Hiểu về các tiêu chuẩn trong sản xuất sẽ giúp doanh nghiệp định hướng rõ hệ thống các tiêu chuẩn sẽ áp dụng trong quá trình sản xuất, sử dụng đúng tiêu chuẩn, tiết kiệm được nhiều thời gian và công sức trong quá trình vận hành sản xuất. Các tiêu chuẩn đóng vai trò lớn trong tăng trưởng kinh tế trên toàn cầu. 80% giao dịch hàng hóa toàn cầu bị ảnh hưởng bởi tiêu chuẩn và bởi quy định thể hiện các tiêu chuẩn.
Dựa trên một nghiên cứu của Vương quốc Anh xuất bản năm 2005, các tiêu chuẩn đóng góp 2,5 tỷ hàng năm cho nền kinh tế Anh và 13% tăng trưởng năng suất lao động được quy cho vai trò của tiêu chuẩn.
Một nghiên cứu về lợi ích kinh tế của tiêu chuẩn hóa thực hiện bởi Viện Tiêu chuẩn hóa Đức (DIN, German Institute for Standardization) và Bộ Kinh tế và Công nghệ Liên bang Đức (German Federal Ministry of Economic Affairs and Technology) từ 1997- 2000, dựa trên 700 doanh nghiệp cho thấy, lợi ích của tiêu chuẩn đối với nền kinh tế quốc gia là hơn 15 tỷ USD mỗi năm. Họ cũng nhận thấy rằng các doanh nghiệp tham gia phát triển tiêu chuẩn đã vượt các đối thủ cạnh tranh trong việc thích ứng nhu cầu thị trường và công nghệ mới.
Tiêu chuẩn là yếu tố quyết định chính cho sản xuất. Tổng số tiêu chuẩn trong lĩnh vực sản xuất là rất lớn. Các tiêu chuẩn cung cấp định nghĩa dữ liệu, mô hình chi tiết về mối quan hệ thông tin và yêu cầu kỹ thuật đối với các giao thức giao diện cho cả ba vòng đời: vòng đời sản phẩm, vòng đời hệ thống sản xuất và chu trình kinh doanh.
Tiêu chuẩn hỗ trợ thiết kế, quản lý sản phẩm, thiết kế, vận hành hệ thống sản xuất và tích hợp vào chuỗi giá trị kinh doanh. Đây là cơ sở để thông tin có thể truyền qua các cấp độ kiểm soát sản xuất và giữa đối tác trong doanh nghiệp sản xuất (bao gồm các nhà cung cấp phần mềm và nhà cung cấp thiết bị…). Các tiêu chuẩn cho phép phân tách rõ ràng mối quan tâm giữa các bên tham gia, giúp giảm chi phí và tăng độ tin cậy, hiệu quả.
Sản xuất đạt chuẩn các chỉ số sản xuất giúp doanh nghiệp phát triển sản xuất, cung cấp hàng hóa và dịch vụ hiệu quả, an toàn và bền vững hơn. Đổi mới công nghệ cùng với xu thế mới về phát triển kinh tế trên thế giới đang tạo ra mối quan tâm về tiêu chuẩn sản xuất thông minh. Nhiều quốc gia trên thế giới đều nhận định sản xuất thông minh sẽ là yếu tố quan trọng, đóng góp chính cho tăng trưởng GDP và khả năng cạnh tranh quốc gia trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0.
Một số quốc gia đã đưa ra các sáng kiến, dự án và chương trình thúc đẩy sản xuất thông minh như: Industrie 4.0 (Đức); Manufacturing USA (Mỹ); Made in China 2025 (Trung Quốc); Manufacturing Innovation 3.0 (Hàn Quốc); Industrie du Futur (Pháp)... Anh, Thụy Điển, Nhật Bản, Ấn Độ và nhiều quốc gia khác cũng có những nỗ lực cụ thể để khởi động các chương trình, chiến lược thúc đẩy sản xuất thông minh.
Một điểm chung của các dự án, chương trình này là việc xác định vai trò quan trọng của sản xuất thông minh trong việc hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi sản xuất kỹ thuật số, cải thiện thời gian đưa sản phẩm ra thị trường, giảm hàng tồn kho và nâng cao năng suất của doanh nghiệp.
Để triển khai các sáng kiến, dự án và chương trình thúc đẩy sản xuất thông minh, các quốc gia đều có kế hoạch sửa đổi, bổ sung nội dung của các tiêu chuẩn hiện có, xây dựng và áp dụng tiêu chuẩn mới phù hợp với phương thức sản xuất mới. Các tiêu chuẩn sản xuất thông minh có vai trò kết nối quy trình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trong chuỗi giá trị toàn cầu, đồng thời tạo “sân chơi công bằng” cho doanh nghiệp vừa và nhỏ với doanh nghiệp, tập đoàn công nghiệp lớn hơn.
Trong bối cảnh hiện nay, khi các tiêu chuẩn mới về sản xuất thông minh chưa được xây dựng, doanh nghiệp đã áp dụng các tiêu chuẩn hiện có một cách tốt nhất; đồng thời phối hợp với các tổ chức xây dựng tiêu chuẩn (Standards Developing Organizations, SDOs) thu hẹp “khoảng trống” giữa các tiêu chuẩn hiện có và các tiêu chuẩn mới về sản xuất thông minh. Căn cứ tình hình thực tế, các tổ chức xây dựng tiêu chuẩn hàng đầu như IEEE, IEC, ISO, ITU và ISA đang phát triển các tiêu chuẩn cho sản xuất thông minh.
Xây dựng và phát triển tiêu chuẩn sản xuất thông minh sẽ định hướng cho sự phát triển công nghệ trong tương lai. Bên cạnh lợi ích cho các ngành, lĩnh vực công nghiệp, việc xây dựng và phát triển tiêu chuẩn sản xuất thông minh sẽ tạo ảnh hưởng, nâng cao danh tiếng cho các quốc gia, doanh nghiệp; giảm thiểu rủi ro tiềm ẩn do việc áp dụng tiêu chuẩn “lạc hậu”.
Chiến lược phát triển sản xuất kỹ thuật số và xu thế kết nối dữ liệu toàn cầu trong doanh nghiệp sẽ là yếu tố thúc đẩy việc xây dựng tiêu chuẩn quốc tế về sản xuất thông minh. Tuy nhiên, nếu chỉ tập trung vào quan điểm của một quốc gia sẽ dẫn đến góc nhìn hạn chế về sản xuất thông minh. Do đó, để tiêu chuẩn quốc tế về sản xuất thông minh có tính tác động toàn cầu, việc xây dựng tiêu chuẩn quốc tế về sản xuất thông minh cần được tiếp cận trên quan điểm và thực tiễn đầy đủ về xu hướng sản xuất thông minh của các quốc gia trên thế giới.