Ông Nguyễn Quốc Kỳ - Tổng Giám đốc Vietravel cho rằng "miếng bánh" hàng không ở Việt Nam còn nhiều phần ngon. (Ảnh: Internet). |
Tham vọng lập hãng bay riêng
Đầu năm 2019, công bố với truyền thông, Giám đốc Điều hành (CEO) Vietravel Nguyễn Quốc Kỳ cho rằng tiềm năng thị trường hàng không Việt Nam còn rất lớn và xu thế toàn cầu là các công ty lữ hành lớn đều tiến tới thành lập hãng bay riêng.
Ông Kỳ dẫn chứng, hiện có 68 hãng từ 25 nước và 5 hãng nội địa (Vietnam Airlines, VietJet, Jetstar, Vasco, Bamboo Airways) đang khai thác thị trường hàng không Việt Nam. Và các hãng bay quốc tế liên tục mở thêm đường bay mới đến Việt Nam.
Vị CEO này còn cho biết, Việt Nam hiện là thị trường hàng không phát triển nhanh thứ 5 thế giới, dự kiến phục vụ 150 triệu lượt khách vào năm 2035. Với quy mô dân số gần 100 triệu người và lượng khách du lịch quốc tế tăng đều hàng năm, đạt 15,5 triệu lượt, việc Việt Nam có 5 hãng hàng không là còn ít. Vì thế, cần phải tăng cường đầu tư, thành lập các hãng bay nội địa, tận dụng tốt những ưu thế sẵn có trên sân nhà để cân bằng cán cân thị trường hàng không.
Trước đó vào năm 2018, sau khi ký hợp tác với công ty du lịch lớn nhất Thượng Hải là Spring Tour, vị CEO của Vietravel được mời trải nghiệm dịch vụ của đối tác và rất ấn tượng khi biết công ty này sở hữu đến 137 máy bay. Ông Kỳ cho rằng các hãng du lịch lớn nước ngoài đang hoàn thiện hệ sinh thái của họ, và doanh nghiệp trong nước cần nằm trong xu hướng này. Chính vì thế Vietravel cũng phải hoàn thiện hệ sinh thái của mình để bước ra thế giới.
Bên cạnh thế mạnh trong lĩnh vực du lịch, những năm gần đây Vietravel nổi lên trong mảng khai thác các chuyến bay thuê bao nguyên chuyến (charter flight). Đây là các chuyến bay do đơn vị phối hợp với các hãng hàng không tổ chức để kết nối điểm du lịch với các sân bay nhỏ - nơi chưa có đường bay định kỳ. Chẳng hạn như đường bay Cần Thơ - Đà Lạt, Cần Thơ - Nha Trang, Cần Thơ - Bangkok (Thái Lan), Vinh - Bangkok, Huế - Bangkok...
Hầu hết các chuyến bay trên đều cất cánh với tỷ lệ khách trên 80%, nhiều chuyến đạt tới 100% khách. Sau thành công của doanh nghiệp, nhiều hãng hàng không đã mở đường bay định kỳ trên các đường bay charter của Vietravel, chẳng hạn tuyến TP.HCM - Phuket (Thái Lan), Đà Nẵng - Jeju (Hàn Quốc)...
Từ các chuyến bay charter và việc thành lập sàn bán vé máy bay, Vietravel tham vọng lấn sân sang lĩnh vực điều hành bay. Hiện, Vietravel Airlines (hãng hàng không do đơn vị đề xuất thành lập) đã được cấp giấy phép thành lập và đang trong quá trình xin cấp phép kinh doanh vận tải hàng không. Tuy nhiên, công ty không có ý định đợi mà sẽ vận hành ngay trong năm 2019 dựa trên việc khai thác khách đặt tour sẵn có của Vietravel. Như vậy, Vietravel Airlines sẽ tự tổ chức các chuyến charter cho Vietravel, thay vì đặt qua một hãng hàng không khác.
Trong định hướng này, Vietravel chịu trách nhiệm tập hợp lượng khách đặt mua tour charter, còn Công ty TNHH MTV Dịch vụ Vận chuyển Thế giới (WorldTrans) thuộc Vietravel đóng vai trò khai thác và lấy khách bên ngoài.
Trên thực tế, lữ hành là mảng có tỷ suất lợi nhuận thấp nhất trong toàn bộ chuỗi giá trị của du lịch. Vietravel là một trong danh sách top “10 công ty du lịch, lữ hành uy tín năm 2018” của Vietnam Report, với doanh thu đạt 7.476 tỷ đồng, phục vụ gần 852.000 khách (tăng 10% so với năm 2017). Tuy nhiên, lợi nhuận của doanh nghiệp lại thấp hơn nhiều so với các đơn vị đứng vị trí tiếp theo. Nguyên nhân là trong khi cơ cấu doanh thu của Vietravel đa phần dựa vào mảng lữ hành thì các doanh nghiệp lớn khác lại có nguồn thu lớn từ các dịch vụ khác trong ngành du lịch như đầu tư vào các khách sạn, kinh doanh nhà hàng, kinh doanh địa ốc, taxi...
Vietravel mơ lập hãng bay riêng với nhiều lợi ích, liệu có dễ? (Ảnh: Internet). |
Giấc mơ có thành hiện thực?
Tính đến thời điểm ngày 31/3/2019, tổng tài sản của Vietravel là 1.368 tỷ đồng và vốn chủ sở hữu chỉ 235 tỷ đồng. Phần lớn tài sản của công ty là các chi phí trả trước liên quan đến việc khai thác tour du lịch cùng các khoản phải thu khách hàng. Trong khi lượng tiền mặt tại thời điểm phải thu, trả của Vietravel là gần 168 tỷ đồng và tổng các khoản vay nợ là gần 100 tỷ đồng.
Theo Nghị định 92, mức vốn tối thiểu để thành lập hãng hàng không khai thác đến 10 máy bay và có đường bay quốc tế là 700 tỷ đồng. Mức vốn tối thiểu yêu cầu sẽ tăng tương ứng với số máy bay khai khác. Hãng có đường bay quốc tế, khai thác 11-30 máy bay cần có vốn tối thiểu 1.000 tỷ đồng và cần có vốn từ 1.300 tỷ đồng để khai thác trên 30 máy bay và có bay quốc tế.
Chưa nói đến vấn đề chuyên môn vận hành thì tiềm lực về tài chính của nhà đầu tư là điều kiện tiên quyết để một hãng bay thành công. Tuy nhiên, với bối cảnh hiện tại có lẽ việc lập một hãng bay riêng chưa phải thế mạnh của Vietravel.
Đáng nói hơn nữa, dù Vietravel Airlines được cấp đăng ký kinh doanh từ tháng 2/2019 nhưng tại thời điểm cuối quý 1 vẫn chưa xuất hiện thông tin nào về khoản góp vốn vào Vietravel Airlines trên báo cáo tài chính của chính doanh nghiệp này. Dù là doanh nghiệp lớn trong dịch vụ lữ hành nhưng quy mô vốn của Vietravel khá nhỏ do công ty ít huy động thêm vốn mới và lợi nhuận giữ lại hàng năm không nhiều. Năm 2018, với doanh thu trên 7.300 tỷ đồng nhưng lợi nhuận ròng chỉ có 54 tỷ đồng, tức tỷ suất lợi nhuận chỉ hơn 0,7%.
Như đã nói trên, vốn chủ sở hữu của Vietravel chỉ 235 tỷ đồng, nhỏ hơn nhiều so với vốn điều lệ tối thiểu 300 tỷ đồng Vietravel Airlines phải có, điều này đặt ra câu hỏi liệu Vietravel có đủ sức về tài chính để huy động ra 300 tỷ đồng góp đủ vốn cho Vietravel Airlines.
Thực tế thời điểm hiện tại, việc huy động vốn hoặc tìm một đối tác đồng hành không phải là chuyện quá khó với Vietravel. Tuy nhiên, với những yếu tố khách quan, từ việc cạnh tranh khá gay gắt giữa những cái tên đã và đang nổi trên đường bay Việt cộng với tiềm lực tài chính khiêm tốn đã tạo một áp lực không nhỏ lên Vietravel để hiện thực hóa giấc mơ Vietravel Airlines.
Nguyễn Ngọc