Tiêu chuẩn nào cho thủy điện để bớt lũ lụt?

(CL&CS) - Chủ đầu tư và những người có trách nhiệm lý giải rằng họ xả lũ đúng quy trình, còn dư luận vẫn đặt câu hỏi đúng quy trình, sao thiệt hại lại kinh khủng quá vậy?

Những trận lũ lụt kinh hoàng đanh hoành hành Bắc Trung bộ lại gọi tên mạng lưới thủy điện dày đặc ở đây. Tại khu vực thủy điện Rào Trăng 3 (Thừa Thiên-Huế), nơi mà 13 CBCS vào cứu hộ gặp nạn mất tích đến chiều 14/10 vẫn chưa tìm thấy và 3 công nhân đã thiệt mạng do sạt lở vùi lấp, có đến 3 thủy điện nhỏ cách nhau trong vòng 15km! Cho đến giờ, vẫn đang quá trình tiếp cận nên chưa ai có thể biết rằng 3 thủy điện ấy được xây trong Khu bảo tồn thiên nhiên (BTTN) Phong Điền có đảm bảo quy định hay không nhưng tai họa đã xảy ra.

Từ năm 2012, việc thủy điện chiếm chỗ của rừng đã được nhiều giới cảnh báo.Tiến sĩ Đào Trọng Hưng, thành viên Mạng lưới sông ngòi VN nói vào thời điểm ấy: “Đến nay có 119 thủy điện liên quan đến 47 khu rừng đặc dụng, mỗi khu bảo tồn của vườn quốc gia "cõng" 2,5 dự án thủy điện. Vườn quốc gia của khu BTTN có nhiều dự án là Cát Tiên (6 dự án), Hoàng Liên (6 dự án). Phần đất đẹp, tốt đã bị lấy hết làm thủy điện, người dân bị đẩy vào chỗ khô cằn, không thể gieo trồng được”.

Nếu được khảo sát kỹ, xây dựng và vận hành đúng thì hồ thủy điện đều có đóng góp rất lớn về mặt giảm lũ, chống lũ. Theo các chuyên gia, mỗi khi lập dự án hồ đều có nhiệm vụ điều tiết nước, giảm lũ hạ lưu mùa mưa và tăng mực nước mùa kiệt. Càng có nhiều hồ chứa trên một dòng sông thì khả năng giảm lũ càng lớn. Trường hợp hồ thủy điện gây nên lũ chỉ xảy ra khi lập quy trình, hoặc vận hành sai quy trình…

Theo một nghiên cứu của Hiệp hội năng lượng Việt Nam thì rừng đầu nguồn bị xâm hại nghiêm trọng mới chính là một trong những nguyên nhân quan trọng gây lũ lụt, chứ không phải tại các hồ thủy điện. Nhưng làm thế nào để vừa xây thủy điện đúng các quy định, đảm bảo môi trường mà rừng đầu nguồn không bị xâm hại thì đến nay vẫn chưa có câu trả lời thỏa đáng. Bằng chứng rõ nhất là lũ dữ ngày càng khủng khiếp và thiệt hại ngày một kinh hoàng.

Theo thống kê của Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN và PTNT), chỉ trong hơn 5 năm (từ 2012 -2017), diện tích rừng tự nhiên đã bị mất do chặt phá rừng trái pháp luật chiếm 11%, 89% còn lại do chuyển mục đích sử dụng rừng tại những dự án được duyệt. Chưa có con số thống kê dự án thủy điện lấy mất bao nhiêu đất rừng nhưng chắc chắn đó không phải là con số nhỏ khi chỉ 4 dự án thủy điện ở khu vực đang tìm kiếm 13 CBCS ở Phong Điền đã phải “chuyển đổi mục đích sử dụng” 200 ha rừng, chưa kể mất do mở đường!?

Trong một nghiên cứu của Quỹ Châu Á, 20 năm qua, Việt Nam là một trong 5 nước có rủi ro thiên tai lớn nhất toàn cầu, với mức thiệt hại ước tính chiếm đến 1,5% GDP hàng năm. Bên cạnh đó là các hiện tượng hạn hán, xâm nhập mặn, sạt lở đất… đã và đang gây trở ngại cho sự phát triển của đất nước. Trên thực tế, rừng vẫn đang bị tàn phá, làm suy giảm cả về số lượng lẫn chất lượng. Mất rừng là mất nơi trú ẩn, sinh cảnh của các loài động thực vật, mất đi các nguồn gen quý, gây lũ lụt và xói lở đầu nguồn…

Năm 2017, tỉnh Đắk Lắk loại bỏ 17 dự án thủy điện vừa và nhỏ, tổng công suất 27,4 MW, 69 vị trí tiềm năng có tổng công suất 117 MW do chiếm quá nhiều đất rừng và có thể gây nguy nhiểm cho hạ lưu. Sau đó nhiều tỉnh thành khác cũng rà soát lại và hạn chế thủy điện.

Tuy nhiên cho đến nay, những bức xúc và nghi ngờ về việc thủy điện xả lũ gây lụt nặng, thiệt hại kinh khủng và đòi hỏi phải có những tiêu chuẩn nghiêm ngặt hơn nữa cho việc xây dựng thủy điện vẫn khá nhiều. Hy vọng sau đợt lũ lụt kinh hoàng này thì dư luận sẽ có câu trả lời thỏa đáng hơn.

TIN LIÊN QUAN