Thứ bảy, 07/09/2024, 23:02 PM

Bão số 3 gây thiệt hại nặng nề, người dân Hà Nội tuyệt đối không nên đi ra ngoài đường

(CL&CS) - Theo báo cáo cập nhật sơ bộ từ Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai, tính đến 13 giờ ngày 7-9, bão số 3 (Yagi) đã gây nhiều thiệt hại cho tỉnh Quảng Ninh và TP Hải Phòng.

Chiều 7-9, tại họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 8-2024, Cục trưởng Cục Đê điều và phòng, chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) Phạm Đức Luận cập nhật thông tin mới nhất về diễn biến, thiệt hại của bão số 3.

qn

Cục trưởng Cục Đê điều và phòng chống thiên tai – Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Phạm Đức Luận cập nhật những thông tin mới nhất về diễn biến, thiệt hại của bão số 3

Theo đó, vào hồi 13h, vị trí tâm bão trên vùng ven biển Quảng Ninh - Hải Phòng, cường độ cấp 12-13, giật cấp 16, gió thực đo tại Bãi Cháy (Quảng Ninh) cấp 14, giật cấp 17; tại đảo Cô Tô (Quảng Ninh) cấp 13, giật cấp 16; tại Cửa Ông (Quảng Ninh) cấp 12, giật cấp 14; tại đảo Bạch Long Vỹ (Hải Phòng) cấp 13, giật cấp 14; Cát Hải (Hải Phòng) cấp 7, giật cấp 10; Ba Lạt (Thái Bình) cấp 8, giật cấp 10.

anh-man-hinh-2024-09-07-luc-111438-1375

Cơ quan chức năng khuyến cáo người dân không nên ra ngoài trong thời điểm mưa lớn, gió mạnh do bão

Về mưa, đã ghi nhận mưa lớn như: Cô Tô (Quảng Ninh) 127mm; Cẩm Phả (Quảng Ninh) 123mm; Cát Bà (Hải Phòng) 198mm; Tiền Hải (Thái Bình) 208mm. Chiều và đêm nay, bão số 3 di chuyển vào đất liền, đến 1h ngày 8-9, có cường độ cấp 8, giật cấp 10 trên đất liền phía Đông Bắc Bộ.

Hiện nay, tâm bão đang nằm ở Bãi Cháy, Hạ Long. Tuy nhiên, ở Hà Nội gió đã rất to, nhiều cây gãy, đổ. Về ứng phó, Thủ tướng Chính phủ liên tiếp ban hành 3 công điện chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương. Thủ tướng đã thành lập Sở Chỉ huy tiền phương tại Hải Phòng, do Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà trực tiếp chỉ đạo.

Các bộ, ngành, địa phương đã ban hành công điện; tổ chức các đoàn kiểm tra, chỉ đạo tại cơ sở, trọng điểm xung yếu. Lực lượng chức năng đã kiểm đếm, hướng dẫn 51.319 tàu cá với 219.913 người tránh trú an toàn. Các tỉnh, thành phố từ Quảng Ninh đến Nghệ An và Quảng Bình đã cấm biển. Đã sơ tán 52.979 người trên lồng bè, chòi canh nuôi thủy sản, trong các nhà yếu đến nơi an toàn...

Về thiệt hại, đến thời điểm hiện tại, ghi nhận 1 người tại Hải Dương thiệt mạng do cây đổ khi đang lưu thông trên đường; 5 tàu xi măng, 1 tàu gỗ loại nhỏ bị chìm tại nơi neo đậu (Quảng Ninh); 146 cây xanh bị đổ (Quảng Ninh 100; Hải Phòng 46); 2 cột điện hạ thế, 1 trạm biến thế bị hư hỏng (Hải Phòng); các huyện Cẩm Phả, Vân Đồn (Quảng Ninh) mất điện diện rộng....

“Hiện nay, thiệt hại là chưa thống kê được. Thông tin qua điện thoại, chúng tôi được biết thiệt hại tại Quảng Ninh rất nặng nề… Dự kiến trong sáng mai, khi bão đi sâu vào đất liền, hướng vào Hà Nội thì tại Quảng Ninh mới có thể kiểm kê thiệt hại”, ông Luận thông tin.

Tình hình sơ bộ, tại Quảng Ninh, 5 tàu chở xi măng và 1 tàu gỗ nhỏ đã bị chìm tại nơi neo đậu, 100 cây xanh bị đổ và nhiều khu vực như huyện Cẩm Phả, Vân Đồn đang bị mất điện trên diện rộng.

HU

Tại TP Hải Phòng, bão đã làm đổ 46 cây xanh, hư hỏng 2 cột điện hạ thế và 1 trạm biến thế. Các tỉnh Thái Bình, Nam Định chưa ghi nhận thiệt hại.

Hồi 13 giờ 15 ngày 7-9, tại huyện Vân Đồn (Quảng Ninh), bão số 3 gây ra những đợt gió giật mạnh kèm theo mưa lớn, làm mất điện lưới trên địa bàn. Nhiều cột thu phát sóng điện thoại không thể hoạt động, khiến nhiều khu vực mất sóng di động, ảnh hưởng đến công tác chỉ đạo phòng chống bão của địa phương.

z5807112682628_238a738a76b7c913ae3dc60251877b7d

Tại huyện Hải Hà (Quảng Ninh) bão với sức gió cấp 12 đã làm tốc mái khoảng 40 ngôi nhà, trụ sở cơ quan và trường học. Hiện nay, các xã, thị trấn ở huyện Hải Hà đang bị mất điện; 10 điểm dây điện bị cây đè làm đứt dây, ảnh hưởng đến cung cấp điện.

Ngoài ra khoảng 100 cây xanh trên quốc lộ 18A qua địa bàn huyện này và các tuyến đường xã, thị trấn bị gãy đổ. Các lực lượng đang tích cực xử lý để đảm bảo an toàn giao thông và khắc phục hậu quả thiên tai.

Tại quận Đồ Sơn (TP Hải Phòng) mưa như trút nước, gió giật tới cấp 12-13. Tuy nhiên, theo các chuyên gia khí tượng, tâm bão vẫn còn nằm cách phía Bắc đảo Cát Bà khoảng 5km (chưa thực sự vào đất liền).

Ngoài đường, cây đổ nghiêng ngả, không còn lối đi. Những cây phượng già bị bão đánh gãy gập ngọn và cành lá. Sau 2-3 tiếng đồng hồ, gió bão quần thảo và gầm rú, những ngọn dừa xơ xác. Tiếng rít qua các tòa nhà nghe ghê rợn.

Tại một khách sạn nằm ở đầu khu bãi 1 quận Đồ Sơn - nơi hơn chục đại diện cơ quan báo chí đang trú tránh tác nghiệp, một bức tường ở tầng 6 bị gió bão phá vỡ, kính rơi loảng xoảng khi cánh cửa dập liên tục. Trên trời mây đen vần vũ, lá cây bay như bị hút. Mái tôn rung dồn dập. Hầu như không ai dám ra đường vào lúc này.

Từ 12h ngày 7/9, nhiều khu vực ở Hà Nội bắt đầu có mưa dông lớn, gió giật liên hồi do ảnh hưởng của hoàn lưu từ bão Yagi (bão số 3). Ghi nhận tại địa bàn quận Hai Bà Trưng, đã có ít nhất 20 cây đổ, gãy gây ảnh hưởng đến người tham gia giao thông và những hộ dân sống xung quanh.

Từ 15h, Hà Nội đã ghi nhận gió mạnh cấp 6, giật cuối cấp 8. Mưa và gió sẽ còn mạnh hơn khi về chiều tối. Dự báo thời gian gió và mưa mạnh nhất tại Hà Nội vào khoảng 18h ngày 7/9 đến 1h sáng ngày 8/9. Người dân không nên ra đường vào thời gian này khi không cần thiết.

Theo thống kê mới nhất của Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn TP Hà Nội, tính đến chiều 7/9, đã có 7 người bị thương vong do cây xanh gãy, đổ.

Nhấn mạnh về những công việc cần triển khai tiếp theo, ông Phạm Đức Luận cho biết sẽ thực hiện nghiêm túc 3 công điện của Thủ tướng Chính phủ, tiếp tục theo dõi diễn biến của bão và mưa lũ để chủ động xử lý các tình huống, trong đó tập trung duy trì nghiêm lệnh cấm biển, không để người dân trở lại tàu cá, lồng, bè, chòi canh khi bão đổ bộ, đồng thời đảm bảo an ninh, an toàn cho khu sơ tán dân, cũng như nơi neo đậu tàu thuyền, lồng bè.

Đối với vùng đồng bằng, ven biển, sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện để ứng phó khi có tình huống xấu xảy ra đối với các tuyến đê, nhất là 31 trọng điểm xung yếu trên các tuyến đê biển, đê cửa sông hoặc đang thi công từ Quảng Ninh đến Ninh Bình, do các tuyến đê này chỉ chống được bão cấp 9, cấp 10, thủy triều 5%. Lực lượng quân đội cần bố trí tại các vị trí xung yếu, sẵn sàng hộ đê khi có yêu cầu.

Đảm bảo hậu cần, nhu yếu phẩm và các điều kiện lưu trú cho người dân tại nơi sơ tán; không để người dân về nhà khi bão chưa tan. Sẵn sàng lực lượng, vật tư phương tiện để khắc phục ngay sự cố lưới điện.

Thiện Phúc

Bình luận

Nổi bật

Thủ tướng thị sát tình hình, chỉ đạo khắc phục hậu quả mưa lũ tại Yên Bái, Lào Cai

Thủ tướng thị sát tình hình, chỉ đạo khắc phục hậu quả mưa lũ tại Yên Bái, Lào Cai

sự kiện🞄Thứ sáu, 13/09/2024, 22:01

(CL&CS) - Ngày 12/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đi thị sát tình hình, thăm hỏi đời sống người dân, kiểm tra, động viên các lực lượng đang làm nhiệm vụ ứng phó mưa lũ, cứu hộ, cứu nạn, khắc phục hậu quả thiên tai, tiếp tế nhu yếu phẩm cho người dân tại Yên Bái và Lào Cai.

Thủ tướng yêu cầu đảm bảo an toàn tuyệt đối cho các công trình hồ chứa thủy điện

Thủ tướng yêu cầu đảm bảo an toàn tuyệt đối cho các công trình hồ chứa thủy điện

sự kiện🞄Thứ sáu, 13/09/2024, 10:56

(CL&CS) - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Công điện 94/CĐ-TTg ngày 12/9/2024 về việc tăng cường công tác vận hành, điều tiết các hồ chứa thủy điện ở các tỉnh phía Bắc nhằm đảm bảo an toàn các hệ thống đê và giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại do ngập, lụt tại vùng hạ du.

Thủ tướng tiếp Chủ tịch Tập đoàn Mitsui (Nhật Bản)

Thủ tướng tiếp Chủ tịch Tập đoàn Mitsui (Nhật Bản)

sự kiện🞄Thứ sáu, 13/09/2024, 10:56

(CL&CS) - Chiều 11/9, tiếp Chủ tịch Tập đoàn Mitsui & Co (Nhật Bản) Tatsuo Yasunaga, cùng Ban Lãnh đạo của Tập đoàn đang thăm và làm việc tại Việt Nam, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị Tập đoàn đẩy nhanh tiến độ triển khai chuỗi dự án điện-khí Lô B; mở rộng hợp tác, đầu tư thêm sang các lĩnh vực đầu tư khác tại Việt Nam, nhất là phát triển điện gió ngoài khơi.