Số doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng còn khiêm tốn
Hiện nay, quá trình toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế đang diễn ra mạnh mẽ ở Việt Nam. Trong quá trình vận hành của toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế, chuỗi cung ứng toàn cầu có vai trò quan trọng, là phương thức không thể thiếu, được ví như tuyến "huyết mạch" của nền kinh tế.
Kể từ khi các chính sách mở cửa thương mại và đầu tư nhất quán mở đường cho xuất khẩu được áp dụng, Việt Nam đã và đang là thành viên tích cực của chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng toàn cầu. Hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam liên tục có sự tăng trưởng, trở thành điểm sáng của nền kinh tế.
Bà Trần Thị Thanh Tâm, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, VCCI cho biết, mặc dù nước ta nổi lên như một quốc gia sản xuất chuyên về các chức năng lắp ráp ở Châu Á và được đánh giá là một điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư nước ngoài, song có một thực tế, trong các chuỗi sản xuất sản phẩm, Việt Nam vẫn đang ở vị trí thấp do tập trung vào các công đoạn gia công, lắp ráp ... là những khâu mang lại giá trị gia tăng thấp nhất. Dù tham gia ngày càng nhiều hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu, nhưng nước ta tham gia dưới vai trò bên sử dụng sản phẩm nhiều hơn là vai trò cung ứng.
“Để bắt kịp và tận dụng tốt những cơ hội của những xu hướng chuyển dịch nói trên, nhằm nâng cao cơ hội tham gia vào các chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng toàn cầu với vai trò là các nhà cung ứng, cũng như tăng cường năng lực xuất khẩu của Việt Nam, các doanh nghiệp cần nâng cao sức chống chịu và khả năng cạnh tranh; thích ứng linh hoạt, hiệu quả với những biến động tình hình quốc tế, khu vực và trong nước. Cần chủ động hòa nhịp với xu hướng tái định hình và vận hành chuỗi cung ứng toàn cầu nhằm tận dụng các cơ hội, giảm thiểu rủi ro, xử lý những bất cập và thách thức đối với nền kinh tế”, bà Trần Thị Thanh Tâm nêu rõ.
Theo thống kê, cả nước đang có khoảng 418 khu công nghiệp, trong đó có 298 khu công nghiệp đi vào hoạt động với tổng diện tích khoảng 92,2 nghìn ha. Đây được xem là dư địa cũng như cơ hội lớn cho các DN phát triển, liên kết. Tuy nhiên hiện có tới 98% DN Việt Nam có quy mô nhỏ và vừa. Mặc dù có nhiều đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội nhưng đa phần trong số đó chưa tham gia vào chuỗi giá trị, chuỗi sản xuất của các DN lớn, tập đoàn đa quốc gia.
Thống kê từ Bộ Công thương cũng cho thấy, cả nước có khoảng 5.000 DN chế biến tham gia cung cấp linh kiện, phụ tùng cho nhóm ngành hàng ô tô, cơ khí. Trong đó, 70% DN tham gia cung cấp cho các nhà sản xuất trong nước, 8% cung cấp cho nhà xuất khẩu và 17% là tham gia cung cấp cho cả hai. Như vậy, mới có khoảng 30% DN công nghiệp hỗ trợ Việt Nam tham gia được vào chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu.
Nâng tầm thương hiệu Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu
Theo nhiều chuyên gia kinh tế, việc đổi mới sáng tạo, thực hiện các giải pháp áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, ứng dụng hiệu quả khoa học công nghệ vào sản xuất, kinh doanh sẽ thúc đẩy hoạt động tăng năng suất lao động. Đồng thời, nâng cao chất lượng sản phẩm, sức cạnh tranh, gia tăng uy tín của doanh nghiệp để giữ được khách hàng cũ, thu hút khách hàng mới, sẽ giúp doanh nghiệp tiếp cận thị trường rộng lớn, từ đó nâng tầm thương hiệu Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Cùng với đó các DN cũng phải chủ động hòa nhịp với xu hướng tái định hình và vận hành chuỗi cung ứng toàn cầu nhằm tận dụng các cơ hội, giảm thiểu rủi ro, xử lý những bất cập và thách thức đối với nền kinh tế.
Chủ tịch Hội đồng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế châu Á, Thái Bình Dương nhấn mạnh, mỗi DN cần xây dựng được thương hiệu cho riêng mình. Đây chính là chìa khóa giúp DN tạo ra sự khác biệt, chuyển từ xuất khẩu theo cung và cầu sang kinh doanh theo hướng bền vững.
Đề cập đến chính sách hỗ trợ cho DN, ông Lưu Văn Đại - Giám đốc Công ty cổ phần Metal Heat Việt Nam cho biết, dù nhận thấy nhiều cơ hội khi tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu của các tập đoàn là rất lớn nhưng để biến nó thành hiện thực với DN không hề đơn giản. Tiếp cận công nghệ tiên tiến trên thế giới không phải chuyện khó của DN Việt Nam. Vấn đề đau đầu nhất mà hầu hết DN cơ khí Việt Nam gặp phải là nhu cầu về vốn. Chính vì vậy, DN rất cần sự hỗ trợ vốn, chính sách tiếp cận vốn thông thoáng từ Nhà nước.
Bên cạnh sự chủ động, nỗ lực của DN, theo TS. Lê Huy Khôi - Trưởng phòng Quản lý khoa học và đào tạo, Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách công thương (Bộ Công thương), để nâng cao năng suất, chất lượng cũng như nâng sức cạnh tranh cho các DN trong nước, Nhà nước cần hỗ trợ đổi mới sáng tạo theo hướng tập trung vào nâng cao năng lực của DN, sở hữu trí tuệ và tình hình tài chính của DN khởi nghiệp. Đồng thời có các chính sách hỗ trợ đào tạo DN, đặc biệt là các DN nhỏ và vừa, về cách sử dụng công nghệ tốt nhất. Những chính sách này sẽ thay đổi khi năng lực công nghệ của các DN được cải thiện và phát triển.
Theo TS. Lê Huy Khôi, Việt Nam cũng cần thúc đẩy hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) các ngành công nghiệp mới để nâng cao đường biên công nghệ; cần tăng mạnh kinh phí cho hoạt động R&D trong thời gian tới, trước hết từ ngân sách nhà nước, đồng thời có cơ chế khuyến khích cao cho đầu tư vào R&D của doanh nghiệp nội và doanh nghiệp FDI.