Phát biểu tại chương trình, Phó chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội ông Mạc Quốc Anh cho biết: Chương trình nhằm tôn vinh những cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc trong quá trình sản xuất kinh doanh, tích cực tham gia các hoạt động của Hiệp hội và phong trào an sinh xã hội, và các hoạt động khác nhằm nâng cao tinh thần đoàn kết, năng động, sáng tạo, thi đua sản xuất kinh doanh, chủ động trong hội nhập kinh tế quốc tế; đóng góp vào phát triển kinh tế xã hội của Thủ đô.
Tại chương trình, các đại biểu đã tập trung trao đổi về vai trò văn hoá doanh nghiệp thông tin về những nội dung cơ bản trong thực hiện văn hoá doanh nghiệp, thuận lợi và khó khăn. Các ý kiến cho rằng, văn hóa kinh doanh và đạo đức doanh nhân là yếu tố then chốt tạo nên triết lý kinh doanh, niềm tin của khách hàng và là giá trị cốt lõi để doanh nghiệp xây dựng, giữ gìn, phát triển thương hiệu.
Theo các chủ doanh nghiệp cho rằng: Văn hoá doanh nghiệp và đạo đức kinh doanh có vai trò quan trọng, giúp doanh nghiệp vượt qua thách thức trong một thế giới thay đổi nhanh và khó dự đoán, là yếu tố giúp doanh nghiệp đứng vững trước sự cố. Doanh nhân, với vai trò là người thủ lĩnh của doanh nghiệp chính là chủ thể mang tính hạt nhân quyết định.
Cũng trong thời gian qua, Cộng đồng doanh nghiệp thời gian gia tích cực tham gia công tác an sinh xã hội, góp phần giảm hộ nghèo trên địa bàn thành phố và cam kết sẽ tiếp tục đồng hành với Hà Nội trong việc nâng cao chất lượng cuộc sống người có thu nhập thấp.
Thời gian qua, Quỹ “Vì người nghèo”, Quỹ “Vì biển, đảo Việt Nam” của thành phố đã nhận được sự hỗ trợ tích cực từ nhiều tổ chức doanh nghiệp. TP Hà Nội mong muốn sẽ tiếp tục nhận được sự đồng hành, chung sức của doanh nghiệp, doanh nhân trong việc thực hiện các chính sách an sinh, giảm nghèo bền vững.
Năm 2021, tổng nguồn lực TP Hà Nội dành cho các chính sách đặc thù hỗ trợ giảm nghèo và an sinh xã hội đạt hơn 10.640 tỷ đồng. Mặt trận các cấp thành phố đã tiếp nhận ủng hộ Quỹ Phòng, chống dịch, Quỹ Vaccine thành phố của các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, nhà hảo tâm với tổng kinh phí hơn 1.800 tỷ đồng.
Có thể nhận thấy, công tác giảm nghèo và bảo đảm an sinh xã hội của TP Hà Nội đã ghi nhận nhiều kết quả nổi bật. Bên cạnh sự quan tâm của chính quyền Thủ đô thì các doanh nghiệp trên địa bàn cũng có nhiều đóng góp tích cực cho các công tác này.
Cụ thể đó là kết quả rà soát theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025 cho thấy, TP Hà Nội hiện còn 3.612 hộ nghèo (chiếm tỷ lệ 0,16%) và 30.176 hộ cận nghèo (chiếm tỷ lệ 1,38%), tập trung chủ yếu ở khu vực nông thôn. Trong số các hộ nghèo, hộ cận nghèo hiện nay, có hơn 3.000 hộ gặp khó khăn về nhà ở, cần hỗ trợ để xây mới và sửa chữa nhà.
Bên cạnh đó, các hộ này có nhu cầu được hỗ trợ phương tiện, công cụ lao động, sản xuất, tạo việc làm để có thể vươn lên thoát nghèo. Do vậy, cùng với những chính sách hỗ trợ của thành phố thì rất cần sự chung tay, chia sẻ, giúp đỡ của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và các nhà hảo tâm để sớm giải quyết những khó khăn này.
Theo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP Hà Nội cho biết: Hà Nội luôn sẵn sàng nhận hỗ trợ từ các doanh nghiệp dưới nhiều hình thức khác nhau, để cùng chung tay hỗ trợ người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn cùng vươn lên trong cuộc sống.