Lại thoát án hủy niêm yết?
Báo cáo tài chính chưa kiểm toán của PVX ghi nhận, công ty đạt gần 2.000 tỷ đồng doanh thu trong năm 2019 và lỗ 357 tỷ đồng. Cùng với kết quả doanh thu thấp nhất trong hơn 10 năm qua, PVX đang đối mặt với án hủy niêm yết bắt buộc sau 3 năm lỗ liên tiếp.
PVX từng là “con cưng” của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và là cổ phiếu ưa thích của giới đầu tư kể từ khi lên sàn năm 2009. Nhưng kể từ lần “trượt chân” vào năm 2013 đến nay, hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp này liên tục đi xuống, nhất là trong năm 2017. PVX là công ty con do PVN sở hữu trên 54% và là tổng thầu EPC của Nhiệt điện Thái Bình 2 - một dự án trọng điểm quốc gia đang dang dở.
Trong năm 2017 và 2018, PVX lỗ lần lượt 416 và 414 tỷ đồng. Tính đến cuối năm 2019, PVX lỗ lũy kế 3.887 tỷ đồng, trong khi vốn điều lệ là 4.000 tỷ đồng. Theo Nghị định 58/2012, chứng khoán của công ty đại chúng sẽ bị hủy niêm yết nếu kết quả sản xuất kinh doanh bị thua lỗ trong 3 năm liên tục hoặc tổng số lỗ luỹ kế vượt quá số vốn điều lệ thực góp. Như vậy, nếu báo cáo kiểm toán sắp tới của PVX không ghi nhận có lãi, PVX buộc phải hủy niêm yết.
Trong năm 2017 và 2018, PVX lỗ lần lượt 416 và 414 tỷ đồng. Tính đến cuối năm 2019, PVX lỗ lũy kế 3.887 tỷ đồng, trong khi vốn điều lệ là 4.000 tỷ đồng. |
Chuyện hủy niêm yết ở PVX là vấn đề khó đoán. Bởi trước đây, PVX từng đối mặt với án này nhưng lại thoát hiểm ngoạn mục vào phút chót. Cụ thể, PVX từng thua lỗ liên tiếp vào năm 2012 và 2013, năm 2014 cũng lỗ tiếp, đưa cổ phiếu này đến gần bờ vực. Tuy nhiên, báo cáo kiểm toán bất ngờ ghi nhận PVX lãi hơn 10 tỷ đồng trong năm 2014.
Hồi giữa năm 2019, tình hình của PVX đã rất trầm trọng khi công ty kiểm toán Deloitte từ chối đưa ra ý kiến kiểm toán. Deloitte cho biết, có nhiều vấn đề tại PVX mà họ không thể thu thập được đầy đủ bằng chứng để làm cơ sở đưa ra kết luận. Cụ thể, khả năng hoạt động liên tục của PVX bị nghi ngờ do có tới gần 1.122 tỷ đồng nợ quá hạn trong khi vốn lưu động thiếu hụt.
PVX đang cho công ty con là Khách sạn Lam Kinh vay 200 tỷ đồng nhưng kiểm toán viên không thể thu thập bằng chứng liên quan đến giá trị có thể thu hồi. Một số khoản góp vốn vào đơn vị khác đã được trích lập dự phòng nhưng kiểm toán viên cho rằng không thu thập được đủ bằng chứng về sự suy giảm giá trị của các khoản đầu tư.
Khó phá sản, sống vật vờ
Ngoài việc đối mặt án hủy niêm yết treo lơ lửng trên đầu, PVX cũng rơi vào diện có nguy cơ phá sản. Tính đến cuối năm 2019, tài sản ngắn hạn của PVX còn ít hơn cả nợ ngắn hạn, tương ứng 7.660 tỷ đồng với 8.473 tỷ đồng. Kể từ năm 2014 đến nay, tỷ lệ này luôn như vậy nhưng PVX vẫn hoạt động bình thường.
Ông Hoàng Thạch Lân, bộ phận tư vấn đầu tư thuộc Công ty Cổ phần Chứng khoán Rồng Việt (VDS) cho rằng, PVX sẽ khó phá sản. Các khoản nợ của PVX phần lớn liên quan đến các đơn vị thuộc PVN. Các đơn vị này cũng không có nhu cầu siết nợ PVX. Mặt khác, một doanh nghiệp chỉ lâm vào tình trạng phá sản khi có một chủ nợ siết nợ và yêu cầu phá sản đối với PVX. Chuyện này rất khó xảy ra, trước hết bởi vì PVX là một doanh nghiệp nhà nước.
Chuyện hủy niêm yết sắp tới rất khó đoán, quan trọng là PVX có muốn hủy niêm yết hay không. |
Chuyện hủy niêm yết sắp tới cũng rất khó đoán. Theo ông Lân VDS, quan trọng là PVX có muốn hủy niêm yết hay không. Thực tế năm 2014 cũng chứng minh điều đó. Về góc độ đầu tư, ông Lân khuyên nhà đầu tư nên thận trọng với cổ phiếu này. Thị giá của PVX hiện chỉ ở mức 1.000 đồng/cổ phiếu. Giá trị giao dịch mỗi ngày khoảng 1-2 triệu cổ phiếu, tương ứng 1-2 tỷ đồng/ngày. Giá trị này cho thấy thực tế hiện chỉ còn số ít nhà đầu tư nhỏ lẻ lướt sóng “cho vui”. Còn các nhà đầu tư lớn hoàn toàn đứng ngoài.
Vì là doanh nghiệp nhà nước nên PVX rất khó phá sản, PVX lại không thể tùy ý thoái vốn tại các công ty con và công ty liên kết, do sợ thất thoát vốn nhà nước. Cuối năm 2013, PVN đã phê duyệt kế hoạch tái cơ cấu PVX sau khoản lỗ ngàn tỷ của công ty thành viên này. Đến nay, so với danh mục 9 công ty con từ năm 2014, PVX vẫn giữ nguyên. Có 4 công ty con đáng lẽ PVX phải thoái hết vốn từ lâu nhưng vẫn không thể là PVC-IC, PVC-Mekong, PVC-MS và PVC-Petroland. Trước tình cảnh này, PVX cứ dùng dằng ở trên sàn với kết quả bết bát, không thể tự quyết định tương lai của mình.
Hoàng Yến