Văn hóa và Đời sống
Thứ hai, 30/10/2023, 08:02 AM

Chiêm ngưỡng lăng mộ cổ "tiêu tốn" 3.000 lượng vàng, rộng 1.000m2 chứa cả "Thiên đường - Địa ngục" của đại gia miền Tây

Để hoàn thành ngôi mộ, chủ nhân đã phải tiêu tốn tới 3.000 lượng vàng.

Nằm ở con hẻm nhỏ thuộc phường An Hòa, TP Rạch Giá, khu lăng mộ Hội đồng Suông tồn tại gần 100 năm. Nơi đây được mệnh danh là lăng mộ bạc tỷ với thiết kế nguy nga nhưng tinh xảo trong từng chi tiết. Không chỉ đồ sộ, nơi đây tồn tại nhiều giai thoại khiến người nghe phải trầm trồ.

lang-mo-45-1041

Khu mộ này được xem là khu lăng mộ "lên thiên đình, xuống địa cung, lặn thủy cung".

Ông Nguyễn Mạnh Hùng là cháu cố đời thứ 3 của Hội đồng Suông, hiện là người ngày ngày chăm lo hương khói tại khu lăng mộ. Theo ông Hùng, Hội đồng Suông tên thật Hà Mỹ Suông là người gốc Hoa, giàu nức tiếng vùng đất này thuở đó. Sinh thời, ông Hội đồng Suông không có con nên nhận nuôi người con của chị gái thứ hai là Thiềm Sơn. Tuy không phải con ruột, nhưng Thiềm Sơn coi ông Hội đồng Suông như cha ruột của mình.

Năm 1936, Hội đồng Suông bắt đầu xây dựng lăng mộ cho gia tộc. Hơn 100 người thợ tài hoa khắp nơi được thuê đến làm công trình đồ sộ này. Song, khu lăng mộ xây dựng chưa được bao lâu thì Hội đồng Suông qua đời, để lại toàn bộ gia sản cho ông Thiềm Sơn.

"Ông Thiềm Sơn chính là người hoàn thành những hạng mục còn dở dang của khu lăng mộ. Sau này, các đời con cháu đều thay phiên nhau giữ gìn, hương khói khu lăng mộ của gia tộc", ông Hùng kể.

Tổng thể khu lăng mộ khổng lồ trị giá hơn 3.000 lượng vàng có diện tích khoảng 1.000m2, được thiết kế và xây dựng hết sức công phu, gồm: khu mộ; khu hòn non bộ Thiên cung và Thủy cung; Long đình; cung Ngọc Hoàng; Địa cung.

lang-mo-4-1039

Long đình thờ chín đời tổ tiên của Hội đồng Suông và cung Ngọc Hoàng.

Ông Hùng cho biết: "Hồi xưa kể lại nghe ông bà nói bỏ rất nhiều vàng để làm khu lăng mộ. Còn giới khảo khảo cho rằng bây giờ cỡ 3.000 lượng vàng cũng không làm được".

Khu lăng mộ khổng lồ được xây dựng bằng những vật liệu quý hiếm thời bấy giờ như đá tổ ong, đá xanh hoặc trắng nặng hàng tấn. Các khối đá được mài dũa cầu kỳ, chạm trổ đẹp mắt.

Trung tâm là nơi đặt mộ phần có diện tích 7x7m, cổng mộ cao 2,8m, vòm cổng vòng cung, hai mặt đều có hình "lưỡng long triều nguyệt". Đây là mộ của song thân ông Hội đồng Suông là ông Hà Mỹ Đức và bà Trần Thị Nghĩa Hương. Cả hai ngôi mộ đều được làm bằng đá cẩm thạch, có chạm khắc hình thú tinh xảo.

lang-mo-11-1040

Phần mộ song thân của Hội đồng Suông làm từ đá cẩm thạch.

Đầu phần mộ chạm trổ một con vật rất lạ với tai thỏ, mình chuột, đuôi sóc, đầu chồn, miệng ngậm mấy sợi cỏ. Không ai biết đó là con vật gì, mỗi người đoán một kiểu, nhưng ai cũng phải công nhận từng đường nét chạm khắc con vật đều tinh tế hết sức.

Bên thân một phần mộ chạm hình linh vật lai tạp giữa rồng và phượng. Đầu và một đoạn thân rõ ràng là rồng nhưng hai cánh và đuôi thì chắc chắn là phượng. Linh vật lai tạp này như thể đang bay lượn trên không trung, đầy tính cách điệu nghệ thuật.

Ngôi mộ bên cạnh thì chạm rõ hình rồng đang cưỡi mây. Thời kỳ đó, thường chỉ vua chúa mới được tạc rồng, phượng, nên chuyện ông Hội đồng Suông tạc rồng, phượng trên mộ cha mẹ thì phải thuộc hạng “có gang có thép” ghê gớm.

Bên cạnh trung tâm phần mộ cha mẹ ông Hội đồng Suông là sừng sững hai hòn non bộ. Vừa là hòn non bộ, nhưng lại là lối đi đầy nghệ thuật cách điệu. Cả quả núi nhỏ ấy, từng chi tiết đều ngập tràn ý tưởng điêu khắc.

tk1vbwde

Hòn non bộ được làm bằng đá ong vận chuyển từ Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng vào.

Quả núi phía bên phải, tức phía Đông gọi là Đông Sơn mộ hoặc Động Chúa Hòn, còn non bộ phía trái, tức phía Tây, gọi là Tây Sơn mộ hoặc Động Bát Tiên. Theo lời ông Nguyễn Anh Tuấn, non bộ phía Đông là nhóm người Trung Quốc sang thi công trực tiếp trong mấy năm ròng, còn non bộ phía Tây là tác phẩm của những người thợ Việt tài hoa đất Bắc.

Ngay chân hai hòn non bộ là hai con rùa đá ong khổng lồ, nặng cả tấn. Thân thể xù xì, mốc meo, nhưng trông như thể chúng đang bò, hướng về phía cổng.

Những tảng đá tự nhiên, ghép lại thành núi, nhưng nhìn kỹ mỗi tảng đá đều là những tác phẩm nghệ thuật, hình thù một loài thú nào đó. Những con chuột khổng lồ, con nghê đá, hoặc là sự kết hợp của nhiều loài thú trong một hình dáng, khiến mỗi người có một sự liên tưởng khác nhau.

s3exwut5

Cung Ngọc hoàng, trước đây nơi này chỉ tín ngưỡng Ngọc hoàng và Điện mẫu, về sau con cháu trong gia đình thỉnh các tượng Phật, Bồ tát… về thờ tự thêm

Từ lối vào xuyên hòn non bộ, lại có ngóc ngách sang hai bên như thể xuyên vào hang động trong lòng núi. Du khách khám phá hang động loanh quanh thì sẽ tìm thấy lối đi, với bậc thang quanh co, dẫn lên đỉnh núi. Phía đỉnh hòn non bộ lại như một dãy núi lô nhô, với vô số ngọn núi chọc thẳng lên trời, mà mỗi ngọn núi lại là một hình thù con vật, với vô số tượng thần tiên, thánh nữ ngự trên đó.

Ngoài ra, còn có những hình ảnh người ngồi thiền, người câu cá, người ngâm thơ, tạo ra một không gian của chốn bồng lai tiên cảnh. Trên đỉnh núi ấy có một không gian khá rộng rãi là đài quan sát. Đứng trên đài quan sát nhìn xuống sẽ thấy toàn cảnh sự kỳ vĩ của ngôi mộ...

Với lối kiến trúc độc đáo, nhiều người đến đây đều bị choáng ngợp bởi quy mô rộng lớn của khu lăng mộ. Vào năm 1998, lăng mộ Hội đồng Suông đã được xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật cấp tỉnh. Không lâu sau đó, một số hạng mục của công trình được địa phương duy tu, bảo dưỡng, lúc này thì ngôi mộ trở nên nổi tiếng. Đến nay, giá trị thực khu lăng mộ vẫn còn là ẩn số. Trải qua gần 100 năm, khu lăng mộ khổng lồ phần nào chịu ảnh hưởng nhưng vẫn còn sừng sững với thời gian.

Quỳnh Châu

Bình luận

Nổi bật

Vô vàn trải nghiệm trong mùa kích cầu “Chạm Sa Pa, chạm những tầng mây”

Vô vàn trải nghiệm trong mùa kích cầu “Chạm Sa Pa, chạm những tầng mây”

sự kiện🞄Thứ năm, 21/11/2024, 21:46

(CL&CS) - Sa Pa bùng nổ hàng loạt lễ hội và trải nghiệm chào đón du khách trong mùa săn mây. Hơn 130 doanh nghiệp đồng loạt tung ưu đãi lên đến 50%, hưởng ứng chương trình kích cầu du lịch lớn nhất năm 2024. Chất lượng với giá cả hấp dẫn, Sa Pa hứa hẹn trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn nhất miền Bắc dịp thu đông này.

Ghé thăm một nước Lào yên bình những ngày cuối năm

Ghé thăm một nước Lào yên bình những ngày cuối năm

sự kiện🞄Thứ năm, 21/11/2024, 15:23

(CL&CS) - Những ngôi chùa trang nghiêm, đậm chất Phật giáo, những thác nước kỳ vĩ và những dòng sông thơ mộng là những điều khiến du khách ấn tượng khi đến với Lào. Nhưng đất nước này đâu chỉ có thế, bởi điều khiến cho Lào trở thành một trong những điểm đến nhất định phải ghé thăm một lần trong đời chính là sự bình yên không đâu có được, cùng nụ cười hiền hậu, mến khách của người dân nơi đây.

Hai tượng sư tử đá thành Đồ Bàn được công nhận là bảo vật quốc gia

Hai tượng sư tử đá thành Đồ Bàn được công nhận là bảo vật quốc gia

sự kiện🞄Thứ năm, 21/11/2024, 15:05

(CL&CS) - Hai tượng sư tử đá thành Đồ Bàn (Bình Định) có niên đại cuối thế kỷ 11 đến đầu thế kỷ 12 làm bằng đá sa thạch, vừa được công nhận là bảo vật quốc gia.