Tiềm năng từ mô hình trồng rau bắp cải cho năng suất cao, chất lượng an toàn

(CL&CS) - Sản xuất rau an toàn đang là một trong những hướng đi được bà con nhân dân và các hợp tác xã ở tỉnh Sơn La lựa chọn làm mũi nhọn trong phát triển kinh tế. Cùng với đó, việc đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất, bảo quản chất lượng rau sau thu hoạch đang được các hợp tác xã quan tâm, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.

Tăng năng suất thu hoạch

Do thời tiết thuận lợi, từ đầu năm đến nay nhiều nông hộ trồng rau bắp cải ở xã Vân Hồ đều xanh mơn mởn, cây rau bắp cải nào cũng to và mẫu mã đẹp. Tại bản Hang Trùng 1, có nhiều hộ chuyên trồng rau bắp cải với diện tích đến hàng chục hecta. Đây là một trong những bản trồng rau bắp cải chủ lực của toàn xã, cung cấp lượng rau lớn ở hai huyện Mộc Châu và Vân Hồ.

Người dân vui mừng thu hoạch bắp cải đạt năng suất cao (ảnh Hà Hoàng)

Trong niềm vui, phấn khởi thu hoạch nhữn luống bắp cải xanh, to, căng tròn, bà Đinh Thị Huyền, bản Hang Trùng 1 cho biết, hiện giá bắp cải trên thị trường dao động từ 9.000 - 12.000 đồng/kg. Do rau được mùa nên thu hoạch đến đâu các tiểu thương thu mua hết đến đó, giá cả tăng hơn so với đầu năm.

Theo bà Huyền, trong quá trình chăm sóc, gia đình đã áp dụng phương pháp trồng rau an toàn. Tuyệt đối không sử dụng phân hóa học, không phun thuốc trừ sâu mà chỉ bón phân hữu cơ, vun đất, làm cỏ để kích thích sự sinh trưởng của cây, góp phần tăng năng suất thu hoạch cho cây. Nhờ vậy, vựa rau nào của gia đình đến vụ thu hoạch đều được người tiêu dùng đón nhận. Rau của gia đình bà bán ra thị trường đều ổn định.

Nhờ điều kiện thời tiết ở Vân Hồ mát mẻ quanh năm, phù hợp cho phát triển nông nghiệp và rau ngắn ngày. Lứa gieo hạt rau nào cũng mọc tươi tốt, ít bị sâu bệnh hoặc còi cọc. Để tạo thuận lợi cho việc chăm sóc, tăng năng suất cây trồng, bà Huyền dựng nhà lưới mái vòm trên khu trồng rau, rồi tập trung bón thúc nên rau phát triển. Khi trời chuyển mùa thì tháo khung lưới mái vòm ra để tiện lợi cho việc canh tác.

Với kinh nghiệm nhiều năm sản xuất rau xanh, HTX rau an toàn An Tâm, ở bản An Thái, xã Mường Sang, huyện Mộc Châu đã chủ động phương án sản xuất trong điều kiện khí hậu, thời tiết nắng nóng, mưa nhiều. Hiện nay, HTX có 18 thành viên, sản xuất 10 ha rau, trong đó có 8 ha đạt tiêu chuẩn VietGAP. HTX đã xây dựng chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ, đảm bảo đầu ra sản phẩm, tăng thu nhập cho thành viên.

Ông Hà Văn Tiến, Giám đốc HTX hữu cơ Mộc Vân Trang, chia sẻ: Nhờ thực hiện đúng các biện pháp kỹ thuật trồng, sản phẩm rau, củ, quả của HTX luôn được thị trường đón nhận. Hiện nay, 1,5 ha trồng ớt ngọt và ớt Palermo trong nhà kính của HTX đang cho thu hoạch, sản lượng đạt 4-5 tạ/ngày, giá 25-30.000 đồng/kg; còn 3ha dưa chuột mỗi ngày cho thu hoạch từ 1-1,5 tấn, giá bán 7-13 nghìn đồng/kg. Toàn bộ sản phẩm của HTX được xuất bán về các nhà hàng, siêu thị ở Hà Nội và một số tỉnh, thành phố lân cận.

Nhờ áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật 

Chủ tịch UBND huyện Vân Hồ, ông Nguyễn Thế Phương cho biết, nhờ áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trồng rau cải bắp theo hướng sạch, an toàn, lựa chọn những loại cây rau ngắn ngày cho năng suất cao, nên thời gian qua có nhiều hộ gia đình tại xã Vân Hồ đã có kinh tế khá giả.

Đời sống vật chất của người dân nơi đây đã không ngừng được tăng lên. Nhiều hộ đã thoát nghèo và có thu nhập ổn định từ trồng rau ngắn ngày. Tới đây, huyện sẽ đẩy mạnh mô hình trồng rau sạch trên toàn xã, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, ông Phương cho biết. 

 Bắp cải là loại rau chủ lực trong vụ đông được người tiêu dùng ưa chuộng vì dễ ăn, dễ chế biến; là loại rau chứa nhiều loại Vitamin và các chất chống oxy hóa tự nhiên… tốt cho sức khỏe. Hiện nay, bên cạnh sản xuất theo phương pháp truyền thống, các hộ dân đã chú trọng đầu tư xây dựng nhà màng, nhà lưới để tránh côn trùng, tạo ra môi trường thích hợp cho cây trồng phát triển; đồng thời, áp dụng khoa học - kỹ thuật, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP.

Ông Trần Xuân Thành, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Mộc Châu, thông tin: Phòng tiếp tục phối hợp với các cơ quan, đơn vị chuyên môn mở các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật trồng rau sạch, an toàn cho nông dân; đặc biệt là áp dụng các tiêu chuẩn trồng rau an toàn trong nhà lưới, trồng theo hướng hữu cơ, tiêu chuẩn VietGAP, phát triển các loại rau sạch, chất lượng cao, phù hợp với nhu cầu thị trường.

Trong 6 tháng đầu năm 2024, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sơn La đã cấp 05 giấy xác nhận sản phẩm chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn nâng tổng số lên 285 chuỗi, trong đó: 38 chuỗi rau an toàn, 178 chuỗi quả an toàn, 05 chuỗi cà phê, 10 chuỗi chè, 02 chuỗi gạo, 05 chuỗi thịt lợn, 03 chuỗi thịt gà an toàn, 07 chuỗi mật ong an toàn, 21 chuỗi thủy sản; 02 chuỗi thịt hun khói với sản lượng 3 tấn/năm; 11 chuỗi chế biến nông sản, thuỷ sản an toàn; 01 chuỗi Đông trùng hạ thảo.

UBND huyện, thành phố đã và đang tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp tốt VietGAP, hỗ trợ mua bao bì, tem nhãn, giới thiệu quảng bá xúc tiến thương mại, hỗ trợ đầu tư chế biến nông sản trong năm 2024. Phấn đấu đến hết năm 2024 toàn tỉnh đạt 308 chuỗi cung ứng nông sản, thủy sản an toàn theo chỉ tiêu Kế hoạch số 214/KH-UBND ngày 06/9/2023 của UBND tỉnh.

Tập trung phát triển vùng nguyên liệu phục vụ các nhà máy, cơ sở chế biến nông sản trên địa bàn tỉnh, hiện nay vùng nguyên liệu phục vụ cung cấp cho Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao, chi nhánh Sơn La đạt 782,8 ha; Công ty TNHH IC FOOD Sơn La ký hợp đồng liên kết, sản xuất thu mua 1.094 tấn nguyên liệu; Công ty cổ phần Nafoods Tây Bắc thu mua chanh leo từ đầu năm để chế biến đạt trên 300 tấn. Tiếp tục tập trung phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý bảo hộ các sản phẩm nông sản được tỉnh quan tâm triển khai thực hiện, tính đến nay có 28 sản phẩm nông sản trên địa bàn tỉnh được cấp văn bằng bảo hộ. Trong đó có 03 sản phẩm được bảo hộ dưới hình thức chỉ dẫn địa lý; 22 sản phẩm nông sản được bảo hộ dưới hình thức nhãn hiệu chứng nhận; 03 sản phẩm được bảo hộ dưới hình thức nhãn hiệu tập thể.

Hiện nay trên địa bàn toàn tỉnh có 101 cơ sở áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt VietGAP, GlobalGAP còn hiệu lực, gồm: 99 cơ sở trồng trọt (rau, củ, cây ăn quả, chè, cà phê) với tổng diện tích 2.229,59 ha, sản lượng 38.8437,56 tấn/năm; 01 cơ sở nuôi thủy sản thương phẩm với quy mô 30 lồng nuôi cá, sản lượng 100 tấn/năm; 01 cơ sở chăn nuôi gia cầm với quy mô 30.000 con, sản lượng 45 tấn.

Nhu cầu của người tiêu dùng về rau sạch ngày càng cao, nhất là nhu cầu về nguồn cung cho bếp ăn tập thể của các công ty, bệnh viện, trường học, nhà hàng... mở ra thị trường tiềm năng cho các đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân mở rộng, phát triển sản xuất. Để nhân rộng các mô hình sản xuất rau an toàn tại các địa phương, các cấp, các ngành cần có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, đơn vị và các hộ nông dân sản xuất rau an toàn; tích cực ứng dụng, chuyển giao KH&CN trong sản xuất rau an toàn, góp phần tạo nguồn sản phẩm rau sạch hàng hóa đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Việc ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất, bảo quản rau trên địa bàn tỉnh Sơn La đã tạo nguồn nông sản hàng hóa sạch, tăng sức cạnh tranh trên thị trường. Từ đó, góp phần nâng cao giá trị kinh tế và phát triển sản phẩm rau an toàn theo hướng bền vững.

TIN LIÊN QUAN