Ứng dụng công nghệ, nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm nông nghiệp vì sức khoẻ người dân

(CL&CS) - Xu hướng người tiêu dùng sử dụng các thực phẩm nông sản rau quả an toàn ngày càng cao. Vì vậy, tỉnh Thanh Hóa đang phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao theo chuỗi hướng tới để cung ứng các sản phẩm cho thị trường.

Theo đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp, hỗ trợ các địa phương, đơn vị đẩy mạnh phát triển nông nghiệp công nghệ cao theo hướng thông minh, chính xác, tăng tỷ trọng nông nghiệp công nghệ số trong nền kinh tế; ứng dụng công nghệ số để tự động hóa các quy trình sản xuất, kinh doanh; quản lý, giám sát nguồn gốc, chuỗi cung ứng sản phẩm, bảo đảm minh bạch, chính xác, an toàn, vệ sinh thực phẩm; đồng thời cung cấp thông tin về môi trường, thời tiết, chất lượng đất đai để người dân nâng cao năng suất và chất lượng cây trồng.

Cũng từ đó, người sản xuất có thể kiểm soát được thời gian thu hoạch, giảm chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận. Nhiều cơ sở sản xuất, nông dân đã mạnh dạn ứng dụng chuyển đổi số trong chăm sóc, theo dõi, quản lý bằng công nghệ thông tin qua điện thoại, máy tính, sản phẩm được đăng ký tem, mác, mã số, mã vạch, thuận tiện giao dịch, kết nối tiêu thụ sản phẩm.

Tấp huấn, ứng dụng công nghệ trong sản xuất nông nghiệp tại Thanh Hóa. Ảnh:TTV

Bên cạnh đó, tổ chức các lớp tập huấn nâng cao năng lực về chuyển đổi số cho các hộ sản xuất, kinh doanh nông sản, thực phẩm an toàn trên địa bàn tỉnh.

Thông qua tập huấn, các chủ thể sản xuất được hướng dẫn cách xây dựng mô hình áp dụng công nghệ số trong sản xuất, hệ thống giám sát sản xuất bằng công nghệ thông minh và hướng dẫn cách quảng bá, tiêu thụ sản phẩm trên nền tảng số.

Đồng thời, giải đáp các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử. Nhất là trang bị cho người sản xuất kỹ năng để đẩy mạnh quảng bá, phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm trên không gian mạng, góp phần thúc đẩy chuyển đổi số trong nông nghiệp, nông thôn.

Nhờ triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, đến nay toàn tỉnh có trên 100 doanh nghiệp, 11 hợp tác xã (HTX) và gần 150 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh nông sản, sản phẩm OCOP (One commune one product - mỗi xã/phường một sản phẩm) đã thực hiện áp dụng chuyển đổi số vào công tác quảng bá và bán hàng trên các sàn thương mại điện tử: Tiki, Lazada, Postmart.vn, Voso.vn... với trên 500 sản phẩm khác nhau.

Các sản phẩm đưa lên sàn thương mại điện tử là những sản phẩm nông nghiệp đã được chứng nhận tiêu chuẩn chất lượng, đạt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, trong đó có nhiều sản phẩm đã được chứng nhận đạt tiêu chuẩn OCOP 3 - 5 sao.

Qua đó, các đơn vị đã tìm kiếm, mở rộng được thị trường tiêu thụ cho sản phẩm không chỉ trong tỉnh, trong nước mà còn vươn ra nước ngoài. Ước tính lượng hàng hóa tiêu thụ thông qua nền tảng số đạt khoảng 25 - 30% sản lượng hàng hóa của các đơn vị.

Đơn cử tại huyện Hoằng Hóa, HTX nông nghiệp công nghệ cao Hồng Nhuệ, xã Hoằng Thắng là một trong những HTX đi đầu trong lĩnh vực liên kết sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. HTX đã đầu tư nhà màng 1ha tại xã Hoằng Thắng, huyện Hoằng Hóa và thuê lại 2ha nhà màng tại các huyện: Nông cống, Yên Định, Hậu Lộc để liên kết đầu tư sản xuất luân canh các loại rau, củ, quả quanh năm như: dưa vàng Kim Hoàng hậu, dưa lưới, dưa lê Hàn Quốc, dưa leo baby, cà chua, khoai tây, dâu tây, ớt ngọt…. Tất cả các sản phẩm của HTX được canh tác theo tiêu chuẩn Vietgap.

Các loại cây giống đưa vào thâm canh được nhập khẩu từ các nước: Nhật Bản, Mỹ, Thái Lan. Vì vậy, các sản phẩm rau, củ, quả của HTX luôn đảm bảo về hình thức và chất lượng, được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh yêu thích, tin tưởng sử dụng. Nhờ quy trình ứng dụng công nghệ cao trong canh tác, doanh thu của HTX hàng năm đạt khoảng 2 tỷ đồng, tạo việc làm cho gần 10 lao động.

Bà Lê Thị Nhung, Giám đốc HTX nông nghiệp công nghệ cao Hồng Nhuệ, xã Hoằng Thắng, huyện Hoằng Hóa tỉnh Thanh Hóa cho biết: "Tôi sẽ đầu tư hơn về chế biến sâu cho nông sản, đặc biệt là dòng sản phẩm khoai tây, để ổn định đời sống cho con em HTX cũng như chuỗi liên kết của mình".

Việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong nông nghiệp không chỉ giúp tăng hiệu quả sản xuất mà còn đóng góp vào việc bảo vệ môi trường, sức khỏe của người tiêu dùng và đa dạng hóa sản phẩm nông nghiệp. Đây là xu hướng phát triển không chỉ ở Thanh Hóa mà còn ở nhiều địa phương khác, đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao chất lượng và giá trị của nông sản Việt Nam.

TIN LIÊN QUAN