Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Đặng Hoàng Hải – Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương cho biết, với sự phát triển tất yếu, nền kinh tế số đang ngày càng có vai trò quan trọng trong thúc đẩy đổi mới sáng tạo, khả năng cạnh tranh và phát triển của nền kinh tế, tác động tích cực không chỉ lên quá trình chuyển đổi mô hình và mạng lưới kinh doanh truyền thống mà còn thúc đẩy quá trình chuyển giao tri thức, chuyển đổi quản lý và quản trị thị trường quốc tế. Có thể thấy, nền kinh tế số mang lại cho các nền kinh tế nhiều cơ hội thông qua nâng cao khả năng cạnh tranh và đổi mới sáng tạo, do đó, góp phần thu hẹp khoảng cách phát triển và kích hoạt tăng trưởng, đặc biệt đối với các nền kinh tế đang hoặc kém phát triển hơn.
Mặc khác, một số nền kinh tế nhất định có thể được mặc định có nhiều lợi thế hơn trong nền kinh tế số, đặc biệt đối với các nền kinh tế có lợi thế về khoa học công nghệ, quản trị, nguồn lực và nhân lực, giáo dục và đào tạo… so với các nền kinh tế kém phát triển hơn.
Lấy ví dụ về Việt Nam, ông Đặng Hoàng Hải cho hay, theo báo cáo Kinh tế hàng năm 2019 của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách Việt Nam (VEPR), trình độ nhận thức về nền kinh tế số cũng như quá trình chuyển đổi và thực hiện vẫn còn nhiều hạn chế, không những giữa người dân và doanh nghiệp, mà ngay cả các cơ quan nhà nước do thiếu kinh nghiệm, nguồn nhân lực và đặc biệt là nguồn lao động công nghệ thông tin chất lượng cao.
Theo báo cáo, khoảng 85% doanh nghiệp Việt Nam đứng ngoài lề nền kinh tế số và chỉ khoảng 13% mơi chập chững bước đầu tham gia vào nền kinh tế số. Rõ ràng, sự phát triển không đều giữa các nền kinh tế thành viên APEC có thể làm gia tăng khoảng cách, tác động sự phát triển và tăng trưởng của từng nền kinh tế thành viên cũng như sự phát triển và thịnh vượng chung của khu vực.
Bên cạnh đó, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 xuất hiện, thách thức và xóa mờ những phương thức quản lý, quản trị kinh tế và xã hội truyền thống, nền kinh tế số ngày càng có ý nghĩa quan trọng đối với khả năng chống chịu và phục hồi của khu vực và toàn cầu nhờ tính kết nối và khả năng tiềm tàng sửa chữa các đứt gãy của chuỗi cung ứng gây ra bởi các lệnh phong tỏa trong đại dịch. Trên tinh thần đó, các nền kinh tế APEC, cả người dân, doanh nghiệp và chính phủ cần chuẩn bị để thích nghi và tranh thủ nền kinh tế số nhằm đáp ứng với “bình thường mới” cũng như thúc đẩy sự phục hồi và tăng trưởng bền vững, công bằng.
Cùng với việc thông qua Lộ trình Nền kinh tế internet và Kinh tế số APEC năm 2017, thúc đẩy nền kinh tế số tiếp tục là một trong những ưu tiên trong những năm gần đây. Thông qua hội thảo, các nền kinh tế thành viên có thể khuyến nghị để APEC cân nhắc các hoạt động, sáng kiến trong tương lai nhằm nâng cao năng lực thực thi nền kinh tế số cho các nền kinh tế thành viên.