Thứ ba, 25/10/2022, 14:37 PM

Cần bổ sung quy định về thanh tra đối với bảo hiểm xã hội

Sáng 25.10, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Quốc hội làm việc tại Hội trường, thảo luận về dự án Luật Thanh tra (sửa đổi).

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên họp. Ảnh: Hồ Long
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên họp. Ảnh: Hồ Long

Khẩn trương bảo đảm các điều kiện để Thanh tra huyện thực hiện nhiệm vụ

Trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, dự thảo Luật sau khi được tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện có 8 Chương, 118 Điều (so với dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ Ba đã được chỉnh lý 111/118 Điều, trong đó 102 điều được chỉnh lý về nội dung, 9 điều chỉnh lý về kỹ thuật văn bản; về bố cục, tăng thêm 2 điều và sắp xếp, bố cục lại nhiều điều, mục trong các chương).

Về Thanh tra huyện (Mục 6, Chương II), đa số ý kiến tán thành với dự thảo Luật tiếp tục giữ Thanh tra huyện như hiện hành. Một số ý kiến đề nghị không tổ chức Thanh tra huyện hoặc không thành lập Thanh tra huyện tại một số đơn vị hành chính cấp huyện có quy mô nhỏ, dân số ít, không có nhiều yêu cầu về thanh tra.  

Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, Thanh tra huyện đã có quá trình hình thành và phát triển ổn định, lâu dài. Việc tiếp tục duy trì, củng cố Thanh tra huyện để tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân cùng cấp quản lý nhà nước về công tác thanh tra là cần thiết, bảo đảm cho chính quyền địa phương cấp huyện thực hiện hiệu quả nhiệm vụ theo phân cấp, kịp thời phát hiện sai phạm để xử lý, chấn chỉnh ngay từ cơ sở; bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất về tổ chức với cơ quan thanh tra ở cấp tỉnh và Trung ương.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng phát biểu. Ảnh: Hồ Long
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho quy định về Thanh tra huyện như trong dự thảo Luật. Đồng thời, đề nghị Chính phủ sớm có giải pháp căn cơ, đồng bộ để khắc phục những hạn chế, yếu kém trong hoạt động của Thanh tra huyện thời gian qua, trước hết cần khẩn trương kiện toàn tổ chức, biên chế, bảo đảm các điều kiện cần thiết để Thanh tra huyện có đủ năng lực thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao.

ĐBQH Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) phát biểu. Ảnh: Hồ Long
ĐBQH Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Thảo luận tại phiên họp, đa số đại biểu Quốc hội tán thành với việc tiếp tục giữ Thanh tra huyện như hiện hành vì đã có quá trình hình thành và phát triển ổn định, lâu dài. Theo ĐBQH Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp), vẫn cần có thanh tra huyện ở một số đơn vị hành chính cấp huyện có quy mô nhỏ, dân số ít, không có nhiều yêu cầu về thanh tra. Bởi thực tế, thời gian qua, thanh tra huyện nhiều nơi chưa được quan tâm bố trí nguồn lực để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao. Đại biểu cũng cho rằng, nếu không có thanh tra cấp huyện sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước ở cấp huyện trên các lĩnh vực.

Chưa có quy định về thanh tra bảo hiểm xã hội

Một trong những nội dung được nhiều đại biểu Quốc hội kiến nghị là cần bổ sung một số quy định về thanh tra đối với Bảo hiểm xã hội Việt Nam, để bảo hiểm xã hội được tổ chức cơ quan thanh tra ở cấp Trung ương và địa phương, hoạt động, thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành của cơ quan Bảo hiểm xã hội do Chính phủ quy định.

ĐBQH Nguyễn Hải Dũng (Nam Định) phát biểu. Ảnh: Hồ Long
ĐBQH Nguyễn Hải Dũng (Nam Định) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

ĐBQH Nguyễn Hải Dũng (Nam Định) nhận thấy, dự thảo Luật lần này đã quy định các cơ quan thanh tra, cục thuộc Tổng cục thuộc Bộ được thành lập theo quy định của Chính phủ nhưng với hệ thống của bảo hiểm xã hội là cơ quan thuộc Chính phủ tương tự như Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan, Tổng cục Thống kê lại chưa có quy định nào về thanh tra bảo hiểm xã hội.

Cùng quan điểm này, ĐBQH Đoàn Thị Lê An (Cao Bằng) cho biết, cơ quan bảo hiểm xã hội đã được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành và một số nhiệm vụ quản lý nhà nước tại Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, Luật Xử lý vi phạm hành chính và được cụ thể hóa tại các văn bản hướng dẫn thi hành. Thực hiện chức năng thanh tra, hiện nay ngành bảo hiểm xã hội Việt Nam đã có hệ thống thanh tra, kiểm tra của ngành được cơ cấu theo 2 cấp Trung ương và địa phương. Trong những năm qua, ngành bảo hiểm xã hội đã khẳng định được vai trò và khả năng của mình trong thực hiện nhiệm vụ thanh tra. Qua đó, góp  phần không nhỏ ngăn chặn tình trạng trốn đóng, chiếm dụng, nợ đọng quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, tạo được niềm tin của Đảng, Nhà nước và Nhân dân đối với ngành. Qua thanh tra cũng góp phần nâng cao tính tuân thủ pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế của người lao động và chủ sử dụng lao động.

ĐBQH Đoàn Thị Lê An (Cao Bằng) phát biểu. Ảnh: Hồ Long
ĐBQH Đoàn Thị Lê An (Cao Bằng) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Do đó, các đại biểu Quốc hội đề nghị, cần thiết quy định trong dự thảo Luật về cơ quan thanh tra bảo hiểm xã hội bao gồm ở Bảo hiểm xã hội Việt Nam và ở bảo hiểm xã hội tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Phát biểu kết luận Phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị, cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp với cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan liên quan khẩn trương, nghiêm túc nghiên cứu, tiếp thu tối đa ý kiến của đại biểu Quốc hội để chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật trước khi trình Quốc hội xem xét, quyết định thông qua.

Thành Trung ( Theo Đại biểu nhân dân)

Bình luận

Nổi bật

Cần có chế tài xử phạt mạnh tay với các lỗi vi phạm an toàn vệ sinh lao động

Cần có chế tài xử phạt mạnh tay với các lỗi vi phạm an toàn vệ sinh lao động

sự kiện🞄Thứ năm, 02/05/2024, 14:27

(CL&CS) - Vừa qua, tại Đồng Nai đã xảy ra vụ nổ lò hơi thương tâm ở Công ty TNHH Sản xuất và thương mại gỗ Bình Minh (ấp Vàm, xã Thiện Tân, huyện Vĩnh Cửu) làm 6 người chết, 5 người bị thương. Vụ tai nạn xảy ra một lần nữa cho thấy vấn đề bảo đảm an toàn lao động và phòng chống cháy nổ trong doanh nghiệp rất đáng báo động.

Đề nghị xây dựng Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi)

Đề nghị xây dựng Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi)

sự kiện🞄Thứ tư, 17/04/2024, 15:29

(CL&CS) - Bộ Khoa học và Công nghệ đang đề nghị xây dựng Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi) nhằm hoàn thiện cơ sở pháp lý phục vụ mục tiêu phát triển các ứng dụng năng lượng nguyên tử đóng góp nhiều hơn nữa cho phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường, củng cố an ninh quốc gia trong tình hình mới.

Tập trung sửa đổi toàn diện Luật khoa học và công nghệ

Tập trung sửa đổi toàn diện Luật khoa học và công nghệ

sự kiện🞄Thứ ba, 16/04/2024, 17:51

(CL&CS) - Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) sẽ quyết liệt sửa đổi toàn diện Luật KH&CN 2013 với nhiều điểm mới, đột phá, trở thành hành lang pháp lý quan trọng thúc đẩy mạnh mẽ khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trong thời gian tới.