Thích ứng với tiêu chuẩn xanh trong xuất khẩu

(CL&CS) - Để duy trì vị thế xuất khẩu, các doanh nghiệp cần phải xanh hóa nền sản xuất và đảm bảo hàng hóa của Việt Nam có thể đáp ứng được các yêu cầu rất mới đi đầu của thị trường khó tính như EU.

Liên minh châu Âu (EU) hiện là đối tác thương mại hàng đầu, là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 của Việt Nam. Việt Nam hiện cũng là đối tác thương mại lớn nhất của EU trong khối ASEAN. Mối quan hệ thương mại quan trọng này đang đối mặt nhiều thách thức đặt ra trước tình hình kinh tế thế giới vẫn tiềm ẩn nhiều bất ổn, cùng xu hướng tăng cường các quy chuẩn thương mại xanh, bền vững từ EU, áp dụng cho các mặt hàng công nghiệp đến nông nghiệp. Đây là những "barie", hàng rào bảo hộ mới mà các doanh nghiệp Việt Nam phải hết sức quan tâm.

Theo bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương, doanh nghiệp cần quan tâm tới hướng dẫn số 79 của Ủy ban Châu Âu về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật được phép tồn dư trên sản phẩm nhập khẩu vào EU là rất thấp, gần như bằng 0.

Đồng thời họ cũng đưa ra những tiêu chí, giải pháp mà sẽ xử phạt rất nặng và gây tốn kém cho doanh nghiệp xuất khẩu. Thứ hai là quy định về chống mất rừng EUDR được EC thông qua ngày 16/5/2023. Theo đó sẽ cấm nhập khẩu các mặt hàng nông sản có quy trình sản xuất trên đất nguồn gốc từ phá rừng và gây suy thoái rừng. Ngoài ra, các yêu cầu nhà sản xuất phải tuân thủ đạo luật về thỏa thuận xanh, báo cáo phát thải carbon trong hàng hóa.

 Ảnh minh hoạ

Bên cạnh đó, Luật thẩm định chuỗi cung ứng sẽ bắt buộc công ty quản lý chặt chẽ về môi trường trong cả sản xuất và kinh doanh. Đây là những thách thức rất lớn để được hưởng các ưu đãi của Hiệp định thương mại tự do EVFTA mà Chính phủ Việt Nam đã ký với EU.

Theo Tổng cục Thống kê, 10 tháng năm 2023, giá trị xuất khẩu từ Việt Nam sang EU đạt hơn 36 tỷ USD. Để duy trì vị thế xuất khẩu, các doanh nghiệp cần xanh hóa nền sản xuất và đảm bảo được rằng hàng hóa của Việt Nam có thể đáp ứng các yêu cầu rất mới đi đầu của thị trường khó tính như EU.

Bà Nguyễn Thảo Hiền, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ (Bộ Công Thương) cho biết, để chuẩn bị đáp ứng các yêu cầu đó, doanh nghiệp Việt Nam phải lưu tâm hai "chìa khóa". Một là buộc phải thay đổi dần phương thức sản xuất, quy mô đầu tư và truy xuất nguồn gốc. Thứ hai, doanh nghiệp Việt Nam đang rất cần đó là công nghệ và chuyển giao công nghệ từ các doanh nghiệp của EU hay những nguồn nguyên liệu từ các nước đã có FTA với EU cung cấp nguồn nguyên liệu cho Việt Nam. Bởi vì, trong EVFTA, chúng ta có quy chế cộng gộp, tức là một nước nào có FTA với EU và xuất khẩu nguyên liệu sang Việt Nam thì nguyên liệu đó cũng được tính là có nguồn gốc xuất xứ từ Việt Nam.

Bà Hiền cho biết thêm, vấn đề của doanh nghiệp Việt Nam hiện nay là năng lực để đáp ứng yêu khắt khe từ phía các thị trường xuất khẩu khó tính như EU. Năng lực ở đây gồm năng lực về công nghệ, vốn và quy mô sản xuất. Đây là vấn đề lâu dài, không phải ngày một ngày hai mà doanh nghiệp có thể chuyển đổi ngay được. Phía EU hay các thị trường khác như Mỹ, Canada, Nhật... đều ý thức được điều này và đều đặt ra thời gian nhất định để các doanh nghiệp có thể chuyển đổi.

Ngoài ra, họ cũng đưa ra các gói hỗ trợ tài chính và công nghệ để cho Việt Nam và các nước đang phát triển khác có thể thích ứng các tiêu chuẩn mới. Điều này có lợi cho cả đôi bên bởi vì những thị trường như Việt Nam hay Đông Nam Á là nguồn cung không thể thiếu cho EU, Mỹ…

Do vậy, nếu đặt ra tiêu chuẩn cao, đòi hỏi quá nhiều và ngay một lúc nền kinh tế khác không thể đáp ứng được thì có thể gây nguy cơ đứt gãy chuối cung ứng. Nói như vậy cũng không có nghĩa, chúng ta chờ đợi sự giúp đỡ mà điều đầu tiên doanh nghiệp của Việt Nam cần làm ngay từ bây giờ là thay đổi từ trong tư duy sản xuất. Đó phải là một tư duy dài hạn.

TIN LIÊN QUAN