Việc ban hành quy chuẩn kỹ thuật địa phương gặp khó khăn

(CL&CS)- Việc ban hành quy chuẩn kỹ thuật địa phương gặp nhiều khó khăn liên quan đến trình độ, năng lực và tính cần thiết, do đó cần đánh giá thêm về vấn đề này.

Sáng 20/8, tiếp tục chương trình phiên họp thứ 36, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật.

Trình bày Tờ trình dự án Luật tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt cho biết, dự thảo Luật gồm có 4 điều. Các nội dung sửa đổi, bổ sung tập trung vào 6 nhóm nội dung chính trong các chính sách đã được Chính phủ thông qua.

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt trình bày tờ trình. Ảnh: Quochoi.vn

Đó là đảm bảo thúc đẩy hội nhập quốc tế sâu rộng và triển khai đầy đủ các cam kết quốc tế về yêu cầu minh bạch hoá; thúc đẩy xã hội hoá hoạt động xây dựng, phổ biến và áp dụng tiêu chuẩn; tăng cường tính hiệu quả của hoạt động đánh giá sự phù hợp; hoàn thiện quy định về nguyên tắc, đối tượng, căn cứ, trình tự, thủ tục xây dựng, thẩm định, công bố tiêu chuẩn quốc gia, ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, quy chuẩn địa phương; nâng cao hiệu quả hoạt động xây dựng, quản lý tiêu chuẩn cơ sở theo hướng chặt chẽ hơn.

Đồng thời, tạo thuận lợi cho việc tiếp cận thông tin về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, đồng thời đảm bảo hiệu quả, đúng quy định pháp luật, điều ước quốc tế trong quản lý, sử dụng và khai thác tiêu chuẩn; tăng cường phân cấp, phân quyền, phối hợp giữa các bộ ngành, giữa cơ quan trung ương và địa phương; đổi mới cơ chế, chính sách thu hút, đào tạo nhân lực hoạt động trong hoạt động tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; nâng cao hiệu quả tổ chức, hoạt động của ban kỹ thuật tiêu chuẩn quốc gia.

Báo cáo thẩm tra tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy đề nghị đối chiếu với các luật vừa được Quốc hội thông qua hoặc các dự án luật đang trình Quốc hội xem xét để bảo đảm tính đồng bộ của hệ thống pháp luật; tiếp tục rà soát, đối chiếu với các điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên để bảo đảm tính tương thích.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy trình bày báo cáo thẩm tra. Ảnh: Quochoi.vn

Ông Lê Quang Huy cũng cho biết, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo rà soát, quy định hướng dẫn cụ thể việc xây dựng, thẩm định, ban hành quy chuẩn địa phương phù hợp với thực tế để có thể triển khai được ở các địa phương; quy định rõ thời gian, trình tự các bộ, ngành phải có ý kiến khi địa phương có văn bản đề xuất yêu cầu xây dựng quy chuẩn, hạn chế tình trạng đùn đẩy kéo dài ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội địa phương; quy định thống nhất đơn vị làm đầu mối hướng dẫn triển khai xây dựng quy chuẩn địa phương ở các địa phương để giúp cho công tác hoàn thiện hồ sơ, thủ tục; quy định rõ vai trò của các bộ, ngành trong việc hướng dẫn chuyên môn cho các địa phương trong quá trình xây dựng quy chuẩn địa phương, đặc biệt là các quy chuẩn địa phương có nội dung phức tạp, đòi hỏi chuyên môn sâu, bảo đảm sự thống nhất của hệ thống quy chuẩn Việt Nam, quy chuẩn địa phương, tránh tình trạng bảo hộ, độc quyền sản phẩm của địa phương, gây trở ngại cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp khác bên ngoài.

Thảo luận về dự thảo Luật, quan tâm đến quy chuẩn kỹ thuật địa phương, Trưởng ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thanh Hải cho rằng, việc ban hành quy chuẩn kỹ thuật địa phương gặp nhiều khó khăn liên quan đến trình độ, năng lực và tính cần thiết, do đó cần đánh giá thêm về vấn đề này.

Trưởng ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thanh Hải thảo luận tại phiên họp. Ảnh: Quochoi.vn

Bà Nguyễn Thanh Hải cho biết, hiện chỉ có thành phố Hà Nội ban hành được quy chuẩn kỹ thuật địa phương (Quy chuẩn kỹ thuật về quy hoạch, kiến trúc tại khu vực các quận: Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng), các tỉnh, thành phố khác chưa ban hành được; còn 66 quy chuẩn địa phương khác đã ban hành lại liên quan đến sản phẩm, hàng hóa. “Nên chăng chỉ nên quy định về tiêu chuẩn kỹ thuật cơ sở của địa phương”, bà Nguyễn Thanh Hải nói.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho rằng, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật có ý nghĩa rất quan trọng trong việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế phục vụ cho nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa, nâng cao sức cạnh tranh, tham gia hội nhập vào các thị trường, vào các FTA.

Tại phiên thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho rằng, cần nghiên cứu bổ sung trách nhiệm xây dựng, thẩm định, công bố, thông báo, áp dụng tiêu chuẩn quốc gia; áp dụng trình tự, thủ tục rút gọn, căn cứ xây dựng tiêu chuẩn, ban hành tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia; xây dựng, áp dụng tiêu chuẩn cơ sở của cơ quan nhà nước và doanh nghiệp; xây dựng, thẩm định và ban hành quy chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật địa phương…

TIN LIÊN QUAN