Nông nghiệp hữu cơ với việc không sử dụng hóa chất trong quá trình sản xuất đã đảm bảo sự an toàn của sản phẩm nông nghiệp với sức khỏe con người, bảo vệ môi trường và hệ sinh thái tự nhiên. Vì vậy, nông nghiệp hữu cơ được coi là giải pháp quan trọng để phát triển bền vững, được nhiều quốc gia trên thế giới áp dụng.
Tại Việt Nam, xu hướng sản xuất nông nghiệp hữu cơ đang được doanh nghiệp, người sản xuất và người tiêu dùng quan tâm. Trước thực tế trên, nhiều văn bản quy phạm pháp luật, tiêu chuẩn về nông nghiệp hữu cơ đã được ban hành nhằm hỗ trợ hoạt động sản xuất, chế biến sản phẩm hữu cơ.
Tiêu chuẩn quốc gia về nông nghiệp hữu cơ cơ bản hài hòa nội dung với các tiêu chuẩn quốc tế, khu vực. Ảnh minh họa.
Từ năm 2017 đến nay, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã tham gia, phối hợp cùng các bộ, ngành, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân liên quan xây dựng và công bố 8 TCVN về nông nghiệp hữu cơ, bao gồm TCVN 11041-1:2017 về yêu cầu chung đối với sản xuất, chế biến và ghi nhãn sản phẩm nông nghiệp hữu cơ; TCVN 11041-2:2017 về trồng trọt hữu cơ; TCVN 11041-3:2017 về chăn nuôi hữu cơ; TCVN 12134:2017 về yêu cầu đối với tổ chức chứng nhận sản phẩm nông nghiệp hữu cơ.
Đối với một số sản phẩm nông nghiệp hữu cơ đặc thù mang tính chủ lực của nền kinh tế, hiện đang có hoạt động sản xuất hữu cơ, Bộ KH&CN cũng công bố bổ sung thêm một số TCVN đặc biệt gồm TCVN 11041-5:2018 về gạo hữu cơ, TCVN 11041-6:2018 về chè hữu cơ, TCVN 11041-7:2018 về sữa hữu cơ, TCVN 11041-8:2018 về tôm hữu cơ.
Nhóm TCVN này được đánh giá là phù hợp với thực tế tại Việt Nam và cơ bản hài hòa nội dung với các tiêu chuẩn quốc tế, khu vực. Cụ thể, trong TCVN 11041-2 về trồng trọt hữu cơ, Việt Nam khuyến khích người nông dân sử dụng phân chuồng từ cơ sở chăn nuôi hữu cơ để bón cho cây trồng của chính cơ sở đó. Trong khi đó, TCVN 11041-3 về chăn nuôi hữu cơ yêu cầu cơ sở chăn nuôi phải tự cung cấp tối thiểu 50% lượng thức ăn chăn nuôi (tính theo chất khô), bao gồm cả thức ăn từ các đồng cỏ tự nhiên lân cận hoặc thức ăn được liên kết sản xuất với cơ sở sản xuất hữu cơ khác trong khu vực. Đây cũng là yêu cầu then chốt được nêu trong các tiêu chuẩn hữu cơ trên thế giới như tiêu chuẩn của Liên đoàn Quốc tế các Phong trào Nông nghiệp Hữu cơ (IFOAM), Trung Quốc, Liên minh châu Âu (EU)…
Hay theo yêu cầu của IFOAM, các tiêu chuẩn hữu cơ cần hạn chế sử dụng vật tư đầu vào gây hại trong sản xuất nông nghiệp, hạn chế nguy cơ ô nhiễm. Việt Nam đã kịp thời nắm bắt các yêu cầu này và quy định tại Điều 5.1.6 của TCVN 11041-1: “Trong sản xuất hữu cơ, phải hạn chế tối đa việc sử dụng vật tư, nguyên liệu đầu vào là chất tổng hợp trong tất cả giai đoạn sản xuất, sơ chế, chế biến, bao gói, bảo quản, vận chuyển, phân phối; không được để người và môi trường xung quanh phơi nhiễm với hóa chất độc hại; giảm thiểu ô nhiễm từ các hoạt động sản xuất, chế biến đến cơ sở và môi trường xung quanh. Phải có biện pháp phòng ngừa trong trường hợp sự cố ô nhiễm có thể ảnh hưởng đến tính toàn vẹn hữu cơ của chuỗi cung ứng”.
Giới chuyên gia đánh giá, các TCVN công bố có sự hài hòa cao với tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực, góp phần hỗ trợ đắc lực cho việc phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên trong thời gian tới, để tiếp tục thu hẹp khoảng cách tỷ lệ hài hòa giữa hệ thống tiêu chuẩn Việt Nam với quốc tế, đẩy mạnh năng lượng xanh trong sản xuất nông nghiệp, Việt Nam cần thúc đẩy nhanh quá trình xã hội hóa trong xây dựng tiêu chuẩn, từ công đoạn lập quy hoạch, kế hoạch cho đến soạn thảo, công bố và phát hành.
Do vậy, vai trò của doanh nghiệp trong các khâu rất quan trọng, kể từ khi xây dựng cho đến thực thi tiêu chuẩn. Đồng thời, các cơ quan quản lý nhà nước cần rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách liên quan đến hệ thống tiêu chuẩn quốc gia, nhằm thực thi hiệu quả các tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ quốc tế; tận dụng cơ hội phòng ngừa, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó, cần tăng cường tham gia vào hoạt động của các tổ chức tiêu chuẩn quốc tế, phát triển quan hệ song phương với tổ chức tiêu chuẩn của các quốc gia trên thế giới.
Được biết, cùng với trồng trọt và chăn nuôi thì nuôi trồng thủy sản hữu cơ cũng là lĩnh vực được quan tâm. Với bờ biển dài 3.260 km và diện tích mặt nước khoảng 1 triệu km2, Việt Nam có tiềm năng để phát triển ngành rong biển. Việc nuôi trồng rong biển hữu cơ cũng là hướng đi tiềm năng. TCVN 11041-3:2023 về rong biển hữu cơ đã được đề xuất xây dựng để hỗ trợ hướng sản xuất này.
Ngày 07/03/2023, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành Quyết định số 317/QĐ-BKHCN về việc công bố 05 tiêu chuẩn quốc gia thuộc bộ tiêu chuẩn quốc gia TCVN 11041 (các phần từ Phần 09 đến Phần 13) đối với mật ong hữu cơ, rong biển hữu cơ, nấm hữu cơ, rau mầm hữu cơ và đối với hoạt động trồng trọt hữu cơ trong nhà màng, thùng chứa.