Thứ năm, 06/07/2023, 13:52 PM

Áp dụng các quy chuẩn trong lĩnh vực xây dựng gặp nhiều khó khăn, thách thức

(CL&CS)- Thực tế thời gian qua cho thấy, việc xây dựng và áp dụng các quy chuẩn trong lĩnh vực xây dựng đang gặp nhiều khó khăn, thách thức.

Mới đây, tại Viện Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng), Tổng hội Xây dựng Việt Nam đã tổ chức Hội thảo khoa học “Nghiên cứu đánh giá việc áp dụng Quy chuẩn Việt Nam trong Quy hoạch, công trình dân dụng, công trình công nghiệp và đề xuất sửa đổi, bổ sung, kiến nghị xây dựng Quy chuẩn địa phương”.

Theo TS. Đặng Việt Dũng, Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, kể từ khi được giao nhiệm vụ từ năm 2022, Tổng hội đã thực hiện khảo sát thực trạng áp dụng hệ thống Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia (QCVN) trong lĩnh vực xây dựng trên địa bàn cả nước với các đối tượng, như: đơn vị tư vấn, các cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng và một số doanh nghiệp… Kết quả khảo sát chỉ ra nhiều tồn tại bất cập như hầu hết QCVN đều được các địa phương ít nhiều áp dụng, nhưng chỉ có 9/16 QCVN được sử dụng thường xuyên với tần suất 50% trở lên, một số còn lại rất ít được sử dụng.

c22d4129-ad57-440c-9732-c24a5238009f

TS. Đặng Việt Dũng – Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam

Theo Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, qua quá trình thực hiện nghiên cứu, khảo sát cho thấy việc áp dụng quy chuẩn vẫn còn nhiều tồn tại và vướng mắc, cụ thể: quan điểm về các quy định đưa ra trong QCVN còn giao thoa trùng lắp giữa các Bộ, ngành quản lý, chưa được cập nhật thường xuyên, hoặc có cập nhập thì không đồng bộ, chưa tính đến điều kiện tự nhiên, điều kiện kinh tế giữa các vùng miền, chưa bao trùm hết các lĩnh vực.

"Một số nội dung quy định trong hệ thống tiêu chuẩn lại được đưa vào nội dung quy chuẩn, dẫn đến một số quy định trong quy chuẩn trở nên cứng nhắc, khó áp dụng trong thực tế. QCVN được biên soạn dựa trên nhiều nguồn tài liệu của các quốc gia khác nhau nên chưa đồng bộ với hệ thống TCVN. Văn phong gây khó hiểu và một số quy định chưa phù hợp với điều kiện ở Việt Nam. Công tác kiểm soát và chế tài về việc thực thi QCVN thiếu chặt chẽ, dẫn đến buông lỏng và vi phạm trong các hoạt động xây dựng”, TS. Đặng Việt Dũng cho biết.

Tiếp cận vấn đề từ góc nhìn quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy hoạch, xây dựng công trình dân dụng và công trình công nghiệp của Việt Nam, ThS. Trần Thị Thanh Ý (Ban Khoa học công nghệ, Tổng hội Xây dựng Việt Nam) một lần nữa cho thấy rõ hơn những bất cập, tồn tại được trong việc áp dụng QCVN như vừa nêu trên. Theo ThS. Trần Thị Thanh Ý quy chuẩn chỉ nên điều tiết các vấn đề chung nhất về các công trình xây dựng, còn các đối tượng công trình cụ thể do tiêu chuẩn điều tiết. Bởi nếu điều tiết trực tiếp các công trình cụ thể thì hệ thống QCVN còn thiếu rất nhiều, như quy chuẩn về công trình công nghiệp, bệnh viện, trường học… 

Lý giải việc QCVN khó áp dụng trong thực tế, ThS. Thanh Ý cho rằng một trong những nguyên do là ngay từ khi xây dựng tiêu chuẩn hay quy chuẩn, chúng ta hoàn toàn dựa trên cơ sở nghiên cứu của các quốc gia đi trước nhưng chưa phù hợp với thực tiễn Việt Nam. Theo bà thì "lẽ ra các quy chuẩn quốc gia phải tính đến các điều kiện tự nhiên và phải phù hợp với công nghệ, yêu cầu quản lý nhà nước của quốc gia đó nhưng đôi khi thực tế công trình lại được đầu tư bằng vốn và áp dụng quy chuẩn nước khác”. Đưa ra dẫn chứng, ThS. Thanh Ý cho biết QCVN 08/2018 công trình tàu điện ngầm (do Viện Khoa học công nghệ Xây dựng biên soạn, Vụ Khoa học Công nghệ và môi trường trình duyệt, Bộ Khoa học và Công nghệ thẩm định, Bộ Xây dựng ban hành kèm theo Thông tư số 11/2018/TT-BXD ngày 26.12. 2018 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng), được biên soạn dựa theo tiêu chuẩn của Nga, nhưng dự án xây dựng tàu điện ngầm lại của nhà đầu tư Nhật hoặc nước khác.

Theo TS-KTS. Lê Thị Bích Thuận, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu đô thị và Phát triển hạ tầng, cho rằng việc xây dựng QCĐP phụ thuộc rất nhiều vào năng lực của từng địa phương. Trong báo cáo kết quả khảo sát việc áp dụng QCVN tại các địa phương trình bày tại Hội thảo, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu đô thị và Phát triển hạ tầng cũng đưa ra những con số cho thấy thực trạng áp dụng QCVN hiện nay còn hạn chế. Cụ thể như QCVN 01:2021/BXD là QCVN về quy hoạch xây dựng sử dụng thường xuyên trên 70%; QCVN 02:2021/BXD là QCVN về số liệu điều kiện tự nhiên dùng trong xây dựng được sử dụng thường xuyên chưa tới 50%... Thậm chí QCVN08:2021/BXD là QCVN về công trình tàu điện ngầm sử dụng thường xuyên chỉ hơn 15%, ít sử dụng gần 30%. Như vậy, gần như 60% không dùng tới quy chuẩn này.

9917-1688455718-quy-chuan-3

Các chuyên gia, các nhà khoa học trao đổi và đưa ra ý kiến về QCVN trong lính vực xây dựng

Trong khi đó, TS. Lê Quang Hùng, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Chủ tịch Hội Bê tông Việt Nam, cho rằng cần có tầng bậc quy chuẩn trung ương và địa phương. Theo ông, trung ương chỉ nên ban hành quy chuẩn khung, ở địa phương làm chi tiết. Là người tham gia vào việc soạn thảo quy chuẩn, Chủ tịch Hội Bê tông Việt Nam cho rằng số lượng quy chuẩn càng ít càng tốt và chỉ ban hành những quy chuẩn thực sự cần thiết và thuộc chức năng của Bộ Xây dựng. Ông lấy ví dụ như tàu điện ngầm thuộc trách nhiệm Bộ Giao thông Vận tải. Không chỉ về tàu điện ngầm mà còn có rất nhiều nội dung không thuộc công tác quản lý của Bộ Xây dựng cho nên cần co lại các mục quy chuẩn.

Đồng quan điểm, TS. Nguyễn Trung Hoà, Phó Chủ tịch Hội Kết cấu và công nghệ xây dựng Việt Nam, nguyên Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và môi trường (Bộ Xây dựng), cho rằng do trước đây các chức năng nhiệm vụ của các Bộ chưa được làm rõ nên nhiều nội dung của Bộ khác nhưng vẫn chịu trách nhiệm bởi Bộ Xây dựng.Vì vậy ông Hoà đề xuất nội dung nào không phải của Bộ Xây dựng thì loại bỏ, trả về đúng đơn vị phụ trách, đồng thời biên soạn lại các quy chuẩn hiện không phù hợp. Ví dụ như QC08:2018/BXD là quy chuẩn có nội dung về công trình tàu điện ngầm thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Công Thương…

Do đó cần có sự điều chỉnh Luật Quy chuẩn, tiêu chuẩn. Trong đó cần làm rõ quy định về nội dung thẩm định quy chuẩn địa phương, bởi theo quy định: quy chuẩn địa phương phải phù hợp với quy định của pháp luật; đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ trong hệ thống quy chuẩn kỹ thuật của Việt Nam; không chồng chéo về quy định kỹ thuật, yêu cầu quản lý hay vi phạm các quy định của QCVN tương ứng? Trong khi đó quy chuẩn địa phương cần phải phù hợp với đặc điểm về địa lý, khí hậu, thủy văn, trình độ phát triền kinh tế - xã hội của địa phương để áp dụng trong phạm vi quản lý của địa phương. Chính vì điều này mà hệ thống quy chuẩn kỹ thuật quốc gia khó đi vào cuộc sống, mặc khác lại hạn chế khả năng ban hành quy chuẩn của các địa phương.

Trung Kiên

Bình luận

Nổi bật

Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 16:2023/BXD về sản phẩm, hàng hóa vật liệu xây dựng

Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 16:2023/BXD về sản phẩm, hàng hóa vật liệu xây dựng

sự kiện🞄Thứ ba, 21/05/2024, 13:50

(CL&CS) - Quy chuẩn kỹ thuật QCVN 16:2023/BXD quy định về mức giới hạn của đặc tính kỹ thuật và yêu cầu quản lý các sản phẩm, hàng hóa vật liệu xây dựng theo quy định tại Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa được sản xuất trong nước, nhập khẩu, kinh doanh, lưu thông trên thị trường và sử dụng vào các công trình xây dựng trên lãnh thổ Việt Nam.

Lấy ý kiến Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về đo đạc

Lấy ý kiến Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về đo đạc

sự kiện🞄Thứ ba, 21/05/2024, 10:39

(CL&CS) - Bộ Tài nguyên và Môi trường đang lấy ý kiến Dự thảo Thông tư Ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về Đo đạc trọng lực chi tiết phục vụ công tác đo đạc và bản đồ – Phần đo mặt đất (sau đây gọi tắt là Dự thảo).

Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về mức hấp thụ riêng đối với điện thoại di động

Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về mức hấp thụ riêng đối với điện thoại di động

sự kiện🞄Thứ ba, 21/05/2024, 09:16

(CL&CS) - Bộ TT&TT đang xây dựng Dự thảo Thông tư ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN) về mức hấp thụ riêng (SAR) đối với điện thoại di động.