Theo Tổng cục Thống kê, tổng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đăng ký vào Việt Nam tính đến ngày 20/6/2024 bao gồm: Vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 15,19 tỷ USD, tăng 13,1% so với cùng kỳ năm trước.
Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam 6 tháng đầu năm 2024 ước đạt 10,84 tỷ USD, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm trước. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất của 6 tháng đầu năm trong 5 năm qua. Trong đó, hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 1 tỷ USD, gấp 2 lần cùng kỳ và chiếm hơn 9% tổng vốn FDI thực hiện.
Thực tế, trong năm 2023, thị trường bất động sản ghi nhận các thương vụ M&A với bên mua chủ yếu là nhà đầu tư nước ngoại đã hiện diện tại Việt Nam từ nhiều năm qua. 2024 được dự báo là thời điểm phù hợp để các doanh nghiệp tăng cường hoạt động M&A hoặc liên kết hợp tác, ưu thế đang nghiêng về phía các doanh nghiệp nước ngoài.
Ở chiều ngược lại, về đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài trong 6 tháng đầu năm 2024, có 57 dự án được cấp mới giấy chứng nhận đầu tư với tổng số vốn của phía Việt Nam là 118,6 triệu USD, giảm 19,3% so với cùng kỳ năm trước; có 11 lượt dự án điều chỉnh vốn với số vốn điều chỉnh tăng 18,4 triệu USD, giảm 89,4%.
Tính chung 6 tháng đầu năm tổng vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài (vốn cấp mới và điều chỉnh) đạt 137 triệu USD, giảm 57,3% so với cùng kỳ năm trước.
M&A bất động sản sẽ rực rỡ nửa cuối 2024?
Năm 2024 được dự báo là thời điểm phù hợp để các doanh nghiệp tăng cường hoạt động M&A hoặc liên kết hợp tác, ưu thế đang nghiêng về phía các doanh nghiệp nước ngoài.
Theo nhóm phân tích của MBS Research kỳ vọng hoạt động M&A các dự án bất động sản cũng sẽ là một phần quan trọng trong năm 2024 bởi sức khỏe tài chính của nhiều doanh nghiệp bất động sản hiện vẫn còn yếu và chưa tiếp cận được nguồn vốn, chi phí phát triển dự án sẽ ngày càng gia tăng. Do đó, việc bán dự án cho các chủ đầu tư có tiềm lực tài chính, năng lực phát triển dự án tốt là cần thiết để có thể duy trì hoạt động và phát triển.
Trước đó, bà Trang Bùi, Tổng giám đốc Cushman & Wakefield Việt Nam dự báo một lượng vốn lớn đến từ các nhà đầu tư nước ngoài sắp hoàn tất và đổ vào thị trường bất động sản Việt Nam giai đoạn 2024-2026.
"Năm 2024 là thời điểm phù hợp để các doanh nghiệp tăng cường các hoạt động thâu tóm hoặc liên kết hợp tác, đặc biệt là những chủ đầu tư có tiềm lực tài chính mạnh. Ưu thế đang nghiêng về phía các doanh nghiệp nước ngoài. Năm 2024, thị trường có thể sẽ chứng kiến nhiều hơn các thương vụ sang tên đổi chủ với giá trị hàng triệu USD, thậm chí chục triệu USD," đại diện Cushman & Wakefield Việt Nam chia sẻ.
Dẫn cơ sở cho nhận định, bà Trang lý giải, Việt Nam đã đạt mức tăng trưởng GDP 5,1% vào năm 2023 và phấn đấu đạt mức 6 - 6,5% vào năm 2024, với việc giảm lãi suất đồng thời cân bằng giữa áp lực lạm phát và tăng trưởng kinh tế.
Ngoài đầu tư nước ngoài thông thường, theo nhóm phân tích của MBS Research, thị trường cũng sẽ có thêm động lực phục hồi nhờ dòng tiền đầu tư của kiều hối bởi Luật Đất đai 2024 có nhiều điểm mới đáng chú ý như việc mở rộng quyền sử dụng đất đối với Việt kiều.
“Sự thay đổi về quy định luật tạo nên tiềm năng lớn cho thị trường nhờ nguồn vốn đầu tư trực tiếp từ Việt kiều. Ông Troy Griffiths - Phó Giám đốc Điều hành Savills Việt Nam bày tỏ, trong quá khứ, người Việt Nam ở nước ngoài muốn đầu tư trở lại Việt Nam phải thông qua người thân hoặc họ hàng vì thế đã dẫn đến một số tranh chấp không đáng có. Luật mới sẽ giải quyết vấn đề này, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho đầu tư và giảm thiểu khả năng xảy ra rủi ro giữa các bên trong quá trình đầu tư”.
Một yếu tố khác cũng hỗ trợ cho thị trường này là chính sách lãi suất của Cục Dữ trữ Liên bang Mỹ (FED). Theo đó, có khả năng FED sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất vào thời điểm cuối năm nay. Nếu thành hiện thực, điều này sẽ là tín hiệu tốt cho thị trường M&A Việt Nam, đặc biệt là trong lĩnh vực bất động sản. Bởi chi phí vốn rẻ hơn ở Mỹ sẽ kích thích các khoản đầu tư sang những thị trường mới nổi nhiều tiềm năng như Việt Nam.