Xuất khẩu thủy sản dự kiến đạt 10 tỷ USD
Tại hội nghị mới đây, VASEP cho biết, 5 tháng đầu năm, xuất khẩu thủy sản đạt 4,7 tỷ USD, tăng trưởng 44% so với cùng kỳ năm ngoái. Các thị trường đều đạt mức tăng trưởng 10%-90%, giá bán bình quân tăng 10%-15%. Đáng chú ý, trong các tháng 3, 4 và 5, xuất khẩu thủy sản đạt mức kỷ lục với 1 tỷ USD/tháng. Ước tính 6 tháng đầu năm, xuất khẩu thủy sản đạt xấp xỉ 6 tỷ USD.
Việt Nam xuất khẩu thủy sản sang 160 thị trường, kim ngạch xuất khẩu thủy sản sang tất cả các thị trường chính đều bứt phá với tăng trưởng 2 con số.
Theo VASEP, riêng xuất khẩu thủy sản sang thị trường Nga giảm 37% so với cùng kỳ năm 2021, vì xung đột quân sự khiến cho giao thương với thị trường này gần như đình trệ trong tháng 3 và tháng 4 vừa qua. 3 thị trường chi phối tốc độ tăng trưởng xuất khẩu thủy sản trong 5 tháng qua gồm: Hoa Kỳ chiếm 23%, Liên minh châu Âu (EU) chiếm 12%, Trung Quốc chiếm 16%.
Năm 2022, VASEP dự báo xuất khẩu thủy sản đạt 10 tỷ USD, trong đó xuất khẩu tôm đạt 4,2 tỷ USD, xuất khẩu cá tra đạt 2 tỷ USD và xuất khẩu hải sản đạt 3,8 tỷ USD.
Cũng theo VASEP, bên cạnh những điều kiện thuận lợi như nhu cầu tiêu thụ thủy sản của các thị trường chính đều tăng mạnh sau dịch Covid-19; doanh nghiệp tận dụng lợi thế thuế quan ưu đãi từ các Hiệp định Thương mại tự do để đẩy mạnh xuất khẩu sang nhiều thị trường như EU, Australia, Canada, Malaysia, Thái Lan, Trung Quốc, Anh… ngành thủy sản cũng đối diện với nhiều khó khăn.
Chia sẻ về những khó khăn của ngành, ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký VASEP cho rằng, các doanh nghiệp có thể đối diện với việc thiếu nguyên liệu chế biến xuất khẩu; dịch Covid-19 và xung đột Nga-Ukraine khiến chi phí đầu vào tăng mạnh làm xói mòn lợi nhuận của người nuôi và doanh nghiệp, giảm sức cạnh tranh của sản phẩm thủy sản Việt Nam.
Cùng với đó là cước vận tải biển tăng gấp 6-10 lần so với trước dịch, thiếu container để vận chuyển. Chính sách zero Covid-19 nghiêm ngặt tại Trung Quốc gây ách tắc xuất khẩu thủy sản sang thị trường này.
Nguyên nhân là do lạm phát ở mức cao đang lan rộng ở các thị trường Mỹ, châu Âu khiến nhu cầu sụt giảm. Bên cạnh đó, Trung Quốc - thị trường lớn của thủy sản Việt Nam - tiếp tục áp dụng chính sách "zero Covid" làm giảm tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam với các loại hàng hóa nói chung.
Chưa kể, thị trường Trung Quốc còn có nhiều chính sách mang tính đặc thù địa phương và thay đổi thất thường, gây rủi ro cho đối tác.
"Về nội tại ngành, vấn đề thiếu nguyên liệu cả trong nước và nhập khẩu cũng là thách thức đối với các doanh nghiệp trong việc duy trì tăng trưởng. Đặc biệt, doanh nghiệp còn phải đối mặt với việc chi phí hoạt động tăng trong khi giá bán ra không tăng tương ứng", ông Hòe phân tích.
Góc độ doanh nghiệp, ông Đỗ Ngọc Tài, Tổng Giám đốc Công ty CP Chế biến Thủy sản Ngọc Trí (Bạc Liêu) phân tích: Xuất khẩu trong tháng 4 và 5 đã có sự giảm sút nên bình quân tăng trưởng 5 tháng đầu năm chỉ bằng 21% so với cùng kỳ năm ngoái. Những thách thức tại các thị trường này đến từ lạm phát, chi phí xăng dầu và người dân bị cắt trợ cấp.
Ông Tài đưa ra những khó khăn, dự đoán những tháng về sau ở thị trường Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Trung Quốc. Trước những cơ hội về nhu cầu thị trường tăng mạnh sau khi dịch COVID-19 được kiểm soát; nhà hàng, du lịch, khách sạn mở cửa, trong khi thiếu tôm nguyên liệu, tôm giá cao, thiếu lao động, đơn hàng…
Ông Tài đề nghị: "Phải sắp xếp lại sản xuất, chuyển sang chế biến hàng giá trị gia tăng để giảm áp lực nguyên liệu; tiết giảm những chi phí không cần thiết".
Xuất khẩu cá tra nhiều triển vọng
Với giá trị xuất khẩu 1,2 tỷ USD trong 5 tháng đầu năm 2022, tăng 90% so với cùng kỳ năm ngoái, ngành cá tra được đánh giá là hồi phục nhanh và có nhiều triển vọng.
Mục tiêu cá tra đến cuối năm 2022 ước đạt 2,6 tỷ USD. Để đạt được con số này, toàn ngành cá tra Việt Nam cần sự đồng lòng và nỗ lực rất lớn ở từng khâu của chuỗi sản xuất, chế biến và xuất khẩu.
Theo bà Trương Thị Lệ Khanh, Chủ tịch Công ty CP Vĩnh Hoàn, với nhu cầu tiêu thụ cá tra tại Mỹ, châu Âu và Trung Quốc bật tăng như hiện nay, do kiểm soát được đại dịch Covid-19, thêm việc nguồn cung thiếu hụt nên năm 2022 sẽ "rất vi diệu," giúp toàn ngành cá tra đều có lời.
Hiện nay, giá cá tra đã tăng và còn tiếp tục tăng lên từ nay đến cuối năm 2022, giúp các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu cá tra thu lãi cao, mặc dù chi phí nuôi (thức ăn cho cá, giá bao bì,...) cũng sẽ leo thang do biến động giá xăng, dầu trong nước và chi phí logistics trong xuất nhập khẩu cũng tăng trong gần 2 năm qua.
Đại diện của Vĩnh Hoàn cũng chia sẻ, sản lượng cá tra của Vĩnh Hoàn xuất khẩu sang các thị trường trong năm 2022 sẽ tăng 25% trở lên, con số này chưa bao gồm thị trường Trung Quốc mở cửa trở lại.
Dù phải đối diện với nhiều thách thức, biến động mới, nhưng ngành cá tra Việt Nam vẫn có tín hiệu khả quan cho đến cuối năm 2022.