"Trợ lực" cho sản phẩm công nghiệp nông thôn
Nhiều năm gần đây, bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn là hoạt động thường niên được tỉnh Tuyên Quang tổ chức. Đây là hoạt động có ý nghĩa, nhằm lựa chọn được những sản phẩm công nghiệp nông thôn có chất lượng, giá trị sử dụng để tôn vinh, góp phần tạo động lực mở rộng sản xuất, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường. Đây là một nội dung quan trọng của hoạt động khuyến công; là chủ trương đúng đắn, phù hợp để thúc đẩy phát triển công nghiệp nông thôn.
Thực hiện Kế hoạch số 12/KH-UBND ngày 19/01/2024 của UBDN tỉnh Tuyên Quang về việc tổ chức bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu tỉnh Tuyên Quang năm 2024, Sở Công Thương phối hợp với UBND các huyện, thành phố tuyên truyền, vận động, hướng dẫn các cơ sở công nghiệp nông thôn trên địa bàn đăng ký tham gia bình chọn theo đúng quy định.
Cụ thể, sản phẩm tham gia bình chọn là các sản phẩm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp của các doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật trên địa bàn tỉnh. Các sản phẩm không vi phạm quy định về quyền sở hữu trí tuệ, quyền sở hữu công nghiệp và các quy định khác liên quan đến tiêu chuẩn, quy chuẩn về chất lượng, an toàn lao động, vệ sinh lao động, an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường. Sản phẩm phải có khả năng sản xuất hàng loạt với số lượng lớn, không phải là sản phẩm độc bản, đáp ứng được nhu cầu thị trường. Sản phẩm dự thi được phân thành 4 nhóm gồm: Thủ công mỹ nghệ; chế biến nông, lâm, thủy sản; thiết bị, máy móc, dụng cụ và phụ tùng cơ khí và các sản phẩm khác.
Ông Đàm Xuân Hùng, Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh Tuyên Quang cho biết: Thời gian qua, để phát triển sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, Sở Công Thương đã thực hiện nhiều hoạt động hỗ trợ các cơ sở như: Thiết kế và xây dựng nhãn logo sản phẩm, hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến vào sản xuất, tổ chức các lớp tập huấn nâng cao năng lực quản trị, xây dựng thương hiệu…
Đặc biệt là hỗ trợ các đơn vị sản xuất quảng bá thương hiệu, kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm. Theo đó, các doanh nghiệp, cơ sở đã có cơ hội tham gia nhiều hội nghị, hội chợ triển lãm trong và ngoài tỉnh, sự kiện giao thương trực tuyến và tạo kênh bán hàng trên các sàn thương mại điện tử.
Thông qua hoạt động bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, nhiều sản phẩm có chất lượng, giá trị sử dụng đã được tôn vinh, tạo động lực mở rộng sản xuất, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường. Các sản phẩm được chứng nhận đều là các sản phẩm có thế mạnh, mang nét đặc trưng của địa phương, đạt chất lượng tốt, có giá trị sử dụng cao, có tiềm năng để phát triển sản xuất, mở rộng thị trường, đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng trong và ngoài nước.
Sau khi công nhận các sản phẩm công nghiệp nông thôn cấp tỉnh, các sản phẩm được lựa chọn gửi bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn cấp khu vực, từ đó Bộ Công Thương sẽ lựa chọn sản phẩm tham dự bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp quốc gia.
"Tấm vé thông hành” đưa sản phẩm đến với đông đảo người tiêu dùng
Được chứng nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh đã trở thành “tấm vé thông hành” đưa sản phẩm đến với đông đảo người tiêu dùng.
Trong đợt tham gia trưng bày, giới thiệu sản phẩm tại dịp Khai mạc năm du lịch Tuyên Quang năm 2024 diễn ra từ 27/4-2/5 vừa qua, sản phẩm mật ong của Hợp tác xã mật ong Phong Thổ, (TP. Tuyên Quang) được khách hàng đánh giá cao và chọn mua với số lượng lớn. Hiện nay, Hợp tác xã là một trong những đơn vị có sản phẩm tham gia bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp khu vực năm 2024.
Anh Trần Xuân Phong, Giám đốc Hợp tác xã mật ong Phong Thổ chia sẻ: “Để phát triển thị trường, tìm kiếm khách hàng tiềm năng, chúng tôi thường xuyên tham gia các hội nghị, hội chợ triển lãm trưng bày sản phẩm tại các tỉnh, thành phố. Sau khi được chứng nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh năm 2022, trên bao bì ngoài logo đạt chất lượng OCOP thì có thêm logo chứng nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, khách hàng cũng vì thế mà yên tâm hơn khi sử dụng sản phẩm của hợp tác xã, là cơ sở tạo được thương hiệu khá vững chắc trên thị trường trong và ngoài tỉnh. Thời điểm này, sức tiêu thụ lớn nên hàng sản xuất không kịp để bán. Trung bình mỗi năm, Hợp tác xã đã xuất khoảng 700 - 1.000 tấn mật sang Mỹ, 300 tấn sang thị trường Hàn Quốc, 50 tấn tiêu thụ thị trường trong nước và làm quà biếu.
Hay như đối với sản phẩm trà túi lọc đậu đen xanh lòng Chiêm Hóa của Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ Hồng Phát (Chiêm Hóa), chị Phạm Thị Hồng, người sáng lập ra thương hiệu trà túi lọc đậu đen xanh lòng Hồng Phát bày tỏ, khi mới có sản phẩm chị đem đi chào hàng khắp nơi, mọi người uống thử khen ngon nhưng khi họ xem trên bao bì sản phẩm không thấy được các cơ quan, đơn vị nào đánh giá chất lượng thì lại ái ngại không mua.
“Sau khi trà được bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, người tiêu dùng cảm thấy yên tâm hơn khi sử dụng sản phẩm. Chính vì thế mà sản lượng xuất bán ngày càng nhiều và mang lại hiệu quả thiết thực với chính cơ sở. Dù xây dựng thương hiệu chưa lâu nhưng các sản phẩm của hợp tác xã được người dân nhiều tỉnh, thành phố tin tưởng đón nhận. Doanh thu của hợp tác xã từ năm 2022 đến nay khoảng 4,3 - 4,5 tỷ đồng/năm” - chị Hồng nhấn mạnh.
Theo Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp, Trung tâm đang tích cực phối hợp với các huyện, thành phố tổ chức cho các đơn vị đăng ký tham gia bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh năm 2024. Đồng thời, trên cơ sở những đơn vị có sản phẩm đạt sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu năm 2023, năm nay sẽ lựa chọn các sản phẩm tiêu biểu để tham gia bình chọn sản phẩm nông thôn tiêu biểu cấp khu vực.
Theo đó, tỉnh Tuyên Quang có các đơn vị tham gia bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu Khu vực phía Bắc gồm: Mật ong hương rừng của Hợp tác xã mật ong Phong Thổ, chè xanh Ngọc Thúy nõn của Hợp tác xã Sử Anh, 3 sản phẩm chè Shan tuyết Hồng Thái của Hợp tác xã Sơn Trà (Na Hang), trà túi lọc đậu đen xanh lòng Chiêm Hóa của Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ Hồng Phát (Chiêm Hóa), rượu 9 chum của Công ty TNHH Thương mại và Sản xuất Khánh Xuân (Yên Sơn); mỳ khô Thuật Yến của Hợp tác xã dịch vụ Sản xuất nông nghiệp Thuật Yến (TP. Tuyên Quang).
Việc chứng nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu đã mở ra những cơ hội phát triển mới, khẳng định uy tín, chất lượng, giá trị thương hiệu và tạo chỗ đứng trên thị trường cho các cơ sở sản xuất. Bên cạnh đó, tăng độ nhận diện cũng như uy tín khi đưa sản phẩm đến với người tiêu dùng. Đây cũng là động lực để các cơ sở công nghiệp nông thôn tiếp tục nghiên cứu đầu tư, đổi mới công nghệ, mở rộng quy mô sản xuất và xây dựng thương hiệu sản phẩm.