Thiếu “đầu tàu” dẫn dắt doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

(CL&CS) - Việt Nam mới chỉ có khoảng dưới 50 doanh nghiệp được công nhận là “doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao”, dưới 300 doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Đây là những con số còn khiêm tốn trong bối cảnh nông sản Việt cần gia tăng giá trị khi bước ra thị trường quốc tế.

Ứng dụng công nghệ trong chăn nuôi, sản xuất sữa của Tập đoàn TH. Ảnh: TH

Thiếu đất, thiếu vốn... cản trở doanh nghiệp

Chia sẻ tại Diễn đàn nông nghiệp 2024 được tổ chức mới đây, ông Đặng Kim Sơn, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cho biết, lực lượng chủ lực trong sản xuất, kinh doanh nông lâm ngư nghiệp ở Việt Nam là khoảng 10 triệu hộ nông dân nhỏ lẻ và vài triệu hộ kinh doanh nông nghiệp, trong đó, chưa tới 3% tổng số doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Nói về những lợi ích của ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp, ông Ngô Minh Hải, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn TH cho hay, Tập đoàn đã đầu tư bài bản những thành tựu khoa học công nghệ tiên tiến hàng đầu của thế giới về Việt Nam, áp dụng đồng bộ và xuyên suốt trong mọi quy trình sản xuất khép kín. Nhà máy sản xuất sữa tươi sạch TH true MILK ngay từ khi thành lập đã được trang bị công nghệ hiện đại, hiện đã đạt năng lực sản xuất 1 triệu lít/ngày - kỷ lục trong ngành sữa Việt Nam và thế giới…

Còn theo báo cáo tài chính quý 2/2024 của Công ty Cổ phần Nông nghiệp Trường Hải (Thaco Agri), lợi nhuận sau thuế trong 6 tháng đầu năm 2024 đạt gần 4,9 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước lỗ gần 383 tỷ đồng. Công ty này hiện có chiến lược đầu tư nông nghiệp quy mô lớn trên diện tích hơn 84.000 ha tại 3 nước Việt Nam, Lào, Campuchia, qua đó thực hiện mục tiêu nâng sản lượng xuất khẩu chuối lên 260.000 tấn, thu hoạch mủ cao su với sản lượng dự kiến 14.400 tấn, nâng đàn bò đến cuối năm lên 151.500 con, tổ chức chăn nuôi heo với tổng đàn 136.600 con.

Tại Hội nghị triển khai kế hoạch hoạt động và quản trị 6 tháng cuối năm 2024 mới đây, ông Trần Bá Dương, Chủ tịch HĐQT Thaco cho rằng, Thaco Agri cần đáp ứng việc tích hợp tuần hoàn là cốt lõi của sản xuất nông nghiệp. Trong sản xuất trồng trọt hay chăn nuôi đều phải triển khai đồng bộ về xây dựng, cơ giới, công nghiệp, đầu tư, nhân sự, bộ máy...

Nhưng có thể thấy, 2 doanh nghiệp tiêu biểu như trên đều là những tập đoàn lớn, mạnh về tài chính, trong khi đa phần doanh nghiệp nông nghiệp nước ta còn quy mô nhỏ và siêu nhỏ, thậm chí đa phần là hợp tác xã, hộ gia đình... Vì thế, nhiều khó khăn đang cản trở sự phát triển của các doanh nghiệp ứng dụng khoa học công nghệ như: thiếu quỹ đất để tổ chức sản xuất trên quy mô lớn; thiếu vốn để đầu tư; thiếu gắn bó và hỗ trợ của các viện, trường, cơ quan nghiên cứu; thiếu thông tin và nguồn cung cấp công nghệ; thiếu lực lượng chuyên gia tư vấn có năng lực… trong khi thị trường quốc tế đang đặt ra yêu cầu ngày càng cao và khắt khe với sản phẩm nông sản nhập khẩu.

Tăng cường liên kết với cơ chế đủ mạnh

Để đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp, ông Đặng Kim Sơn cho rằng phải có giải pháp để những tập đoàn, doanh nghiệp lớn đang ứng dụng công nghệ cao mở rộng quy mô sản xuất, trở thành hạt nhân lan tỏa và hỗ trợ áp dụng khoa học công nghệ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ cùng với các hợp tác xã và toàn thể nông dân. Từ đó, ông Sơn đề xuất hình thành các khu nông nghiệp công nghệ cao, vùng nông nghiệp công nghệ cao gắn với các vùng chuyên canh của các nông sản chủ lực.

Ông Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cũng cho rằng đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp cần có sự tham gia của các tập đoàn, đặc biệt là các “đầu tàu” dẫn dắt trong nông nghiệp để giúp chia sẻ kiến thức, cho các doanh nghiệp ngành nông nghiệp…

Ngoài ra, theo ông Hà Văn Thắng, Chủ tịch Hội đồng doanh nghiệp Nông nghiệp Việt Nam (VCAC), hợp tác đầu tư phát triển nông nghiệp là quá trình thay đổi mô hình hoạt động đơn lập thành mô hình tích hợp, lấy khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo làm nền tảng, ứng dụng các tiến bộ khoa học và công nghệ vào tất cả các hoạt động sản xuất kinh doanh nông nghiệp. Hiện nay, 63 tỉnh, thành trên cả nước đều có các trung tâm, tổ chức, doanh nghiệp khoa học thuộc Nhà nước. Nhiều trung tâm đã được đầu tư rất lớn thiết bị và công nghệ hiện đại nhưng hầu hết không phát huy được các nguồn lực sẵn có vì thiếu căn cứ pháp lý để thực hiện hoạt động hợp tác, liên kết với các tổ chức và cá nhân trong và ngoài nước, gây lãng phí nguồn lực rất lớn.

Vì thế, ông Hà Văn Thắng kiến nghị các doanh nghiệp cần tăng cường bắt tay nhau, hợp tác liên kết chặt chẽ và bền vững thông qua các mô hình điểm, mô hình dẫn dắt, mô hình có hiệu quả cao. Nhưng đồng thời, các cơ quan quản lý cần sớm ban hành các quy định đủ mạnh để có một khuôn khổ pháp lý cho các mô hình kinh tế mới, kinh tế xanh và kinh tế tuần hoàn theo hướng đi mới. Bởi theo ông Thắng, các mô hình hợp tác phát triển và đổi mới sáng tạo cần được cho phép thực hiện theo hình thức thử nghiệm, thí điểm theo cơ chế mở, không bị chi phối bởi các quy định cũ trên nguyên tắc chỉ làm những gì pháp luật không cấm.

Hiện Việt Nam đã nằm trong nhóm 15 quốc gia xuất khẩu nông sản lớn nhất thế giới, với kim ngạch xuất khẩu của nhóm nông, lâm, thủy sản 6 tháng đầu năm 2024 đạt 29,2 tỷ USD, tăng 19% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, tăng trưởng nông nghiệp được đánh giá là chưa bền vững, năng suất hiệu quả chưa cao...

TIN LIÊN QUAN