải ngân nhanh, tháng sau cao hơn tháng trước, cả ở số tương đối lẫn tuyệt đối. Tính đến cuối tháng 12, kết quả giải ngân đạt hơn 81% kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao. Nếu so với 11 tháng trước đó, riêng trong tháng 12, tháng cuối cùng của năm 2023 có bước nhảy vọt rất lớn, từ 65% lên đến 81%, tăng thêm được 16%. Nếu như duy trì được tốc độ này trong phần thanh quyết toán của tháng 1/2024 đạt được hơn 10%, thì mục tiêu giải ngân 95% có khả năng đạt được”, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết.

Còn theo TS. Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, năm 2023, đầu tư công nổi lên là động lực quan trọng, đóng vai trò thúc đẩy, gánh vác và bù đắp cho các động lực tăng trưởng khác. Với tinh thần đổi mới, thẳng thắn đề cập tới những tồn tại trong giải ngân vốn đầu tư công, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã quyết liệt, sát sao, cụ thể trong chỉ đạo giải ngân vốn đầu tư công. Nhiều công trình, dự án trọng điểm, liên vùng, có tác động lan toả được đẩy nhanh tiến độ triển khai. Năm 2023, lần đầu tiên giải ngân vốn đầu tư công đạt kết quả cao nhất về quy mô với 625,3 nghìn tỷ đồng, đạt 85,3% kế hoạch năm, tăng 21,2% so với năm trước.

Đặc biệt, năm 2023, số lượng doanh nghiệp (DN) tư nhân đăng ký mới tăng rất mạnh. Cả nước có hơn 200.000 DN gia nhập thị trường, tăng 4,6% so với cùng kỳ năm 2022 và gấp 1,3 lần số DN rút lui khỏi thị trường trong năm qua. Trong đó có 160.000 DN mới thành lập và hơn gần 59.000 DN quay lại thị trường.

“Chúng ta đã có khoảng 920.000 DN. Chúng tôi dự kiến sang 2024, Việt Nam sẽ đạt một mốc 1 triệu DN đang hoạt động. Đây cũng là một mốc hết sức ý nghĩa”, Thứ trưởng Trần Quốc Phương nhấn mạnh.

Tăng trưởng kinh tế chủ yếu vẫn dựa vào "cỗ xe tứ mã"

Theo TS Nguyễn Bích Lâm, dự báo năm 2024 tăng trưởng của các nền kinh tế hàng đầu thế giới, là đối tác thương mại lớn, quan trọng của nước ta suy giảm so với năm 2023. Một số tổ chức tài chính, thương mại quốc tế đánh giá chính sách tài khoá và tiền tệ của Việt Nam hỗ trợ nhiều cho nền kinh tế, Việt Nam có tiềm năng XK công nghệ cao đứng thứ tư thế giới. Kinh tế nước ta có độ mở lớn, năm 2024 tăng trưởng kinh tế chủ yếu vẫn dựa vào "cỗ xe tứ mã", gồm: đổi mới, đảm bảo tính đồng bộ về thể chế và môi trường pháp lý cho phát triển kinh tế; thúc đẩy tiêu dùng của thị trường trong nước; thực hiện nhanh, hiệu quả vốn đầu tư công, tạo lan toả tới đầu tư ngoài nhà nước; thúc đẩy xuất khẩu hàng hoá và dịch vụ.

Cùng với bốn động lực kéo cỗ xe kinh tế Việt Nam về phía trước, đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế; phát triển kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh; tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu của một số ngành, lĩnh vực mới như chíp bán dẫn, công nghệ cao, năng lượng tái tạo là những động lực mới, trở thành trụ cột cho phát triển nhanh và bền vững của nền kinh tế trong thời gian tới. Trong bối cảnh kinh tế thế giới suy giảm, thương mại toàn cầu bấp bênh và bi quan tác động rất mạnh tới sự phục hồi và tăng trưởng cao của khu vực công nghiệp. Tổng cầu tiêu dùng trong nước còn yếu khó thúc đẩy khu vực dịch vụ tăng cao. Tăng trưởng từ đầu tư công chỉ bù đắp được một phần cho các khu vực khác của nền kinh tế.

Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho rằng, năm 2024, để tăng trưởng kinh tế đạt mục tiêu, cơ quan chức năng xem xét việc mở rộng hoặc cân nhắc việc xây dựng thêm các chính sách mới để thúc đẩy tăng trưởng. Trong lĩnh vực đầu tư-lĩnh vực hết sức quan trọng, cả 3 mặt: đầu tư nhà nước, đầu tư FDI, đầu tư tư nhân.

“Năm 2024, Quốc hội đã thông qua kế hoạch đầu tư công với lượng vốn khoảng 640.000 tỷ đồng, thấp hơn 2023. Với lượng vốn thấp hơn, để phát huy được tác động của đầu tư công với tăng trưởng, cần đòi hỏi ngay từ những tháng đầu năm phải quan tâm đến công tác giải ngân từ sớm. Tôi mong rằng, giải ngân đầu tư công hàng tháng, hàng quý tối thiểu cũng phải bằng 2023”, Thứ trưởng Phương kỳ vọng.

Để giải ngân nhanh vốn đầu tư công, TS Nguyễn Bích Lâm cho rằng, Chính phủ cần có giải pháp nhằm phát huy vai trò, gắn trách nhiệm và xử lý trách nhiệm của người đứng đầu bộ, cơ quan và địa phương trong giải ngân vốn đầu tư công. Người đứng đầu phải trực tiếp chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến đất đai, tài nguyên. Đồng thời khẩn trương nâng cao năng lực của chủ đầu tư, nhà thầu thi công, xây lắp. Đặc biệt, cần tập trung xử lý vấn đề giải phóng mặt bằng (GPMB). Chính phủ nên bố trí GPMB thành một dự án độc lập, được thực hiện với các quy định đặc thù, phù hợp với điều kiện thực tế, nhằm nâng cao tính sẵn sàng cho việc triển khai dự án. Các cơ chế và mức bồi thường GPMB phải thỏa đáng, bảo đảm quyền lợi cho người dân khi di dời, tái định cư để có sự đồng thuận khi triển khai.

Chính phủ cần khẩn trương nắm bắt các ngành, lĩnh vực nào sẽ trở thành xu hướng phát triển của kinh tế thế giới trong thời gian tới, kịp thời sửa đổi và bổ sung Chiến lược tăng trưởng dựa vào XK để đưa kinh tế Việt Nam hoà vào dòng chảy, thuộc nhóm đi tiên phong trên một số lĩnh vực của kinh tế thế giới.

Theo Tạp chí Hải quan

Bình luận

Nổi bật

Chuyện ít biết về cây cầu ở Thủ đô được thế giới hết lời khen ngợi: Thành lập ngân hàng và quận riêng để quản lý, 8.300 công nhân thi công ròng rã 11 năm

Chuyện ít biết về cây cầu ở Thủ đô được thế giới hết lời khen ngợi: Thành lập ngân hàng và quận riêng để quản lý, 8.300 công nhân thi công ròng rã 11 năm

sự kiện🞄Thứ hai, 29/04/2024, 07:37

Theo tính toán của các chuyên gia cầu đường, hiện nay, nếu xây dựng một cây cầu tương đương quy mô cây cầu này, kinh phí sẽ không dưới 500 triệu USD.

Tỉnh sát vách TP. HCM 'tham vọng' lọt top 3 nền kinh tế lớn nhất Việt Nam: Hệ thống giao thông hoành tráng là 'át chủ bài'

Tỉnh sát vách TP. HCM 'tham vọng' lọt top 3 nền kinh tế lớn nhất Việt Nam: Hệ thống giao thông hoành tráng là 'át chủ bài'

sự kiện🞄Thứ hai, 29/04/2024, 07:34

Những thành tựu địa phương đã được trong thời gian qua cho thấy mục tiêu này của tỉnh không hề xa vời.