Trong quý đầu năm, xuất khẩu gạo thu về gần 1,21 tỷ USD

(CL&CS)- Theo Bộ Nông nghiệp và Môi trường, trong tháng 3, giá gạo tuy có giảm so với trước đây nhưng xuất khẩu gạo vẫn tăng 54,8% về lượng, tăng 48% về kim ngạch so với tháng 2/2025, đạt 1,08 triệu tấn, thu về hơn 530,5 triệu USD.

Ba tháng đầu năm 2025, giá gạo xuất khẩu bình quân của Việt Nam ước đạt 522,1 USD/tấn, giảm 20,1% so với cùng kỳ năm 2024.

Lũy kế 3 tháng đầu năm xuất khẩu gạo của cả nước đạt 2,3 triệu tấn, thu về gần 1,21 tỷ USD.

Ba tháng đầu năm 2025, giá gạo xuất khẩu bình quân của Việt Nam ước đạt 522,1 USD/tấn, giảm 20,1% so với cùng kỳ năm 2024. Trong quý I, Philippines là thị trường tiêu thụ gạo lớn nhất của Việt Nam với thị phần chiếm 42,1%. Bờ Biển Ngà và Ghana là hai thị trường lớn tiếp theo với thị phần lần lượt là 16,3% và 10,2%.

Đáng chú ý, cơ cấu chủng loại gạo xuất khẩu đang có sự chuyển dịch tích cực, với xu hướng tăng tỷ trọng gạo thơm, Japonica, gạo đặc sản và các sản phẩm gạo có giá trị gia tăng cao.

Để phục hồi đà tăng trưởng, hướng đến mục tiêu kim ngạch xuất khẩu cả năm vượt mốc 5,75 tỷ USD của năm 2024, cần sớm có thay đổi trong sản xuất và định hướng thị trường xuất khẩu.

Chia sẻ tại một hội thảo mới đây, ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Intimex, cho biết xuất khẩu gạo đang trên đà phát triển mạnh mẽ, thể hiện qua số liệu xuất khẩu ấn tượng và định hướng nâng cao giá trị sản phẩm. Việt Nam đang dần chiếm lĩnh các thị trường truyền thống như Philippines, châu Phi nhờ sự khác biệt về chất lượng và giá cả so với các quốc gia xuất khẩu khác.

Việt Nam đặt mục tiêu tiếp tục nâng cao chất lượng và giá trị gạo xuất khẩu, hướng tới việc giảm tỷ trọng gạo trắng phẩm cấp thấp và trung bình, đồng thời tăng tỷ trọng gạo thơm, Japonica, gạo đặc sản. Cụ thể, đến năm 2025, tỷ trọng gạo trắng phẩm cấp thấp và trung bình sẽ giảm xuống không quá 15%, trong khi tỷ trọng gạo thơm, Japonica, gạo đặc sản sẽ tăng lên khoảng 40%.

Đến năm 2030, các mục tiêu này còn tham vọng hơn, với tỷ trọng gạo trắng phẩm cấp thấp và trung bình không quá 10% và tỷ trọng gạo thơm, Japonica, gạo đặc sản khoảng 45%.

Để giải quyết bài toán này, Chủ tịch VFA cho rằng cần cơ cấu tốt giống lúa, thị trường gạo. Việt Nam đặt mục tiêu tiếp tục nâng cao chất lượng và giá trị gạo xuất khẩu, hướng tới việc giảm tỷ trọng gạo trắng phẩm cấp thấp và trung bình, đồng thời tăng tỷ trọng gạo thơm, Japonica, gạo đặc sản.

Cũng theo ông Đỗ Hà Nam, Việt Nam cần tiếp tục nâng cao chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm lúa gạo để tạo ra sự khác biệt trên thị trường thế giới; xây dựng chuỗi giá trị lúa gạo hiệu quả, từ sản xuất đến tiêu thụ, nhằm gia tăng giá trị gia tăng cho nông dân và doanh nghiệp; phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý, doanh nghiệp và nông dân để đảm bảo lợi ích của tất cả các bên liên quan.

Theo Chủ tịch VFA - Đỗ Hà Nam, hiện nay, Việt Nam đang triển khai Đề án "Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030” (gọi tắt Đề án 1 triệu ha lúa). Với những tín hiệu tích cực ban đầu sẽ góp phần tạo được đột phá cho hạt gạo Việt.

Đồng quan điểm về đóng góp của Đề án 1 triệu ha lúa trong việc khẳng định vị thế hạt gạo Việt, ông Nguyễn Anh Phong, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Chính sách Nông nghiệp và Môi trường (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) đề xuất, Đề án 1 triệu ha lúa nên tập trung cho giống cao cấp, chất lượng cao và giống xác nhận đi kèm với làm thương hiệu để giữ chất lượng gạo Việt để tiếp cận cho thị trường cao cấp.

Theo Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngành hàng lúa gạo Việt Nam (Vietrisa) Lê Thanh Tùng, để góp phần hình thành các sản phẩm gạo lúa chất lượng cao, Hiệp hội đang tập trung tham gia thực hiện đề án “Phát triển bền vững một triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030”.

Đồng thời, trong năm 2025, Vietrisa sẽ triển khai xây dựng nhãn hiệu chứng nhận “Gạo Việt xanh phát thải thấp” làm tiền đề cho nhãn hiệu chứng nhận quốc gia “Gạo Việt carbon thấp”. Đây là bước đi mới với kỳ vọng sớm xây dựng được thương hiệu gạo phát thải thấp của Việt Nam, từ đó nâng cao giá trị gia tăng cũng như xác lập chỗ đứng vững chắc cho gạo Việt Nam trên thị trường thế giới.

TIN LIÊN QUAN