Xuất khẩu rau quả thiệt hại 200 triệu USD mỗi tháng nếu dịch bệnh kéo dài

(NTD) - Theo tính toán của Hiệp hội Rau quả Việt Nam, nếu không xuất khẩu thuận lợi sang Trung Quốc, ước tính mỗi tháng ngành rau quả sẽ thiệt hại hơn 200 triệu USD.

 

Thanh long rớt giá thảm hại vì Trung Quốc ngưng mua hàng

Theo ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, dịch virus Covid-19 ảnh hưởng nặng nề đến ngành rau quả, Trung Quốc đóng cửa nhiều thành phố lớn hạn chế lưu thông gây tình trạng hàng hóa bị ách tắc khiến trái cây từ Việt Nam không đưa sâu vào nội địa Trung Quốc để phân phối. Các mặt hàng xuất đi được phía Trung Quốc chỉ trả 20-30% giá so với trước Tết. 

"Nếu dịch kéo dài vài tháng thì các công ty chuyên đóng gói hoặc xuất khẩu sẽ giảm lượng công nhân. Các mặt hàng xuất sang Trung Quốc như thanh long, mít, xoài, chôm chôm..., đều bị ảnh hưởng nặng nề" - ông Nguyên cho hay.

Liên tục giải cứu nhiều mặt hàng trái cây khiến ngành rau quả lo ngại

Thống kê từ Hiệp hội năm 2018, kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam đạt 3,8 tỷ USD, riêng Trung Quốc đạt  2,8 tỷ  USD (chiếm 70% tổng kim ngạch xuất khẩu). Năm 2019, kim ngạch xuất khẩu giảm còn 3,7 tỷ USD (riêng Trung Quốc chiếm 2,4 tỷ USD). Nguyên nhân, do Trung Quốc  chuyển từ tiểu ngạch sang chính ngạch.

Ông Nguyên cho biết tính toán trung bình mỗi tháng Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc khoảng 200 triệu USD. Nếu tình trạng dịch bệnh kéo dài thì đây là con số thiệt hại tương ứng cho ngành. Đại diện Hiệp hội khuyến cáo bà con nông dân cần theo dõi thông tin và quan sát nhu cầu thị trường nhằm cân đối cung cầu. Những mặt hàng trái vụ cần giảm lại vì vấn đề tiêu thụ và giá cả. Thêm vào đó, hiện nay các doanh nghiệp không dám mua, dự trữ hàng nhiều vì kho lạnh chứa tối đa chỉ tầm 1 tháng nhưng chi phí bảo quản này phải đem xuất khẩu may ra mới có lãi, còn bán nội địa sẽ thua lỗ. 

Hiện nay nhiều đóng góp, kêu gọi nông dân, doanh nghiệp đầu tư quy mô sản xuất trồng trọt chất lượng để đảm bảo đầu ra sản phẩm rau quả và đa dạng thị trường. Tuy nhiên sự thay đổi này phải đi kèm với chính sách hỗ trợ vốn và các thủ tục quy trình thì mới có hiệu quả.

Kim Ngọc

Nên đọc