Xuất khẩu cá ngừ chưa thể vực dậy

(CL&CS) - 5 tháng đầu năm, xuất khẩu cá ngừ vẫn giảm 31% so với cùng kỳ năm trước, đạt hơn 317 triệu USD.

Tháng 5/2023, xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang Mỹ, Nhật Bản, Canada và Thái Lan có xu hướng sụt giảm. Trong khi đó, xuất khẩu sang EU lại có xu hướng phục hồi.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam trong tháng 5/2023 vẫn tiếp tục giảm 26% so với cùng kỳ năm 2022, đạt gần 70 triệu USD. Do đó, tính lũy kế 5 tháng đầu năm xuất khẩu cá ngừ vẫn giảm 31% so với cùng kỳ năm trước, đạt hơn 317 triệu USD.

Tính riêng trong tháng 5/2023, xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang Mỹ, Nhật Bản, Canada và Thái Lan có xu hướng sụt giảm. Trong khi đó, xuất khẩu sang EU lại có xu hướng phục hồi.

Theo VASEP, trong số 97 thị trường nhập khẩu, Mỹ vẫn là thị trường nhập khẩu đơn lẻ lớn nhất cá ngừ của Việt Nam, chiếm 37% tỷ trọng. Tính tới tháng 5 năm nay, xuất khẩu cá ngừ sang thị trường này đạt 117 triệu USD, giảm 53%. Riêng trong tháng 5 năm nay, xuất khẩu sang thị trường này giảm 45% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo số liệu của FAS.USDA, 4 tháng đầu năm 2023, tổng nhập khẩu cá ngừ vào Mỹ đạt hơn 99 nghìn tấn, trị giá 662 triệu USD, giảm 10% về khối lượng và 23% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022. Hầu hết quốc gia xuất khẩu cá ngừ sang Mỹ đều sụt giảm.

Hiện tại lượng tồn kho tại thị trường Mỹ đã giảm dần, lạm phát cũng giảm nhưng người dân vẫn phải đang đối mặt với các khoản nợ trước đó nên nhu cầu tiêu dùng vẫn chưa thực sự phục hồi. Trong bối cảnh đó, các nhà nhập khẩu Mỹ hầu hết đều đang nghe ngóng tình hình. Dự kiến, phải đến cuối năm nay nhập khẩu cá ngừ của Mỹ mới có thể phục hồi trở lại.

Cùng với Mỹ, xuất khẩu cá ngừ sang khối thị trường tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cũng sụt giảm trong tháng 5/2023. Kim ngạch xuất khẩu sang khối thị trường này giảm 18%, đạt hơn 10 triệu USD.

Tính lũy kế 5 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 46 triệu USD, giảm 15%. Nguyên nhân của sự sụt giảm xuất khẩu sang khối thị trường này là do xuất khẩu sang 2 thị trường lớn nhất trong khối là Nhật Bản và Canada đều sụt giảm mạnh trong tháng 5/2023, lần lượt là 32% và 31%.

Tại thị trường Nhật Bản, lạm phát kéo dài đã đẩy giá hàng hóa lên cao. Tuy hiện giá hàng hóa đã được điều chỉnh phần nào nhờ các chương trình trợ cấp năng lượng của chính phủ nhưng vẫn gây sức ép lên hoạt động tiêu dùng, làm sức mua của các hộ gia đình Nhật Bản sụt giảm. Điều này đã tác động tới nhập khẩu cá ngừ của nước này.

Trái với Mỹ và CPTPP, xuất khẩu cá ngừ sang EU lại tăng trong tháng 5, với mức tăng 15% so với cùng kỳ, đạt gần 17 triệu USD. Sự tăng trưởng này có được là nhờ sự tăng trưởng của 2 thị trường nhập khẩu lớn nhất trong khối là Đức và Hà Lan. Tính riêng trong tháng 5, xuất khẩu sang 2 thị trường này tăng lần lượt 66% và 172%.

Xuất khẩu cá ngừ sang Israel cũng tiếp tục tăng mạnh trong tháng 5 với mức tăng 110%. Sự tăng trưởng này đã góp phần nâng tổng kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này trong 5 tháng đầu năm lên gần 21 triệu USD, tăng 83%.

Trong bối cảnh thị trường khó khăn, giá cá ngừ tại Bangkok đang leo lên mức đỉnh, trái lại giá cá ngừ vằn tại Manta vẫn ổn định. Giá cá ngừ vằn nguyên con đông lạnh cỡ >1,8kg giao tại Manta, Ecuador dao động ở mức 1.800 - 1.825 USD/tấn. Điều này đang gây nhiều áp lực cho các nhà sản xuất cá ngừ châu Á, trong đó có Việt Nam.

Trong khi đó, nguồn nguyên liệu trong nước không đủ đáp ứng nhu cầu sản xuất của doanh nghiệp. Công tác cấp giấy xác nhận nguyên liệu (S/C) và giấy chứng thư an toàn thực phẩm (H/C)… phục vụ cho sản xuất, xuất khẩu của doanh nghiệp vẫn còn nhiều bất cập.

Có thể thấy các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam đã khó lại càng thêm khó. Do đó, các doanh nghiệp mong muốn thời gian tới Chính phủ nhanh chóng đưa ra các chính sách hỗ trợ thiết thực cho doanh nghiệp như hạ lãi suất vay, phát triển cơ sở hạ tầng, có các chính sách hỗ trợ về nhập khẩu nguyên liệu….

TIN LIÊN QUAN