Sản xuất nông nghiệp chịu ảnh hưởng nhiều bởi khí hậu, côn trùng, dịch bệnh xâm hại,… dưa lưới cũng như nhiều loại cây khác được trồng theo phương thức truyền thống tại ruộng có năng suất, chất lượng thường bị ảnh hưởng do côn trùng, sương muối gây ra, khiến trái dưa lưới bị nám, dễ sâu bệnh. Để hạn chế những tác nhân này, thời gian qua mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng theo công nghệ cao đã được nhiều nông dân lựa chọn để đầu tư.
Hiện nay, sản phẩm chủ lực của Hoàng Xuân Farm là dưa lê và dưa lưới. Ngoài ra, trang trại còn cung cấp nguyên liệu làm nước ép cô đặc cho thị trường châu Âu. Do nhu cầu thị trường ngày càng lớn, Hoàng Xuân Farm dự kiến thực hiện mô hình hợp tác với các hợp tác xã liên kết. Vào tháng 6/2021, Hoàng Xuân Farm đã được UBND tỉnh Tây Ninh cấp giấy chứng nhận cho sản phẩm dưa lưới đạt OCOP 4 sao, thuộc chương trình "Mỗi xã một sản phẩm".
Mô hình trồng dưa lưới, nâng cao năng suất, đảm bảo chất lượng
Từ năm 2022, Hoàng Xuân Farm bắt tay vào sản xuất dưa lưới thuỷ canh, hướng đến thay thế cho giá thể xơ dừa. Đơn vị áp dụng phương pháp trồng thuỷ canh trên 4 giống cơ bản gồm: dưa Hà Lan vỏ vàng ruột xanh, dưa bạch kim vỏ trắng ruột trắng, dưa Thái vỏ xanh ruột cam, dưa lưới dài vỏ vàng ruột cam. Cả 4 giống này đều đạt năng suất tốt, không thua kém so với trồng xơ dừa.
Giá thể lấy ra sau mỗi vụ sản xuất cũng là một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường mà Farm không xử lý hết được, do số lượng rất nhiều. Do đó, ưu điểm của thuỷ canh dưa lưới là giảm thiểu được giá thể xơ dừa. Ngoài ra, tất cả phân, thuốc bón cho dưa lưới đều được kiểm soát hàm lượng, vì thế khi kiểm định, hàm lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật... của trái dưa đều đạt. Chính điều này mà chất lượng trái dưa lưới được bảo đảm, an toàn cho sức khoẻ người tiêu dùng.
Ban đầu, đơn vị trồng thí điểm trên diện tích nhỏ với khoảng 300 gốc. Qua đó, đơn vị nhận thấy một số giống trồng đạt, một số lại cho năng suất không tốt và phải thử nghiệm rất nhiều lần, đến khi cho ra hiệu quả tốt, giảm được chi phí sản xuất, trái to, độ brix cao... đơn vị mới mạnh dạn đầu tư mở rộng. Qua thời gian đầu thử nghiệm gặp không ít thất bại, đến nay, thành quả mang lại đã ra “trái ngọt”. Hoàng Xuân Farm xây dựng được quy trình kỹ thuật chuẩn và đầu tư sản xuất gần 2 ha dưa lưới thuỷ canh.
Bà Văn Thị Cẩm Lệ chia sẻ: “Thời gian đầu triển khai trồng thuỷ canh trên diện rộng, Farm gặp nhiều khó khăn ở khâu quản lý vì các kỹ sư nông nghiệp ở Farm chưa quen nên vừa phải mày mò học hỏi, vừa rút kinh nghiệm. Ngoài ra, trong nhà kính nhiệt độ rất nóng, sau một thời gian dài nghiên cứu, mình thấy phải thay đổi lại cách tưới, dinh dưỡng để phù hợp với cây dưa lưới”.
Tại Hoàng Xuân Farm, quy trình trồng dưa lưới thuỷ canh trong nhà màng là cây dưa lưới được trồng trong các ống, rễ cây lơ lửng trong khoang chứa dung dịch dinh dưỡng. Dung dịch dinh dưỡng thuỷ canh phải có đầy đủ các nguyên tố cần thiết. Ngoài ra, đơn vị còn tích hợp thêm công nghệ chuyển đổi dữ liệu, để điều khiển sự sinh trưởng phát triển của cây qua điện thoại thông minh có kết nối internet.
Nhờ thành công trong mô hình trồng dưa lưới, trang trại Hoàng Xuân đã trở thành địa điểm học hỏi kinh nghiệm của nhiều người. Quan tâm đến mô hình canh tác nông nghiệp công nghệ cao hiệu quả của bà Cẩm Lệ, chính quyền tỉnh Tây Ninh đã tạo điều kiện để Hoàng Xuân Farm được cấp giấy chứng nhận Global Gap, tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm, cũng như nhân rộng mô hình trong tỉnh. Hoàng Xuân Farm trở thành một điển hình cho phong trào trồng cây an toàn trong tỉnh.