Bức tranh lợi nhuận của doanh nghiệp thủy sản không đồng nhất

(CL&CS)- Kết thúc tháng 9, bên cạnh nhiều doanh nghiệp phải “vật lộn” với khó khăn do đại dịch Covid-19 thì vẫn còn nhiều doanh nghiệp thủy sản vẫn co kết quả kinh doanh ấn tượng.

Doanh nghiệp thủy sản vẫn tăng trưởng tốt

Trong quý 3/2021, các doanh nghiệp xuất khẩu ngành thuỷ sản bị ảnh hưởng mạnh khi phải sản xuất “3 tại chỗ” nhằm phòng chống dịch Covid-19. Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), khoảng từ tháng 8 - tháng 9, chỉ có 30 - 40% doanh nghiệp thủy sản tại phía Nam tổ chức sản xuất, nhưng cũng chỉ huy động được 40 - 50% người lao động, nên công suất sản xuất trung bình chỉ bằng 40 - 50% so với trước đây. Sự bùng phát của Covid-19 đã làm giảm 30 - 50% đơn hàng xuất khẩu.

Đứng trước nhiều khó khăn như vậy nhưng một số doanh nghiệp trong ngành thủy sản vẫn ghi nhận kết quả kinh doanh khá ấn tượng. Cụ thể, CTCP Vĩnh Hoàn (VHC) vừa công bố BCTC quý 3/2021 với doanh thu thuần 2.230,5 tỷ đồng, tăng 24% so với cùng kỳ năm 2020. Lợi nhuận gộp tương ứng thu về 409 tỷ đồng, tăng gần gấp đôi cùng kỳ.

Theo VHC thì trong quý 3, các chi phí từ tài chính, quản lý đến bán hàng đều tăng đáng kể. Ghi nhận, trong thời gian giãn cách xã hội, nhiều doanh nghiệp phải chấp nhận tăng chi phí để duy trì hoạt động, đặc biệt chịu thêm các chi phí liên quan đến Covid-19.

Quý 3 năm nay VHC lãi ròng hơn 255 tỷ đồng, tăng 45,7% so với mức 175 tỷ hồi quý 3/2020. Luỹ kế 9 tháng đầu năm, doanh thu thuần công ty đạt 6.361 tỷ đồng, tăng 25% so với cùng kỳ. Khấu trừ chi phí, VHC lãi 646,5 tỷ đồng, tăng hơn 17%.

Hay như Công ty CP Thực phẩm Sao Ta (mã CK:FMC) cho biết, doanh thu tiêu thụ tháng 9 đạt 21,7 triệu USD, tăng 21,2% so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng trong tháng đều tăng với chế biến tôm đạt 2.499 tấn, tăng 4,5% và tiêu thụ tôm đạt 1.807 tấn, tăng 13,4% so với tháng 9.2020.

Lũy kế 9 tháng, doanh thu tiêu thụ của FMC đạt 154,6 triệu USD, tăng 11,9% so cùng kỳ 2020 và thực hiện 77,3% kế hoạch năm.

Ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT FMC cho biết, thì trong tháng 8, quy mô chế biến của FMC phải thu hẹp, chỉ hoạt động chưa đầy 40% công suất do Covid-19 bùng phát lây lan cả Đồng bằng sông Cửu Long. Tuy nhiên, từ ngày 17.8 tỉnh Sóc Trăng có sách lược phòng chống dịch linh hoạt và tỏ ra đúng hướng, có kết quả rõ rệt, công ty từng bước phục hồi. Nếu tình hình này được giữ vững, FMC tự tin hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch năm 2021 gồm doanh số 200 triệu USD, lợi nhuận 250 tỉ đồng.

Kết thúc 9 tháng đầu năm, CTCP Kiên Hùng (mã CK:KHS) đem về gần 46 tỷ đồng lãi ròng, gấp gần 3 lần cùng kỳ. Kết quả này đã giúp đơn vị vượt 72% chỉ tiêu lợi nhuận được cổ đông giao phó trong năm 2021.

Theo BCTC hợp nhất quý 3/2021, KHS ghi nhận doanh thu thuần lao dốc 93% so với cùng kỳ, xuống còn 192 tỷ đồng. Trong đó, thành phẩm đông lạnh chiếm 70%, bột cá chiếm 26%. Khấu trừ đi các khoản chi phí và thuế, lãi ròng của doanh nghiệp đạt hơn 10 tỷ đồng, tăng 65% so với cùng kỳ.

Theo giải trình của KHS, nguyên nhân là do lợi nhuận của công ty mẹ tăng 19% so với cùng kỳ nhờ Công ty tìm kiếm thị trường mới, khách hàng nhập khẩu hàng hóa tại Châu Âu, Châu Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc tạm thời phục hồi và ổn định trở lại. Song song đó, KHS cũng chủ đông nhập khẩu nguyên liệu với giá cả cạnh tranh và đa dạng nguồn cung nguyên liệu.

1441924799-tom_FMNJ

Bất chấp khó khăn vì dịch bệnh, nhiều công ty thủy sản vẫn có kết kết quả kinh doanh tốt.

Doanh nghiệp báo lỗ vì chi phí tăng cao

Do ảnh hưởng nặng nề từ làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4, nhiều doanh nghiệp thủy sản có kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm khá ảm đạm.

Kết thúc quý 3, CTCP Xuất nhập khẩu Thủy sản Cửu Long An Giang (mã CK: ACL)  ghi nhận doanh thu thuần tăng 25% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, giá vốn và chi phí bán hàng tăng mạnh hơn khiến lãi ròng của đơn vị thủy sản đi lùi 61%.

Trong quý 3, ACL ghi nhận doanh thu thuần tăng 25% so với cùng kỳ, đạt 224 tỷ đồng. Trong khi đó, giá vốn tăng 41% kéo lãi gộp giảm 32%, xuống còn 27 tỷ đồng. Kỳ này, chi phí tài chính giảm 28%, xuống còn 7.9 tỷ đồng, biến động từ chi phí lãi vay và lỗ chênh lệch tỷ giá phát sinh.

Chi phí quản lý doanh nghiệp cũng giảm 47%, ghi nhận 5.9 tỷ đồng nhờ giảm chi phí nhân viên. Ngược lại, chi phí bán hàng tăng 30%, lên gần 11 tỷ đồng chủ yếu do tăng chi phí vận chuyển, chi phí vật liệu, bao bì.

Sau cùng, doanh nghiệp thủy sản báo lãi ròng giảm 61%, xuống còn 3.5 tỷ đồng.

Kết thúc 9 tháng đầu năm, ACL ghi nhận doanh thu thuần tăng 35%, lên hơn 885 tỷ đồng và lãi ròng hơn 25 tỷ đồng, tăng 78%. Tuy nhiên, biên lãi gộp của công ty lại thu hẹp từ 16% xuống còn 11% do biến động từ giá vốn.

Thực hiện 3 tại chỗ khiến các chi phí phát sinh trong quý 3/2021 của Navico (ANV) tăng cao. CTCP Nam Việt (mã CK: ANV) đã công bố BCTC quý 3/2021 và luỹ kế 9 tháng đầu năm 2021.

Cụ thể riêng quý 3 doanh thu thuần đạt gần 656 tỷ đồng, giảm 19% so với cùng kỳ. Giá vốn hàng bán chỉ giảm 16% nên lãi gộp đạt 69 tỷ đồng giảm 36% so với quý 3/2020.

Trong kỳ Navico có gần 12 tỷ đồng doanh thu tài chính tăng 41% so với cùng kỳ. Tuy nhiên các chi phí phát sinh trong kỳ đều đồng loạt tăng cao. Chi phí tài chính tăng 54%, chi phí bán hàng tăng 73%. Kết quả Navico báo lỗ hơn 13 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lợi nhuận sau thế đạt 40 tỷ đồng.

Navico cho biết nguyên nhân doanh thu giảm đến từ số lượng công nhân khi thực hiện phương án 3 tại chỗ dẫn đến sản lượng bán giảm. Trong khi đó, chi phí bán hàng tăng do chi phí cước tàu, chi phí vận chuyển tăng nhiều. Bên cạnh đó, các chi phí phục vụ 3 tại chỗ phát sinh nhiều như chi phí tiền cơm, chi phí test Covid và cơ sở vật chất phục vụ cho người lao động ở lại công ty.

Luỹ kế 9 tháng đầu năm 2021, doanh thu thuần đạt 2.436 tỷ đồng giảm nhẹ 3% so với cùng kỳ. Gánh nặng chi phí khiến lợi nhuận sau thuế chỉ còn hơn 74 tỷ đồng, giảm 36% so với cùng kỳ 2020.

Theo VASEP, ngành thuỷ sản đang kỳ vọng từ tháng 10 sẽ khả quan hơn khi “mở cửa” ở TP.HCM  cùng những chính sách hỗ trợ phục hồi sản xuất. Nhưng với diễn biến khó lường của đại dịch Covid-19 như những ngày qua cho thấy, chặng đường hồi phục sản xuất và xuất khẩu thủy sản còn nhiều "chông chênh”.

Bảo Phương

Bình luận

Nổi bật

Tài chính khó khăn, NSH Petro dự kiến chào bán riêng lẻ nhằm thu về 1.300 tỷ đồng

Tài chính khó khăn, NSH Petro dự kiến chào bán riêng lẻ nhằm thu về 1.300 tỷ đồng

sự kiện🞄Thứ hai, 13/05/2024, 07:24

(CL&CS) - CTCP Dầu khí Nam Sông Hậu (NSH Petro) sẽ chào bán riêng lẻ 130 triệu cổ phiếu nhằm thu về 1.300 tỷ đồng để mua nguyên, vật liệu phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh.

Đại diện duy nhất Việt Nam được LĐBĐ Châu Á công nhận là Trung tâm y học thể thao xuất sắc

Đại diện duy nhất Việt Nam được LĐBĐ Châu Á công nhận là Trung tâm y học thể thao xuất sắc

sự kiện🞄Thứ bảy, 11/05/2024, 19:47

(CL&CS) - Với việc đạt chứng nhận cao nhất của AFC dành cho các cơ sở y tế và bệnh viện cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe tối ưu cho các cầu thủ bóng đá Châu Á, Trung tâm chấn thương chỉnh hình và y học thể thao Vinmec được kỳ vọng sẽ là “địa chỉ đỏ” cho các VĐV chuyên nghiệp và những người tham gia thể thao phong trào.

BSR lên kế hoạch niêm yết cổ phiếu tại HOSE

BSR lên kế hoạch niêm yết cổ phiếu tại HOSE

sự kiện🞄Thứ bảy, 11/05/2024, 19:45

(CL&CS) - CTCP Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) sẽ đăng ký thủ tục chuyển sàn niêm yết tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) khi đủ điều kiện.