Bổ sung quy định về tự chủ tài chính tại đơn vị y tế công lập
(CL&CS)- Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ Tư, Quốc hội Khóa XV, trong phiên thảo luận ở Hội trường sáng nay, 24/10, về dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), một số đại biểu Quốc hội đề nghị bổ sung quy định về tự chủ tài chính tại đơn vị sự nghiệp công lập.
Theo đó, xác định mức độ tự chủ, nguyên tắc phân loại, tiêu chí phân loại mức độ tự chủ đối với các đơn vị sự nghiệp y tế công lập. Mức độ tự chủ tương ứng với tỷ trọng dịch vụ không sử dụng ngân sách nhà nước hay tỷ lệ bảo đảm kinh phí, đồng thời cần đi kèm tự chủ về hoạt động chuyên môn, tự chủ về nguồn nhân lực hay quyền được mua sắm đấu thầu.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành Phiên họp. Ảnh: Quang Khánh
Tạo thuận tiện cho người đăng ký đánh giá năng lực hành nghề
Trình bày Báo cáo việc tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh nêu rõ, dự thảo Luật sau khi chỉnh lý có 12 chương và 121 điều, nhiều hơn 15 điều so với dự thảo trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ Ba (bỏ 1 điều và bổ sung 16 điều).
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh trình bày Báo cáo tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi). Ảnh: Quang Khánh
Một trong những chính sách mới của dự thảo Luật là quy định về kiểm tra, đánh giá năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh để cấp giấy phép hành nghề và Hội đồng Y khoa quốc gia. Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, có ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị về việc trả phí cho kỳ kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề, mức phí và cơ quan quy định mức phí. Tiếp thu ý kiến của đại biểu, dự thảo Luật đã bổ sung một khoản quy định người tham gia kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh phải trả chi phí kiểm tra đánh giá, đồng thời giao Chính phủ quy định cụ thể về nội này như thể hiện tại khoản 3 và khoản 4 Điều 23.
Một số ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị quy định rõ hơn địa vị pháp lý, thành phần, cơ cấu, nhiệm vụ chức năng của Hội đồng Y khoa quốc gia; quy định lộ trình thực hiện việc kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề để có tính khả thi. Tiếp thu ý kiến của đại biểu, dự thảo Luật dự kiến quy định việc kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề sau khi thực hành và do Hội đồng Y khoa thực hiện như thể hiện tại Điều 23 của dự thảo Luật; đồng thời, lộ trình thực hiện đánh giá năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh đối với chức danh bác sỹ chậm nhất từ ngày 1.1.2029, đối với các chức danh khác chậm nhất từ ngày 1.1.2032 và bổ sung 1 điều quy định về vị trí pháp lý, nhiệm vụ của Hội đồng Y khoa quốc gia như tại Điều 24 của dự thảo Luật.
Tuy nhiên, trong quá trình tiếp thu, giải trình, vẫn còn có ý kiến cho rằng, việc quy định giao Chính phủ thành lập Hội đồng Y khoa quốc gia là chưa phù hợp, chưa thống nhất với Luật Tổ chức Chính phủ, vẫn chưa làm rõ mô hình tổ chức của Hội đồng Y khoa Quốc gia và chưa thể chế hóa đầy đủ Nghị quyết 20-NQ/TW. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị các đại biểu Quốc hội xem xét, cho ý kiến thêm về nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội nêu rõ.
Đại biểu Quốc hội Trần Khánh Thu (Thái Bình) phát biểu. Ảnh: Quang Khánh
Theo ĐBQH Trần Khánh Thu (Thái Bình), nếu quy định Hội đồng Y khoa Quốc gia tổ chức kiểm tra đánh giá năng lực khám chữa bệnh sẽ dẫn đến sự "tập trung một chỗ", gây ùn ứ, chậm chạp, có kết quả sẽ dẫn đến ảnh hưởng hoạt động khám chữa bệnh của người hành nghề; tốn kém chi phí ăn ở, đi lại cho người hành nghề mỗi khi phải tham gia “thi” đánh giá năng lực khám chữa bệnh.
Theo thông lệ quốc tế, việc tổ chức đánh giá năng lực người hành nghề được tổ chức theo hướng do Hiệp hội hành nghề y khoa thực hiện. Nêu vấn đề này, đại biểu Trần Khánh Thu đề nghị Hội đồng y khoa Quốc gia thực hiện việc kiểm tra đánh giá năng lực khám chữa bệnh tổ chức theo hướng phải đại diện cho hiệp hội người hành nghề gồm những người có chuyên môn và các cơ sở đủ năng lực của các tỉnh, thành phố tổ chức, các trường đào tạo y khoa, các cơ sở khám, chữa bệnh có chức năng đào tạo khi đạt tiêu chuẩn cơ sở kiểm tra đánh giá năng lực khám chữa bệnh. Hơn nữa, công tác tổ chức làm sao phải thuận tiện nhất cho người đăng ký đánh giá năng lực hành nghề.
Mức độ tự chủ tương ứng với tỷ trọng dịch vụ
Về cơ chế tài chính, đây là nội dung hết sức quan trọng đối với hoạt động khám chữa bệnh. Tuy nhiên, đại biểu Trần Khánh Thu chỉ rõ, đây cũng là vấn đề pháp luật còn nhiều bất cập, thiếu đồng bộ, dẫn đến những khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện. Cơ chế tài chính cho các đơn vị sự nghiệp công lập được điều chỉnh chủ yếu bởi các văn bản cấp Nghị định (Nghị định 60 năm 2021 quy định về cơ chế tự chủ tài chính của các đơn vị sự nghiệp công lập). Riêng lĩnh vực y tế, từ năm 2012 Chính phủ ban hành Nghị định 85 về cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp y tế công lập và giá dịch vụ khám chữa bệnh của các cơ sở công lập, tuy nhiên đến nay chưa có Nghị định thay thế. Và thực tế hiện nay các cơ sở y tế công lập đang gặp khó khăn trong thực hiện tự chủ.
Các đại biểu tại Kỳ họp thứ Tư. Ảnh: Quang Khánh
Hiện trong dự thảo Luật đã có 1 mục riêng về tài chính trong hoạt động khám chữa bệnh (gồm các điều 105, 106, 107, 108, 112) tuy nhiên vẫn chưa có điều, khoản quy định về thực hiện tự chủ tại đơn vị y tế công lập. Đại biểu Trần Khánh Thu đề nghị bổ sung điều, khoản quy định về tự chủ tài chính đối với các đơn vị y tế công lập. Trong nội dung về tự chủ tài chính, cần xác định mức độ tự chủ, nguyên tắc phân loại, tiêu chí phân loại mức độ tự chủ đối với các đơn vị sự nghiệp y tế công lập. Mức độ tự chủ tương ứng với tỷ trọng dịch vụ không sử dụng ngân sách nhà nước, hay tỷ lệ bảo đảm kinh phí, đồng thời cần đi kèm tự chủ ở các lĩnh vực khác, như tự chủ về hoạt động chuyên môn, nguồn nhân lực hay quyền được mua sắm, đấu thầu… Việc phân loại mức độ tự chủ của bệnh viện công lập cần gắn với phân hạng bệnh viện và việc phân hạng bệnh viện phải dựa trên cơ sở đánh giá chất lượng bệnh viện.
Đồng thời, đại biểu tỉnh Thái Bình đề nghị xem xét nghiên cứu để luật hóa một số quy định của Nghị định 60 về tự chủ tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập phù hợp với đặc thù ngành y tế nhất là các quy định tại mục 1, chương III về tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công trong lĩnh vực y tế - dân số (Điều 26, 27, 28 của Nghị định 60) vào nội dung dự thảo Luật.
Một số đại biểu Quốc hội đề nghị dự thảo Luật quan tâm thêm về vấn đề suy dinh dưỡng cấp tính nặng ở trẻ em. ĐBQH Nàng Xô Vi (Kon Tum) cho biết, suy dinh dưỡng là một bệnh được liệt kê trong Danh mục phân loại bệnh tật quốc tế (ICD-10 và ICD-11) của Tổ chức Y tế Thế giới. Trẻ bị bệnh suy dinh dưỡng cấp tính nặng có nguy cơ tử vong cao gấp 20 lần so với trẻ bình thường, đủ dinh dưỡng.
Suy dinh dưỡng nặng cấp tính có tỷ lệ cao ở các địa bàn miền núi, vùng khó khăn, vùng nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Đa số trẻ em bị bệnh suy dinh dưỡng cấp tính nặng là con của các hộ gia đình nghèo, cận nghèo, sinh sống ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số không có khả năng chi trả cho việc điều trị. Theo thông tin từ Bộ Y tế, mỗi năm có khoảng trên 23 nghìn trẻ em Việt Nam bị bệnh suy dinh dưỡng cấp tính nặng (trẻ em dưới 6 tuổi), trong đó có khoảng 50 nghìn ca là người dân tộc thiểu số. Từ thực trạng trên, đại biểu Nàng Xô Vi nhấn mạnh, dự thảo Luật cần có quy định cụ thể về việc điều trị bệnh suy dinh dưỡng cấp tính nặng đối với trẻ em.
Phát biểu kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu rõ, qua thảo luận, nhiều ý kiến đánh giá cao cơ quan trình cũng như cơ quan thẩm tra về tinh thần trách nhiệm, khẩn trương, phối hợp chặt chẽ trong quá trình soạn thảo, nghiêm túc tiếp thu nhiều ý kiến góp ý. Tuy nhiên, đây là dự án luật có tác động đến nhiều đối tượng, nhiều chính sách và tính chuyên môn cụ thể. Vì vậy, phiên thảo luận tiếp tục nhận được nhiều ý kiến của các đại biểu Quốc hội góp ý những vấn đề chung cũng như những vấn đề cụ thể.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cho biết, Tổng Thư ký Quốc hội sẽ tổng hợp đầy đủ ý kiến thảo luận, gửi đến các đại biểu Quốc hội và các cơ quan có liên quan để nghiên cứu, tiếp thu. Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ phối hợp với Chính phủ chỉ đạo cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan chủ trì thẩm tra, nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý hoàn thiện dự thảo Luật và trình xin ý kiến Quốc hội, bảo đảm yêu cầu chất lượng, khả thi, đáp ứng yêu cầu cấp bách của thực tiễn và tính ổn định khi được Quốc hội thông qua.
Thep Báo đại biểu nhân dân
- ▪Bế mạc Kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XV
- ▪Tăng cường vai trò, hoạt động của đại biểu Quốc hội trẻ trong AIPA
- ▪Tăng cường tính dân chủ, pháp quyền, chuyên nghiệp trong hoạt động của Quốc hội
- ▪Báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước của năm 2022 đối với các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19
Bình luận
Nổi bật
Tổng Bí thư Tô Lâm và Phu nhân lên đường thăm chính thức Malaysia
sự kiện🞄Thứ năm, 21/11/2024, 11:02
(CL&CS) - Chuyến thăm là dấu mốc quan trọng trong quan hệ Việt Nam - Malaysia, góp phần củng cố nền tảng tin cậy chính trị giữa hai nước ở mức độ cao, thể hiện chính sách nhất quán của Đảng, Nhà nước Việt Nam là luôn coi trọng và mong muốn tăng cường hơn nữa quan hệ với các nước láng giềng, khu vực, trong đó có Malaysia.
Nâng cao vị thế của nhà giáo trong bối cảnh mới
sự kiện🞄Thứ tư, 20/11/2024, 14:13
(CL&CS) - Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn khi trả lời phỏng vấn của phóng viên đã nhấn mạnh, Luật Nhà giáo sẽ giải quyết được những vấn đề về căn cứ pháp lý cho đổi mới về quản lý nhà giáo, những thể hiện về mặt chuyên môn và cả chế độ chính sách cho nhà giáo. Điều này sẽ góp phần quan trọng để khẳng định và giữ vững vị thế, nâng cao vị trí của nhà giáo trong xã hội.
Tiếp tục đẩy mạnh triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước
sự kiện🞄Thứ ba, 19/11/2024, 11:21
(CL&CS) - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Công điện 117/CĐ-TTg ngày 18/11/2024 về việc tiếp tục đẩy mạnh triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước.
anh đứcLorem ipsum dolor sit amet, consectetur adipisicing elit. Quis cum, ut esse cupiditate autem. Dolor est dolorem sunt, sequi omnis corporis cumque ratione accusamus ex deserunt, molestiae consequuntur natus beatae.