Truy xuất nguồn gốc sản phẩm: Khẳng định chất lượng nông sản Thái Nguyên

(CL&CS) - Truy xuất nguồn gốc là quá trình quản lý để minh bạch sản phẩm nông sản từ khâu sản xuất (giống, vật tư phân bón, địa điểm sản xuất); sơ chế, chế biến đến khi tiêu thụ sản phẩm ra thị trường. Quản lý truy xuất nguồn gốc là một trong những yêu cầu tất yếu của việc xây dựng các thương hiệu nông sản trong giai đoạn hiện nay.

Để thực hiện tốt quản lý truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông lâm sản, thủy sản, thời gian qua, thực hiện nhiệm vụ được giao, ngành Nông nghiệp và PTNT tỉnh Thái Nguyên đã tập trung chỉ đạo để đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp theo hướng an toàn hữu cơ. Đồng thời cấp mã số vùng trồng cho một số vùng sản xuất trồng trọt tập trung (lúa, chè, cây ăn quả) và được định vị trên hệ thống toàn cầu GPS.

Truy xuất nguồn gốc sản phẩm khẳng định chất lượng nông sản Thái Nguyên 

Ông Vũ Đức Hảo, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Thái Nguyên, thông tin, đến nay, toàn tỉnh có 74 mã số vùng trồng, trong đó có 33 mã xuất khẩu. Cấp mã số vùng trồng có đầy đủ cơ sở dữ liệu từ quá trình sản xuất, quản lý vật tư đầu vào giúp khẳng định chất lượng nông sản, quy mô, sản lượng, địa điểm sản xuất. 

Ngoài ra, Thái Nguyên đã có trên 6.200ha chè, lúa, cây ăn quả, rau và 150 trang trại, cơ sở chăn nuôi được cấp chứng nhận sản xuất an toàn đạt tiêu chuẩn VietGAP; 42 cơ sở được chứng nhận chăn nuôi an toàn dich bệnh; 746 trang trại, cơ sở chăn nuôi lợn, gà an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm; 436 cơ sở được cấp chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm; 62 cơ sở được xác nhận chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn…

Đáng nói, thông qua việc quản lý truy xuất nguồn gốc, nhiều sản phẩm có chất lượng được gắn mã số, mã vạch, tem truy xuất nguồn sử dụng mã QR, có thương hiệu và được kết nối tiêu thụ trên thị trường trong, ngoài tỉnh. Hiện, toàn tỉnh có trên 240 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP từ 3 sao trở lên; trên 150 cơ sở được cấp hỗ trợ trên 6,5 triệu tem truy xuất nguồn gốc gắn mã QR…

Nhằm phục vụ cho truy xuất nguồn gốc, mỗi năm, ngành Nông nghiệp và PTNT phối hợp thanh, kiểm tra trên 1.200 cơ sở sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản; vật tư, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; lấy trên 200 mẫu nông, lâm, thủy sản tại các vùng trồng, chợ truyền thống, chợ đầu mối, siêu thị để kiểm tra chất lượng an toàn thực phẩm (ATTP).

Qua hoạt động kiểm tra, giám sát, hậu kiểm, các cơ quan đã tuyên truyền, hướng dẫn cơ sở từng bước thiết lập hệ thống truy xuất nguồn gốc, lưu trữ hóa đơn, chứng từ, thông tin về nguồn gốc nguyên liệu, quá trình sản xuất, chế biến, theo dõi xuất bán sản phẩm. Từ đó xây dựng và thực hiện các giải pháp hỗ trợ truy xuất nguồn gốc nông sản...

Trên địa bàn tỉnh đang có 28.300 cơ sở sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản. Với nhiều nỗ lực, đến nay, Thái Nguyên đã có 564 cơ sở cơ bản thực hiện được truy xuất nguồn gốc nông sản; hơn 27.700 cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ thuộc trách nhiệm quản lý của cấp xã đã thực hiện ký cam kết về an toàn thực phẩm...

Đặc biệt, ngành Nông nghiệp và PTNT đã xây dựng và triển khai Hệ thống phần mềm quản lý chất lượng nông sản - Thái Nguyên, nhằm đáp ứng được các yêu cầu quản lý, khai thác sử dụng cập nhật sử dụng dữ liệu nông nghiệp… cũng như phục vụ người tiêu dùng giám sát, truy xuất nguồn gốc, chất lượng sản phẩm.

Để thực hiện hiệu quả việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông nghiệp, thời gian tới, tỉnh Thái Nguyên tiếp tục thúc đẩy phát triển các vùng sản xuất nông sản thực phẩm an toàn, mở rộng các vùng sản xuất tập trung, sản phẩm chủ lực của tỉnh kết hợp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ; phát triển chuỗi cung ứng thực phẩm nông lâm sản an toàn, truy xuất được nguồn gốc gắn với xúc tiến thương mại, phát triển thị trường...

TIN LIÊN QUAN